Ứng cứu sự cố tràn dầu: Lo là vừa

09:12, 08/12/2012
.

(QNg)- Sự cố về tràn dầu đã xảy ra tại vùng biển Quảng Ngãi với tần suất “dày” hơn trong thời gian gần đây. Do vậy, vấn đề ứng cứu sự cố tràn dầu cần được đặt ra một cách nghiêm túc. Nếu không, những sự cố này có thể gây ra thảm họa về môi trường…

TIN LIÊN QUAN


Mới đây, tại khu vực biển ở bến số 1, cảng Dung Quất - KKT Dung Quất, thuộc địa bàn xã Bình Thuận (Bình Sơn), tàu Racer Expresss có trọng tải 43.000 tấn khi đang neo đậu để vận chuyển dăm gỗ xuất khẩu, trong lúc bơm dầu cặn từ các hầm chứa trong tàu thì xảy ra sự cố ống bơm bị vỡ, khiến 1.000 lít dầu tràn ra biển.

 

  Đội ứng cứu sự cố tràn dầu PTSC sử dụng phao quay không cho dầu loang do tàu Racer Expresss (quốc tịch Panama) gây tràn dầu tại cảng Dung Quất vào tháng 11/2012.
Đội ứng cứu sự cố tràn dầu PTSC sử dụng phao quay không cho dầu loang do tàu Racer Expresss (quốc tịch Panama) gây tràn dầu tại cảng Dung Quất vào tháng 11/2012.



Ngay sau khi sự cố xảy ra, đội ứng cứu sự cố tràn dầu của Công ty CP Dịch vụ Dầu khí Quảng Ngãi PTSC (đơn vị quản lý, khai thác cảng Dung Quất) đã huy động lực lượng triển khai công tác ứng cứu, cùng với sự phối hợp của Bộ đội Biên phòng, Công an KKT Dung Quất và chính quyền xã Bình Thuận, đã khoanh vùng, khống chế và xử lý dầu tràn, không cho dầu loang rộng trên biển. Phải mất hơn một ngày, số dầu tràn mới  được lực lượng chức năng xử lý xong. Sau khi thu vét lượng dầu tràn, đội ứng cứu sự cố tràn dầu đã dùng xà phòng tẩy rửa vệ sinh toàn bộ khu vực cảng Dung Quất. Lượng dầu FO bị tràn ra ngoài đã được thu gom, được xử lý theo quy trình để không gây ô nhiễm môi trường.

Trước đó, tháng 11/2010, tàu chở dầu Jian Mao 9 (Trung Quốc) trên đường từ Malaysia đến Trung Quốc bị chìm cách huyện đảo Lý Sơn 72 hải lý. Trên tàu còn 80 tấn dầu FO, 20 tấn dầu DO, 200 lít dầu LO, gây nguy cơ xảy ra sự cố tràn dầu trên vùng biển miền Trung.

Cách đó hai năm, vào 11/2008, trong khi đang bơm dầu từ tàu EAGLE MILWAUKEE (quốc tịch Singapore) trọng tải 85 nghìn tấn vận chuyển 52.500 tấn dầu DO nhằm phục vụ cho công tác chạy thử Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã cập vào cảng rót dầu không bến (SPM) của nhà máy tại vịnh Việt Thanh. Do sóng quá to đã làm đứt khớp nối đường ống nối từ tàu vào SPM gây nên sự cố tràn dầu từ đường ống này ra vùng biển vịnh Việt Thanh, xã Bình Trị (Bình Sơn). Ban Quản lý dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất cùng với nhà thầu chính Technip và các ngành chức năng của tỉnh đã phải tập trung lực lượng ứng cứu chống tràn dầu, cô lập, khoanh vùng lượng dầu tràn ra biển, thu hồi tối đa lượng dầu tràn…

Có thể nói, tại vùng biển Quảng Ngãi, sự cố tràn dầu đang tiềm ẩn những nguy cơ khó lường. Bởi, đây đang là một trong những trọng điểm về lọc hóa dầu của cả nước. Hơn nữa, với sự phát triển kinh tế của Quảng Ngãi và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung trong những năm gần đây đã “kéo” một lượng lớn tàu thuyền ra vào cảng Dung Quất để xuất nhập hàng hóa, thiết bị…

Theo Cảng vụ Quảng Ngãi, đến hết tháng 11 năm 2012, có 1.398 tàu biển cập cảng, trong đó có 1177 tàu nước ngoài, 221 tàu Việt Nam. Còn trong năm 2011, đã có 1420 tàu cập các cảng ở Dung Quất để nhập các mặt hàng dầu thô, sắt thép, máy móc thiết bị và xuất khẩu tinh bột mì, dăm gỗ, máy móc thiết bị, polypropylene… Riêng về nhập dầu thô, kể từ khi NMLD Dung Quất đi vào vận hành đến tháng 10 năm 2012 đã có 239 tàu vận chuyển dầu thô (mỗi tàu vận chuyển 80 nghìn tấn dầu) về Dung Quất để cung cấp cho NMLD.

Hiện nay, chi phí khắc phục cho sự cố tràn dầu là rất lớn, tùy theo mức độ tràn dầu, loại dầu tràn, và khu vực gần bờ hay xa bờ. Vụ tàu Racer Express (quốc tịch Panama), đã được UBND tỉnh Quảng Ngãi xử phạt với số tiền 15 triệu đồng vì hành vi gây tràn dầu ra khu vực biển cảng Dung Quất - KKT Dung Quất, nhưng chi phí mà chủ tàu bỏ ra để khắc phục còn lớn hơn nhiều. Song một vấn đề nguy hại hơn là, theo các chuyên gia môi trường, sự cố tràn dầu xảy ra thường gây hậu quả môi trường nghiêm trọng, nhất là tại vùng cửa sông, vịnh và vùng biển ven bờ. Cư dân và các doanh nghiệp sinh sống và có các hoạt động phát triển ven biển và trên biển như đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, du lịch, nông nghiệp…thường bị tác động trực tiếp về kinh tế và đời sống, đấy là chưa kể ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân trong vùng.

Việc xử lý sự cố tràn dầu rất phức tạp, khó khăn, đòi hỏi sự phối hợp nhanh chóng, nhịp nhàng và phải áp dụng các kỹ thuật phù hợp. Tuy nhiên, qua sự cố tràn dầu vào cuối tháng 11 vừa qua tại Dung Quất, vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực môi trường rất “mờ”, vì chưa có sự “phân vai” rõ ràng giữa hai đơn vị trực thuộc Sở Tài nguyên-Môi trường là Chi cục Bảo vệ Môi trường và Chi cục Biển và Hải đảo Quảng Ngãi (được thành lập tháng 9 năm 2011).

 

Sự cố tràn dầu tại Vịnh Việt Thanh (Bình Sơn) vào năm 2008 do tàu  EAGLE MILWAUKEE (quốc tịch Singapore) gây ra phải mất vài ngày mới xử lý hết lượng dầu tràn.
Sự cố tràn dầu tại Vịnh Việt Thanh (Bình Sơn) vào năm 2008 do tàu EAGLE MILWAUKEE (quốc tịch Singapore) gây ra phải mất vài ngày mới xử lý hết lượng dầu tràn.


Theo Quyết định 28 của UBND tỉnh ban hành ngày 8/12/2011 thì Chi cục này có nhiệm vụ kiểm soát ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, hải đảo từ các nguồn phát sinh do hoạt động khai thác, sử dụng biển, hải đảo và các sự cố hoặc thiên tai trên biển; thực hiện ứng phó, khắc phục sự cố môi trường biển. Song với sự cố tràn dầu vừa qua Chi cục Biển và Hải đảo chỉ… theo dõi và nắm bắt tình hình! Theo lãnh đạo Chi cục này, ngày 9/8/2012, UBND tỉnh mới phê duyệt Kế hoạch bảo vệ môi trường năm 2013 trên địa bàn tỉnh, trong đó có nhiệm vụ lập kế họach ứng phó sự cố tràn dầu và xây dựng bản đồ nhạy cảm môi trường đường bờ biển. Thế nên từ năm 2013, Chi cục Biển và Hải đảo mới “chủ công” xử lý những vấn đề liên quan đến sự cố tràn dầu.

Tuy nhiên, dù có chức năng, nhiệm vụ riêng, song trên thực tế sự phân vai giữa hai đơn vị thuộc Sở Tài nguyên-Môi trường vẫn chưa thật rõ ràng, điều này dễ dẫn đến sự chồng chéo trong việc xử lý những tình huống phát sinh trên lĩnh vực xử lý môi trường ven biển.
 

* Ông Lê Văn Lương-Phó Giám đốc Cảng vụ Quảng Ngãi: Vụ tàu Racer Expresss để tràn dầu với nguyên nhân bất khả kháng nên chúng tôi đã kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh xử phạt chủ tàu 15 triệu đồng. Qua vụ việc này, Cảng vụ Quảng Ngãi sẽ tăng cường công tác kiểm tra an toàn tàu thuyền ra vào cảng. Bởi hiện nay, tại Dung Quất tiềm ẩn nguy cơ tràn dầu rất lớn. Theo cá nhân tôi, việc xây dựng cảng biển phải có đánh giá tác động môi trường, phải lường hết sự cố tràn dầu. Khi đưa cảng vào khai thác phải có đội ứng cứu sự cố tràn dầu (hiện Dung Quất có 2 hệ thống ứng cứu của PTSC Quảng Ngãi và NMLD-PV).

*Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Quốc Tân: Trước đây, việc xử lý những vấn đề phát sinh liên quan đến môi trường trên địa bàn tỉnh đều do Chi cục đảm nhận. Song mới đây, Chi cục Biển và Hải đảo Quảng Ngãi được thành lập có nhiệm vụ xử lý những vấn đề phát sinh trên biển, nhưng trên thực tế việc “phân vai” giữa hai đơn vị vẫn chưa rõ ràng, còn nhập nhằng bởi sự phân chia ranh giới ven bờ, ven biển. Chẳng lẽ một vụ việc xảy ra ở vùng ven biển khu vực Dung Quất, hai Chi cục lại cùng nhau xử lý?

*Ông Đào Tấn Huê - Đội trưởng cảng Dung Quất, PTSC Quảng Ngãi: Ngoài đầu tư trang thiết bị, hiện công ty có 18 người có chứng chỉ phòng chống tràn dầu. Hằng năm, công ty luôn kiểm tra quy trình ứng cứu sự cố tràn dầu, làm tốt công tác an ninh, an toàn, tổ chức  diễn tập theo kế hoạch, đảm bảo xử lý sự cố tràn dầu dưới 1000 tấn (sự cố tràn dầu cấp cơ sở). Với lực lượng, phương tiện hiện có, ngoài việc đảm bảo xử lý sự cố tại khu vực cảng do công ty quản lý, những đơn vị khác trong khu vực có nhu cầu ứng cứu thì chúng tôi luôn sẵn sàng.

*Ông Đỗ Văn Bình - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Thuận (Bình Sơn): Sự cố tràn dầu vừa qua phần nào ảnh hưởng đến đời sống của bà con trong vùng. Ngư lưới cụ của một số hộ dân bị dính dầu tràn từ vụ tràn dầu vừa qua nên bà con kiến nghị, đòi bồi thường. Hiện nay, chúng tôi đang tổng hợp danh sách ngư dân bị thiệt hại. Theo chúng tôi, các chủ tàu và các ngành chức năng cần tăng cường công tác đảm bảo an toàn, nhằm hạn chế đến mức thấp sự cố tràn dầu, gây ảnh hưởng đến môi trường và đời sống của ngư dân.


H. Triều
 


.