An toàn cho các công trình thủy lợi mùa mưa bão

01:09, 11/09/2011
.

(QNg)- Hầu như năm nào tỉnh ta cũng chịu nhiều thiệt hại do thiên tai bão lũ. Mỗi năm, hàng chục công trình thủy lợi bị hư hỏng nặng, không chỉ gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp và đe dọa đến tài sản và tính mạng của người dân. Do vậy vấn đề làm gì để giữ an toàn cho các công trình thủy lợi đang là nỗi lo thường nhật không chỉ của người dân, mà của các các cấp, các ngành trong tỉnh.

Thực trạng đáng lo ngại

Năm 1999 hồ chứa nước Phụng Hoàng, xã Bình Tân (Bình Sơn) bị vỡ, đã cuốn trôi và vùi lấp hàng trăm ha hoa màu, làm hư hại nhiều công trình giao thông, đe dọa tính mạng của người dân trong vùng. Đây là hệ quả của việc công trình xuống cấp nhưng chậm được sửa chữa... Theo Sở NN&PTNT tính đến nay, toàn tỉnh có 574 công trình thủy lợi, trong đó có 115 hồ chứa nước, 359 đập do C.ty TNHH một thành viên khai thác công trình thủy lợi và UBND các xã quản lý, khai thác. Trong đó có 2 hồ chứa nước có dung tích trên 10 triệu m3 (hồ chứa nước Liệt Sơn, hồ chứa nước Núi Ngang), 13 hồ chứa nước có dung tích từ 1 đến 10 triệu m3. Trước đây do tình trạng "cha chung không ai khóc", nên nhiều công trình hư hỏng nhỏ nhưng không được sửa chữa kịp thời, dẫn đến công trình xuống cấp, vận hành kém an toàn trong mùa mưa lũ.
 
Bá Sơn Đảm bảo an toàn cho công trình hồ, đập mùa mưa lũ luôn là điều trăn trở của các cấp, các ngành.
Bá Sơn Đảm bảo an toàn cho công trình hồ, đập mùa mưa lũ luôn là điều trăn trở của các cấp, các ngành.

Một thực tế đáng lo ngại là hơn 75% hồ, đập chứa nước ở tỉnh ta được xây dựng bằng đất (từ những năm 1980). Phần lớn các công trình này thi công bằng nguồn vốn tự có của địa phương và sự đóng góp công lao động của dân. Khi đó nguồn kinh phí có hạn, khoa học kỹ thuật và công nghệ chưa phát triển nên việc xử lý nền móng chưa đảm bảo. Đã vậy do thiếu kinh phí nên việc sửa chữa, nâng cấp các hồ, đập chưa được chú trọng, khiến nhiều công trình xuống cấp. Hiện phần lớn các công trình bị thấm qua vai và thân đập vượt mức giới hạn cho phép. Và một khi nước lũ tràn qua mặt đập thì dễ gây xói lở, dẫn đến nứt, vỡ. Đặc biệt là khi tần suất mưa lớn, kéo dài, đất thân đập, bị ngấm nước làm giảm khả năng chống đỡ, dẫn đến trượt mái và hư hỏng đập. Thực tế là thời gian qua các hồ, đập dù lớn hay nhỏ khi bị vỡ đều gây thiệt hại nặng cho công trình và ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế-xã hội vùng hạ lưu. Đặc biệt ở các hồ, đập mà hạ lưu là khu dân cư thì thiệt hại do vỡ hồ đập gây ra sẽ rất lớn, phải mất nhiều năm mới khắc phục được.

Những việc cần làm ngay

Những công trình hồ, đập xuống cấp nên nguy cơ vỡ đập là khó tránh khỏi nếu không được sửa chữa, nâng cấp kịp thời. Những năm gần đây thời tiết diễn biến ngày một phức tạp, bão lũ xảy ra với cường độ ngày càng cao, nhiều công trình thủy lợi nằm ở vùng rừng núi có địa hình hiểm trở, nên công tác PCLB đảm bảo an toàn cho công trình và vùng hạ lưu gặp rất nhiều khó khăn.
 
Hồ chứa nước An Phong (Bình Sơn) xuống cấp nghiêm trọng cần sớm được đầu tư kiên cố.
Hồ chứa nước An Phong (Bình Sơn) xuống cấp nghiêm trọng cần sớm được đầu tư kiên cố.

Anh Võ Quốc Hùng - Trưởng phòng Quản lý công trình thủy lợi Chi cục thủy lợi tỉnh cho biết: Trong tổng số 115 hồ chứa nước thì có 60 hồ chứa nước xuống cấp, có 28 hồ xuống cấp nghiêm trọng, với hiện trạng: Mái thượng lưu bị sạt lở, lớp đá gia cố mái thượng lưu hầu hết bị hư hỏng không còn tác dụng; nền và thân đập đất bị thấm nước có nguy cơ gây mất ổn định đập. Tràn xả lũ phần lớn là tràn tự nhiên trên nền đất hoặc đá phong hóa, nên bể tiêu năng bị xói lở. Cống lấy nước dưới đập bị rò rỉ dọc thân cống, cửa van đóng mở bị hư hỏng, do đó khả năng trụ được trước những cơn lũ khắc nghiệt là rất khó. Bởi nếu bị lũ lớn, nước lũ thấm làm mềm đất ở bờ đập, sau đó nếu gặp thủy lực lớn, công trình rất dễ bị vỡ.

Tỉnh ta được Chính phủ Nhật Bản viện trợ đầu tư sửa chữa, nâng cấp 7 hồ chứa nước ở 3 huyện: Bình Sơn, Mộ Đức và Đức Phổ, nhằm đảm bảo an toàn các hồ chứa. Tỉnh  đã đầu tư nâng cấp 5 hồ chứa nước trong Chương trình an toàn hồ chứa nước của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tuy nhiên con số này chưa thấm vào đâu so với nhu cầu có 60 hồ cần nâng cấp, kiên cố khẩn cấp. Để đảm bảo an toàn cho các hồ chứa nước, tỉnh đã lập tờ trình trình Bộ xem xét hỗ trợ nâng cấp, sửa chữa 13 hồ chứa nước ở các huyện, với tổng mức đầu tư 240 tỷ đồng, nhưng chưa được phê duyệt. Ông Vũ Nhân - Phó Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức lo lắng: Nếu không sớm đầu tư nâng cấp hồ Đá Bàn (xã Đức Tân) thì hồ khó trụ nổi mùa mưa bão năm nay. Hai năm qua hồ đã nhiều lần bị nước tràn qua thân đập, suýt vỡ. Nếu hồ này vỡ thì hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Bởi phía hạ lưu là thị trấn Đồng Cát rất đông dân cư.

Có thể nói, mùa mưa lũ đang đến, trong khi các công trình thủy lợi, hồ, đập chứa nước xuống cấp chưa được đầu tư nâng cấp luôn là nỗi lo thường nhật của người dân. Để người dân yên tâm sinh sống ở hạ lưu các hồ đập, ngành nông nghiệp và các địa phương cần xây dựng phương án phòng, chống lụt bão cho các hồ chứa. Trong đó đặc biệt chú ý đến những hồ chứa nước có dung tích trên 1 triệu m3, những hồ xuống cấp, nhằm bảo đảm an toàn cho các công trình và tài sản, tính mạng người dân. Ban chỉ huy PCLB các cấp phải túc trực 24/24 giờ để sẵn sàng phát hiện, ứng phó kịp thời các tình huống xấu xảy ra.
 
*Ông Bùi Bình - PCT UBND huyện Sơn Tịnh:
Hiện nay trên địa bàn huyện Sơn Tịnh có gần 20 hồ, đập thủy lợi, nhưng cống lấy nước của nhiều hồ đập bị rò rỉ, nước thấm qua thân đập như: Hóc Khế, Hố Hiểu, Hóc Tùng, Cây Bứa... Để đảm bảo an toàn cho các hồ, đập, huyện chỉ đạo các xã xây dựng phương án PCLB cho từng hồ, đập; thực hiện phương châm 4 tại chỗ để hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại về tài sản và tính mạng của nhân dân. Đặc biệt là khi có mưa bão quyết không giữ lượng nước trong hồ quá nhiều khiến lượng nước thoát qua cống lớn làm sập cống, gây vỡ đập. Còn để đảm bảo an toàn lâu dài thì tỉnh, trung ương cần nâng cấp các hồ đập.

*Ông Phan Văn Ơn - Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi tỉnh:
Bên cạnh việc kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn các hồ chứa nước, Chi cục phối hợp với các địa phương xây dựng phương án PCLB; phương án cứu hộ, cứu nạn khi có sự cố xảy ra cho từng công trình cụ thể. Mục tiêu là hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho vùng hạ lưu và các hồ đập. Trong đó đặc biệt chú trọng đến các công trình có dung tích trên 1 triệu m3, công trình đang xây dựng và công trình bị hư hỏng nhưng chưa có điều kiện sửa chữa, nâng cấp; đồng thời tham mưu để UBND tỉnh trình các bộ, ngành trung ương xem xét đầu tư kiên cố các công trình thủy lợi.

*Ông Nguyễn Lập - Phó giám đốc C.ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi tỉnh:
Không chỉ hồ chứa nước xuống cấp, mà các công trình khác do C.ty quản lý đều được tăng cường kiểm tra và xây dựng phương án PCLB. Riêng hồ Đá Bàn nếu không sớm được đầu tư sửa chữa thì vấn đề giữ an toàn cho hồ chứa và tính mạng, tài sản người dân vùng hạ lưu đang là nỗi lo lớn của C.ty và chính quyền địa phương khi mùa mưa, bão đến. Bởi chỉ cần mưa liên tục 2 - 3 ngày với lượng mưa 50mml, là nước tràn qua thân đập buộc C.ty phải mở tràn phụ. Tuy nhiên việc mở tràn phụ ảnh hưởng nhiều đến đời sống và sản xuất của 50 hộ dân ở hạ lưu.

*Ông Trần Công Hiệp - Chủ tịch UBND xã Tịnh Bình:
Hồ chứa nước Hóc Khế xuống cấp đã nhiều năm, nay gần như là hoang phế. Hệ thống cống lấy nước bị rò rỉ, hư hỏng; thân đập bị sạt lở nặng, nước thấm qua đập đất, tràn xả lũ bị xói lở... Do đó vấn đề đảm bảo an toàn cho hồ chứa trong mùa mưa lũ là cực kỳ khó khăn. Đặc biệt là nếu mưa lũ với tần xuất lớn, dòng nước chảy mạnh xói sâu vào thân đập làm sập cống dẫn nước thì khả năng vỡ đập là khó tránh khỏi. Để đảm bảo an toàn hồ chứa và tính mạng, tài sản nhân dân vùng hạ lưu vào mùa mưa lũ, tỉnh, huyện và các bộ ngành cần sớm đầu tư nâng cấp để đảm bảo an toàn cho hồ chứa.

*Anh Huỳnh Tấn Hùng, thôn An Phong, Bình Mỹ (Bình Sơn):
Sống ở hạ lưu hồ An Phong đang xuống cấp, gia đình tôi rất lo lắng. Bởi vào mùa mưa lũ nó có thể vỡ bất cứ lúc nào. Do đó để đảm bảo an toàn cho công trình trong mùa mưa lũ, các cấp, các ngành phải có sự phối hợp đồng bộ để theo dõi, vận hành khai thác và bảo vệ công trình. Đặc biệt là để người dân yên tâm sinh sống và sản xuất ở gần hồ thì tỉnh, huyện cần nhanh chóng đầu tư sửa chữa, nâng cấp thân đập, cống lấy nước cho thật kiên cố.
Bá Sơn

.