Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết TƯ 5 (khóa VIII) ở Quảng Ngãi: Chuyển biến nhưng chưa toàn diện

07:12, 02/12/2012
.

(QNg)- Ngày 16/7/1998, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) đã ban hành Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 “ Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Đây được xem là văn kiện chuyên đề văn hóa đầu tiên, đặt ra chiến lược xây dựng và phát triển văn hóa nước ta trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Qua 15 năm đưa Nghị quyết vào cuộc sống đã phát huy được vai trò của văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội và là động lực của sự phát triển kinh tế.

Kết quả bước đầu

Từ khi tiếp thu Nghị quyết, Đảng bộ huyện Trà Bồng xác định đây là một Nghị quyết toàn diện có tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống tinh thần của xã hội. Để tạo sự nhận thức sâu sắc 5 quan điểm chỉ đạo cơ bản, 10 nhiệm vụ cụ thể và 4 nhóm giải pháp lớn về xây dựng và phát triển nền văn hóa của Đảng trong thời kỳ mới, Ban Thường vụ Huyện ủy đã triển khai quán triệt trong cấp ủy, các ban, ngành, đoàn thể ở huyện và cán bộ chủ chốt ở các xã, thị trấn.

Múa cồng chiêng của đồng bào Cor.
Múa cồng chiêng của đồng bào Cor.


Thông qua việc quán triệt, triển khai Nghị quyết, đã tạo được chuyển biến căn bản trong nhận thức của các cấp uỷ, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò của văn hoá đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc ở địa phương. Qua thực hiện Nghị quyết, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá vật thể, phi vật thể, xây dựng các thiết chế văn hoá, phong trào văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao ngày càng phát triển rộng khắp được nhân dân nhiệt tình ủng hộ và tích cực tham gia.

Hết năm 2011, toàn huyện có 5.546/7.885 hộ gia đình văn hoá; 28/44 thôn văn hóa; 112/135 cơ quan đơn vị đạt danh hiệu “Đơn vị văn hoá”. Từ năm 2007, thực hiện chủ trương xây dựng các thiết chế văn hoá cơ sở của tỉnh, toàn huyện đã triển khai đầu tư xây dựng mới 4 nhà văn hoá xã; 16 nhà sinh hoạt cộng đồng; 1 sân vận động trung tâm cụm xã... Đặc biệt, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc được chú trọng, nhất là việc sưu tầm, nghiên cứu, phổ biến các giá trị văn hóa, văn học – nghệ thuật dân ca, dân nhạc, dân vũ của dân tộc Cor như múa cồng chiêng, múa Cadháu, nghệ thuật kiến trúc cây gu và cây nêu trong lễ hội hiến trâu...

Cùng với huyện Trà Bồng và thành phố Quảng Ngãi, huyện Tư Nghĩa được chọn tổ chức Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết TƯ 5 (Khóa VIII). Đánh giá về kết quả qua 15 năm, lãnh đạo Huyện ủy Tư Nghĩa cho biết: Đối với huyện Tư Nghĩa, kết quả qua 15 năm thực hiện Nghị quyết rất đáng khích lệ, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong đời sống xã hội, hình thành nhiều phong trào văn hóa ở địa phương.

Nổi bật nhất phải kể đến phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã làm khởi sắc bộ mặt nông thôn, cảnh quan môi trường ngày càng khang trang, tình làng nghĩa xóm được gắn bó. Đến cuối năm 2011, trên địa bàn huyện có 32.511 hộ (81%) được công nhận gia đình văn hóa; 75/103 thôn, tổ dân phố văn hóa; 143/144 cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa; 8/18 xã, thị trấn đạt chuẩn xã văn hóa… Sự nghiệp giáo dục - đào tạo cũng có bước tiến vượt bậc. Huyện đã được công nhận đạt chuẩn về phổ cập trung học cơ sở vào năm 2009; chất lượng hiệu quả dạy học ngày một nâng cao, toàn huyện đã có 40/68 trường đạt chuẩn quốc gia.

Cần xác định nhiệm vụ, giải pháp thực hiện đồng bộ

Trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết, dù xác định đây là Nghị quyết chuyên đề về văn hóa hết sức sâu sắc, cụ thể và có tính chiến lược toàn diện, nhưng việc triển khai và tổ chức thực hiện vẫn còn nhiều tồn tại.

Một số cấp ủy, chính quyền chưa nhận thức đầy đủ các quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp đề ra, có lúc, có nơi chưa thống nhất, đồng bộ nên nhiều phong trào thiếu tính thiết thực, chưa thật sự thấm sâu vào các lĩnh vực đời sống xã hội, nhân dân chưa thật sự cảm nhận các hoạt động văn hóa là nhu cầu không thể thiếu trong mỗi con người. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa ở cơ sở đa số chưa được quy hoạch, đào tạo chuyên môn nghiệp vụ nên trình độ còn hạn chế, hiệu quả công tác chưa cao.

Việc giáo dục, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân tham gia thực hiện các nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa có lúc, có nơi chưa được phối hợp đồng bộ. Việc bình xét công nhận gia đình văn hóa, các phong trào văn hóa ở một số nơi chưa chặt chẽ, thiếu công bằng, dân chủ, có biểu hiện chạy theo thành tích. Một số khu phố, xã, phường văn hóa có biểu hiện thỏa mãn thành tích, buông lỏng công tác chỉ đạo, quản lý tuyên truyền vận động nhân dân tiếp tục phấn đấu giữ vững và nâng chất danh hiệu đạt được. Kinh phí đầu tư cho cơ sở hạ tầng về văn hóa chủ yếu dựa vào nguồn vốn của Trung ương và tỉnh cấp, việc thực hiện xã hội hóa các hoạt động về văn hóa còn hạn chế…

Qua hội nghị tổng kết 15 năm ở một số địa phương, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm cũng như nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục thực hiện Nghị quyết trong thời gian tới. Trong đó, xác định xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống và đời sống văn hóa lành mạnh là nhiệm vụ trọng tâm; gắn nhiệm vụ xây dựng văn hóa với nhiệm vụ xây dựng chỉnh đốn Đảng, thông qua các cuộc vận động lớn về xây dựng đạo đức, lối sống theo gương Bác.

Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, Mặt trận và các hội đoàn thể với Ban Tuyên giáo các cấp trong công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến lĩnh vực văn hóa cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nhằm phát huy trách nhiệm tập thể và cá nhân, cũng như sức sáng tạo của toàn dân đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa. Tiếp tục nâng cao chất lượng các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước tại cơ sở, kịp thời biểu dương gương người tốt, việc tốt, khen thưởng những tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động văn hóa…
 

*Ông Nguyễn Đăng Vũ - Giám đốc Sở VH-TT&DL: Theo tôi, từ khi Nghị quyết TƯ 5 ra đời đến nay, kết quả thực hiện Nghị quyết Bảo tồn di sản văn hóa là đáng khích lệ. Quảng Ngãi là địa phương hứng chịu nhiều bão lửa chiến tranh, thiên tai thường xuyên xảy ra nên những loại hình di sản văn hóa cũng dần tàn lụi. Từ khi có Nghị quyết TƯ 5, những thiết chế văn hóa truyền thống/ cổ truyền dần dần được trùng tu, tôn tạo bằng chính sự khuyến khích của Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền. Nhờ đó, các di sản văn hóa phi vật thể gắn liền với chúng được hồi sinh như Điện Trường Bà ở Trà Bồng; Âm linh tự ở Lý Sơn; Lăng vạn Thạch Bi – Sa Huỳnh... Có thể nói, Nghị quyết TƯ 5 (khóa VIII) đã nối những khoảng đứt gãy từ truyền thống tới hiện tại. Cùng với nhiều kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, chúng ta cần phải tiếp tục thực hiện Nghị quyết này và xem đây là việc làm đương nhiên, thường xuyên và phải có sự phối hợp đồng bộ.

*Bà Bùi Thị Quỳnh Vân - Bí thư Huyện ủy Tư Nghĩa: Trên cơ sở đánh giá đúng thực trạng, tình hình phát triển văn hóa của địa phương, huyện Tư Nghĩa đề ra 9 nhiệm vụ và 5 giải pháp để tiếp tục thực hiện Nghị quyết TƯ 5 (khóa VIII). Trong đó, trọng tâm vẫn là công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các quan điểm, nhiệm vụ trong Nghị quyết để nâng cao nhận thức trong cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các hội đoàn thể về ý nghĩa, tầm quan trọng, sự cần thiết cấp bách trong sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa trong thời kỳ mới.  Bên cạnh đó, huyện sẽ tăng nguồn lực và phương tiện cho hoạt động văn hóa; quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và có chế độ khuyến khích, động viên cán bộ có chuyên môn, nghiệp vụ vào làm công tác văn hóa, nhất là ở cơ sở.

*Ông Nguyễn Tiến Dũng - Phó Chủ tịch UBND thành phố Quảng Ngãi:  Trên địa bàn thành phố, Nghị quyết được triển khai đồng bộ và được thực hiện đều khắp, xuyên suốt, với nhiều hình thức đa dạng, phong phú góp phần tích cực vào việc xây dựng và phát triển từ một thị xã tỉnh lỵ nghèo đã đạt các tiêu chuẩn của đô thị loại III vào năm 2002 và được công nhận thành phố vào năm 2005. Tuy nhiên so với quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp của Nghị quyết TƯ 5 cũng như Chương trình hành động của Thành ủy thì vẫn có nhiều việc chưa làm được. Đó là ý thức, trách nhiệm thực hiện nếp sống văn minh đô thị của người dân chưa cao. Bên cạnh đó, việc giữ gìn và phát huy các di tích lịch sử trên địa bàn thành phố chậm thực hiện, cũng như việc khôi phục và phát triển các làn điệu dân ca Quảng Ngãi, dân ca khu V có thực hiện nhưng chưa mạnh, có lúc còn hình thức.

*Già làng uy tín Hồ Kim Thời -thôn 2, xã Trà Thủy, Trà Bồng: Không cần đợi đến có lễ hội mới tập đánh cồng chiêng, múa hát để biểu diễn mà bất kỳ lúc nào có điều kiện là có thể cùng nhau trao đổi, trò chuyện, dạy nhau một bài dân ca, một điệu chiêng cổ, một trò chơi dân gian truyền thống. Những người thuộc nhiều, biết nhiều phải có trách nhiệm truyền lại cho những người khác trong làng. Hoạt động văn hóa có mang bản sắc dân tộc thì mới tạo ra sức mạnh đoàn kết, tự hào về dân tộc mình. Mỗi người phải tự ý thức giữ gìn bản sắc dân tộc mình thôi, nhiều người cùng đồng lòng gìn giữ thì bản sắc mới tồn tại được.

 


Thanh Thuận
 


.