Ổn định đầu ra cho nông sản: Đâu là giải pháp?

02:07, 08/07/2012
.

(QNg)- Mặc dù Quảng Ngãi đã lọt vào top 7 tỉnh có GDP cao nhất nước, nhưng vẫn nằm trong số 20 tỉnh nghèo nhất nước. Khi tỷ lệ nông dân xấp xỉ 70% dân số thì việc phát triển nông nghiệp vẫn được xem là mục tiêu "sống còn" của tỉnh. Muốn vậy, nông sản cần phải có thị trường tiêu thụ ổn định và bền vững. Nhưng nhiều năm qua, đầu ra cho nông sản vẫn là bài toán hóc búa, chưa có lời giải đối với nông dân.

TIN LIÊN QUAN


Điệp khúc buồn

Tiêu thụ nông sản luôn là nỗi lo của nông dân. Hiện tượng tăng giá, rớt giá cứ lặp đi, lặp lại như một điệp khúc buồn khiến nông dân "đắng lòng". Nhắc đến việc tiêu thụ sản phẩm do mình làm ra, nông dân ai cũng lắc đầu ngao ngán. Có những thời điểm, nông dân chưa kịp vui vì được mùa đã phải buồn vì giá nông sản rớt thê thảm. Đáng nói hơn, không chỉ những mặt hàng chưa có đầu mối tiêu thụ ổn định mà ngay cả các sản phẩm có địa chỉ bao tiêu như cây mìø, cây mía, thi thoảng vẫn bị o ép đầu ra.

Không nói đâu xa, vụ thu hoạch mì vừa qua, nông dân Quảng Ngãi bị một phen lao đao. Nhà nhà thu hoạch mì, nhưng công suất của nhà máy chế biến trên địa bàn tỉnh ta thì có hạn, nên mới có cảnh hàng trăm xe mì tươi đứng chờ trước cổng các nhà máy chế biến. Nhắc lại vụ thu hoạch mì năm 2011, gia đình anh Nguyễn Thanh Long (thôn Thanh Sơn, Phổ Cường, Đức Phổ) không khỏi ngán ngẩm. Với giá bán chỉ khoảng 1.200 đồng/kg, hơn 1ha mì của gia đình anh Long chỉ thu về chưa đến 10 triệu đồng. "Nếu so với những năm trước thì giá mì giảm trên một nửa. Với giá bán chỉ 1.200 đồng/kg thì xem như vợ chồng tôi lấy công làm lời thôi"- anh Long thở dài nói.

Chuyện tiêu thụ nông sản khó khăn ai cũng biết, nhưng nông dân khó tránh khỏi. Nông dân có lẽ là người thấm nhất điệp khúc: "Được mùa mất giá; mất mùa được giá". Hình ảnh cả dãy dài xe chở dưa hấu vượt xa hàng nghìn cây số mòn mỏi chờ ở cửa khẩu Lạng Sơn để xuất sang Trung Quốc rồi bị ép cấp, ép giá làm nản lòng người nông dân thời hội nhập.

Không thị trường ổn định, người chăn nuôi phải tự tìm đầu ra cho mình.
Không thị trường ổn định, người chăn nuôi phải tự tìm đầu ra cho mình.


Không nằm ngoài quy luật "cung- cầu", những năm gần đây, phong trào nuôi con đặc sản phát triển mạnh mẽ, đem lại lợi nhuận cao cho người chăn nuôi. Song có điều, không phải hộ nuôi con đặc sản nào cũng dễ dàng tìm được đầu ra cho sản phẩm, nhất là những hộ nuôi nhỏ lẻ càng khó tiêu thụ.

Còn nhớ trước đây, trên địa bàn huyện Mộ Đức nói riêng và tỉnh ta nói chung rộ lên phong trào nuôi ba ba, nhông, ếch... Ban đầu những mô hình này mang lại lợi nhuận kinh tế khá cao cho người chăn nuôi. Thấy làm ăn hiệu quả, nhiều hộ đầu tư vào chăn nuôi đẩy nguồn "cung" lên cao. Hiện nay, không ít mô hình đã bị phá sản, nhiều người nợ nần chồng chất. Lý do là, ban đầu những hộ nuôi các loại đặc sản này có lãi cao nhờ bán con giống, còn khi đã sản xuất nhiều thì đầu ra lại bấp bênh. Hệ quả là "cung" vượt "cầu", sản phẩm làm ra không nơi tiêu thụ.

Điển hình như mô hình nuôi ếch thương phẩm tại xã Đức Thạnh. Trang trại nuôi ếch thương phẩm khá lớn với diện tích gần 1 ha, vừa nuôi ếch thịt thương phẩm, vừa sản xuất ếch giống để bán. Mỗi năm trang trại thu lãi cả trăm triệu đồng. Thế nhưng sau một thời gian triển khai hiệu quả, mô hình này cũng đã phá sản vì một lý do mà ai cũng biết- không có đầu ra ổn định.

Thị trường nông sản trong tay ai?

Có một thực tế hiện nay là đại đa số nông dân tập trung đầu tư cho chăn nuôi, trồng trọt rồi lại lo lắng tìm đầu ra cho sản phẩm đã trở thành một vòng luẩn quẩn trong sản xuất nông nghiệp. Ngoài cây mì và cây mía còn có các doanh nghiệp đứng ra thu mua, còn hầu hết các sản phẩm nông sản chỉ được tiêu thụ nhỏ lẻ, manh mún qua các tư thương, chưa có tổ chức bao tiêu với giá cả ổn định. Do đó, nông dân sản xuất ra nông sản nhưng lại không làm chủ được giá bán mà chính hệ thống trung gian dày đặc mới là những người quyết định giá.     

Ông Nguyễn Công- một nông dân kinh doanh sản xuất giỏi ở xã Đức Minh (Mộ Đức) cho hay, gia đình ông chăn nuôi gần cả ngàn con gà thả vườn, tuy nhiên đầu ra khá bấp bênh, phần lớn chờ các tư  thương đến mua và một số ít phải tự đem ra chợ bán. Trong thời kỳ hội nhập, nhưng lượng thông tin về sản xuất nông nghiệp và các vấn đề liên quan đến với người dân còn quá ít ỏi khiến cho họ mất định hướng, chỉ làm ăn theo cảm tính, thích trồng cây gì, nuôi con gì là cứ thế mà làm. Có khi họ làm theo phong trào, thấy người này làm, vùng này làm thì làm theo, không cần biết đến đầu ra như thế nào. Kết quả là có lúc sản phẩm không tiêu thụ kịp. Nông sản làm ra không bán cho tư thương, bà con cũng chẳng biết bán cho ai!

Với cách phân phối như hiện nay, nông dân là người thiệt thòi nhất, nhưng họ không có cách nào tăng nguồn thu từ sản phẩm do mình làm ra, khi các kênh phân phối chủ yếu dựa vào tư thương. Anh Nguyễn Văn Sang, một hộ trồng rau ở xã Nghĩa Dõng (TPQuảng Ngãi) cho hay, nông dân phải mua vật tư nông nghiệp với giá quá cao, nhưng bán nông sản chỉ bằng 1/2, thậm chí 1/5 giá thực khi tới tay người tiêu dùng. Giá các loại nông sản khác hiện nay bị đẩy lên cao nhiều lần so với giá mà người nông dân sản xuất bán ra. Đây chính là điểm bất hợp lý trong quản lý, điều tiết thị trường.  

Thêm vào đó, khi các doanh nghiệp không "mặn mà" lắm với thị trường tiêu thụ nông sản, thì tư thương vẫn là đội quân chủ lực. Khó có thể gỡ bỏ tư thương ra khỏi vòng quay tiêu thụ. Bởi, với điều kiện của nông dân sản xuất manh mún như hiện nay, chỉ có tư thương mới có khả năng đứng ra làm "cầu nối" tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Đó là một thực tế!

Cần những giải pháp đồng bộ

Thực tế sản xuất và tiêu thụ nông sản cho thấy, việc hình thành các tổ liên kết của nông dân đã đem lại nhiều hiệu quả. Liên kết có nhiều cái lợi, không những lợi về vốn, chất xám mà còn lợi trong mối quan hệ để tạo "đầu ra" cho sản phẩm. Việc hình thành các tổ liên kết cho phép nghĩ tới việc hình thành các nhóm tập thể chuyên canh để xây dựng thương hiệu nông sản. Và các tổ liên kết cũng là hướng đi đầy triển vọng để phát triển loại hình kinh tế hợp tác mới nhỏ gọn, năng động, phù hợp với cơ chế thị trường hiện nay.

Nhưng muốn nông sản được thị trường chấp nhận thì trước tiên phải tạo được sản phẩm chất lượng và phù hợp với tín hiệu của thị trường. Vì vậy, trước tiên phải xây dựng quy hoạch gắn với việc hình thành và phát triển các vùng chuyên canh, sản xuất hàng hóa tập trung. Nhà nước cần nghiên cứu, khảo sát những vùng có đất đai, khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp với những loại cây trồng có thế mạnh để ưu tiên đầu tư phát triển và vận động nông dân thực hiện. Muốn như vậy, Nhà nước cần xây dựng những dự án riêng biệt để phát triển vùng chuyên canh bằng cách đầu tư cơ sở hạ tầng, dồn điền đổi thửa, đầu tư các cây, con giống chất lượng cao...

Đặc biệt, việc tìm kiếm đầu ra ổn định cho nông sản cũng rất cần sự liên kết 4 nhà: Nhà nước, nhà khoa học, nhà nông và nhà doanh nghiệp. Điều này cũng được "hiện thực hóa" qua Quyết định 80 của Thủ tướng Chính phủ, về "Chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng". Có như vậy thì nông dân, doanh nghiệp mới an tâm đầu tư, sản xuất và đầu ra cho nông sản của nông dân mới có sự ổn định. Cùng với đó, người nông dân cần thay đổi tư duy sản xuất tự cung, tự cấp, tìm hiểu và đón đầu thị trường để tránh tình trạng "cung" vượt quá "cầu" và điệp khúc "được mùa mất giá" lại tái diễn...

Để đầu ra cho nông sản bền vững đòi hỏi có sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, ngành và chính người nông dân và cần một chiến lược dài hơi.  Làm được như thế, thì việc phát triển kinh tế của nông dân mới được ổn định và người nông dân mới có điều kiện làm giàu trên chính mảnh đất của mình.
 

*Ông Nguyễn An- Phó Giám đốc Sở Công thương:
Những năm qua, Sở Công thương cũng đã tích cực đưa các mặt hàng nông sản tiêu biểu của tỉnh tham dự nhiều cuộc triển lãm, hội chợ trong nước và thế giới. Hơn nữa, thông qua các kênh quảng bá của mình, Sở Công thương đã giúp nhiều doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực tiêu thụ và chế biến nông sản đến gần với người dân khắp mọi miền đất nước. Chính điều này, góp phần tạo thuận lợi để nông sản của nông dân tiếp cận với thị trường.

*Ông Đinh Duy Sung- Phó Chủ tịch Hội nông dân tỉnh:
Trên thực tế, muốn có đầu ra cho nông sản ổn định và bền vững, trước hết cần phải quy hoạch được vùng sản xuất, xây dựng được vùng nguyên liệu rộng lớn, ổn định. Khi đó mới thu hút được các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Bởi, doanh nghiệp chỉ mạnh dạn đầu tư khi có nguồn nguyên liệu ổn định và bền vững cho hoạt động sản xuất. Khi mối quan hệ này bền chặt, việc giải quyết đầu ra cho nông sản sẽ thuận lợi hơn.

*Ông Trà Văn Bé- khối 4, thị trấn La Hà, Tư Nghĩa:
Các ngành chức năng cần quan tâm hơn trong việc thông tin thị trường để người nông dân chúng tôi biết và điều chỉnh cơ cấu sản xuất, tránh  tình trạng "cung" vượt "cầu". Và, cùng với đó cần tạo điều kiện để phát triển hệ thống phân phối sản phẩm bảo đảm việc tiêu thụ nông sản được thuận lợi. Có như vậy người nông dân chúng tôi mới yên tâm phát triển sản xuất.

*Ông Nguyễn Đẹp- thôn 1, Đức Nhuận, Mộ Đức:
Trong thời điểm hiện nay, trong khi giá một số mặt hàng thiết yếu lên xuống thất thường, giá vật tư tăng cao... nhưng giá nông sản bấp bênh, thị trường đầu ra rất nan giải. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cũng như chính quyền  địa phương cần đề ra một kế hoạch "dài hơi" cho canh tác và phát huy lợi thế cây nông sản tại vùng mình. Bởi lâu nay, người nông dân vẫn đang " tự bơi" trên đồng ruộng của mình. Họ trồng cây gì, nuôi con gì… phần lớn đều là tự phát.

*Bà Hồ Thị Huệ ở thôn Đông, xã Trà Sơn (Trà Bồng):
Giao thông cách trở không chỉ làm hạn chế sự phát triển kinh tế mà còn là điều kiện để tư thương ép giá nông sản của người nông dân. Nhà nước cần đầu tư nhiều hơn nữa hệ thống cơ sở hạ tầng ở miền núi để việc vận chuyển nông sản của bà con đi tiêu thụ được thuận lợi, hạn chế tình trạng tư thương ép giá.

 


N.Đức - N.Triều
 


.