Giải pháp nào để "sống chung với lũ"?

03:11, 19/11/2011
.
(QNg)- Cũng như các địa phương nằm trong khu vực miền Trung, hằng năm Quảng Ngãi chịu ảnh hưởng của cả chục cơn bão, lũ. Dù mưa lũ đã thành quy luật, nhưng mỗi năm Quảng Ngãi vẫn bị thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Nhiều người chết, bị thương. Cuộc sống của hàng ngàn người dân gặp khó khăn khi mưa lũ đổ về. Đã đến lúc phải nhìn nhận lại và thay đổi nhận thức của người dân để họ chủ động hơn trong việc ứng phó với thiên tai - sống chung với bão, lũ.

Những trận lũ chưa có tiền lệ

Mùa mưa lũ năm 2010, một sự kiện chưa từng xảy ra ở bất kỳ địa phương nào trong nước, nhưng lại xảy ra ở một làng chài nhỏ ven biển thôn Phước Thiện, xã Bình Hải (Bình Sơn). Đó là lần đầu tiên, nước lũ không đến từ sông, suối. Sáng 14/11/2010, một cơn lũ lớn đã quét qua cái làng chài bé nhỏ này làm mấy chục ngôi nhà bị sập, cuốn trôi ra biển. Người dân bàng hoàng không sao lý giải nổi. Đến nay nhiều hộ gia đình vẫn chưa có nhà mới để ở, cùng thời gian đó, ở huyện đảo Lý Sơn xảy ra ngập lụt khiến nhiều khu dân cư chìm trong biển nước. Và một điều không thể ngờ được sáng 17/10, hàng ngàn hộ dân ở các xã Đức Phú, Đức Hòa, thị trấn Mộ Đức và Đức Tân (Mộ Đức) kinh hoàng vì nước lũ từ trên núi ùa về. Chỉ trong chốc lát nước lũ đã nhấn chìm một vùng rộng lớn, với hàng ngàn ngôi nhà chìm sâu trong nước cả mét và cuốn trôi 4 người dân, hàng trăm người phải di dời khẩn cấp. Theo người dân địa phương thì, cả trăm năm nay chưa từng xảy ra trận lũ như vậy. Đợt mưa vào đầu tháng 11/2011, hồ chứa nước Liệt Sơn - hồ lớn nhất Quảng Ngãi xả lũ khẩn cấp đã làm hàng ngàn hộ dân ở 4 xã của huyện Đức Phổ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
 
Mẫu nhà nông thôn vùng ngập lụt của Hội Kiến trúc sư Việt Nam là mẫu nhà lý tưởng cho người dân vùng lũ.
Mẫu nhà nông thôn vùng ngập lụt của Hội Kiến trúc sư Việt Nam là mẫu nhà lý tưởng cho người dân vùng lũ.

Lũ, lụt ngày càng bất thường với cường độ ngày càng khốc liệt, đó là do tác động của biến đổi khí hậu. Trong đó, nguyên nhân trực tiếp là do việc chặt phá rừng đầu nguồn đã khiến những cơn lũ ngày càng hung dữ hơn. Mặt khác việc quy hoạch, xây dựng các công trình phục vụ dân sinh chồng chéo nhau như: Đường giao thông, công trình thủy lợi, trường học, khu công nghiệp, các khu dân cư mới... đã ảnh hưởng trực tiếp đến dòng chảy tự nhiên.

Theo thống kê của Ban Chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh, từ năm 1999-2010, Quảng Ngãi đã hứng chịu 90 cơn bão, 62 cơn áp thấp nhiệt đới, 55 trận lũ. Hơn chục năm qua, bão, lũ đã cướp đi sinh mạng của 397 người, làm 1.112 người bị thương; 7.644 ngôi nhà bị cuốn trôi, đổ sập, 82.272 ngôi nhà bị tốc mái, hư hỏng, hàng trăm tàu thuyền bị đánh chìm, hư hỏng. Tổng thiệt hại về kinh tế ước khoảng 6.665 tỷ đồng.
Không những thế, những năm gần đây có thêm một hiểm họa thường trực đe dọa tính mạng của người dân là những công trình hồ chứa nước, hồ thủy điện phía thượng nguồn. Những công trình này vào mùa mưa đã trở thành những "quả bom" khổng lồ treo trên đầu và đe dọa trực tiếp đến hàng ngàn hộ dân. Mỗi khi có mưa lớn xảy ra, các hồ này xả lũ thì gần như khu vực hạ lưu đều chìm trong nước lũ. Và điều đáng nói là ở những vùng quê này, người dân đã không chuẩn bị tốt tâm lý, cũng như không có kinh nghiệm trong việc ứng phó với tình trạng lũ, lụt bất ngờ, dẫn đến thiệt hại về người và tài sản.

Cần có giải pháp chủ động sống chung với lũ

Thực tế cho thấy, ngày càng có nhiều hiểm họa bất thường do thiên tai gây ra với tần suất cao và khốc liệt. Trong khi đó, ở các vùng thấp, trũng ven sông, ven biển của tỉnh ta có hàng ngàn hộ dân sống trong những ngôi nhà cấp 4 vừa thấp, vừa bé,  vừa không bền  vững nên khi lũ dâng cao khoảng 3m thì gần như các ngôi nhà đều chìm trong biển nước. "Không phải người dân chúng tôi không muốn làm nhà cao tầng để tránh lũ, mà vì điều kiện còn quá khó khăn nên không xây nổi" - anh Nguyễn Tình, xóm Khê Hòa (Tịnh Hòa, Sơn Tịnh) bộc bạch. Tuy không phải làng quê sông nước, hay ven biển, nhưng xóm ghe Khê Hòa, được gọi là xóm ghe bởi trong xóm hầu hết các gia đình đều có một chiếc ghe và chỉ dùng vào mùa mưa lũ. Ở đây chỉ cần một đợt mưa lớn vài ngày là cả xóm chìm trong biển nước, mọi hoạt động đều đi lại bằng ghe. Để thích nghi với lũ lụt, người dân Khê Hòa còn chuẩn bị các căn gác để di chuyển tài sản lên cao mỗi khi có lụt lớn nên ít bị thiệt hại.
 
Cơn lũ năm 2010 đi qua làng chài Phước Thiện đến giờ vẫn là nỗi kinh hoàng của người dân.
Cơn lũ năm 2010 đi qua làng chài Phước Thiện đến giờ vẫn là nỗi kinh hoàng của người dân.

Còn ở thôn An Phú (Tịnh An), nhờ có nhà cộng đồng tránh lũ nên từ năm 2010 đến nay, mỗi khi có mưa lũ lớn, người dân An Phú chuyển đồ đạc đến gác 2 của căn nhà để né tránh. Anh Nguyễn Tiến bộc bạch: "Mấy năm gần đây, nhờ có nhà tránh lũ cộng đồng mà người dân An Phú đỡ lo mưa lũ. Những năm trước khi chưa có nhà tránh lũ cộng đồng, người dân trong thôn khá vất vả với việc lo gửi đồ đạc khi có mưa lũ". Còn đối với gia đình anh Đặng Quế, thôn 6 xã Nghĩa Dũng (TP. Quảng Ngãi) thì từ mùa mưa lũ này, gia đình anh không còn lo sợ, bởi gia đình anh vừa được C.ty CP Bê tông & Xây dựng Vinaconex Xuân Mai (Hà Nội) xây tặng ngôi nhà chống lũ khá kiên cố. Đây là mẫu nhà ở nông thôn vùng bão lũ, ngập lụt giúp bà con nông dân chống chọi với mưa lũ. Tuy nhiên, giá thành của ngôi nhà khá cao (85 triệu đồng), so với mức sống của người dân vùng nông thôn Quảng Ngãi thì nhiều nhà không thể làm được.

Để ứng phó với bão lũ, không chỉ có người dân mà các cấp chính quyền cũng phải cộng đồng trách nhiệm. Tuy nhiên, theo ông Trương Ngọc Nhi- nguyên Trưởng ban chỉ huy PCLB &TKCN tỉnh: "Việc thực hiện phương châm "4 tại chỗ", trong đó lực lượng tại chỗ và hậu cần tại chỗ nhiều nơi chưa được chú trọng đầu tư, do đó khi cần sử dụng thì không đủ hoặc không có. Ý thức chủ động và tự giác phòng tránh trước khi có bão, lũ của người dân ở một số nơi chưa cao, mặc dù có cảnh báo trước, nhưng vẫn thờ ơ và luôn mang nặng tư tưởng "đến đâu hay đến đó". Vì vậy, khi gặp nguy hiểm thì hoảng loạn kêu cứu các cơ quan chức năng bằng nhiều kênh thông tin, thậm chí có những thông tin không chính xác làm cho việc chỉ huy điều hành rất khó khăn". Vì thế cần phải thay đổi nếp nghĩ của người dân là phải luôn chủ động ứng phó với mưa lũ hàng năm. Bên cạnh đó việc tính toán quy hoạch các công trình dân sinh phải tính đến chuyện thoát lũ... Có như vậy người dân mới sống ổn định, phát triển bền vững và sống chung với lũ an toàn.
 
*Ông Dương Văn Tô - GĐ Sở NN&PTNT, Phó Trưởng ban Thường trực ban Chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh: Để sống chung với lũ thì người dân phải chủ động mọi thứ. Trong đó, phải thay đổi thói quen sinh hoạt vào mùa mưa lũ. Muốn vậy thì bà con phải tính toán các phương án tại chỗ, nhất là không được chủ quan. Phải tự giác chuẩn bị những gì cần thiết nhất trong thời gian mưa lũ để có thể ổn định cuộc sống mà không phải di tản đến nơi khẩn cấp. Tuy nhiên, để đạt được mục đích bảo vệ an toàn cho người dân thì các cơ quan chức năng, nhất là các cấp chính quyền cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông tin cần thiết về bão, lũ; đồng thời Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ, giúp đỡ người dân ở các vùng thấp trũng sống chung với lũ an toàn như xây dựng nhà cộng đồng chống lũ...

*Ông Nguyễn Tấn Công - Phó trưởng Ban chỉ huy PCLB&TKCN huyện Sơn Tịnh: Ở Sơn Tịnh, năm nào có lũ lớn thì hàng ngàn hộ dân ở các xã ven sông và khu đông của huyện bị chìm sâu trong nước lũ. Do đó, giải pháp để người dân sống chung với lũ an toàn là phải làm nhà cao tầng. Thế nhưng, đời sống người dân Sơn Tịnh còn quá nhiều khó khăn thì không phải vùng nào họ cũng làm được nhà như thiết kế của Hội Kiến trúc sư Việt Nam đưa ra. Vì vậy, giải pháp tốt nhất là ngoài nỗ lực của người dân, các ngành chức năng, các tổ chức, đoàn thể cần quan tâm, hỗ trợ người dân ở mỗi thôn xóm vùng trũng xây dựng 1 căn nhà cộng đồng tránh lũ như ở thôn An Phú vừa để làm nhà tránh lũ, vừa làm nơi sinh hoạt văn hóa...

*Ông Nhâm Xuân Sỹ - GĐ TT Khí tượng thủy văn Quảng Ngãi: Để hạn chế những thiệt hại do lũ, lụt và chủ động phòng tránh những hậu quả do thiên tai gây ra, người dân cần theo dõi những thông tin liên quan đến dự báo thời tiết, dự báo bão lũ. Và một khi chính quyền sở tại thông báo diễn biến của thời tiết có thể gây ra lũ lụt thì người dân cần chủ động, tự giác chuẩn bị cho mình những gì cần thiết nhất để ứng phó hoặc có thể di chuyển đến nơi an toàn. Cùng với đó là tuân thủ sự hướng dẫn, chỉ đạo của cơ quan chức năng khi triển khai các phương án đối phó với mưa lũ.

*Bà Nguyễn Thị Xuân, thôn 6, xã Nghĩa Dũng, TP. Quảng Ngãi: Ở thôn 6 này, năm nào lũ nhỏ thì nước cũng ngập sâu cả mét, còn năm cao (1999) thì nước lũ ngập nóc nhà. Ở cái vùng này nước lũ cao và bất ngờ như vậy nếu không được ghe thuyền ứng cứu thì chỉ có chết cả làng. Do đó, để có căn nhà cao tầng như nhà cộng đồng để né tránh không lo lũ lụt luôn là ước mơ cháy bỏng của người dân trong thôn chúng tôi. Vừa rồi thấy mô hình nhà ở nông thôn vùng ngập lụt của Hội Kiến trúc sư Việt Nam xây tặng anh Đặng Quế, chúng tôi thấy rất hay, nhưng với mức tiền xây dựng 85 triệu đồng/căn nhà thì quả thật là người dân nghèo chúng tôi không đủ khả năng.

 
B.SƠN - X.THIÊN

.