Giám sát đầu tư cộng đồng: Thực thi quá chậm

09:03, 25/03/2012
.

 


(QNg)- Hoạt động giám sát đầu tư cộng đồng là một trong những hình thức đảm bảo quyền làm chủ của nhân dân, góp phần đưa chủ trương "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" đi vào cuộc sống. Chủ trương này đã được cụ thể hóa tại Quyết định số 80/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 18/4/2005. Trải qua 7 năm quyết định có hiệu lực, cộng đồng cư dân Quảng Ngãi vẫn chưa được các cơ quan có trách nhiệm đảm bảo việc thực thi quyền giám sát cộng đồng…

Không "vướng" nhưng lại "mắc"

Ngay tại Điều 1 và Điều 2 của Quyết định số 80, hoạt động giám sát đầu tư cộng đồng đã được "định nghĩa" rất cụ thể, rõ ràng: Đó là hoạt động tự nguyện của cư dân sinh sống trên địa bàn xã, phường, thị trấn nhằm theo dõi, đánh giá việc chấp hành các quy định về quản lý đầu tư của cơ quan có thẩm quyền quyết định đầu tư, chủ đầu tư, ban quản lý dự án, các nhà thầu và đơn vị thi công trong quá trình đầu tư. Mục tiêu của hoạt động này là góp phần đảm bảo hoạt động đầu tư phù hợp với các quy hoạch được duyệt, phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; phát hiện ngăn chặn, xử lý kịp thời các hoạt động đầu tư không đúng quy hoạch, sai phạm; các việc làm gây lãng phí, thất thoát vốn và tài sản của Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến chất lượng công trình, xâm hại lợi ích của cộng đồng.

Chủ đầu tư và chính quyền xã Trà Lâm (Trà Bồng) giám sát công trình nước sạch dân sinh xây dựng trên địa bàn xã.
Chủ đầu tư và chính quyền xã Trà Lâm (Trà Bồng) giám sát công trình nước sạch dân sinh xây dựng trên địa bàn xã.


Đây là quy định được cộng đồng cư dân đánh giá là cần thiết, kịp thời, tạo điều kiện để người dân phát huy quyền làm chủ, tham gia giám sát vào hoạt động đầu tư. Quy định này càng trở nên có ý nghĩa hơn khi những năm gần đầy, công tác đầu tư xây dựng các công trình dân sinh trên địa bàn tỉnh đặc biệt được chú trọng. Trong Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về giám sát đầu tư cộng đồng, tất cả các quy định đều rõ ràng, cụ thể, nhưng khi triển khai thực hiện vẫn xảy ra tình trạng chậm trễ. Sau 7 năm quy định có hiệu lực, tỉnh Quảng Ngãi mới chỉ triển khai đến bước… tập huấn cho Ban thanh tra nhân dân 184 xã, phường, thị trấn do UBMTTQVN tỉnh tổ chức. Còn cơ quan "chủ xị" được Thủ tướng quy định trong Quyết định giám sát đầu tư cộng đồng là Sở Kế hoạch và Đầu tư thì dường như vẫn chưa triển khai thực hiện.

Người dân trên địa bàn tỉnh cho rằng, sở dĩ hoạt động giám sát đầu tư cộng đồng chậm được thực hiện là do chính quyền và cơ quan chức năng chưa quyết tâm, cũng như chưa nhận thấy ý nghĩa tác dụng to lớn của hoạt động này. Trong xây dựng cơ bản, vai trò của giám sát cộng đồng rất quan trọng, đóng góp không nhỏ vào sự thành công của dự án đầu tư. Hàng ngày, người dân sống "cạnh" dự án, đồng thời cũng là đối tượng thụ hưởng lợi ích của dự án, nên việc giám sát dự án được nhân dân xem như giải pháp bảo vệ chính quyền lợi của mình. Vì vậy, công tác giám sát đầu tư cộng đồng chậm triển khai, không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng dự án, mà còn hạn chế quyền giám sát của nhân dân mà pháp luật đã quy định.

Không mới nhưng lại "lạ"

Thật ra, nâng cao năng lực giám sát cộng đồng là vấn đề không mới và thực tiễn hoạt động này đã được nhân dân nhiều địa phương thực hiện. Đơn cử như nhân dân thị trấn Di Lăng (Sơn Hà) đã tích cực giám sát dự án xây dựng đường giao thông nông thôn, phát hiện đơn vị thi công "rút ruột" công trình và đã kiến nghị cơ quan chức năng buộc đơn vị này đập bỏ, thi công lại. Hay như nhân dân thôn Sung Túc, xã Nghĩa Hà (Tư Nghĩa) thông qua giám sát cộng đồng đã phát hiện việc thi công đoạn đường liên thôn dài gần 2 km không đảm bảo chất lượng theo như thiết kế,  đã kiến nghị UBND xã yêu cầu đơn vị thi công khắc phục. Vấn đề đặt ra đối với hoạt động giám sát đầu tư cộng đồng hiện nay là phương pháp tiếp cận, biện pháp cụ thể, hữu hiệu, gắn kết trách nhiệm của cơ quan, tổ chức liên quan nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện để nhân dân tham gia giám sát.

Hiện tại, hầu như hoạt động giám sát đầu tư cộng đồng mới chỉ được thực hiện ở góc độ "tự phát" là chính. Nhiều người dân trên địa bàn vẫn chưa nắm được quy định về giám sát đầu tư cộng đồng. Còn chính quyền địa phương trong tỉnh thì dường như vẫn chưa xem công tác này là hoạt động cần thiết phải tổ chức theo quy định Quyết định 80 của Thủ tướng Chính phủ. Tức là phải tổ chức hoạt động giám sát đầu tư cộng đồng thông qua ban giám sát đầu tư do UBMTTQVN xã thành lập để hướng dẫn, động viên cộng đồng tích cực thực hiện quyền giám sát.

Ban giám sát được thực hiện một số quyền giám sát, cụ thể: Đánh giá sự phù hợp của quyết định đầu tư đối với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển các ngành, quy hoạch kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng, quy hoạch xây dựng chi tiết các khu đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp. Đánh giá việc chủ đầu tư chấp hành các quy định về chỉ giới đất đai và sử dụng đất, quy hoạch mặt bằng chi tiết, phương án kiến trúc, xây dựng và xử lý chất thải, bảo vệ môi trường, đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư… Qua đó phát hiện những việc làm gây lãng phí, thất thoát vốn, tài sản thuộc dự án. Vì vậy, nếu hoạt động giám sát đầu tư cộng đồng được triển khai có hiệu quả, sẽ góp phần giảm sai phạm từ các công trình, dự án đầu tư; hạn chế tham nhũng tiêu cực; đồng thời tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực, nâng cao sự đồng thuận xã hội, phát huy dân chủ cơ sở.

Để dân thực thi quyền giám sát

Tại hội nghị tập huấn kỹ năng giám sát đầu tư cộng đồng do UBMTTQVN tỉnh tổ chức cho 184 ban thanh tra nhân dân xã, phường, thị trấn, nhiều cán bộ mặt trận đã bày tỏ nguyện vọng được đảm bảo thực thi quyền giám sát. Ông Hồ Văn Sơn, cán bộ mặt trận xã Trà Quân, xã xa xôi nhất huyện Tây Trà, cho biết: Hiện nay do được thụ hưởng Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, nên trên địa bàn xã có nhiều công trình, dự án được triển khai. Người dân trong xã mong muốn các cấp tạo điều kiện để dân tham gia vào hoạt động giám sát, nhằm góp phần đảm bảo chất lượng công trình. "Nhà nước đầu tư dự án cho dân mình hưởng, cho phép mình được quyền giám sát việc triển khai thực hiện dự án, nhưng dân mình chưa hiểu được cách để thực hiện quyền lợi này. Xã kiến nghị cấp trên cử cán bộ về hướng dẫn, giúp người dân tham gia vào giám sát đầu tư cộng đồng".

Trên địa bàn huyện Tây Trà, thời gian qua, do vai trò giám sát đầu tư cộng đồng của người dân chưa được phát huy nên nhiều công trình dân sinh thi công không đảm bảo chất lượng. Đơn cử như đập thủy lợi Trà Phong, đầu tư nhiều tỷ đồng, nhưng khi vừa xây xong đã hỏng. Hiện tại công trình này đã được đơn vị thi công khắc phục, nhưng năng lực tưới tiêu vẫn chưa đảm bảo theo đúng thiết kế. Tại 6 huyện miền núi của tỉnh, kể từ khi triển khai thực hiện Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững, đã có hàng trăm công trình dân sinh được đầu tư xây dựng. Nhiều công trình sau khi xây xong, đưa vào sử dụng đã giúp đời sống đồng bào nghèo được cải thiện. Thế nhưng cũng có không ít công trình do chất lượng chưa đảm bảo, vừa đưa vào sử dụng đã hư hỏng, thậm chí thi công sai thiết kế, dẫn đến không phát huy tác dụng. Một số dự án đã được ngành chức năng thanh tra, xử lý nhưng đây chỉ là hoạt động "hậu kiểm" khi phát hiện ra thì "chuyện đã rồi".

Giám sát đầu tư cộng đồng không chỉ là quyền của nhân dân mà thông qua việc giám sát, nhân dân sẽ giúp cho chủ đầu tư, nhà thầu thực hiện công trình đảm bảo chất lượng, góp phần công khai, minh bạch quá trình đầu tư, đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội cho cả cộng đồng xã hội.

*Ông Đỗ Văn Cường - Phó Ban dân tộc Hội đồng nhân dân tỉnh: Tạo cơ hội tốt để nhân dân thực hiện quyền giám sát.
Hoạt động giám sát cộng đồng chỉ có thể phát huy hiệu quả khi được đặt trong chuỗi các hoạt động có liên quan đến quá trình đầu tư xây dựng công trình, dự án. Trong đó quan trọng nhất là việc công khai minh bạch quá trình đầu tư, hạng mục công trình, giải phóng mặt bằng, tái định cư… đến nhân dân. Khi người dân nắm được những thông tin chính xác về công trình, dự án thì mới có thể phát hiện ra các sai phạm của chủ đầu tư, đơn vị thi công trong quá trình triển khai thực hiện.

*Ông Võ Việt Chính - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh: Trang bị kiến thức cho người dân
Bam giám sát đầu tư cộng đồng phải nắm được thiết kế, định mức kỹ thuật xây dựng, cam kết chất lượng… thì mới có thể "nhìn vào" cách thực hiện của chủ đầu tư, đơn vị thi công để tìm ra sai phạm. Do đó, cần thiết phải trang bị kỹ năng để các thành viên có thể nhận diện sai phạm, góp ý điều chỉnh, sửa chữa, khắc phục, nhằm góp phần cho dự án đạt chất lượng, phát huy hiệu quả. Việc trang bị kiến thức cần thiết cho ban giám sát đầu tư cộng đồng còn để họ có thể làm tốt vai trò phản biện, nếu chủ đầu tư, đơn vị thi công khi có lỗi lại quanh co không chịu nhận lỗi. Đó cũng là giải pháp để hạn chế khiếu kiện trong nhân dân ngay từ cơ sở trong quá trình triển khai thực hiện dự án.

*Ông Nguyễn Chí Tuyển - Trưởng ban Dân chủ pháp luật (UBMTTQVN tỉnh): Ban giám sát đầu tư cộng đồng chủ động phát huy vai trò
Ban giám sát đầu tư cộng đồng do Mặt trận xã thành lập có hạt nhân chủ yếu là cán bộ mặt trận thôn nên trình độ, kỹ năng có phần hạn chế. Tuy nhiên, nếu các thành viên của ban giám sát có nguyện vọng được hướng dẫn kỹ năng giám sát cũng như thông tin về công trình, dự án thì sẽ chắc chắn được các cơ quan chức năng đáp ứng.Vấn đề chính ở đây là sự chủ động phát huy vai trò của ban giám sát đầu tư cộng đồng. Trong điều kiện công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chưa đủ nhân lực, vật lực thì hoạt động giám sát đầu tư cộng đồng là rất cần thiết. Vì vậy, chính quyền và ngành chức năng, đơn vị liên quan cần quan tâm tạo điều kiện để người dân tham gia giám sát, góp phần đảm bảo nguồn lực đầu tư hiệu quả, hạn chế tiêu cực, lãng phí.

*Ông Đinh Văn Nhè - Chủ tịch UBND xã Sơn Kỳ (Sơn Hà): Chính quyền phối hợp chặt chẽ để nhân dân tham gia giám sát.
UBND xã cần thực hiện nghiêm công khai hóa các thông tin về quy hoạch phát triển kinh tế- xã hội, quy hoạch kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng, quy hoạch chi tiết các khu đô thị, kế hoạch đầu tư có liên quan đến địa bàn xã. Đồng thời xem xét, giải quyết các vấn đề thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật mà cộng đồng dân cư phản ánh, báo cáo cơ quan cấp trên những vấn đề thuộc thẩm quyền; kiểm tra, ngăn chặn, xử lý kịp thời những phản ánh của nhân dân về các sai phạm mà dân phát hiện được.


Thanh Nhị
 


.