Hoạt động quảng cáo ngoài trời: Ai quản?

02:11, 11/11/2011
.

(QNg)- Quảng cáo ngoài trời là nhằm tuyên truyền các sự kiện chính trị - xã hội của địa phương; hoặc quảng bá hình ảnh, sản phẩm của các doanh nghiệp thông qua  panô, băng rôn, áp phích… Tuy nhiên, việc quản lý và cấp phép hoạt động quảng cáo trên địa bàn tỉnh ta hiện nay còn bộc lộ nhiều bất cập, khi "quả bóng" trách nhiệm quản lý lại bị các ngành liên quan "đá" cho nhau...

Phòng bảo được, Sở nói không!

Từ khi xuất hiện tấm pa nô quảng cáo "Xăng sinh học E5" nằm chễm chệ ở đầu cầu Trà Khúc 1, thì không ít người dân đã cảm thấy khó chịu, bởi sự có mặt khá "vô duyên" của tấm pa nô to đùng này. "Không vô duyên sao được, khi vừa đặt chân đến cửa ngõ trung tâm thành phố, thì mọi người lại chạm ngay... xăng E5; trong khi lời chào "Thành phố Quảng Ngãi kính chào quý khách" thì được ưu tiên bố trí “một cách khiêm tốn” nằm dọc trên... vỉa hè của tuyến đường!" - ông Phan Thanh Hiệp, ở tổ 2, phường Nguyễn Nghiêm (TP Quảng Ngãi) bức xúc nói.
 
Kiên cố và không kém phần  hoành tráng ngay tại đầu cầu Trà Khúc 1 - cửa ngõ phía Bắc đi vào  thành phố, tấm pa nô quảng cáo xăng E5 này chẳng khác nào lời chào mừng quý khách đến với TP. Quảng Ngãi.
Kiên cố và không kém phần hoành tráng ngay tại đầu cầu Trà Khúc 1 - cửa ngõ phía Bắc đi vào thành phố, tấm panô quảng cáo xăng E5 này chẳng khác nào lời chào mừng quý khách đến với TP. Quảng Ngãi.

Do đó, theo ý kiến của ông Hiệp và đông đảo người dân thì: Ở những vị trí nhạy cảm như thế này, chỉ có thể đặt pa nô hay áp phích quảng cáo, phục vụ cho nhiệm vụ tuyên truyền các sự kiện chính trị - xã hội lớn của tỉnh; hoặc quảng bá những hình ảnh, thành tựu của núi Ấn sông Trà xưa và nay... "Vì thế, tấm pa nô quảng cáo này cần phải được tháo dỡ, trả lại mỹ quan cho thành phố" - ông Hiếu khẳng định.

Không riêng gì pa nô quảng cáo ở đầu cầu Trà Khúc 1, mà tấm biển quảng cáo bia Tiger ở Vườn hoa mi ni thành phố cũng vấp phải sự phản ứng mạnh của người dân. Bởi theo phân tích của các chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực quảng cáo thì: Tấm pa nô quảng cáo này đã phá vỡ cấu trúc tổng thể của vườn hoa - mà cụ thể là vòng xoay, một điểm nút giao thông của thành phố. Bởi lẽ, ở đây chỉ cần trang trí hệ thống đèn led và vòi phun nước phù hợp với bố cục của vườn hoa. Mặt khác, việc đặt một tấm pa nô để quảng bá hình ảnh bia Tiger ở tận... Singapore, ngay vị trí đẹp của thành phố, sẽ là điều bất công đối với các sản phẩm của địa phương.

Tuy nhiên, khi trao đổi vấn đề này với Sở VHTT&DL - cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động quảng cáo cho doanh nghiệp (DN), thì ông Phan Đình Độ, Chánh văn phòng Sở VHTT&DL cho rằng: Chúng tôi bị đặt vào tình thế "việc đã rồi"! Nghĩa là, DN tư nhân Quảng cáo Lê Nguyễn đã tiến hành đầu tư và khai thác quảng cáo, trước khi gửi hồ sơ đề nghị Sở cấp giấy phép! Nguyên nhân là trước đó, Phòng VHTT và DL TP Quảng Ngãi và DN Lê Nguyễn đã ký hợp đồng thỏa thuận về việc khai thác quảng cáo ở hai vị trí này trong 10 năm.

Tiếp sau đó là công văn số 2141/UBND TP ngày 26/12/2010 của UBND TP và công văn số 3931/UBND-VX ngày 29/12/2010 của UBND tỉnh, đều có ý kiến đồng ý để DN này được phép đầu tư, khai thác quảng cáo sinh lời ở đầu cầu Trà Khúc 1 và Vườn hoa mi ni, sau khi đơn vị này hoàn thành việc quảng cáo tuyên truyền các sự kiện chính trị của tỉnh (7 lần/năm với thời gian 7 - 10 ngày/lần). Tuy nhiên, khi nhận thấy việc bố trí các tấm pa nô quảng cáo cỡ lớn, sẽ ảnh hưởng đến hành lang an toàn giao thông đường bộ và hành lang bảo vệ kè phía Nam cầu Trà Khúc, thì Sở kiên quyết không đồng ý. Dùng dằng mãi đến gần 1 năm sau, Sở VHTT&DL mới miễn cưỡng cấp giấy phép hoạt động cho DN Lê Nguyễn!

Còn ông Nguyễn Thanh Hùng - Trưởng phòng VHTT và DL TP Quảng Ngãi thì lại cho rằng: “Ban đầu, DN Lê Nguyễn chỉ cam kết thực hiện quảng cáo, nhằm phục vụ tuyên truyền Đại hội Đảng bộ thành phố và tỉnh, bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp, nên lãnh đạo Phòng mới đồng ý. Tuy nhiên, sau khi kết thúc việc tuyên truyền các sự kiện chính trị, thì vì sao DN Lê Nguyễn vẫn được phép khai thác quảng cáo sinh lời ở hai vị trí này, thì tôi... chịu!”.

Quả bóng trách nhiệm: "Đá" đến bao giờ?

Không riêng gì tình trạng pa nô, áp phích quảng cáo đặt sai vị trí, gây phản cảm mà việc treo băng rôn cũng lộn xộn và nhếch nhác không kém. Nhiều đơn vị do chưa có giấy phép hoạt động, đã liều treo "nhờ" băng rôn ở các cột điện, tường rào nên dễ bị hư hỏng, xiêu vẹo... vừa ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, vừa gây mất an toàn giao thông. Vì thế, hình ảnh nhiều tấm băng rôn được treo ngang dọc với câu chữ đã bị mưa nắng "bào mòn", thậm chí bị gió xé rách toạc... trên nhiều tuyến đường ở Quảng Ngãi, đã trở thành chuyện thường ngày! Thậm chí nhiều DN còn bất chấp quy định của cơ quan chức năng, để... làm theo ý thích!
 
Không hiểu sao đơn vị quảng cáo để lại chiếc “khung” rách này, sau khi thu dọn mặt ngoài của tấm pa nô quảng cáo.
Không hiểu sao đơn vị quảng cáo để lại chiếc “khung” rách này, sau khi thu dọn mặt ngoài của tấm pa nô quảng cáo.

Điển hình như trong tháng 6/2011 vừa qua, nhiều tấm băng rôn quảng cáo cho Giải bóng đá mini Quảng Ngãi - Cúp Bia Larue năm 2011, nghiễm nhiên được treo ngang qua một số tuyến đường "cấm". Trong khi, theo quy định thì: Chỉ những băng rôn tuyên truyền các sự kiện chính trị - văn hóa - xã hội của Trung ương hoặc tỉnh, thì mới được phép "đi ngang" qua những tuyến đường này. Vì vậy, ngay sau khi bị đoàn thanh tra phát hiện và xử lý, thì các đơn vị này mới chịu tháo dỡ!

Trong khi băng rôn vượt rào về số lượng và sự... cẩu thả khi treo; thì những tấm áp phích quảng cáo dạng áp tường cũng chẳng kém, khi vượt quá mức diện tích cho phép. Theo quy định thì, những tấm áp phích áp tường có diện tích không quá 40m2, nhưng các chủ quảng cáo lại thích to cho "hoành tráng", nên đã tự ý nâng lên đến 60m2! Vì thế, hầu hết các ngôi nhà may mắn tại vị ở ngã tư, ngã năm hay các nút giao thông, thì đều được "hóa trang" thành panô, áp phích quảng cáo!

Theo Khoản 2, điều 16, chương 2 của Luật Quảng cáo thì: Sở VHTT&DL có trách nhiệm cấp giấy phép thực hiện các loại hình quảng cáo ngoài trời (pa nô, áp phích, băng rôn, màn hình đặt nơi công cộng...). Tuy nhiên, sau khi được cấp giấy phép hoạt động, thì đơn vị thực hiện quảng cáo phải có trách nhiệm báo với Phòng VHTT các huyện, thành phố để phối hợp quản lý. Nhưng không biết vô tình hay cố ý, mà hầu hết họ đều... quên! Thế nên mới xảy ra chuyện, khi DN treo băng rôn, dựng pa nô, áp phích quảng cáo, thì lại bị đoàn thanh tra liên ngành của huyện, thành phố đến tháo dỡ vì chưa... xin phép!

Mặt khác, cũng vì hồ sơ thủ tục đề nghị Sở cấp giấy phép quá rườm rà, thời gian giải quyết lâu, nên một số DN đã chọn giải pháp... liều. Nghĩa là quảng cáo trước, báo cáo sau!. Lý giải điều này, nhiều DN cho rằng: Nếu như trước đây, họ biết được những vị trí được phép khai thác quảng cáo ngay khi nộp hồ sơ tại Phòng VHTT TP, nhưng giờ đây thì phải đợi ý kiến của Sở.

Trong khi Sở toàn quyền cấp phép hoạt động, nhưng khi thanh tra xử lý, thì lại phần ai nấy làm. Chính cách quản lý lỏng lẻo, chồng chéo như thế, nên đã "đẻ" ra những bất đồng, thậm chí "đá" trách nhiệm giữa các cơ quan chức năng, khi  xảy ra tình trạng tranh chấp về vị trí, địa điểm giữa các đơn vị khai thác quảng cáo.

Để giải quyết những vướng mắc này, Sở VHTT&DL đã xây dựng Đề án Quy hoạch quảng cáo tấm lớn trên địa bàn tỉnh. Theo Đề án quy hoạch thì sẽ có một mẫu thống nhất về kích thước bảng, biển, kiểu trụ cho từng loại hình quảng cáo tấm lớn; cũng như quy định rõ các địa điểm được cấp phép đặt biển quảng cáo. Bên cạnh đó, Đề án cũng sẽ quy định những vị trí đặt điểm thông tin quảng cáo, rao vặt.... "Nếu Đề án sớm được UBND tỉnh thông qua, thì đây sẽ là cơ sở để Sở VHTT&DL chấn chỉnh hoạt động quảng cáo ngoài trời, vốn đang diễn ra tràn lan như hiện nay" - ông Phan Đình Độ cho biết.

*Ông Trần Văn Thường - Trưởng Ban đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh: Cần nâng cao năng lực và vai trò quản lý của các ngành chức năng. Tại sao nhiều pa nô, áp phích hay băng rôn quảng cáo đặt ở vị trí sai quy định; vượt quá diện tích, kích thước cho phép; hoặc bị rách nát, mất chữ, không đảm bảo về mặt thẩm mỹ... mà dư luận lên tiếng lâu nay, nhưng vẫn chưa hoặc chậm tháo dỡ? Nếu chúng ta xử lý nghiêm, triệt để thì liệu tình trạng này có xảy ra và tồn tại trong suốt một thời gian dài như thế? Do đó, nếu các cơ quan chức năng không thể hiện được vai trò và năng lực quản lý của mình, thì hoạt động quảng cáo sẽ khó mà đi vào khuôn khổ, nền nếp.

*Ông Nguyễn Quốc Dũng - Giám đốc Công ty quảng cáo Thời Nay: Công khai, minh bạch các vị trí, địa điểm được phép quảng cáo, tạo sự bình đẳng cho các doanh nghiệp. Xã hội hóa quảng cáo là hướng đi mới, phù hợp với xu thế phát triển, nhưng phải thực hiện thế nào cho hiệu quả và hợp lý; để tránh hiện tượng các DN lợi dụng điều này, nhằm khai thác quảng cáo thương mại ở những điểm nhạy cảm, gây mất mỹ quan và văn minh đô thị. Muốn làm được điều này, các ngành chức năng cần sớm hoàn thành việc quy hoạch đồng bộ, tổng thể các địa điểm, vị trí được phép quảng cáo. Từ đó mới có cơ sở để kêu gọi DN đầu tư xây dựng hạ tầng và trang thiết bị, phục vụ hoạt động quảng cáo một cách hiệu quả nhất.

*Ông Nguyễn Thanh Hùng - Trưởng Phòng VHTT&DL TP Quảng Ngãi: Nên phân cấp trách nhiệm quản lý cho các phòng VHTT cấp huyện, thành phố. Sở VHTT&DL cấp giấy phép hoạt động quảng cáo, nhưng Phòng VHTT lại là đơn vị chịu trách nhiệm quản lý trực tiếp các hoạt động diễn ra trên địa bàn. Vì vậy, nên giao trách nhiệm xác nhận những địa điểm, vị trí... được phép khai thác quảng cáo cho các Phòng VHTT. Điều này không chỉ giúp Sở có cơ sở trong việc thẩm định và ra quyết định cấp giấy phép; mà còn tránh tình trạng một vị trí nhưng lại có nhiều DN được phép sử dụng, trong cùng thời gian như hiện nay. Đặc biệt, việc phân cấp này sẽ giúp các Phòng VHTT chủ động hơn trong công tác quản lý cũng như xử phạt các đơn vị vi phạm.

*Ông Phạm  Văn Long - tổ dân phố 13, phường Trần Hưng Đạo, TP Quảng Ngãi:
Phải xử phạt nặng những tổ chức, cá nhân vi phạm. Tôi thấy các ngành chức năng lại là người tự nguyện... tháo dỡ những tấm băng rôn, pa nô quảng cáo đã hết thời hạn hoặc nội dung, hình ảnh "có vấn đề"!. Trong khi trách nhiệm này phải thuộc về các cá nhân, đơn vị tổ chức thực hiện quảng cáo. Phải chăng vì mức xử phạt hành chính là quá nhẹ, nên các DN này đã chai ì và... nhờn thuốc? Do đó, cần phải có chế tài xử lý thật nặng đối với những DN có hành vi quảng cáo chui, hay tái vi phạm nhiều lần, để tạo sự răn đe cho các DN khác. 


Mỹ Hoa

.