Kinh tế trang trại: Thừa tiếng thiếu miếng

07:05, 12/05/2013
.

(QNg)- Phát triển kinh tế trang trại đang được xem là đáp án của bài toán tạo việc làm, sản xuất hàng hóa, tăng thu nhập cho nông dân trong tiến trình xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, dường như loại hình kinh tế này đang chết dần vì ngoài cái tiếng ra, nó không có “miếng” để nuôi dưỡng và duy trì sự sống.

TIN LIÊN QUAN


 Toàn tỉnh hiện chỉ còn 39/360 cơ sở sản xuất (CSSX) đáp ứng những tiêu chí mới về trang trại theo quy định của Thông tư 27 của Bộ NN&PTNT (23 trại chăn nuôi và 16 trại sản xuất tổng hợp). Trong đó, chỉ có 15 CSSX được cấp giấy chứng nhận trang trại (CNTT). Điều đáng nói là, dù đạt doanh thu ổn định từ 400 - 700 triệu đồng/năm nhưng hiện nay, không ít CSSX đã và đang đứng trước nguy cơ đóng cửa do… không đủ chuẩn!

Chuẩn mới kìm hãm trang trại phát triển

“Không được tiếp cận chính sách hỗ trợ của Nhà nước, chúng tôi phải tự bơi giữa biển khó. Vậy mà quy định mới lại nâng doanh thu cơ sở chăn nuôi phải đạt từ 1 tỷ đồng/năm trở lên thì chẳng khác nào ép chúng tôi tự nguyện… bỏ trang trại sau bao nhiêu năm gầy dựng”, anh Võ Văn Tình - Chủ trang trại nuôi heo ở xã Hành Thiện (Nghĩa Hành) bức xúc khi luận bàn về những tiêu chí xác định trang trại theo nội dung của Thông tư 27.

 

Để tồn tại, cơ sở chăn nuôi phải liên kết làm ăn theo kiểu gia công cho doanh nghiệp.
Để tồn tại, cơ sở chăn nuôi phải liên kết làm ăn theo kiểu gia công cho doanh nghiệp.


Theo lý giải của anh Tình, giữa thời buổi kinh tế khó khăn như hiện nay, thì việc duy trì và phát triển một trại chăn nuôi đạt doanh thu từ 500- 700 triệu đồng/năm đã là chuyện không hề đơn giản, nói gì đến 1 tỷ. Đã thế, những chính sách hỗ trợ của Nhà nước, mà chủ yếu là các nguồn vốn vay ưu đãi dường như không đến được tay người dân bởi có quá nhiều ràng buộc: Từ “cặp vé thông hành” là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) và CNTT đến việc chứng minh quy mô, hiệu quả sản xuất. Đơn cử như trường hợp của ông Trương Nuôi ở xã Phổ Thạnh (Đức Phổ). Với quy mô diện tích 30 ha, doanh thu đạt trên 700 triệu đồng/năm từ trồng trọt và chăn nuôi thì CSSX này đủ điều kiện để được cấp giấy CNTT. Tuy nhiên, trong thời gian chờ đợi cấp giấy, nó đã bị “chết yểu”. Nguyên do có nhiều, nhưng cốt yếu là bởi chủ nhân của nó đã cạn lực khi giấy CNTT sẽ bị tuột khỏi tay, hy vọng được tiếp cận nguồn vốn ngân hàng để duy trì sự sống cho cơ sở cũng bị dập tắt.

Hiện nay một phần diện tích đất lâm nghiệp của cơ sở này vừa bị thu hồi để phục vụ xây dựng công trình đập dâng Hố Xoài, dẫn đến doanh thu bị sụt giảm. Hơn nữa, việc sản xuất và tiêu thụ hàng nông sản đang gặp rất nhiều khó khăn khiến ông chủ một thời ăn nên làm ra này phải lao đao, chẳng biết tìm đâu ra vốn để đầu tư quay vòng.

Vay ngân hàng? Đó là điều không chỉ ông Nuôi mà hầu hết các chủ CSSX đều cảm thấy “khó như lên trời” dù rất muốn!. Bởi điều kiện tiên quyết để được các ngân hàng cho vay vốn là các CSSX phải có đồng thời giấy CNTT và CNQSDĐ. Yêu cầu này đã làm khó người dân. Vì để có đủ “cặp vé” trên, họ phải gỡ quá nhiều “nút” vượt khả năng của mình. Vì vậy chẳng có gì khó hiểu khi hiện giờ, chỉ có 2/39 CSSX tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi dành cho loại hình kinh tế trang trại.

Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”

“Kinh tế trang trại đã và đang đóng vai trò rất lớn trong việc cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho nông dân”, ông Lương Đình Doanh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, Sở NN&PTNT khẳng định. Cụ thể là: Tạo sản phẩm hàng hóa, kích thích hoạt động sản xuất nông nghiệp; tạo việc làm cho lao động nông thôn với thu nhập từ 2 - 4 triệu đồng/tháng, tăng thu nhập và giảm nghèo bền vững với doanh thu đạt từ 400 triệu đến 5 tỷ đồng/năm. Điển hình như ông chủ trẻ Võ Văn Tình.

Từ hai bàn tay trắng, anh Tình đã gầy dựng một cơ ngơi khá đồ sộ với mô hình chăn nuôi tổng hợp, mỗi năm thu hơn 1 tỷ đồng. CSSX này đã tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 5 lao động địa phương với thu nhập 3,6 triệu đồng/người/tháng. Thừa thắng xông lên, anh Tình tính chuyện mở rộng quy mô sản xuất nhưng thiếu vốn.

“Khát vốn” là căn bệnh trầm kha không chỉ với riêng các CSSX. Hiểu điều này, không ít CSSX đã chủ động và tự tìm cách cứu mình bằng việc liên kết với các doanh nghiệp (DN). Xét trên khía cạnh nào đó, sự phối hợp này sẽ là cơ hội để người dân tiếp cận và làm quen với phương thức tổ chức sản xuất quy mô, chuyên nghiệp.

Tuy nhiên, vì phải tự thân vận động, lại hợp tác theo kiểu tự phát nên các chủ CSSX rất dễ bị DN ràng buộc và chi phối. Một khi chăn nuôi đã bị DN thâu tóm, thì không khó để họ làm giá ở thị trường, vì họ chủ động từ khâu sản xuất đến tiêu thụ. Vậy thì lúc ấy, liệu những cơ sở chăn nuôi quy mô nhỏ có sống nổi?

Nếu các ngành chức năng không nhanh chóng can thiệp, sớm tìm ra giải pháp, giúp đỡ các CSSX bằng cách trực tiếp lựa chọn và hợp đồng với DN cung cấp nguyên liệu đầu vào, bao tiêu đầu ra, thì hậu họa về sau sẽ rất khó lường. Do vậy vấn đề đặt ra hiện nay là cần phải phục hồi loại hình kinh tế trang trại bằng những cơ chế chính sách cụ thể, phù hợp với từng địa phương, tạo động lực để kinh tế trang trại phát triển.
 

*Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tịnh Bùi Bình: “Tỉnh cần có “chính sách mở” cho kinh tế trang trại”.
Theo chuẩn mới, huyện Sơn Tịnh chỉ có 6/56 CSSX đủ tiêu chí trở thành trang trại, trong đó có 2 trang trại đã được cấp giấy CNTT. 50 trang trại cũ không đạt chuẩn sẽ bị thu hồi giấy CNTT. Nếu thực thi, nó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như tâm lý người dân. Bởi, việc làm này sẽ đẩy các trang trại rơi vào bước đường cùng vì phải đứng ngoài cuộc mọi cơ chế chính sách hỗ trợ, ưu tiên của Nhà nước như: Thuế, thời hạn sử dụng đất, vốn ưu đãi… Thế nên, để những trang trại này không rơi vào cảnh chết dần chết mòn, tỉnh nên giải cứu bằng cách chuyển đổi chúng thành loại hình kinh tế khác - chẳng hạn như kinh tế vườn.

*Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Đức Phổ Trần Thanh Hòa: “Quy định “vênh”, dân lãnh đủ”.
Theo quy định thì mỗi hộ không được cấp quá 30 ha đất lâm nghiệp, nhưng Thông tư 27 lại quy định, CSSX lâm nghiệp phải có diện tích tối thiểu 31 ha. Sự “vênh” này khiến không ít CSSX lâm nghiệp rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan” vì kiếm đâu ra diện tích để bù vào phần thiếu hụt? Vì vậy, dù đủ năng lực tài chính nhưng một số CSSX lâm nghiệp cũng ngậm ngùi rời xa cái tên “trang trại” do không đủ mức hạn điền theo tiêu chí mới! Nghịch lý này đã tác động tiêu cực và kìm hãm sự phát triển của các cơ sở này. Bởi thực tế, không hiếm trang trại lâm nghiệp (cũ) vẫn ăn nên làm ra, doanh thu ổn định và có những đóng góp tích cực cho địa phương dù quy mô chỉ 10 ha.

*Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Nghĩa Hành Trần Văn Hường: “Nhà nước phải giữ vai trò đầu mối trong liên kết “4 nhà””.
Nói là liên kết “4 nhà” nhưng thực tế chỉ có nhà nông và DN là thường xuyên gặp nhau để tìm hiểu, rồi bắt tay sản xuất, còn “2 nhà” then chốt là Nhà nước và nhà khoa học thì khá mờ nhạt. Điều này khiến cho sự hợp tác giữa DN và nhà nông kém bền vững do lợi nhuận thường thiên về phía DN. Còn khi xảy ra rủi ro, tranh chấp thì nhà nông lại một mình bơ vơ đối mặt và gánh chịu phần thua thiệt. Thế nên dù đã gánh trên lưng hàng trăm cái khó, nhưng nông dân vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ tích cực vì nguy cơ thua lỗ, thất bát, chèn ép luôn rình rập.

*Chủ tịch UBND xã Hành Thiện (Nghĩa Hành) Mai Duy Tuấn: “Thủ tục vay vốn cần thay đổi cho phù hợp với điều kiện thực tế”.
Vốn vay phục vụ phát triển kinh tế trang trại không thiếu nhưng lại thiếu người vay. Xảy ra nghịch lý này là do những rào cản về thủ tục hành chính. Việc đánh giá, cấp giấy CNTT và giấy CNQSDĐ cho các CSSX trải qua những thủ tục rườm rà, nhiêu khê, lại chưa nhận được sự quan tâm tích cực từ phía ngành chức năng. Trong khi đó phía ngân hàng lại yêu cầu chủ CSSX phải nộp đủ “cặp vé” trên dù họ đã năm lần bảy lượt chứng minh năng lực tài chính và hiệu quả sản xuất kinh doanh của mình.

*Chủ trang trại Nguyễn Văn, xã Bình An (Bình Sơn): “Có tiếng không chưa đủ”.     
Tôi nghe Nhà nước bảo sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để kinh tế trang trại phát triển, giúp người dân tăng thu nhập, vươn lên làm giàu. Kèm theo lời hứa ấy là rất nhiều chính sách hỗ trợ, ưu đãi... Thế nhưng, từ trước đến nay, cơ sở chăn nuôi của tôi đã có được “miếng” nào từ đó đâu.

 

Mỹ Hoa
 


.