Phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản: “Quản” yếu, thu thiếu!

10:09, 23/09/2012
.

(QNg)- Phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản là quy định bắt buộc về kinh tế nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác khoáng sản trong công tác bảo vệ môi trường, góp phần tái tạo cảnh quan môi trường tại địa phương nơi có hoạt động khai thác khoáng sản. Tuy nhiên, do công tác quản lý nguồn thu  chưa chặt, dẫn đến tình trạng "trốn" phí, gây thất thoát cho ngân sách địa phương...

Luật có

Cụ thể hoá pháp luật quy định về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, từ năm 2010 đến nay, HĐND tỉnh ban hành hai nghị quyết làm cơ sở để UBND tỉnh ban hành quyết định về mức thu phí đối với hoạt động này. Năm 2010, việc thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản được thực hiện theo Quyết định số 20/2010/QĐ-UBND ngày 25/8/2010. Hiện tại, mức phí được áp dụng theo quy định tại Quyết định số 22/2012/QĐ-UBND ngày 7/8/2012 của UBND tỉnh.

 

Theo quy định hiện hành, việc khai thác khoáng sản là cát, đất để san lấp mặt bằng phải đóng phí bảo vệ môi trường, với mức từ 1.000đ-2.000đ/m3.
Theo quy định hiện hành, việc khai thác khoáng sản là cát, đất để san lấp mặt bằng phải đóng phí bảo vệ môi trường, với mức từ 1.000đ-2.000đ/m3.


Quyết định số 22/2012/QĐ-UBND quy định rõ: Đối tượng chịu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản là khoáng sản kim loại và khoáng sản không kim loại. Người nộp phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản là các cá nhân, tổ chức khai thác khoáng sản thuộc đối tượng chịu phí nêu trên. Phí bảo vệ môi trường này là khoản thu mà ngân sách cấp huyện, thành phố hưởng 100% để thực hiện công tác bảo vệ và đầu tư cho môi trường tại nơi có hoạt động khai thác khoáng sản. Mức thu phí cũng được quy định cụ thể, cao nhất là 270.000 đồng và thấp nhất là 1.000 đồng trên một đơn vị tính. Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải nộp hồ sơ kê khai phí bảo vệ môi trường với cơ quan thuế quản lý trực tiếp cùng nơi kê khai thuế tài nguyên.

Quyết định số 22 đã bổ sung thêm nhiều loại khoáng sản phải chịu phí mới như quặng vôn-phờ-ram, ăng-ti-moan, cô-ban, mô-lep-đen, thuỷ ngân... Mức phí cũng tăng cao, nhiều loại khoáng sản được ấn định mức phí tột khung theo quy định của Chính phủ. Theo lý giải của cơ quan chức năng tỉnh, sở dĩ việc áp dụng mức thu phí cao như thế đối với kim loại quý hiếm là để hạn chế việc khai thác tài nguyên, bảo đảm nguồn dự trữ cho tương lai, đồng thời đảm bảo nguồn thu để giải quyết các bức xúc về môi trường.

Thực thi: bỏ ngỏ?

Mặc dù hệ thống pháp luật về thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản hiện đã tương đối "chuẩn" từ Trung ương đến địa phương, nhưng thực tế việc thu loại phí này vẫn còn bỏ ngỏ. Giải thích vấn đề này, ông Võ Văn Trương – Chi cục trưởng Chi cục Thuế huyện Tư Nghĩa nói: Việc thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản phụ thuộc vào việc tự khai, tự nộp. Nếu tổ chức, cá nhân không tự giác thì rất khó có cơ sở để thu! Chính vì thế, mặc dù địa bàn huyện Tư Nghĩa là một trong những "điểm nóng" về khai thác cát, đá chẻ, đất sét, nhưng tính đến thời điểm hiện tại, Chi cục Thuế mới chỉ "quản" phí bảo vệ môi trường được 1 doanh nghiệp, đó là Công ty TNHH một thành viên Đại Long khai thác đá chẻ ở xã Nghĩa Kỳ, với mức phí thu được từ đầu năm đến nay là 120 triệu đồng.

Đầu năm 2012, Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa Phạm Cao Trận ký quyết định số 204/QĐ-UBND cho phép Công ty TNHH một thành viên khai thác, xây dựng và thương mại Công  Thành khai thác 13.500 mét khối cát tại bãi cát thôn Hổ Tiếu, xã Nghĩa Hà (Tư Nghĩa). Quyết định này nêu rõ: Công ty phải nộp các khoản thuế, phí Nhà nước theo đúng quy định. Thế nhưng, sau khi Công ty này hết thời hạn khai thác hơn 3 tháng, Chi cục Thuế huyện Tư Nghĩa vẫn khẳng định địa phương chưa "thu và quản lý" nguồn phí bảo vệ môi trường đối với việc khai thác cát của Công ty TNHH một thành viên Công Thành!

Trên toàn địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, tính đến nay có tất cả 42 doanh nghiệp tham gia hoạt động khai thác khoáng sản, chủ yếu là đá xây dựng, cát, quặng ti tan xuất khẩu, với sản lượng 1.000.000m3 đá xây dựng/năm; titan 4.000 tấn/năm. Riêng cát xây dựng thì mỗi năm có đến hàng triệu mét khối được khai thác đưa vào sử dụng trong xây dựng nhà cửa, công trình. Thế nhưng, việc thu phí bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản dường như mới chỉ "nắm được người có tóc" có nghĩa là những tổ chức, đơn vị được cấp phép khai thác khoáng sản. Còn lại những tổ chức, cá nhân khai thác "chui', nhất là đối với đá chẻ, cát xây dựng, đất sét thì cơ quan thuế chưa "quản" được nên để thất thu.

 Vì đâu?

Có dịp trao đổi với một số lãnh đạo địa phương có hoạt động khai thác khoáng sản tương đối rầm rộ về việc thu phí bảo vệ môi trường, chúng tôi đều nhận được câu trả lời: Việc thu phí bảo vệ môi trường do cơ quan thuế quản lý, nên thu đúng, thu đủ hay chưa là do ngành thuế, chứ địa phương không có trách nhiệm. Thế nhưng, ngành thuế lại cho rằng: Để thu phí bảo vệ môi trường của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản ngành thuế phải có cơ sở pháp lý, đó là quyết định cấp phép khai thác hoặc hợp đồng khai thác. Hai loại giấy tờ này thuộc thẩm quyền giải quyết của chính quyền địa phương. Nếu hoạt động khai thác khoáng sản có đầy đủ các loại giấy tờ pháp lý thì ngành thuế mới thu được, còn khai thác khoáng sản trái phép thì giữa ngành thuế với chính quyền phải phối hợp cùng xử lý, để đặt ra vấn đề thu.

Thế nhưng lâu nay, công tác phối hợp xử lý khai thác khoáng sản trái phép giữa chính quyền và ngành thuế, nhất là khai thác đá chẻ và cát sông còn rất "nhạt". Thậm chí chính quyền xã còn "lờ đi" trách nhiệm phối hợp. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản trên địa bàn đều có "ủng hộ" ngân sách hoạt động của xã, của thôn.

Đơn cử như trường hợp Công ty TNHH một thành viên Công Thành khi khai thác cát tại sông Hổ Tiếu, xã Nghĩa Hà (Tư Nghĩa) đã "ủng hộ" cho ngân sách xã Nghĩa Hà 20 triệu đồng và "ngân sách" thôn Hổ Tiếu 30 triệu đồng. Tại xã Nghĩa Thắng, Nghĩa Thọ nhiều chủ trang trại vườn rừng tổ chức khai thác đá chẻ trong trang trại đã "sẵn lòng" ủng hộ tiền cho địa phương các khoản chi trong hội họp, liên hoan. Chi cục trưởng Chi cục Thuế huyện Tư Nghĩa Võ Văn Trương thừa nhận: "Ngành thuế phát hiện nhiều nơi có tình trạng khai thác tài nguyên khoáng sản đề nghị chính quyền phối hợp xử lý để quản nguồn thu nhưng chưa nhận được sự nhiệt tình vào cuộc. Nếu chỉ một mình ngành thuế đơn độc thì khó lòng mà thu!".

Quảng Ngãi là một trong những địa phương được đánh giá là có nguồn tài nguyên khoáng sản khá phong phú, với 140 mỏ, điểm quặng, điểm khoáng sản. Quản lý chặt chẽ nguồn thu từ hoạt động khai thác khoáng sản, trong đó có phí bảo vệ môi trường, sẽ góp phần chống thất thu cho ngân sách địa phương, có điều kiện để cải tạo môi trường tại nơi có hoạt động khai thác khoáng sản.
 

*Bà Trương Thị Xuân Hồng - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh: Tăng cường hơn nữa công tác thu, tránh thất thoát, lãng phí.
Quan điểm của Hội đồng Nhân dân tỉnh trong việc ra Nghị quyết thu phí khoáng sản lần này là nhằm kịp thời tăng cường quản lý khoáng sản trên địa bàn, chống thất thu ngân sách địa phương. Khoáng sản có giá trị cao, đưa ra mức phí cao; khoáng sản mang tính chất "phổ thông" phục vụ chủ yếu cho nhu cầu xây dựng trong dân thì mức phí "nhẹ" hơn rất nhiều. Thời gian qua, mặc dù cũng có quy định về việc thu phí, nhưng thực tế nguồn thu này chưa đáng kể, nhiều nơi chưa thu đúng, thu đủ, mặc dù nguồn thu này đựơc để lại 100% cho ngân sách địa phương. Vì vậy, các địa phương cần tăng cường hơn nữa công tác thu, tránh thất thoát, lãng phí.

*Bà Bùi Thị Lệ Thuỷ - Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh: Đầy đủ cơ sở pháp lý thu phí.
Hiện nay, các quy định của pháp luật về thu phí bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản đã đầy đủ, cơ quan quản lý nguồn thu đã có cơ sở để thực thi nhiệm vụ của mình. Việc quản lý chưa tốt dẫn đến thu chưa đủ là do thiếu sự phối hợp giữa ngành thuế và chính quyền địa phương. Hơn nữa đây lại là nguồn thu được để lại cho địa phương mà địa phương không thu được thì sẽ không có kinh phí để đầu tư khắc phục suy thoái môi trường sau khi khai thác khoáng sản.

*Ông Hồ Văn Vũ - Chủ tịch UBND xã Trà Thọ (Tây Trà): Không để "trốn" phí bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản.
Khai thác khoáng sản tạo ra sản phẩm phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương là cần thiết. Thế nhưng, cho phép khai thac ồ ạt hay quá cứng nhắc, hạn chế cho phép khai thác khoáng sản đều tạo ra kết quả không tốt. Vấn đề ở đây là cần tăng cường phối hợp để quản lý nhà nước chặt chẽ cả về cấp phép lẫn quản lý chính sách thuế, trong đó có phí bảo vệ môi trường, không để một bộ phận tổ chức, cá nhân "trốn" phí, làm giàu không chính đáng từ tài nguyên khoáng sản của đất nước.

*Ông Dương Mạnh, thôn Đề An, xã Hành Phước (Nghĩa Hành): Đảm bảo hài hoà lợi lích Nhà nước, doanh nghiệp, nhân dân địa phương.
Khoáng sản là nguồn tài nguyên có hạn, vì vậy việc quản lý khoáng sản chặt chẽ, khai thác sử dụng hiệu quả là yêu cầu cấp thiết, đòi hỏi sự quan tâm của nhiều cấp, nhiều ngành. Nơi nào cho khai thác khoáng sản, phải tính toán kỹ, không để lợi ích từ khai thác khoáng sản "chảy" hết về phía doanh nghiệp. Phải nâng cao quản lý nhà nước, để thu đủ thuế, đủ phí, nhằm "điều hoà" hợp lý lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân địa phương nơi có hoạt động khai thác khoáng sản.

 


THANH NHỊ
 


.