Tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện: Vì sao ít thu hút người dân tham gia?

02:10, 09/10/2011
.

(QNg)- Ngày 1/1/2008, Bảo hiểm xã hội tự nguyện (BHXHTN) chính thức có hiệu lực. Tuy nhiên sau gần 4 năm ra đời đến nay toàn tỉnh chỉ có vỏn vẹn… 569 người tham gia. Vậy đâu là nguyên nhân khiến cho chính sách ưu việt này lại kém thu hút nông dân - đối tượng chính mà BHXHTN đang hướng tới? 
 
Đến xã, thôn là… tắc!

Tại huyện Mộ Đức - địa phương có số người tham gia BHXHTN tương đối khá (121 người), nhưng hầu hết là cán bộ bán chuyên trách của xã, thôn; hoặc những người đã tham gia bảo hiểm bắt buộc, nhưng chưa đủ 20 năm. Nghĩa là họ là những người đã từng biết đến… bảo hiểm, còn số người dân tham gia lần đầu thì chỉ đếm trên đầu ngón tay. Bởi đơn giản họ còn chưa biết đến sự có mặt của BHXHTN thì làm gì có chuyện tham gia hay không? Ngay cả trưởng KDC số 19, thôn 7, xã Đức Tân - ông Nguyễn Hải cũng chỉ biết có cái thẻ bảo hiểm y tế, chứ tuyệt nhiên chưa hề nghe BHXHTN. "Nếu quả thực có BHXHTN thì tôi cũng muốn tham gia, sau này có thêm khoản tiền để "nuôi" thân già. Nhưng lâu nay chẳng nghe ai nói gì đến BHXHTN hết" - ông Hải quả quyết với tôi.
 
Cán bộ BHXH huyện Minh Long tư vấn và hướng dẫn người dân tham gia BHXHTN.
Cán bộ BHXH huyện Minh Long tư vấn và hướng dẫn người dân tham gia BHXHTN.

Còn tại xã Long Hiệp (Minh Long), khi tôi hỏi về loại hình BHXHTN, thì anh Đinh Văn Hòa - cán bộ LĐTB&XH của xã khá ngạc nhiên và khẳng định: BHXHTN vẫn chưa về đến xã. Chung ý kiến với anh Hòa, ông Nguyễn Nhơn - Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Long Hiệp cũng bày tỏ: Lần đầu tiên tôi mới nghe là có BHXHTN đấy. Vì bản thân tôi đã làm công tác hội hơn 10 năm, đến nay vẫn chưa được tham gia BHXH bắt buộc. Vậy nên nếu có BHXHTN thì tôi sẵn sàng trích một phần hỗ trợ hàng tháng để đóng, xem như "của để dành" cho tuổi già. Có lẽ ngay cả cán bộ của một số xã cũng… mù thông tin, thì việc người dân ở đây lắc đầu, khi được hỏi đến BHXHTN cũng là điều dễ hiểu. Vì thế dù đã triển khai được gần 4 năm, nhưng số người tham gia BHXHTN ở huyện Minh Long chỉ dừng lại ở con số… 17.

Không riêng gì hai huyện Mộ Đức và Minh Long, mà ở nhiều địa phương khác, thông tin về BHXHTN chưa lọt đến xã, thôn. Vậy nên, hầu hết người dân đều nghĩ rằng BHXHTN chính là bảo hiểm y tế; thậm chí có người còn quả quyết rằng, đây là một loại hình mới của các công ty bảo hiểm, chứ nhất định không tin rằng BHXHTN thuộc hệ thống của BHXH Việt Nam. Đối với số ít người dân có nghe về BHXHTN thì dù rất muốn, nhưng họ cũng chẳng biết mua ở đâu, thủ tục thế nào? Vì vậy khi được hỏi, họ đều có chung câu trả lời là "muốn tham gia, nhưng hỏi xã, thôn thì họ bảo không biết, lên huyện thì xa, đành thôi"!.

Ông Lữ Văn Chiến - Giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện Minh Long cho rằng: Có nhiều nguyên nhân khiến BHXHTN trở nên "kén chọn" và chưa thực sự phù hợp đối với người dân khu vực nông thôn và miền núi. Bởi lẽ, khi cuộc sống của họ vẫn còn bấp bênh, ít có tích lũy, thì việc dành ra 150.000 đồng/tháng để tham gia bảo hiểm là việc rất khó. Mặt khác dù BHXHTN là chính sách góp phần đảm bảo an sinh xã hội, lợi ích lâu dài cho người dân, nhưng chính quyền cơ sở chưa thật sự quan tâm, mà chỉ xem đó là chuyện riêng của ngành bảo hiểm. Vì vậy công tác tuyên truyền đã bị xem nhẹ, chưa đi vào chiều sâu, nên một bộ phận lớn người dân không được tiếp cận đến loại hình BHXHTN này. 

Cơ chế đánh đố… đối tượng!

Nghị định số 190/2007/QĐ-CP của Chính phủ quy định:
- Mức phí tham gia BHXHTN thấp nhất hiện nay bằng 18% mức lương tối thiểu, năm 2012 là 20% và năm 2014 là 22%.
- Quyền lợi của đối tượng tham gia BHXHTN: Được hưởng chế độ hưu trí và tử tuất; hưởng bảo hiểm y tế khi đang hưởng lương hưu.
- Đối tượng tham gia BHXHTN là công dân Việt Nam trong độ tuổi lao động, không thuộc diện áp dụng của pháp luật về bảo hiểm xã hội bắt buộc, gồm: Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn dưới 3 tháng; cán bộ không chuyên trách cấp xã; người tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, kể cả xã viên không hưởng tiền lương, tiền công trong các hợp tác xã, liên hợp hợp tác xã; người lao động tự tạo việc làm; người lao động làm việc có thời hạn ở nước ngoài mà trước đó chưa tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc đã nhận bảo hiểm xã hội một lần; người tham gia khác.
Khi BHXHTN ra đời nhiều người cảm thấy phấn khởi, vì nó là tấm thẻ "bảo hiểm" về sức khỏe và thu nhập lúc về già cho các đối tượng tham gia. Tuy nhiên khi thực hiện thì lại bộc lộ nhiều khó khăn, vướng mắc. Đó là ngoài mức phí cao, khó tiếp cận với chính sách thì nguyên nhân chính cản trở người dân đến với BHXHTN lại là do những bất cập "đẻ" ra ngay trong cơ chế thực hiện.

Bởi lẽ BHXHTN tập trung hướng đến các đối tượng là nông dân, cán bộ bán chuyên trách, công nhân lao động chưa, hoặc đã tham gia BHXH bắt buộc nhưng chưa đủ thời gian 20 năm. Tuy nhiên hiện một số quy định xoay quanh vấn đề về độ tuổi, loại đối tượng được tham gia BHXHTN lại cứng nhắc, khiến họ dù muốn tham gia cũng nản. Ví dụ: Người đã tham gia BHXH bắt buộc phải đủ 15 năm trở lên, thì mới được tiếp tục tham gia BHXHTN; hoặc người đã tham gia BHXH bắt buộc đủ 15 năm trở lên, nhưng đã quá tuổi thì cũng không được tham gia BHXHTN; hay quy định những đối tượng thường xuyên ốm đau, không được tham gia BHXH bắt buộc (quá 14 ngày) thì cũng không được tham gia BHXHTN! Theo ý kiến của những người đang nằm trong diện trên thì quy định này thiếu tính linh hoạt, khiến họ chịu nhiều thiệt thòi.

Ông Nguyễn Văn Hiền (Mộ Đức) bày tỏ: Chẳng lẽ những người đã đóng 19 năm BHXH bắt buộc, nhưng vì quá 60 tuổi mà không được tiếp tục tham gia thêm 1 năm BHXHTN, để đủ thời gian nhận sổ hưu theo quy định, thì rất vô lý. Mặt khác những quy định này cũng khiến số lao động về hưu "non" ngậm ngùi đứng ngoài cuộc BHXHTN, do thời gian tham gia BHXH bắt buộc của họ chưa đủ 15 năm.

Hiện nay, khi một bộ phận lớn nông dân chưa có điều kiện về kinh tế để tham gia BHXHTN, còn lực lượng lao động trẻ thì được tiếp cận với nhiều loại hình bảo hiểm khác nhau, nên cũng ít mặn mà với BHXHTN. Vì vậy để BHXHTN sớm mang "sổ hưu" đến với đông đảo người dân, thì bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền thiết nghĩ các cấp chính quyền cùng với ngành bảo hiểm sớm có chính sách hỗ trợ đặc biệt, hoặc tạo cơ chế mở giúp nông dân nghèo, vùng miền núi, đối tượng có độ tuổi trung niên (từ 45 tuổi trở lên) dễ dàng tiếp cận với BHXHTN. Có vậy thì chính sách "bảo hiểm tuổi già" này mới thực sự mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân.
 
*Ông Phạm Văn Lệ - Trưởng phòng thu, Bảo hiểm xã hội tỉnh: "Cơ chế chính sách cần thông thoáng hơn". Thực tế cho thấy nhu cầu tham gia BHXHTN của các đối tượng - nhất là nông dân và cán bộ bán chuyên trách xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh là khá lớn. Bởi lẽ, BHXHTN không chỉ đảm bảo cho họ có thêm một khoản tiền, giảm áp lực kinh tế khi về già, mà còn giúp họ có cơ hội được thụ hưởng đầy đủ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, mai táng phí...Mặt khác, khi người dân tham gia BHXHTN, là góp phần chia sẻ gánh nặng trợ cấp chi phí xã hội cho các đối tượng người cao tuổi chưa có lương hưu. Do đó việc người dân đến với BHXHTN cũng là một giải pháp nhằm đảm bảo các chính sách an sinh xã hội của Nhà nước, được thực hiện một cách đầy đủ, kịp thời và hiệu quả.

*Ông Nguyễn Văn Chương - Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện Mộ Đức: "Cần có cán bộ chuyên trách". Việc người dân "mù" thông tin về BHXHTN trong suốt thời gian qua, một phần do công tác tuyên truyền bị bỏ ngỏ. Bởi lẽ, BHXH không đủ lực để đi đến từng KDC, thôn, bản. Do đó ngoài việc phối hợp với các đài truyền thanh để tuyên truyền qua... loa, thì ngành bảo hiểm cũng chỉ biết trông cậy vào chính quyền cơ sở. Tuy nhiên do lực lượng cán bộ xã, thôn hiện kiêm nhiệm quá nhiều việc, trong khi chế độ phụ cấp lại thấp, nên họ cũng không mặn mà với công tác này. Vì vậy, nếu có cán bộ chuyên trách, thì người dân nhất là ở vùng nông thôn, miền núi hải đảo sẽ có được nguồn thông tin rõ ràng, chính xác, từ đó sẽ nhận thức được lợi ích lâu dài mà BHXHTN mang lại.

*Ông Đinh Văn Hòa - Cán bộ LĐTB&XH xã Long Hiệp (Minh Long): "Thay đổi tâm lý ỷ lại của người dân miền núi". Hầu hết người dân khu vực miền núi đều thuộc diện nghèo, cận nghèo, nên được hưởng đầy đủ các chế độ hỗ trợ về bảo hiểm, trợ cấp xã hội của nhà nước. Do đó, một bộ phận người dân đã ỷ lại, cho rằng lúc ốm đau hay già yếu đều đã có Nhà nước lo, nên không cần phải tích lũy hay tham gia BHXHTN.

*Ông Nguyễn Nhơn - Chủ tịch Hội NCT xã Long Hiệp (Minh Long): "Nên phân cấp thời gian cho từng đối tượng, lứa tuổi". Những người trên 50 tuổi như chúng tôi thì liệu sau 20 năm có còn sống để được nhận lương hưu từ BHXHTN? Vì thế theo tôi, nên phân cấp loại hình bảo hiểm này thành các gói có thời gian, mức phí khác nhau, giúp người dân dễ dàng lựa chọn sao cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và mức thu nhập của mỗi người.

*Bà Võ Thị Tâm - xóm 4A, xã Bình Dương (Bình Sơn): "Mức phí quá cao so với thu nhập của nông dân". Trong khi nông dân chủ yếu sống dựa vào nông nghiệp, thì mức phí 150.000 đồng/tháng là quá cao so với mức thu nhập hiện nay. Ngay như bản thân tôi chẳng hạn dù rất muốn tham gia BHXHTN để yên tâm hơn khi về già, nhưng mỗi tháng gia đình cũng chỉ thu về chưa tới 500.000 đồng, vừa đủ trang trải cho chi phí sinh hoạt, thì lấy đâu ra khoản dư để tham gia bảo hiểm?

Mỹ Hoa

.