Khó khăn trong việc giải quyết án tồn đọng: Đâu là nguyên nhân?

03:11, 04/11/2012
.

(QNg)- Những vụ án tồn đọng, chậm đưa ra xét xử, hoặc kéo dài thời gian qua đã làm nảy sinh những vụ kiện tụng kéo dài, gây tốn kém, mệt mỏi cho rất nhiều người, nhiều cấp, nhiều ngành.

Khó khăn và áp lực

Từ năm 2010 đến 30/6/2012, toàn ngành Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh đã giải quyết 4.267/4.897 vụ án dân sự các loại. Trong đó, TAND tỉnh thụ lý 420 vụ, việc và đã giải quyết 391 vụ, việc; tòa án cấp huyện thụ lý 4.477 vụ, việc, đã giải quyết 3.876 vụ, việc. Trong số 3.876 vụ việc đã giải quyết có 119 vụ, việc giải quyết không đúng thời hạn. Các huyện có số vụ án giải quyết không đúng thời hạn nhiều nhất là Bình Sơn 50 vụ, thành phố Quảng Ngãi 62 vụ...

Đối với loại án tồn đọng quá thời hạn theo luật định còn tới 60 vụ, việc. Nguyên nhân là do lãnh đạo một số đơn vị Tòa án chưa sâu sát trong việc kiểm tra, đôn đốc; chưa có biện pháp tích cực để đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án. Bên cạnh đó, các vụ tranh chấp đất đai có nhiều tình tiết phức tạp, cơ quan có thẩm quyền chậm trả lời xác minh của Tòa án, dù Tòa án có nhiều công văn nhắc nhở.

Các hộ dân ở đường Nguyễn Nghiêm kiện Công ty CP Môi trường & Đô thị về việc Công ty lu, đầm đất gây nứt nhà dân đã 74 tháng mà chưa được xét xử.
Các hộ dân ở đường Nguyễn Nghiêm kiện Công ty CP Môi trường & Đô thị về việc Công ty lu, đầm đất gây nứt nhà dân đã 74 tháng mà chưa được xét xử.

Các vụ án bồi thường thiệt hại liên quan đến giám định tư pháp về xây dựng, hỏa hoạn, chờ giám định chất lượng công trình xây dựng còn gặp khó khăn do tính chất phức tạp và chi phí lớn... Theo lãnh đạo TAND tỉnh,  một số vụ án kéo dài do bị kháng cáo, kháng nghị, bị hủy, bị đình

 chỉ... Nguyên nhân chủ yếu là một số thẩm phán chưa thật sự tích cực, chưa chủ động trong việc giải quyết án, ngại án khó, ngại va chạm, cầu toàn trong quá trình giải quyết vì sợ án bị hủy, sửa sẽ ảnh hưởng đến việc tái bổ nhiệm thẩm phán. Năng lực trình độ còn hạn chế, thậm chí còn làm sai nguyên tắc, vi phạm thủ tục tố tụng dẫn đến án bị sửa, hủy... Việc thu thập chứng cứ của thẩm phán chưa đầy đủ, chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, gặp những vụ án phức tạp lo bị hủy án, nhưng không chủ động báo cáo lãnh đạo làm kéo dài quá trình giải quyết vụ án. Việc áp dụng pháp luật tại thời điểm tranh chấp xảy ra không chính xác và có sai sót về tố tụng. Một số vụ án có yếu tố nước ngoài, việc tống đạt, triệu tập và thu thập chứng cứ mất rất nhiều thời gian hoặc không có kết quả dẫn đến án tồn đọng kéo dài.

Thiếu sự phối hợp của các ngành

Ngoài những nguyên nhân vướng mắc nói trên còn có sự tắc trách trong công tác phối hợp cung cấp chứng cứ cho Tòa án của các cơ quan liên quan như Tài nguyên môi trường, Tài chính kế hoạch... các cơ quan này không cung cấp thông tin, không trả lời xác minh của Tòa án theo quy định. Điển hình là vụ tranh chấp đòi nhà, đất cho thuê và tiền cho thuê nhà của bà Nguyễn Thị Hương, Nguyễn Thị Thu Thủy với vợ chồng ông Trần Tống Ba và bà Nguyễn Thị Thanh Vinh ở thành phố Quảng Ngãi. Vụ án này TAND TP Quảng Ngãi thụ lý tháng 7/2011. Để lấy chứng cứ, hơn 1 năm qua, Tòa đã làm gần 10 công văn gửi Sở Xây dựng, Trung tâm trắc địa và quan trắc môi trường... yêu cầu cung cấp thông tin, nhưng không cơ quan nào trả lời. Hay như trước năm 2011, Phòng Tài chính TP Quảng Ngãi từ chối định giá tài sản các vụ án tranh chấp theo giá thị trường, gây khó khăn cho việc xét xử của Tòa án.

Khu đất mà ông Nguyễn Bưng, tổ 14, phường Nghĩa Chánh khởi kiện từ năm 2006 vẫn chưa được Tòa xét xử.
Khu đất mà ông Nguyễn Bưng, tổ 14, phường Nghĩa Chánh khởi kiện từ năm 2006 vẫn chưa được Tòa xét xử.


Qua tìm hiểu, chúng tôi được lãnh đạo Tòa án một số huyện cho biết: Một số vụ án nếu Tòa án căn cứ vào sổ đỏ để xử thì án bị hủy án. Bởi, sổ đỏ đó được cấp không đúng quy định, không xác định rõ giới cận, không đúng diện tích thực tế, hoặc cấp chồng lên đất liền kề, nhưng UBND huyện, thành phố không cung cấp thông tin. Cá biệt như UBND huyện Đức Phổ dù có công văn trả lời Tòa án huyện rằng, việc cấp sổ đỏ sai ở 3 vụ án, nhưng không chịu thu hồi. Có trường hợp, thẩm phán không đưa người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng. Nhiều vụ án, hai cấp Tòa án vận dụng không đúng đối với các trường hợp nhà, đất có trước năm 1975 và các trường hợp nhà đất vắng chủ, nhà cho thuê, cho ở sau năm 1975.

Bên cạnh đó, người dân không đủ tiền thuê cơ quan giám định. Chi phí thẩm định giá lớn, khiến nhiều trường hợp không có tiền nộp, dẫn đến không có hồ sơ thẩm định giá. Nhiều trường hợp, đương sự tìm mọi cách chống đối khiến cho việc xét xử gặp nhiều khó khăn.

Theo ông Nguyễn Anh Tiến - Chánh án TAND tỉnh: Số lượng án thụ lý hàng năm quá nhiều, tính chất ngày càng phức tạp, trong khi đó, một số quy định của pháp luật còn bất cập, chậm được sửa đổi, bổ sung gây áp lực lớn đối với đội ngũ thẩm phán, thư ký. Tình trạng này dẫn đến thẩm phán không có thời gian đầu tư nhiều vào các vụ án giải quyết cùng một lúc. Một số ít thẩm phán nôn nóng giải quyết các vụ án cho đúng thời hạn đã để xảy ra một số vi phạm tố tụng, dẫn đến án bị hủy, sửa... Trong khi đó, để vụ án bị hủy là điều "cấm kỵ "của các thẩm phán và của ngành Tòa án. Bởi, mỗi thẩm phán chỉ có 1,16% trong tổng số án thụ lý là án hủy và trong 100 vụ án thẩm phán thụ lý chỉ cần có 2 vụ bị hủy là thẩm phán đó không được tái bổ nhiệm chức danh thẩm phán trong thời gian ít nhất là 3 năm...

Chính những lý do này mà có tới 90% số vụ án trong tổng số vụ án còn tồn đọng nếu không có sự phối hợp của các ngành cũng như sự chỉ đạo của tỉnh và ngành cấp trên thì không giải quyết được.
 

*Ông Tôn Long Hiếu - Trưởng Ban pháp chế, HĐND tỉnh: Việc án dân sự còn tồn đọng kéo dài trước hết là thuộc trách nhiệm giải quyết vụ việc cụ thể của các thẩm phán chưa được tốt. Mặt khác, là do cơ quan liên quan chậm, hoặc không cung cấp thông tin, chứng cứ để đánh giá, định giá tài sản phục vụ cho công tác xét xử. Theo luật định, các cơ quan này có nghĩa vụ phải cung cấp các chứng cứ, tài liệu theo yêu cầu của Tòa án. Hiện tại nhiều nơi trong tỉnh đang gặp phải vướng mắc này.

*Ông Phan Ngọc Minh - Chánh án TAND TPQN: Việc giải quyết các vụ tranh chấp tài sản là nhà đất thường gặp vướng mắc ở khâu định giá, bởi rất nhiều trường hợp đương sự không hợp tác với cơ quan chức năng để lập bản vẽ làm cơ sở cho việc định giá tài sản. Việc định giá tài sản đối với các vụ án tranh chấp tài sản liên quan đến quyền sử dụng đất thời gian trước tháng 7/2011 theo giá thị trường không được thực hiện nên những vụ án lĩnh vực này đều chậm trễ. Khi tháo gỡ rồi thì gặp vướng mắc do chi phí cho thẩm định giá quá cao từ 5-10% trên tổng số giá trị tài sản, khiến người dân không có khả năng chi trả. Ngoài ra, ở Quảng Ngãi chưa có cơ quan nào làm được việc thẩm định, giám định nên phải nhờ các đơn vị ngoài tỉnh, mà cụ thể là ở Đà Nẵng nên mất rất nhiều thời gian.

*Ông Huỳnh Chánh - Phó Chủ tịch UBND TP.Quảng Ngãi: Khi Tòa án có văn bản yêu cầu cung cấp thông tin liên quan đến vụ án, chúng tôi giao trách nhiệm cho các phòng ban chuyên môn có liên quan trả lời Tòa án. Tuy nhiên, thời gian qua có một số phòng ban cung cấp các thông tin chưa kịp thời cho Tòa án. Đây là một thiếu sót và sắp tới chúng tôi sẽ chấn chỉnh tình trạng này. Mặt khác, khi Tòa án gửi công văn yêu cầu cung cấp thông tin thì thẩm phán, thư ký được phân công thụ lý vụ án phải tăng cường liên hệ, đôn đốc các bộ phận chuyên môn của thành phố cung cấp thông tin cho Tòa. Còn việc có nhiều sai sót trong cấp sổ đỏ dẫn đến việc xử án gặp vướng mắc là do trước đây cán bộ địa chính đi đo đạc thủ công nên có nhiều sai lệch.

*Ông Nguyễn Bưng, tổ 14, phường Nghĩa Chánh, TPQN: Năm 2006, tôi gửi đơn khởi kiện tranh chấp diện tích đất giữa gia đình với người cháu trong họ, nhưng vụ việc vẫn chưa được Tòa án giải quyết xong. Nguyên nhân là đứa cháu tôi chống đối, thiếu hợp tác với các cơ quan chức năng trong việc thẩm định giá tài sản buộc tôi phải thuê đơn vị tư nhân thẩm định giá diện tích đất mà tôi đang tranh chấp. Tuy nhiên, do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, nên tôi mới nộp cho đơn vị thẩm định được 2 triệu đồng, số tiền còn lại 7 triệu tôi chưa có nên không lấy được chứng thư nộp cho Tòa án nên tòa chưa xử được.

*Ông Nguyễn Ngọc Trung, số nhà 196, đường Nguyễn Nghiêm, TP Quảng Ngãi: Vụ án gia đình tôi và 6 hộ có liên quan khởi kiện Công ty CP Môi trường đô thị đòi bồi thường thiệt hại do việc Công ty lu, đầm đất thi công bãi trung chuyển rác làm nứt tường đã kéo dài 74 tháng mà chưa đưa ra xét xử là quá lâu, gây mất lòng tin trong nhân dân. Do đó, để vụ án này được giải quyết một cách khách quan, chính xác và nhanh chóng, đòi hỏi thẩm phán, cán bộ Tòa án thành phố phải tích cực nghiên cứu hồ sơ, đôn đốc các ngành liên quan, nhất là Thanh tra thành phố, UBND thành phố cung cấp tư liệu để đưa vụ án ra xét xử.

 


BÁ SƠN
 


.