Đầu nậu có thật sự là "bà đỡ" của ngư dân?

09:10, 30/10/2011
.

(QNg)- Lâu nay, hoạt động đánh bắt hải sản của ngư dân Quảng Ngãi luôn gắn bó với những cơ sở "đầu nậu" ở đất liền. Những cơ sở này luôn đáp ứng mọi nhu cầu của ngư dân, từ việc cung cấp tiền, nhiên liệu, đá lạnh, cao hơn nữa là mượn vốn đóng tàu và thu mua cá mỗi khi tàu cập bến. Sự liên kết này cần được kiểm soát từ chính quyền địa phương và cơ quan pháp luật để những cơ sở đó thật sự là "bà đỡ" của ngư dân.

* Đồng hành với ngư dân

Quảng Ngãi hiện có khoảng 5.680 tàu cá đang hoạt động với khoảng 40.000 lao động tham gia đánh bắt hải sản. Trong đó, có khoảng 1.800 tàu cá đánh bắt xa bờ (công suất 90CV trở lên). Nhiều địa phương ven biển kinh tế phát triển nhanh cũng nhờ sự đóng góp đáng kể của hoạt động nghề cá, nhất là những đội tàu đánh bắt xa bờ. Như xã Bình Châu (Bình Sơn) có 117 tàu đánh bắt xa bờ trong tổng số 476 tàu của xã, trung bình mỗi năm đạt doanh thu hàng chục tỷ đồng. Thế nhưng, số lượng chủ tàu chủ động được nguồn vốn cho mỗi chuyến ra khơi chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vì lẽ đó mà các chủ "đầu nậu" ra đời nhằm đáp ứng những nhu cầu chính đáng của ngư dân.
 
 Cơ sở thu mua mực của anh Huỳnh Q.
Cơ sở thu mua mực của anh Huỳnh Q.

Theo bà con ngư dân cho biết, ở xã Bình Châu hiện có khoảng 12 chủ "đầu nậu" hoạt động với quy mô lớn và có  khoảng hơn 90% chủ tàu cá hoạt động được là nhờ nguồn tiền của chủ "đầu nậu". Trung bình mỗi chuyến ra khơi, tuỳ vào công suất tàu mà các chủ tàu phải bỏ chi phí hàng chục đến vài trăm triệu đồng. Trong điều kiện đánh bắt cá khó khăn như thời gian qua thì con số đó là quá lớn đối với ngư dân.

Nếu tín chấp vay vốn ngân hàng thì mất thời gian nhưng rồi cũng chỉ được một lần với số tiền vài chục triệu đồng, nên họ coi các chủ "đầu nậu" là bạn đồng hành cho mỗi  chuyến ra khơi.  Anh H. ở huyện đảo Lý Sơn cho biết, tàu của anh có công suất trên 400 CV, mỗi chuyến ra khơi cần đến hơn 300 triệu đồng để mua dầu, đá lạnh, lương khô... nên trước mỗi chuyến ra khơi, anh đều vay mượn tiền của "đầu nậu" ở xã Bình Châu. "Tôi chỉ cần ghi lại số tiền đã vay mượn vào một cuốn sổ của chủ đầu nậu là xong"- anh H. cho biết.

Không chỉ cho ngư dân vay mượn tiền không tính lãi  mà mỗi khi tàu gặp nạn, một số chủ "đầu nậu" còn chia sẻ với ngư dân bằng cách khoanh nợ, hoặc kéo dài thời gian đến khi ngư dân làm ăn ổn định. Bởi khi tàu gặp nạn, chủ tàu là người thiệt hại tài sản nhiều nhất. Một số chủ "đầu nậu" còn tiếp tục cho chủ tàu mượn tiền để sửa chữa, mua ngư lưới cụ hoặc đóng mới tàu thuyền tìm kế sinh nhai. "Nếu có đòi lúc này thì ngư dân cũng chẳng biết lấy tiền đâu mà trả. Con tàu được xem là tài sản duy nhất của ngư dân nên mất tàu nghĩa là họ đã mất tất cả. Chúng tôi chỉ biết tiếp tục đầu tư tạo cơ hội cho họ được làm lại từ đầu"- Chị Tân, chủ đại lý thu mua hải sản ở xã Bình Châu chia sẻ.

Còn vợ chồng anh Nguyễn Tấn Thành (49 tuổi), ở thôn Định Tân, xã Bình Châu thực sự là người bạn đồng hành của một số ngư dân hơn 15 năm qua. Vợ chồng anh chị làm đại lý thu mua hải sản, vừa cho ngư dân vay mượn tiền khi có nhu cầu. Hiện tại vợ chồng anh Thành cho khoảng 10 chủ tàu mượn tiền. Trung bình mỗi chủ tàu mượn khoảng 500 triệu đồng để mua hoặc đóng mới tàu, với điều kiện các chủ tàu này phải bán lại thuỷ sản đánh bắt được cho vợ chồng anh Thành. Với mô hình hoạt động này, trung bình mỗi năm gia đình anh Thành đạt doanh thu trên 1 tỷ đồng. "Năm nào thời tiết không thuận lợi, tàu gặp nạn thì những người cho ngư dân mượn tiền như chúng tôi coi như mất mùa"- anh Thành bộc bạch.

* Lợi thì có lợi nhưng...

Thoạt nghe thì tưởng chừng các chủ "đầu nậu" chỉ cho mượn tiền  không tính lãi nhưng thực tế thì có một số ít người tính lãi suất vào giá thu mua cá khi các chủ tàu đưa tàu đánh bắt cập cảng. Bởi những chủ tàu mượn tiền của các chủ "đầu nậu" đều kèm theo điều kiện phải bán sản phẩm hải sản đánh bắt được cho các chủ “đầu nậu”. Giá thu mua do chủ “đầu nậu” quyết định, nhưng thường thì thấp hơn giá thị trường. Ngư dân đều biết điều này nhưng không còn cách lựa chọn nào khác, bởi các chủ "đầu nậu" đã có sự "liên kết" với nhau để làm giá buộc ngư dân phải chấp nhận, xem đó như một quy luật, nhưng cơ quan chức năng khó có thể phát hiện được.

Chúng tôi đến nhà anh Huỳnh Q. -một chủ "đầu nậu" ở xã Bình Chánh (Bình Sơn). Thoạt nhìn chúng tôi cứ ngỡ nơi đây là điểm thu mua mực, tổ chức sơ chế rồi đưa đi tiêu thụ, vì có hàng chục lao động đang miệt mài phân loại đống mực cao ngút. Trung bình mỗi tháng cơ sở này thu mua khoảng vài trăm tấn mực. Sau khi phơi khô và phân loại, anh Q. bán cho các thương buôn đưa sang Trung Quốc tiêu thụ. Anh L.-một ngư dân ở xã Bình Chánh đi cùng chúng tôi cho biết: "Giá mua mực ở đây thấp hơn giá thị trường từ 3.000- 5.000 đồng/kg. Nếu ít thì không nói làm gì, đằng này, mỗi chuyến câu kéo dài hơn 2 tháng ròng cũng được khoảng 20 tấn mực. Nhẩm tính ngư dân mất từ 60- 100 triệu đồng/chuyến ra khơi. 
 
 Cơ sở thu mua hải sản của “đầu nậu” Nguyễn Tấn Thành.
Cơ sở thu mua hải sản của “đầu nậu” Nguyễn Tấn Thành.

Vài năm trở lại đây, các cửa hàng xăng dầu mọc lên ngày càng nhiều, mà chủ yếu phục vụ cho tàu đánh bắt hải sản. Một số cửa hàng còn tổ chức mang dầu và các nhu yếu phẩm khác ra tận khu vực đánh  cá để phục vụ. Họ bán và thu tiền dưới dạng "gối đầu". Ngoài ra còn một loại đầu nậu khác đó là "đầu nậu xăng dầu phục vụ tận tình nhưng giá thì cao ngất ngưởng. Một phi dầu của Nhà nước là 250 lít nhưng phi dầu của nậu cung cấp cho ngư dân chỉ còn khoảng 225-230 lít. Đã vậy họ còn bán cao hơn giá thị trường từ 1.000 - 1.600 đồng/lít. Biết rằng việc buôn bán kiểu này là không đúng quy định của Nhà nước, nhưng do đây là thoả thuận giữa hai bên nên cơ quan chức năng khó kiểm tra, kiểm soát. Tàu có công suất từ 300 CV trở lên, mỗi chuyến ra khơi tốn ít nhất là 13.000 lít dầu và tùy vào thời gian bám biển"- anh Tức, một chủ tàu ở Bình Chánh nói.

Để làm chủ giá sản phẩm bản thân khai thác được, nhiều ngư dân quyết định tích lũy vốn để làm ăn hoặc chịu khó mất thời gian làm thủ tục vay vốn từ ngân hàng. Với phương thức này, nhiều người đã không những trả hết nợ mà còn tích luỹ đầu tư tàu công suất lớn để vươn ra khơi xa bám biển khai thác, bảo vệ chủ quyền vùng biển. Ví như anh Trần Tức (39 tuổi), chủ chiếc tàu mang số hiệu QNg 95122 TS ở Bình Chánh. Sau 13 năm đi bạn, anh Tức tích lũy vốn, đến năm 2000 đã vay thêm của người thân đóng mới chiếc tàu công suất 120 CV. Đến năm 2008, anh quyết định nâng công suất lên 450CV để tiện cho việc đánh bắt xa bờ.  Mới đây anh quyết định đóng mới thêm một tàu công suất 1.000 CV. Nên chăng chính quyền các địa phương ven biển vận động, giải thích để các chủ "đầu nậu", các chủ thu mua hải sản liên doanh, liên kết với ngư dân để cùng nhau làm ăn.
 
Ông Phan Huy Hoàng- PGĐ Sở NN&PTNT:
Tỉnh đã xúc tiến các giải pháp hỗ trợ ngư dân như thành lập Quỹ ngư dân, Nghiệp đoàn nghề cá, HTX đánh bắt xa bờ và dịch vụ thủy sản... nhằm thu hút vốn hỗ trợ ngư dân hoạt động. Tuy nhiên, do số lượng tàu quá lớn nên hầu như ở bất cứ làng biển nào trong tỉnh cũng xảy ra tình trạng các chủ "đầu nậu" cho mượn vốn rồi buộc chủ tàu phải bán lại sản lượng thuỷ sản đánh bắt được. Đề án thành lập và phát triển HTX dịch vụ và khai thác hải sản xa bờ nếu được tỉnh phê duyệt thì mới mong tình trạng trên được hạn chế. 

Ông Nguyễn Thanh Hùng- Phó Chủ tịch UBND xã Bình Châu (Bình Sơn) cho biết:
Hiện toàn xã có khoảng 90% chủ tàu mượn tiền của chủ "đầu nậu". Những năm gần đây, Nhà nước có nhiều giải pháp hỗ trợ ngư dân nhưng do một số thủ tục còn rườm rà nên nhiều ngư dân e ngại.

Ông Nguyễn Hữu Ngọt - Chủ nhiệm HTX đánh bắt xa bờ và dịch vụ thủy sản Bình Chánh (Bình Sơn):
Hoạt động của các chủ “đầu nậu” bao giờ cũng có tính hai mặt. Mặt tích cực là họ sẵn sàng cho chủ tàu vay vốn mọi lúc mọi nơi, không cần thủ tục rườm rà. Tuy nhiên sau khi đánh bắt về, chủ tàu chỉ được bán cho các "đầu nậu". Việc thành lập HTX đánh bắt xa bờ và dịch vụ thủy sản cũng cấp vốn cho ngư dân nhưng mang tính công khai và đảm bảo quyền lợi cho ngư dân. Khó khăn của HTX hiện nay là cơ sở vật chất và nguồn vốn. Tỉnh đã có công sinh thì phải có công dưỡng, nếu không thì khó có thể phát huy hiệu quả.

Ông Nguyễn Văn Bay - Chủ tàu QNg 90172 TS,  ở Bình Châu (Bình Sơn):
 Năm 2009 đang trên đường ra Trường Sa đánh bắt thì bị lốc đánh chìm tàu, may được tàu của anh Tiêu Viết Là cứu vớt nên toàn bộ lao động trên tàu đều bình an trở về. Tháng 2/2011 tôi cùng với người anh trai vay vốn ngân hàng, người thân và vốn của chủ "đầu nậu" đóng mới được con tàu có công suất 250 CV với chi phí hơn 1,4 tỷ đồng. Tôi cầm sổ đỏ đi tín chấp vay vốn ngân hàng cũng chỉ được 50 triệu đồng. Trong khi đó vay của chủ "đầu nậu" đến 450 triệu đồng mà không cần phải làm bất cứ thủ tục gì.

Chị Trần Thị Tuyết (44 tuổi), ở thôn Mỹ Tân, xã Bình Chánh (Bình Sơn):
“Đầu nậu” ở đây ngoài việc mua hàng giá thấp mà còn ép cân ký. Nhiều hôm họ viện lý do mực gặp mưa bị đen nên chỉ mua theo giá thực phẩm cho lợn ăn (30.000/kg), thấp hơn giá thị trường đến 4 lần. Năm 2008 vợ chồng tôi vay của một chủ "đầu nậu" 30 triệu đồng để cho bạn mượn làm ăn, nhưng đến năm 2010 họ tính lãi 15 triệu đồng.

 
TRỊNH PHƯƠNG

.