Phát triển đội ngũ cán bộ KHCN ở Quảng Ngãi: Đầu tư từ đâu?

03:11, 27/11/2011
.

(QNg)- Những năm qua, hoạt động nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) ở Quảng Ngãi ngày càng được nhân rộng, góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế- xã hội của địa phương. Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ KHCN trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế. Do đó, tỉnh cần có định hướng và chính sách xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ KHCN trong thời gian đến.

NGUỒN NHÂN LỰC CÒN HẠN CHẾ

Theo thống kê của Sở Nội vụ, Quảng Ngãi hiện có hơn 23.100 cán bộ, công chức, trong đó có 21 tiến sĩ và trình độ tương đương; 454 thạc sĩ; hơn 9.000 người có trình độ đại học; trên 6.000 người có trình độ cao đẳng và khoảng 6.500 người có trình độ trung cấp. Điều này cho thấy, số chuyên gia có trình độ chuyên môn, học hàm, học vị còn rất ít, số lượng cán bộ có trình độ sau đại học ở tỉnh còn thấp, nên khó đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa- hiện đại hóa.
 
Sinh viên Trường ĐH Phạm Văn Đồng tham gia nghiên cứu khoa học.
Sinh viên Trường ĐH Phạm Văn Đồng tham gia nghiên cứu khoa học.

Ông Đỗ Ảnh- Phó Giám đốc Sở KHCN, đánh giá: Chất lượng đội ngũ cán bộ KHCN tỉnh ta còn thấp nên khó có thể nghiên cứu một số lĩnh vực công nghệ cao, ngành mũi nhọn. Hiện nay, ngành KHCN ở Quảng Ngãi mới chỉ ưu tiên nghiên cứu ứng dụng, chưa thể nghiên cứu các lĩnh vực cơ bản. Có một thực tế là, nhiều cán bộ KHCN có nghiệp vụ giỏi nhưng lại hoạt động không đúng chuyên môn. Hiện nay, số cán bộ KHCN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh còn ít. Nhiều doanh nghiệp cũng chưa thật sự đầu tư cho công tác nghiên cứu, cải tiến kỹ thuật, cải tiến công nghệ, thiết kế mẫu. Tình trạng này không chỉ khiến cho nguồn nhân lực KHCN chậm phát triển, mà còn khiến cho quá trình hội nhập kinh tế của tỉnh gặp nhiều khó khăn.

Nguyên nhân của những bất cập, hạn chế nêu trên là do vốn đầu tư cho KHCN hằng năm của tỉnh còn hạn hẹp, chính sách đầu tư cho KHCN còn nhiều "nút thắt". Trong 5 năm (2006-2010), ngân sách tỉnh dành cho sự nghiệp KHCN chưa đến 1%. Trong khi đó, theo mục tiêu, yêu cầu của Nhà nước, kinh phí đầu tư cho KHCN hằng năm phải bằng hoặc hơn 2% tổng chi ngân sách địa phương. Việc phát triển đội ngũ cán bộ KHCN hiện nay là nhằm nâng cao năng lực KHCN,  rút ngắn thời gian thực hiện quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nếu không sớm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của lực lượng lao động nói chung, đội ngũ cán bộ KHCN nói riêng, Quảng Ngãi sẽ ít có khả năng cạnh tranh với các tỉnh trong vùng về thu hút đầu tư và các công nghệ tiên tiến. 

CẦN CƠ CHẾ "THOÁNG"

Theo ông Đỗ Ảnh, tỉnh cần đẩy mạnh đầu tư tài chính từ bậc phổ thông trung học đến đại học và trên đại học. Bên cạnh đó, tỉnh cần tăng ngân sách và đa dạng hóa, xã hội hóa giáo dục đào tạo (GDĐT), thu hút các cá nhân, tổ chức đầu tư cho GDĐT; liên kết vào hệ thống GDĐT của cả nước và nước ngoài.

Để kịp thời khơi dậy những sáng kiến của đội ngũ cán bộ KHCN, việc mở rộng các cuộc thi, các giải thưởng về KHCN đóng vai trò rất quan trọng. Ngoài ra, việc thu hút chất xám bằng các chương trình, đề tài, dự án với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành là hết sức cần thiết. Để tránh “chảy máu” chất xám đội ngũ cán bộ KHCN, Quảng Ngãi cần tháo gỡ cơ chế, chính sách cản trở quá trình hoạt động của đội ngũ cán bộ KHCN tại các tổ chức KHCN, sản xuất kinh doanh nơi có đội ngũ cán bộ KHCN hoạt động.

Đặc biệt, muốn phát triển nguồn nhân lực KHCN, tỉnh ta cần triển khai các chính sách như: Liên kết đào tạo nguồn nhân lực ở các trình độ, đặc biệt là trình độ trên đại học, với các cơ sở giáo dục hàng đầu trong nước; đào tạo nguồn nhân lực ở nước ngoài, thông qua các chương trình đào tạo quốc tế.

Bên cạnh đó, cần nâng cao đổi mới chất lượng hoạt động của đội ngũ cán bộ KHCN. Đó là việc đầu tư cả tài chính, nguồn nhân lực KHCN vào các hoạt động KHCN trọng tâm, trọng điểm của tỉnh như hoạt động nghiên cứu, triển khai và ứng dụng vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tỉnh cũng cần tạo môi trường thông thoáng để việc cấp kinh phí, hỗ trợ tài chính cho các tổ chức, cá nhân hoạt động KHCN, sản xuất kinh doanh được dễ dàng hơn. 

ĐẨY MẠNH HOẠT ĐỘNG NCKH CỦA CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC, CAO ĐẲNG

Để phát triển đội ngũ cán bộ KHCN, Quảng Ngãi cũng cần phải chú trọng khai thác, phát huy nguồn nhân lực và trang thiết bị của các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh. Từ đó nâng cao vai trò của các trường đại học trong công tác NCKH, phát triển công nghệ phục vụ phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.

Ông Phạm Nghi- Trưởng phòng Đào tạo Trường đại học Phạm Văn Đồng, kiến nghị: Tỉnh cần cho phép thành lập các nhóm nghiên cứu trong trường đại học, cao đẳng; đầu tư các phòng thí nghiệm hiện đại tại các trường để vừa phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, giảng dạy của trường, vừa phục vụ nhu cầu phân tích, kiểm nghiệm của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh; thường xuyên trao đổi, cung cấp thông tin về nhu cầu và khả năng nghiên cứu các nhiệm vụ khoa học giải quyết các vấn đề nảy sinh trong tỉnh để các trường chủ động tham gia, đề xuất các đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu phù hợp với nhu cầu của tỉnh.
Ngoài ra, đào tạo nguồn nhân lực trong trường cần gắn với nhu cầu xã hội. Do đó, các trường phải xây dựng cơ chế thích hợp để hoạt động NCKH phục vụ tối đa các hoạt động đào tạo của nhà trường. Khuyến khích sinh viên có học lực giỏi tham gia các đề tài NCKH cùng với giảng viên, nhằm phát triển đội ngũ cán bộ NCKH chuyên nghiệp. Tập hợp một số giảng viên có năng lực nghiên cứu trong các tổ và khoa chuyên môn để hình thành các nhóm nghiên cứu chất lượng cao, tập trung đầu tư nguồn lực, tạo cơ chế cho các nhóm này hoạt động có hiệu quả, tiến tới nghiên cứu một số đề tài theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp và của tỉnh.

*Ông Trần Văn Thanh- Giám đốc Sở Nội vụ:
Trong tình hình hiện nay, muốn thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước, đưa Quảng Ngãi ngày càng phát triển với những tiềm năng hiện có, thì cần chú trọng vấn đề thu hút và sử dụng nhân tài, trong đó có đội ngũ cán bộ KHCN. Trong những năm qua, tỉnh ta đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để khuyến khích đào tạo, thu hút nguồn lực có trình độ cao về công tác tại tỉnh. Những người có học hàm, học vị, có trình độ chuyên môn cao và năng lực xuất sắc (như giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ...), thì được tuyển dụng hoặc tiếp nhận và bố trí công tác, ngoài việc hưởng lương và phụ cấp theo quy định của Nhà nước còn được tỉnh hỗ trợ một lần với mức hỗ trợ từ 15 triệu đến 70 triệu đồng. Ngoài ra, tỉnh còn tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho đội ngũ này sinh sống và làm việc tại địa phương. Những người tốt nghiệp đại học hệ chính quy đạt loại giỏi và xuất sắc nếu có nguyện vọng về công tác tại tỉnh thì được tuyển dụng, bố trí công tác và được ưu tiên cử đi học sau đại học.

Từ năm 2006- 2010, Quảng Ngãi đã thu hút được 12 cán bộ có trình độ cao về công tác. Tuy nhiên, cơ chế chính sách của tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế, chưa mang tính đột phá. Trong thời gian đến, tỉnh sẽ tích cực có nhiều chính sách thông thoáng hơn, tạo môi trường làm việc, NCKH thật sự năng động, khuyến khích người tài phát huy năng lực trong công việc. Đồng thời, sẽ có chế độ đãi ngộ xứng đáng hơn nữa để thu hút nhân tài.

*Tiến sĩ Nguyễn Kim Hiệu- Chủ tịch Liên hiệp các Hội KHKT tỉnh Quảng Ngãi:
Đáng chú ý là hiện nay, tỉnh ta không thiếu những chuyên gia đầu ngành là người Quảng Ngãi đang làm việc tại nhiều địa phương trên khắp cả nước. Nhưng chúng ta lại chưa thể tận dụng được chất xám của đội ngũ này. Nếu chúng ta có chính sách thu hút được nguồn nhân lực, thì đây là điều kiện tốt cho việc đẩy mạnh CNH- HĐH tỉnh nhà. Như vậy, ngoài việc đào tạo, phát triển đội ngũ cán bộ khoa học đang sinh sống và làm việc trên địa bàn tỉnh, chúng ta cũng cần chú trọng thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao khắp mọi miền đất nước. Trong thời gian tới, để phát huy cao nhất vai trò động lực của nguồn lực KHCN, ngoài việc tranh thủ tiềm năng nhân lực trên lĩnh vực KHCN, chúng ta nên gửi thông điệp đến từng nhà khoa học và thể hiện rõ sự tôn vinh đối với những người con quê hương đang công tác ngoài tỉnh, qua đó chúng ta có thể xúc tiến thành lập các tổ chức tương trợ hợp tác ở trong vùng và tăng cường giao lưu giữa tỉnh ta với các hiệp hội bên ngoài.

*Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Đăng Phước - Hiệu trưởng Trường đại học Phạm Văn Đồng:
Trong những năm qua, phát triển đội ngũ cán bộ KHCN luôn được nhà trường chú trọng đầu tư. Hiện nay, Trường đại học Phạm Văn Đồng có gần 300 cán bộ, giảng viên, trong đó có hơn 120 người có trình độ sau đại học. Hằng năm, trường luôn có kế hoạch cử giảng viên đi đào tạo ở nước ngoài theo các chương trình hỗ trợ của Chính phủ. Trước mắt, trường tập trung chuẩn bị lực lượng cán bộ, giảng viên đáp ứng nhu cầu giảng dạy theo quy định của Bộ GD&ĐT. Nhưng về lâu dài, đội ngũ cán bộ KHCN này sẽ là nòng cốt xây dựng "thương hiệu" cho các trung tâm.

Mỗi năm, Trường ĐH Phạm Văn Đồng cho "ra lò" hơn 10 đề tài NCKH, ứng dụng thiết thực vào công tác giảng dạy, học tập, cũng như phục vụ sản xuất cho nhiều doanh nghiệp. Trong thời gian đến, nhà trường sẽ có những chính sách hỗ trợ cho sinh viên đẩy mạnh hoạt động NCKH, với chỉ tiêu 20 đề tài/năm. Các sinh viên này chính là "hạt giống" được định hướng theo yêu cầu nguồn nhân lực cho các chuyên ngành KHCN mũi nhọn của địa phương. Mục tiêu lâu dài của trường là có nhiều đề tài NCKH cấp Quốc gia, cấp tỉnh được cán bộ, giảng viên, cùng nhiều sinh viên nhà trường tham gia; đồng thời thực hiện nhiều đề tài NCKH theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp. Nếu được sự đầu tư, hỗ trợ đúng mức từ phía tỉnh thì mục tiêu này sẽ trở thành hiện thực trong thời gian ngắn. Điều đó sẽ giúp đội ngũ cán bộ KHCN của tỉnh ta thật sự là "đầu tàu" đưa ngành KHCN Quảng Ngãi tiến lên.
 
Phương Triều

.