Đổi mới công nghệ: Chính sách có, vì sao doanh nghiệp chẳng mặn mà?

11:05, 26/05/2013
.

(QNg)- Năm 2011, UBND tỉnh có Quyết định phê duyệt Chương trình khoa học công nghệ (KHCN) hỗ trợ doanh nghiệp (DN) tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2011- 2015. Trong đó, quy định mức hỗ trợ cho DN đổi mới công nghệ từ nguồn ngân sách tỉnh là 30% tổng giá trị kinh phí thực hiện dự án, nhưng không quá 500 triệu đồng/dự án. Tuy nhiên, sau hơn 2 năm, không có DN nào tham gia chương trình hỗ trợ đổi mới công nghệ của tỉnh.

TIN LIÊN QUAN


Theo Sở KHCN, mỗi năm ngân sách tỉnh cấp cho sự nghiệp KHCN khoảng 10 tỷ đồng. Đây chưa phải là số tiền quá lớn, nhưng hoàn toàn có thể giúp nhiều DN vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh thực hiện đổi mới công nghệ. Tuy nhiên, từ khi có chương trình hỗ trợ DN đổi mới công nghệ, thì Sở KHCN chưa nhận được hồ sơ đăng ký nào, dù sở đã liên tục thông báo rộng rãi chủ trương này đến các DN.

Chưa mặn mà

 

 Công ty CP cơ khí  và xây lắp An Ngãi là DN thường xuyên có những cải tiến kỹ thuật công nghệ.
Công ty CP cơ khí và xây lắp An Ngãi là DN thường xuyên có những cải tiến kỹ thuật công nghệ.



Những năm gần đây, các Nhà máy trực thuộc Công ty Cổ phần (CTCP) Đường Quảng Ngãi rất tích cực đầu tư đổi mới công nghệ, nhằm tạo ra các sản phẩm có tính cạnh tranh cao. Trước năm 2008, Nhà máy sữa đậu nành Việt Nam (Vinasoy) sử dụng công nghệ lạc hậu, công suất nhỏ, trong khi chi phí vận hành lớn. Năm 2009, CTCP Đường Quảng Ngãi đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để mua sắm, đổi mới thiết bị sản xuất cho Vinasoy. Ông Huỳnh Sơn Hải- Phó Giám đốc Vinasoy, cho biết: Hiện nay, công suất của Vinasoy đã lên đến 130 triệu lít/năm, tăng gấp 5 lần so với trước năm 2008. Nhờ đầu tư dây chuyền máy móc hiện đại, sản phẩm làm ra có chất lượng tốt, giữ được thị trường, Vinasoy đã chiếm được lòng tin của người tiêu dùng và trở thành thương hiệu dẫn đầu về sản phẩm đậu nành trong bao bì giấy. Ngoài ra, từ khi đổi mới công nghệ, lượng nước tiêu thụ đã giảm 4 lần, điện năng sử dụng giảm 2 lần. Với số vốn đầu tư rất lớn, nhưng CTCP Đường Quảng Ngãi không có nhu cầu nhận hỗ trợ vốn từ ngân sách tỉnh để đổi mới công nghệ, mà chỉ sử dụng vốn của DN.

Hầu hết các DN đều cho rằng, đổi mới công nghệ là yếu tố quyết định đến chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất. Do đó, muốn tăng khả năng cạnh tranh của DN trên thị trường, đổi mới công nghệ là con đường không thể khác. Nhưng để nhận sự giúp đỡ từ nguồn ngân sách tỉnh thì các DN lại chưa… “sẵn sàng”. Một chủ DN phân tích: Trong chương trình hỗ trợ DN đổi mới công nghệ có quy định, DN được hỗ trợ phải tạo ra sản phẩm có giá trị tăng cao, có khả năng cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại trên thị trường. Đây là những chỉ tiêu mà các DN không dễ gì chứng minh được chỉ trong vài ngày hay vài tháng. Một sản phẩm muốn có sức cạnh tranh cao cần phải mất rất nhiều thời gian và cả sự may rủi. Do đó, các DN rất ngại tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước vì chưa dám chắc công nghệ mới có tạo ra được sản phẩm “thắng lớn” hay không.
 

 Sở KHCN cho biết, mặc dù trình tự thủ tục xin hỗ trợ vốn đổi mới công nghệ không quá phức tạp nhưng DN cũng phải phù hợp nhiều tiêu chí định sẵn. Bởi chương trình hỗ trợ vốn đổi mới công nghệ là chương trình hỗ trợ có mục tiêu và chỉ áp dụng cho các DN đã đi vào sản xuất.

Còn đắn đo

Có rất nhiều yếu tố “cản trở” quá trình đổi mới công nghệ của các DN đã được các chuyên gia chỉ ra. Theo thống kê, Quảng Ngãi hiện có khoảng 3.800 DN, nhưng chủ yếu vẫn là DN dịch vụ, xây dựng, còn DN sản xuất rất ít. Khảo sát cho thấy một thực tế, trình độ của đa số công nhân kỹ thuật trong các DN hiện mới chỉ hạn chế ở năng lực tiếp thu và vận hành những công nghệ sẵn có một cách thụ động. Năng lực lựa chọn và làm chủ công nghệ kèm theo một số cải tiến nhỏ còn yếu kém.

Không những thế, hầu hết DN đều cho rằng nhân tố tác động lớn nhất là thiếu vốn. Khi muốn đổi mới công nghệ, DN rất cần vốn vay của ngân hàng. Mỗi dự án xin vay vốn đổi mới công nghệ phải mất nhiều thời gian nghiên cứu, thẩm định và phê duyệt. DN cũng thiếu cả nhân lực và sự tư vấn cần thiết về công nghệ, không xây dựng được phương án khả thi để có thể mạnh dạn đầu tư. Ông Nguyễn Quan Hoàng- Tổng Giám đốc Công ty Điện tử Foster (KCN Tịnh Phong), chỉ ra rằng: Thực tế hiện nay các DN đều gặp khó khăn về vốn và huy động vốn cho đầu tư sản xuất kinh doanh cũng như đổi mới công nghệ. Trong khi đó, thị trường vốn trung và dài hạn của các ngân hàng lại chưa phát triển, chưa có tác dụng hỗ trợ DN. Một số quy định hiện hành về cho vay vốn còn bất cập hoặc đòi hỏi lãi suất cho vay quá cao nên không khả thi đối với DN, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa.

Còn kỹ sư Nguyễn Vỹ Thiên- Trưởng phòng Kỹ thuật Công nghệ (Công ty CP cơ khi và xây lắp An Ngãi) thì cho rằng: Mỗi quy trình công nghệ có tuổi thọ ít nhất từ 5- 10 năm. Hơn nữa, với những nỗ lực cải tiến kỹ thuật, tuổi thọ của công nghệ có thể kéo dài được lâu mà hiệu quả sản xuất ngày càng được nâng cao. Do đó không phải lúc nào DN cũng sẵn sàng đổi mới công nghệ.
 

* Ông Trần Chấn Diệp- Giám đốc Sở KHCN:
Khi chính sách hỗ trợ DN đổi mới công nghệ đã có nhưng lại không thu hút được DN nào tham gia, khiến chúng tôi rất trăn trở. Nhưng cũng phải thừa nhận, phần lớn DN trên địa bàn tỉnh có nguồn lực đổi mới công nghệ yếu và sản phẩm của các DN cung ứng ra thị trường rất ít. Chỉ có vài ba DN là có nhu cầu đổi mới công nghệ mạnh mẽ như: CTCP Đường Quảng Ngãi, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Dosan Vina... nhưng đây là các DN có quy mô lớn và đều có quỹ phát triển KHCN riêng. Do đó các DN này không mặn mà với nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách tỉnh. Còn đối với các DN vừa và nhỏ, quá trình đầu tư đổi mới công nghệ có thể gặp rất nhiều rủi ro như thời gian hoàn vốn kéo dài, sản phẩm không thu hút được người tiêu dùng. Đặc biệt, Chương trình KHCN hỗ trợ DN ra đời trong thời điểm nhiều DN đang đối mặt với khó khăn, thách thức. Không ít DN sản xuất kinh doanh đình trệ, sản phẩm tiêu thụ chậm, hàng tồn kho tăng kéo theo nợ xấu ngân hàng ngày càng cao. Trong thời điểm hiện tại, DN đang nỗ lực cứu mình, ít quan tâm đến chuyện đổi mới công nghệ. Trong thời gian đến, Sở KHCN sẽ tập trung vận động các DN sản xuất gạch thay đổi thiết bị để sản xuất gạch không nung, phù hợp với quy định của Thủ tướng Chính phủ về việc sử dụng vật liệu không nung trong các công trình xây dựng.

* Ông Lê Quang Vinh- Giám đốc Nhà máy bánh kẹo Quảng Ngãi (Biscafun):
Trong những năm qua, Biscafun đã đầu tư gần 20 tỷ đồng để lắp đặt thiết bị phân tích bán chế phẩm trên dây chuyền sản xuất, thiết bị bảo quản sản phẩm; đồng thời, xây dựng thêm hai dây chuyền sản xuất kẹo cao cấp để tăng sản lượng. Đầu tư nâng cao năng lực sản xuất và cải tiến chất lượng sản phẩm, mỗi năm cung ứng cho thị trường khoảng 700 ngàn tấn bánh kẹo các loại. Để ổn định sản xuất và phát triển, lãnh đạo nhà máy thực hiện cùng lúc ba yếu tố cơ bản là: Đầu tư chiều sâu về thiết bị công nghệ để tạo ra dòng sản phẩm khác biệt chất lượng cao; đầu tư nguồn nhân lực tại chỗ và bảo đảm uy tín bằng thương hiệu Biscafun cho người tiêu dùng. Dù các hoạt động của nhà máy cần rất nhiều vốn, nhưng CTCP Đường là DN được trích tối đa 10% thu nhập trước thuế để xây dựng Quỹ Phát triển KHCN nhằm thực hiện các hoạt động như: Đổi mới công nghệ; thực hiện các đề tài, dự án KHCN... nên Công ty chưa nghĩ đến khoản hỗ trợ của Nhà nước.

* Ông Trần Đức Dũng- Giám đốc Công ty CP Phân hữu cơ Quảng Ngãi (HUMIC):
Đối với các DN sản xuất phân bón như HUMIC, để tạo ra một sản phẩm mới, chúng tôi tốn rất nhiều thời gian và chi phí cho nghiên cứu khảo nghiệm, nhưng khi đưa vào sản xuất đại trà, các DN khác có thể “chôm” ngay công thức, không tốn kinh phí để nghiên cứu. Dĩ nhiên chúng tôi có đăng ký độc quyền công thức của mình, nhưng chỉ cần sửa công thức một chút là họ đã lách được luật. Trong thời gian tới, Nhà nước cần tạo cơ chế gắn kết giữa DN và các tổ chức nghiên cứu triển khai công nghệ. Đồng thời, Nhà nước cũng cần có chính sách khuyến khích hình thành các tổ chức cung cấp và thông tin công nghệ, để giúp các DN có cơ hội cập nhật, lựa chọn và xác lập phương án đổi mới công nghệ tốt nhất.

* Ông Trần Khắc Nguyên- Giám đốc Công ty TNHH Phú Điền:
Các DN sản xuất gạch, ngói rất cần vốn đầu tư, đổi mới công nghệ để tạo ra những dòng sản phẩm bền, đẹp. Do đó, khi tỉnh có chính sách hỗ trợ để DN đổi mới công nghệ là một tin vui đối với DN. Tuy nhiên, để đáp ứng các tiêu chí của chương trình mới là điều làm chúng tôi ngại tiếp cận nguồn vốn này. Ví dụ, khi Công ty Phú Điền đầu tư dây chuyền sản xuất mới, hiện đại cho năng suất xấp xỉ 45 triệu viên/năm, thì chúng tôi cần nguồn vốn lên đến 40 tỷ đồng. So với số tiền này thì khoản hỗ trợ của Nhà nước còn nhỏ, lại kèm theo nhiều thủ tục hành chính, thời gian chờ đợi. Đối với DN, chỉ cần chậm vài tháng là ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh ngay. Do đó, với số vốn hỗ trợ tương đối nhỏ, các DN vẫn thích chọn phương án tự thân vận động hơn.

 

Nguyễn Triều

 


.