Chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm: Chờ quyết định của... tỉnh

07:10, 06/10/2012
.

(QNg)- Chưa bao giờ vấn đề dạy thêm, học thêm ở Quảng Ngãi lại thu hút sự quan tâm của dư luận nhiều như hiện nay. Hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường hiện đang bị nghiêm cấm tuyệt đối.
 

TIN LIÊN QUAN


Trong khi chờ UBND tỉnh phê duyệt quy định mới về dạy thêm, học thêm, để tránh xảy ra tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan như trước đây, gây bức xúc trong dư luận cũng như ảnh hưởng đến uy tín của ngành giáo dục, Sở GD&ĐT nghiêm cấm tất cả giáo viên dạy thêm ngoài nhà trường dưới mọi hình thức. Hoạt động dạy thêm, học thêm chỉ được tổ chức trong nhà trường nếu học sinh và các bậc phụ huynh có nhu cầu cho con em học thêm.

“Cây gậy” tạm thời  

Chị Nguyễn Thị Cảm (Đức Lân, Mộ Đức), có con học cấp 2 thở dài: “Năn nỉ gì cô giáo cũng không chịu dạy thêm ở nhà. Ở trường thì có quá nhiều học sinh đăng ký học thêm nên trường không nhận. Như thế này thấy lo quá. Mọi khi ở trường học có gì chưa hiểu thì học thêm nhờ cô giáo giải thích, còn giờ thì chẳng biết thế nào. Bố mẹ ít chữ nên có vắt óc cũng không giải thích được bài học mà con chưa hiểu”. Suy nghĩ của chị Cảm cũng chính là nỗi trăn trở của rất nhiều phụ huynh ở Quảng Ngãi hiện nay. Các bậc cha mẹ mong muốn cho con đi học thêm để bổ sung kiến thức, giúp học chương trình chính khóa đạt kết quả cao hơn.

 Cần có giải pháp tổ chức dạy thêm, học thêm hiệu quả, tránh lặp lại tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan (ảnh minh họa).
Cần có giải pháp tổ chức dạy thêm, học thêm hiệu quả, tránh lặp lại tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan (ảnh minh họa).


Nghiêm cấm dạy thêm ngoài nhà trường là giải pháp mang tính tạm thời trong khi chờ UBND tỉnh phê duyệt quy định mới. Giải pháp mang tính tạm thời của ngành giáo dục được triển khai hết sức khẩn trương và quyết liệt. Hiệu trưởng nhiều trường học đã ký cam kết triển khai thực hiện tốt văn bản chỉ đạo của cấp trên về vấn đề dạy thêm, học thêm; đồng thời triển khai cho giáo viên ký cam kết không dạy thêm ngoài nhà trường. Phòng giáo dục các huyện cũng xây dựng kế hoạch phối hợp với các đơn vị chức năng tiến hành thanh tra, kiểm tra tình trạng dạy thêm, học thêm.

Lần này cán bộ làm công tác quản lý giáo dục ở tỉnh ta nêu cao quyết tâm theo đúng chỉ đạo của Sở GD&ĐT, đó là mạnh tay xử lý đối với giáo viên vi phạm quy định về dạy thêm. Phần lớn giáo viên hiện đã dừng hoạt động dạy thêm ngoài nhà trường. Nhiều trường học tổ chức lớp dạy thêm trong nhà trường để đáp ứng nhu cầu của học sinh và các bậc phụ huynh.

Với “cây gậy” tạm thời này, tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan được chấn chỉnh trông thấy; không xảy ra trường hợp giáo viên bắt ép học sinh học thêm để trục lợi cá nhân. Thế nhưng thực tế không thể “ngoảnh mặt làm ngơ”, đó là có rất nhiều học sinh và phụ huynh mong muốn cho con đi học thêm ngoài chương trình chính khóa ở trường để bổ sung kiến thức. Việc tổ chức dạy thêm trong nhà trường chỉ một bộ phận học sinh được học thêm. Nhiều người lo ngại nếu con cái không đi học thêm thì có nguy cơ vấp phải “lỗ hổng” kiến thức.  

Liệu có “đánh trống bỏ dùi”?

Giáo viên, học sinh và đông đảo nhân dân ở tỉnh ta hiện đang trông ngóng giải pháp chấn chỉnh mang tính lâu dài và hữu hiệu đối với việc dạy thêm, học thêm. Tính quyết liệt trong việc chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm của ngành giáo dục tỉnh ta được nhiều người đồng tình. Quyết liệt để không xảy ra tình trạng giáo viên bắt ép học sinh học thêm, giáo viên ra bài tập kiểm tra ở lớp giống bài học thêm ở nhà, hoặc đối xử không công bằng giữa học sinh không đi học thêm và đi học thêm... gây ảnh hưởng đến uy tín của ngành giáo dục. Xoay quanh vấn đề dạy thêm, học thêm nhiều người hiện đang lo ngại, liệu việc chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm có thực hiện theo kiểu “đánh trống bỏ dùi”? Bộ GD&ĐT không cấm hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường, chỉ cấm dạy thêm các môn văn hóa đối với bậc tiểu học. Bộ GD&ĐT yêu cầu việc dạy thêm, học thêm phải đảm bảo theo đúng các quy định đã ban hành.

Hiệu trưởng của một trường THCS ở huyện Tư Nghĩa bảo rằng, trước đây đã nhiều lần nghe nói đến việc chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm nhưng đâu lại vào đấy, vẫn cứ xuất hiện tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan. “Dạy thêm là tốt, đáp ứng nhu cầu thiết thực của người học. Ngay cả con tôi, tôi cũng muốn cho đi học thêm để nắm vững kiến thức. Thế nhưng buồn là có những giáo viên trở thành “con sâu” làm rầu nồi canh”, vị hiệu trưởng này nói. Mặc dù ngành giáo dục đã ra “tuyên bố” mạnh tay xử lý giáo viên vi phạm quy định không dạy thêm tại nhà dưới mọi hình thức, thế nhưng một số giáo viên hiện vẫn nghiễm nhiên dạy thêm tại nhà.

Học thêm để nắm vững kiến thức là nhu cầu của nhiều học sinh (ảnh minh họa).
Học thêm để nắm vững kiến thức là nhu cầu của nhiều học sinh (ảnh minh họa).

Ông Nguyễn Văn Anh-Trưởng phòng GD&ĐT TP Quảng Ngãi cho biết, khoảng 80% giáo viên trên địa bàn thành phố dừng việc dạy thêm tại nhà để chờ quy định mới của UBND tỉnh. “Qua tìm hiểu vẫn còn một số giáo viên dạy thêm tại nhà. Phòng giáo dục sẽ tiếp tục chỉ đạo trường nhắc nhở giáo viên. Nếu giáo viên vi phạm, Phòng sẽ ra quyết định tạm dừng giảng dạy tại trường”, ông Anh nói.   

Quyết liệt chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm cũng như tổ chức dạy thêm như thế nào cho hợp lý, hiệu quả nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục là điều mà đông đảo người dân hiện đang mong chờ. Tất cả đều hi vọng quyết sách mới của tỉnh sẽ giải quyết được tình trạng “loạn” dạy thêm, học thêm mà lâu nay khiến không ít người phải đau đầu.
 

*Ông Thái Văn Đồng-Giám đốc Sở GD&ĐT: Quan điểm chỉ đạo của Sở là thực hiện việc dạy thêm, học thêm phải đúng quy định, tránh tình trạng ca thán của nhân dân về những việc làm tắc trách. Trước mắt, trong khi chờ quyết định của UBND tỉnh thì nghiêm cấm giáo viên dạy thêm ngoài nhà trường dưới mọi hình thức. Việc dạy thêm, học thêm nếu có nhu cầu của phụ huynh thì hiệu trưởng tổ chức trong trường, giá cả phải thỏa thuận với phụ huynh một cách rõ ràng. Sở sẽ xử lý nghiêm khắc đối với trường hợp giáo viên vi phạm quy định.

*Ông Tạ Lối - Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Tư Nghĩa: Quy định dạy thêm, học thêm của Bộ GD&ĐT và quy định tạm thời nghiêm cấm dạy thêm ngoài nhà trường của Sở GD&ĐT đã được quán triệt đến toàn thể cán bộ-giáo viên trên địa bàn huyện. Đầu tháng 10, huyện đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra việc dạy thêm. Lực lượng thanh tra gồm có cán bộ phòng giáo dục, phòng nội vụ, công an huyện và cán bộ UBND xã. Nếu kiểm tra phát hiện giáo viên vi phạm dứt khoát xử lý mạnh tay. Quy định chỉ cho phép dạy thêm, học thêm trong trường mang tính tạm thời, nhưng theo tôi về lâu dài tốt nhất đưa việc dạy thêm, học thêm vào trong nhà trường để dễ quản lý.

*Chị Trần  Thị  Mỹ  Linh (huyện Mộ Đức):  Con tôi năm nay học lớp 2. Ngành giáo dục cấm dạy thêm bậc tiểu học, tôi thực sự vui mừng. Tôi  chẳng muốn con mình còn nhỏ mà phải đi học từ sáng đến tối mịt, ngày nào cũng thế. Tuổi còn nhỏ nên ngoài thời gian học ở trường, cháu cần có thời gian để vui chơi giải trí. Nếu cho phép dạy thêm, con người ta đi học, con mình ở nhà thì cũng không được. Giờ cấm hẳn dạy thêm tiểu học, tôi như trút đi gánh nặng.

*Em Nguyễn Thị Diệu (học sinh lớp 10, Trường THPT Trần Quốc Tuấn): Lên cấp 3, chương trình học có rất nhiều kiến thức khó. Nếu chỉ học trên lớp thôi thì không đủ để em nắm chắc tất cả kiến thức. Vì vậy,  học thêm đối với chúng em là rất cần thiết. Học thêm giúp em lấp những lỗ hổng kiến thức và có nhiều thời gian để giải thành thạo những bài tập khó. Em  mong muốn được học thêm ở những nơi có chất lượng để có thể chuẩn bị đầy đủ hành trang kiến thức trước khi bước vào kỳ thi đại học.

*Chị Nguyễn Thị Lệ (ở phường Nghĩa Chánh, TP Quảng Ngãi): Tôi ủng hộ việc thầy cô dạy thêm ở nhà, bởi vì nhờ học thêm mà con tôi nắm vững kiến thức hơn. Tuy nhiên, nhiều thầy cô dạy thêm lấy học phí quá đắt. Trung bình một môn học tôi phải chi trả từ 200.000đ-300.000đ nghìn đồng mỗi tháng


PHƯƠNG LÝ
 


.