Phòng chống dịch cúm gia cầm ở Quảng Ngãi: Cần sự phối hợp đồng bộ

09:03, 09/03/2012
.

(QNg)- Chủng virus gây nên bệnh cúm gia cầm đã biến đổi. Loại vắc xin đang sử dụng (RE - 5) tiêm phòng không còn tác dụng. Trong khi đó, dịch cúm gia cầm đã bùng phát ở 13 tỉnh, thành trong cả nước và tốc độ lây lan rất nhanh. Quảng Ngãi là địa phương trong năm 2011 đã xảy ra nhiều ổ dịch cúm và năm nay dịch đã xuất hiện ở xã Tịnh Hà (Sơn Tịnh). Do vậy để ngăn ngừa dịch cúm lây lan đòi hỏi ngành chức năng và cả cộng đồng cần tăng cường công tác phòng chống dịch...      

TIN LIÊN QUAN


Dịch cúm gia cầm xảy ra không dừng lại ở việc gây thiệt hại về kinh tế cho người chăn nuôi mà còn ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, đe dọa đến tính mạng của con người. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu năm 2012 đến nay đã có 2 người tử vong do nhiễm cúm A/H5N1, nâng tổng số người mắc bệnh từ năm 2003 đến nay lên đến 121 ca, trong đó đã có 61 ca tử vong.  

MỐI LO NGẠI TỪ CƠ SỞ  

Hiện nay, trên cả nước dịch cúm gia cầm làm cho 35.000 con gia cầm bị chết và bị tiêu hủy. Tỉnh Quảng Nam sát bên tỉnh Quảng Ngãi đã công bố dịch cúm gia cầm. Tại Quảng Ngãi năm 2011, đã xuất hiện các ổ dịch cúm gia cầm tại các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa. Hiện nay, đang trở mùa nên làm giảm sức đề kháng đàn gia cầm; trong khi đó, đàn gia cầm trong tỉnh đã tiêm phòng bắt đầu hết thời hạn miễn dịch hoặc được nuôi mới nên nguy cơ tái dịch cúm rất cao.  

Tăng cường phun hóa chất tiêu độc những ổ dịch cũ, tiêu hủy gia cầm kịp thời để tránh lây lan.
Tăng cường phun hóa chất tiêu độc những ổ dịch cũ, tiêu hủy gia cầm kịp thời để tránh lây lan.


Theo thống kê của Chi cục Thú y Quảng Ngãi, trong năm 2011, dịch cúm gia cầm đã xảy ra ở 28 hộ gia đình thuộc 12 xã của 4 huyện (Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Bình Sơn), với tổng số gia cầm mắc bệnh là 48.896 con (13.000 con chết trước khi tiêu hủy, hơn 35.879 con buộc phải tiêu hủy). Nguyên nhân gia cầm mắc bệnh chủ yếu là ở các ổ dịch cũ; gia cầm chưa được tiêm phòng văcxin; trong khi công tác quản lý, giám sát dịch bệnh thiếu chặt chẽ, việc báo cáo dịch bệnh từ chính quyền cơ sở và các hộ chăn nuôi đến ngành chức năng còn chậm; việc quản lý ấp trứng tại các địa phương thiếu chặt chẽ. Nhận thức của người chăn nuôi về mối nguy hiểm của dịch cúm gia cầm còn hạn chế, chưa tự giác khai báo nuôi mới để tiêm phòng và khi gia cầm xuất hiện dịch, có trường hợp chậm báo cáo cho địa phương và trạm thú y biết.

Ông Nguyễn Tấn Công-Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sơn Tịnh, cho biết: Mối lo ngại hiện nay là người chăn nuôi thường hay thả chạy đồng, ở các dòng suối, bìa sông Trà. Trong đàn có một vài con mang mầm bệnh cúm nếu không phát hiện kịp thời thì sẽ lây lan ra toàn đàn và nguy cơ dịch bệnh lan rộng là điều không tránh khỏi". Điều ông Công nói đã trở thành sự thật bởi đàn vịt hơn 1.000 con của hộ chăn nuôi Lê Ngọc Độ, ở xã Tịnh Hà vừa mới một tháng tuổi đã chết đến 300 con. Chi cục thú y đã lấy mẫu bệnh phẩm gửi Cơ quan thú y vùng 4 tại TP Đà Nẵng xét nghiệm và phát hiện dương tính với virus cúm A/H5N1 nên trong sáng ngày 7/3 đã tiến hành tiêu hủy toàn bộ đàn vịt.

Không riêng gì ở Sơn Tịnh, người dân Quảng Ngãi chăn nuôi với quy mô nhỏ, chủ quan, thiếu ý thức trong việc tiêm phòng, vệ sinh chuồng trại là nguy cơ bệnh cúm gia cầm dễ tái phát trong thời điểm này.

CHƯA CÓ VĂCXIN ĐẶC TRỊ ...
 
Quảng Ngãi hiện có hơn 3 triệu con gia cầm, trong đó, có khoảng 2 triệu con đến kỳ phải tiêm phòng. Nhưng Quảng Ngãi cũng như cả nước do virus cúm gia cầm biến chủng nên hiện Cục Thú y chưa thông báo loại vắc xin đặc trị để tiêm phòng cho đàn gia cầm. Bởi, theo các chuyên gia phân tích các mẫu vi rút cúm H5N1 tại các ổ dịch cho thấy, có nhiều nhánh (clade) virus cúm H5N1 xuất hiện, như nhánh 1, nhánh 5, nhánh 2.3 (bao gồm các loại phân nhánh 2.3.2 và 2.3.4). Ngoài ra, còn có nhánh 7 (đang lưu hành ở Trung Quốc) đã được tìm thấy trên gà nhập lậu qua đường Lạng Sơn. Qua số liệu phân tích các mẫu virus từ các ổ dịch cúm gia cầm và số liệu giám sát virus cúm cho thấy nhánh virus mới 2.3.2 của virus cúm H5N1 lưu hành ở hầu khắp các tỉnh miền Bắc, duyên hải miền Trung và Tây Nguyên. Nhánh virus mới này tiếp tục biến đổi và phát triển thành 2 nhánh phụ có sự khác biệt lớn về kháng nguyên.  

Trước thực trạng này, Cục Thú y đã có văn bản chỉ đạo hệ thống thú y tăng cường công tác giám sát, phát hiện ổ dịch một cách chủ động. Đặc biệt là giám sát lưu hành của nhánh vi rút mới 2.3.2; đồng thời áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch tổng hợp khác.

Ông Nguyễn Văn Thuận - Chi cục phó Chi cục Thú y Quảng Ngãi, cho biết: Chi cục đã triển khai hàng loạt văn bản đến cơ sở để phòng chống dịch; đồng thời thành lập trạm kiểm soát gia cầm ở 3 điểm giáp ranh của tỉnh là Bình Sơn, Ba Tơ và Đức Phổ để ngăn ngừa gia cầm mang mầm bệnh lưu hành trên thị trường. Chi cục cũng đã cấp 10.000 lít hóa chất cho các cơ sở để tiêu độc khử trùng ở các chuồng nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh. Việc cấp hóa chất đã được tiến hành đầu tuần trước. Hiện nay, các địa phương đang tiến hành phun hóa chất diệt trừ mầm bệnh. Riêng huyện Sơn Tịnh đã xuất hiện dịch cúm gia cầm nên chính quyền địa phương cùng ngành thú y cần khoanh vùng ổ dịch, tập trung phun hóa chất diệt trừ mầm bệnh và việc giám sát dịch cần tăng cường hơn.

 Cùng với ngành thú y, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh đang tập trung kiểm tra, giám sát việc tiêu thụ gia cầm trên địa bàn tỉnh đặc biệt là các chợ đầu mối. Bên cạnh việc nỗ lực của các ngành chức năng, các địa phương cần tập trung tuyên truyền cho người dân về Pháp lệnh Thú y, tăng cường chống dịch, không để dịch bệnh lây lan, hạn  chế thiệt hại về đàn gia cầm và bảo vệ sức khỏe cho người dân trên địa bàn tỉnh.
 

*Ông Nguyễn Đình Tuấn - Chi cục trưởng Chi cục Thú y Quảng Ngãi: "Vi rút cúm gia cầm đã biến thể nên rất cần sự vào cuộc đồng bộ để phòng chống dịch".
Cúm gia cầm đã xảy ra trên diện rộng, Chi cục Thú y đã triển khai tháng Vệ sinh an toàn thực phẩm; chỉ đạo các thú y cơ sở phối hợp với địa phương phun hóa chất tiêu độc khử trùng; đồng thời theo dõi diễn biến của dịch cúm để kịp thời phát hiện đối phó. Đối với các trạm kiểm soát động vật, lực lượng thú y phối hợp với ngành chức năng thay phiên nhau trực 24/24. Tuy nhiên, Quảng Ngãi có lượng gia cầm rất lớn. Đây là giai đoạn tiêm phòng đợt 1 năm 2012, nhưng chưa được cấp trên  cấp vắc xin đặc trị. Trong khi đó, dịch bệnh trong cả nước diễn biến phức tạp, lượng gia cầm tái đàn sau Tết trong tỉnh chiếm số lượng lớn mà Quảng Ngãi là nơi biến đổi chủng vi rút mầm bệnh xảy ra ở các ổ dịch cũ tương đối rộng. Lực lượng thú y mỏng nên đòi hỏi các cấp các ngành và người dân nêu cao ý thức phòng chống dịch.   

*Ông Võ Minh Tâm - Chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường: "Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát gia súc, gia cầm lưu hành trên thị trường".
Sau cuộc họp giao ban trực tuyến toàn quốc về diễn biến của cúm gia cầm do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì vừa qua, Chi cục đã triển khai ngay đến các đội quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc lưu thông gia súc, gia cầm và hoạt động giết mổ, buôn bán thịt gia súc, gia cầm để kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm về quy định lưu thông sản phẩm từ gia cầm, góp phần ngăn chặn dịch cúm. Đặc biệt, địa bàn Đội quản lý thị trường số 4 và số 6 là vùng giáp ranh với tỉnh Quảng Nam đang xảy ra dịch cúm gia cầm nên thường xuyên chú trọng công tác kiểm soát. Đối với các sản phẩm gia cầm bày bán ở các chợ, Chi cục kiểm tra sản phẩm nào có dấu thú y mới cho phép lưu hành trên thị trường. Chi cục cũng đã và đang tăng cường việc kiểm tra tuyến đường vùng giáp ranh. Hiện chi cục có 6 đội kiểm tra kiểm soát mang tính độc lập theo thẩm quyền của Chi cục, nên khá  linh động  trong việc kiểm soát...

Ông Vũ Nhân - Phó Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức: "Tiếp tục nâng cao tính chủ động phòng chống dịch cúm của cộng đồng".
Năm 2011, huyện Mộ Đức "may mắn" chưa xảy ra dịch cúm gia cầm. Nhờ bộ phận chuyên môn và sự ý thức của cộng đồng cùng chung tay phòng chống dịch cúm. Tuy nhiên, hiện nay, dịch cúm đã xảy ra ở huyện Sơn Tịnh, Mộ Đức cũng như các huyện khác trong tỉnh đang đối diện với nỗi lo dịch cúm gia cầm sẽ xảy ra. Bởi, đến kỳ tiêm phòng mà chưa có văc xin đặc trị để tiến hành tiêm. Để bảo vệ 500.000 con gia cầm và sức khỏe cộng đồng, huyện đã phân 600 lít hóa chất đến cơ sở để tiến hành phun hóa chất tiêu độc; đồng thời tuyên truyền người dân ý thức phòng chống dịch cúm.

*Ông Đặng Thanh Hậu - Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sơn Tịnh: "Thường xuyên theo dõi diễn biến của dịch để kịp thời dập dịch".
Trước tình hình dịch cúm gia cầm xảy ra một số nơi trong khu vực, huyện đã kiện toàn lại ban chỉ đạo, triển khai các văn bản của tỉnh và của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xuống các địa phương phòng chống dịch; đồng thời đã triển khai tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng. Huyện chỉ đạo các thành viên xuống địa bàn theo dõi. Đối với các ổ dịch cũ, Ban chỉ đạo huyện và xã đến nơi chôn gia cầm trước đây để kiểm tra theo dõi các mầm bệnh lây lan. Toàn huyện hiện có khoảng 770.000 con gia cầm; trong đó có 284.000 con trong diện tiêm phòng đợt 1 năm 2012. Hiện chưa có vắc xin, nên huyện chỉ đạo các ngành chuyên môn, phối hợp với các hội đoàn thể tuyên truyền cho nhân dân cùng chung tay phòng chống dịch cúm.


  Mai Hạ
 


.