Quản lý, tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa: Đánh trống bỏ dùi

02:12, 11/12/2011
.

(QNg)- Trong số 26 di tích (DT) được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa (DTLSVH) cấp Quốc gia và 167 DT được công nhận cấp tỉnh thì hầu hết đều có chung cảnh: Hư hỏng và xuống cấp. Điều đáng nói là khi lập hồ sơ và tổ chức lễ công nhận thì DT nào cũng được cơ quan chủ quản hứa sẽ trùng tu, bảo vệ để phát huy giá trị của DT nhưng thực tế thì hoàn toàn ngược lại…

Thực trạng của di tích

Theo yêu cầu của người bạn đến từ Hà Nội, tôi đưa anh đi viếng thăm DT Diên Niên - Phước Bình ở xã Tịnh Sơn (Sơn Tịnh) - nơi mà cách đây 47 năm, lính đánh thuê Nam Triều Tiên đã tập trung dân tại sân trường thôn Phước Bình và đình thôn Diên Niên, rồi dùng súng tiểu liên bắn xối xả vào đám đông. Đây là một trong số nhiều vụ thảm sát gây chấn động ngày ấy, với 280 thường dân vô tội bị thiệt mạng mà chủ yếu là phụ nữ và trẻ em. Để tưởng nhớ các nạn nhân và ghi lại tội ác chiến tranh, nơi đây đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ VHTT&DL) công nhận là DTLS cấp Quốc gia vào năm 1994. Thấy anh bạn khá am hiểu lịch sử và thích thú khám phá các điểm DT quê mình, tôi thấy buồn vì DT Diên Niên - Phước Bình chưa được khang trang như anh vẫn nghĩ.

Du khách đến thăm quan khu chứng tích Sơn Mỹ.
Du khách đến thăm quan khu chứng tích Sơn Mỹ.


Qủa đúng thế, đứng trước một DT ghi lại dấu ấn lịch sử mang tầm quốc gia mà chỉ có một tấm bia cũ kỹ,  để tượng trưng thì, cái vẻ háo hức ban đầu của anh đã nhanh chóng thay bằng sự thất vọng đến tội nghiệp. Không thất vọng sao được khi di tích này dù tọa lạc trên miếng đất cao bên tỉnh lộ 623, nhưng các ngành chức năng lại "tiết kiệm" đến mức chẳng có lấy một  biển báo nào để mọi người biết rằng đây là điểm DTLS.

Ngay cả trên tấm bia tưởng niệm cũng chỉ ghi sơ sài tên tuổi của vài chục nạn nhân, nhưng chữ còn chữ mất, xung quanh là rác thải tràn lan cũng chẳng ai buồn dọn dẹp. Đã thế, bên cạnh DT còn có sự góp mặt của xe tang, chiếc thuyền cùng ngôi trường tiểu học của thôn nằm khuất phía sau hàng keo lai, càng làm tăng thêm cái vẻ hoang vắng của DT.

Rời KDT Diên Niên trong tâm trạng không mấy vui vẻ, anh lại ngỏ ý nhờ tôi đưa đi thăm Khu du lịch Đặng Thùy Trâm (KDL) ở xã Phổ Cường (Đức Phổ). Mặc dù đã được tôi bật mí trước về tình trạng của KDL, nhưng khi trực tiếp "mục sở thị" thì anh đã đi từ ngạc nhiên này đến... thất vọng khác. Bởi, một KDL được tỉnh công bố quy hoạch hoành tráng mà mãi đến giờ cũng chẳng có gì!. Và dù rất muốn lên thăm các điểm hầm trú ẩn hay nơi chị Trâm đã hy sinh, nhưng khi nhìn con đường mòn sỏi đá, nhiều đoạn lầy lội thì chúng tôi đành phải... suy nghĩ lại. Thậm chí khi đã vật vã chinh phục được một phần "con đường di tích" thì chúng tôi cũng không thể cán đích KDL vì chẳng biết vượt hồ Liệt Sơn bằng cách nào.

Thấy vẻ mặt rầu rĩ của chúng tôi, những người dân đi rừng ngang qua đây động viên: Thôi chịu khó mùa nắng quay lại vì lúc đó hồ cạn nước nên có thể lội bộ được. Cũng vì lâu không có ai tìm đến đây nên người chèo đò đã bỏ về rồi. Họ còn phải đỡ đần vợ con kiếm sống chứ chẳng lẽ một mình ở mãi nơi hoang vắng này. "Chị Trâm là niềm tự hào của người Hà Nội tụi mình. Vì thế, mỗi khi có dịp đến Quảng Ngãi, ai cũng muốn về thăm và thắp nén nhang nơi chị đã hy sinh. Nhưng có lẽ nghĩa cử đó sẽ khó thành hiện thực" - anh bạn thở dài cho biết.

DT Diên Niên và KDL Đặng Thùy Trâm chỉ là hai trong số hàng trăm các DTLSVH cấp Quốc gia và tỉnh, được người dân địa phương và cả du khách sau một lần ghé thăm đều chạnh lòng. Bởi ngoài sự hư hỏng, xuống cấp của DT.

Kinh phí thiếu hay quản lý yếu?

Trước thực trạng nhiều công trình DTLSVH bị hư hỏng, không phát huy được các giá trị lịch sử và văn hóa, ông Nguyễn Đăng Vũ - Giám đốc Sở VHTT&DL cho rằng: Nguyên nhân là do… thiếu kinh phí! Bởi, dù muốn trùng tu, tôn tạo các DTLSVH cấp quốc gia trên địa bàn tỉnh, nhưng với 1 tỷ đồng do Bộ VHTT&DL hỗ trợ theo Chương trình mục tiêu chống xuống cấp di tích thì cũng chỉ đủ làm mới được… cái vỏ, còn phần ruột thì vẫn như cũ. Chẳng thế mà hầu hết các DT đều nằm trong vòng luẩn quẩn: Xuống cấp - trùng tu - xuống cấp.

 

DTLS cấp quốc gia nhưng DT Diên Niên - Phước Bình (xã Tịnh Sơn, Sơn Tịnh) chỉ có một tấm bia, xung quanh nhếch nhác chẳng ai dọn dẹp.
DTLS cấp quốc gia nhưng DT Diên Niên - Phước Bình (xã Tịnh Sơn, Sơn Tịnh) chỉ có một tấm bia, xung quanh nhếch nhác chẳng ai dọn dẹp.


Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là bên cạnh kinh phí eo hẹp thì công tác quản lý có thật sự hiệu quả?. Bởi lẽ, hiện có quá nhiều DT đã được "đánh bóng" tên tuổi trong thời gian đầu vừa được công nhận. Nhưng sau đó thì sao? Ngoài việc được gắn tấm bia để tôn vinh thì hầu hết các chương trình, dự án không phát huy hiệu quả, DT gắn với du lịch cũng chỉ nằm trên… giấy!

Điển hình như KDL Đặng Thùy Trâm - mà đặc biệt là khu vực chị Trâm làm việc và hy sinh sẽ là điểm nhấn để thu hút du khách đến thăm quan, tìm hiểu và khám phá. Tuy nhiên, dù đã nổi tiếng từ nhiều năm nay, nhưng đến giờ thì diện mạo KDL vẫn chẳng có gì khác so với lúc mới được phát hiện và công nhận.

Một thực trạng nữa hiện nay là nhiều DTLSVH tốn bạc tỷ để xây dựng, tôn tạo nhưng chỉ số ít DT được mọi người để mắt đến như: Khu chứng tích Sơn Mỹ (Sơn Tịnh), Khu lưu niệm Thủ tướng Phạm Văn Đồng (Mộ Đức), Khu bảo tồn văn hóa Sa Huỳnh (Đức Phổ)…. Còn hầu hết các DT đều "sống" trong lặng lẽ, vắng vẻ. Thậm chí nhiều DT có kinh phí xây dựng nhưng lại… thiếu tiền để gắn thêm các biển chỉ dẫn nên cũng chẳng ai biết mà đến viếng thăm, tìm hiểu.

Điển hình như đường vào Nhà lưu niệm Trung tướng Phạm Kiệt (DTLS cấp tỉnh). Ngoài tấm biển nằm xiêu vẹo với nội dung "Đường vào nhà lưu niệm Trung tướng Phạm Kiệt, cách 2km" đặt ngay đầu đường thì, chẳng có thêm một thông tin nào trên đoạn đường dài ngoằn ngoèo và quanh co ấy. Phải dò hỏi mãi, cuối cùng chúng tôi mới tìm ra được con hẻm rẽ vào Nhà lưu niệm nhờ tấm pa nô cà phê Lưu Niệm ngay đầu hẻm!.

Theo Sở VHTT&DL thì sắp tới, Sở sẽ tiến hành rà soát và phối hợp với các đơn vị liên quan để xây dựng kế hoạch trùng tu, tôn tạo và bảo vệ các DT trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, vấn đề là ở chỗ, sau khi đã bỏ ra một số tiền không nhỏ để duy tu, bảo dưỡng thì liệu các DT này có phát huy được những giá trị lịch sử - văn hóa xứng tầm với tên gọi của nó, hay vẫn chỉ có nhiệm vụ được "sống" để đối mặt với sự tàn phá của thời gian?
 

*Ông Nguyễn Đăng Vũ - Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh: Cần sự chung tay và góp sức của toàn xã hội. Muốn việc bảo tồn, duy tu và phát huy giá trị của các DTLSVH đạt hiệu quả thì, các cấp ngành và toàn xã hội phải vào cuộc. Nếu chúng ta cứ bỏ tiền để trùng tu, tôn tạo mà người dân và chính quyền địa phương không có ý thức và trách nhiệm bảo vệ thì liệu DT đó có được sống yên?. Thậm chí nhiều nơi, người dân còn vứt rác thải tràn lan ở các điểm DT; học sinh viết vẽ bậy lên bia, tường DT, còn chính quyền sở tại thì cũng chẳng buồn nhắc nhở, xử lý. Hơn nữa, hầu hết các DT ở tỉnh ta đều thuộc dạng DT kháng chiến - cách mạng nên việc thu hút du lịch là rất khó. Do đó, để tạo bước đột phá trên lĩnh vực này thì ngoài sự đầu tư đồng bộ, đúng tầm của Nhà nước, còn cần sự chung tay góp sức của toàn xã hội.

*Ông Nguyễn Ngọc Thái - Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tịnh: Xã hội hóa việc trùng tu, bảo vệ các DTLSVH. Nhiều điểm DTLSVH hiện nay chỉ có tên. Bởi, hầu như DT nào cũng chỉ có mỗi tấm bia công nhận, còn khuôn viên xung quanh thì vẫn là bãi đất, không tường rào cổng ngõ. Chúng ta luôn tìm cách giải quyết bài toán thiếu quỹ đất để xây dựng các khu vui chơi, giải trí. Vậy tại sao các điểm DT này thừa đất mà lại thiếu người lui tới?. Tôi thấy nhiều nơi người ta đã thành công khi "biến" điểm DT vừa là nơi giáo dục truyền thống, vừa trở thành địa chỉ vui chơi hấp dẫn cho các bạn trẻ. Đó là một mô hình hay mà để làm được điều này, tỉnh ta phải có định hướng chiến lược rõ ràng, nhất là vấn đề huy động nguồn kinh phí để xã hội hóa công tác trùng tu, bảo vệ và phát huy các giá trị của các DT.

*Bà Lê Thị Chung - Phó Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh: Phân cấp rõ trách nhiệm quản lý, bảo vệ và trùng tu DTLSVH giữa các cơ quan chủ quản. Hiện nay, việc phân cấp trách nhiệm quản lý chưa rõ ràng, minh bạch giữa cấp Sở và các huyện, thành phố. Do đó, chỉ một số huyện như Mộ Đức, Sơn Tịnh, Đức Phổ và Bình Sơn có bố trí một phần kinh phí để trùng tu, bảo vệ các DT cấp tỉnh trên địa bàn. Còn lại các địa phương khác thì hầu như "khoán trắng" cho Sở VHTT&DL và Bảo tàng Tổng hợp tỉnh. Trong khi chúng tôi không đủ lực để "gánh" việc trùng tu hàng trăm DTLSVH còn lại. Hơn nữa, hiện Đề án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị DT trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011 - 2020 vẫn chưa được UBND tỉnh phê duyệt. Do đó, ngoài việc không có nguồn kinh phí để duy tu, bảo dưỡng thì câu hỏi: Vì sao nhiều công trình DTLSVH trên địa bàn tỉnh đã và đang bị hư hỏng, xuống cấp mà vẫn chưa được quan tâm đầu tư, tôn tạo đến giờ cũng chưa có câu trả lời ngã ngũ. Bởi, để xảy ra tình trạng này thì trách nhiệm quản lý thuộc về ai? Do Sở VHTT&DL hay cấp huyện, thành phố?.

*Ông Phạm Bá Chiểu - du khách đến từ Hà Nội: Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả quảng bá, tuyên truyền. Dù sở hữu nhiều DTLSVH nhưng hiếm khi tôi thấy các bạn tổ chức các sự kiện tôn vinh, quảng bá DT quy mô lớn để "mang" các điểm này giới thiệu với đông đảo bạn bè trong và ngoài tỉnh. Tôi thấy Quảng Ngãi sở hữu khá nhiều DT mang tính lịch sử, vậy tại sao các bạn không tận dụng lợi thế này để "biến" các điểm DT trở thành địa chỉ về nguồn lý tưởng cho du khách?. Đối với một số địa phương, họ còn cho đặt những tấm pa nô, áp phích to ở ngay đầu làng để giới thiệu sơ lược về tên, lịch sử ra đời và ý nghĩa của từng DT. Tuy nhiên, ở Quảng Ngãi thì khác, khi tôi đến các địa đạo, nhà lưu niệm hay một số DT nổi tiếng cũng chẳng biết đường nào mà tìm, vì hầu hết các biển hiệu DT đã bị các tấm pa nô quảng cáo, băng rôn, quán ăn… che khuất. Không chỉ gây mất vẻ mỹ quan và văn minh đô thị, mà tình trạng này còn thể hiện sự thiếu tôn trọng của chúng ta đối với các DT.

 

Mỹ Hoa


.