Có "an toàn, không dịch bệnh" trong năm học mới?

02:08, 07/08/2011
.

(QNg)- Bệnh tay chân miệng chưa có điểm dừng, bệnh sốt xuất huyết bắt đầu tăng, trong khi mùa tựu trường đang đến rất gần khiến các bậc phụ huynh lo lắng. Câu hỏi lúc này không chỉ đặt ra đối với ngành y tế, mà cho cả hệ thống chính trị là, giải pháp nào để phòng chống, đối phó với dịch bệnh, tránh "dịch kép"?
 

* Ngành Y tế "lao đao" vì dịch bệnh

Theo Bộ Y tế thì, hiện nước ta có 26 dịch bệnh cần phải kiểm soát. Tuy nhiên thời điểm mùa tựu trường có 4 dịch bệnh thường xuyên xảy ra với mức độ lây lan nhanh là sốt xuất huyết, cúm A/H1N1, dịch tả và tay chân miệng. Điều đáng lo ngại hiện nay là dịch sốt xuất huyết chuẩn bị "vào mùa", trong khi dịch bệnh tay chân miệng trên địa bàn tỉnh tiếp tục diễn biến phức tạp, do mầm bệnh đã lây nhiễm trong cộng đồng, tác nhân gây bệnh nguy hiểm (cùng một lúc có đến 2 chủng virut gây bệnh Enterovirus 71 và Coxsackievius A16).

Tính đến ngày 3/8, bệnh tay chân miệng đã ghi nhận trên 3.300 trường hợp mắc tại 14/14 huyện, thành phố với 145/184 xã, phường, thị trấn trong tỉnh, trong đó có 100% xã thuộc các huyện đồng bằng có ca bệnh. Mặc dù UBND tỉnh, Sở Y tế đã có văn bản chỉ đạo các địa phương triển khai công tác phòng chống bệnh tay chân miệng, tuy nhiên có thể nhận thấy việc triển khai này chỉ dừng ở cấp huyện, một số địa phương chậm vào cuộc và chưa thực sự xuống cơ sở.
 
Hiện nay, Tư Nghĩa là địa phương có số lượng ca mắc cao nhất (với lũy tích trên 810 ca, trong đó có 2 ca tử vong). Tư Nghĩa có địa bàn rộng, dân cư đông, việc kiểm soát, tầm soát ca bệnh gặp nhiều khó khăn do lực lượng dự phòng "mỏng" nhưng cho đến thời điểm này vẫn chỉ ngành y tế "loay hoay" với việc phòng chống. Nói về thực tế này lãnh đạo Trung tâm Y tế Dự phòng cho biết, dù huyện có chỉ thị nhưng chỉ mỗi ngành y tế thực hiện, các đoàn thể đứng ngoài cuộc, vì không có chỉ đạo cụ thể. Không huy động hệ thống chính trị, thiếu kinh phí cho công tác phòng chống, tuyên truyền còn hình thức là một trong những nguyên nhân gây nên sự lây lan trên diện rộng (chỉ có 6/18 xã, thị trấn có kinh phí tổ chức phun thuốc khử khuẩn, vệ sinh môi trường, còn lại đều trông chờ kinh phí từ cấp trên). Ngoài TP. Quảng Ngãi đã chủ động kinh phí, huy động nhân lực, vật lực trong việc triển khai các biện pháp phòng chống bệnh và đạt hiệu quả nhất định, thì nhiều địa phương như Mộ Đức, Tư Nghĩa, Bình Sơn vẫn còn bị động, khó khăn trong việc triển khai. Thậm chí ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh nguy hiểm ở người của nhiều địa phương chưa tổ chức cuộc họp để triển khai, phân công nhiệm vụ, do vậy chỉ mỗi ngành y tế loay hoay chống dịch.

* Cần sự vào cuộc mạnh mẽ của hệ thống chính trị

Mùa tựu trường đang đến nhưng diễn biến dịch bệnh trên địa bàn tỉnh vẫn còn phức tạp, khả năng mất kiểm soát dịch bệnh là khó tránh khỏi, trong khi đó mục tiêu của tỉnh là "an toàn, không dịch bệnh" trong năm học mới. Thế nhưng để làm được điều này đòi hỏi sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị.
 
Trẻ em chuẩn bị vào năm học mới.
Trẻ em chuẩn bị vào năm học mới.

Bác sĩ Nguyễn Tấn Đức - Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Với mức độ nguy hiểm của bệnh tay chân miệng, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc họp bàn giải pháp phòng chống. Riêng ngành Y tế đã và sẽ tiếp tục có những biện pháp để phòng chống dịch bệnh tay chân miệng, cố gắng không để bùng phát thành dịch lớn, hạn chế ca mắc, tránh tử vong; Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nhân dân, đặc biệt là những phụ huynh học sinh, người làm công tác hậu cần ở nhà trường các kiến thức về đường lây truyền, vệ sinh cá nhân, cách ly bệnh nhân và các biện pháp phòng chống bệnh tay chân miệng.

Số ca mắc và tử vong do bệnh tay chân  miệng gia tăng trong thời gian qua thì ngoài yếu tố khách quan do chủng virus mới, còn do công tác vệ sinh khử khuẩn môi trường ở hộ dân, trường học chưa tốt. Vì vậy ngành Y tế khuyến cáo, mọi người dân ngoài những hiểu biết cơ bản về các triệu chứng và cách chăm sóc, xử trí bệnh, thì việc vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống và vệ sinh môi trường là những nguyên tắc cần tuân thủ, để phòng ngừa bệnh một cách thiết thực, hiệu quả, hạn chế tối đa những ca mắc bệnh và tử vong đáng tiếc và vô lý.
 
Đối với ngành Y tế, ngoài những giải pháp về chuyên môn nghiệp vụ phải bảo đảm đúng nguyên tắc, thì giải pháp xã hội hóa bao gồm việc phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, đoàn thể trong vận động người dân thực hiện những khuyến cáo của ngành cũng như phối hợp tổ chức kiểm tra, giám sát thực tế việc thực hiện tại địa bàn là quan trọng. Và đây là biện pháp cụ thể quyết định trong công tác phòng ngừa bệnh tay chân miệng tại tỉnh ta.

Điều đáng lưu ý là, hiện nay số trường bán trú ngày càng đông, số học sinh ăn trưa tại trường cũng tăng lên. Do đó vấn đề nhà trường cần quan tâm chính là ngộ độc thực phẩm. Trong năm học qua, tình trạng ngộ độc thực phẩm trong trường học đã giảm đáng kể. Nhưng các trường không nên chủ quan, vì nguy cơ vẫn rất lớn. Theo đó các bếp ăn, căng tin trong trường học chỉ mua thực phẩm ở những cơ sở an toàn. Trong năm học mới cần nhắc nhở thường xuyên và tập huấn lại cho các cô giáo mầm non về kiến thức dịch bệnh. Hiện nay bệnh tay chân miệng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chưa có vaccine phòng. Tuy nhiên các bậc phụ huynh cần thực hiện tốt các nguyên tắc và biện pháp vệ sinh, thì có thể hạ thấp nguy cơ nhiễm bệnh cho con em mình.

Liên tiếp trong 3 năm trở lại đây, Quảng Ngãi phải gồng mình đối phó với dịch bệnh (từ dịch cúm A/H1N1 năm 2009, sốt xuất huyết năm 2010 và năm nay đến bệnh tay chân miệng). Thiết nghĩ ngành y tế cần rút ra những bài học kinh nghiệm trong việc phòng chống dịch bệnh từ những năm gần đây, để có biện pháp phòng tránh hiệu quả. Đồng thời cấp ủy, chính quyền các cấp cần có sự chỉ đạo quyết liệt hơn nữa, huy động tổ chức mặt trận, đoàn thể tham gia vào cuộc với ngành y tế, để đạt mục tiêu khống chế, tránh "dịch kép" và tiến tới chấm dứt sự lây lan dịch bệnh trong thời gian sớm nhất.
 
*Ông Lê Quang Thích - Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Mục tiêu của tỉnh là không để trường hợp nào tử vong, kìm hãm và tiến tới dập tắt hoàn toàn bệnh tay chân miệng càng sớm càng tốt. Do đó các địa phương, sở, ngành liên quan phải chủ động trong công tác phòng, chống bệnh tay chân miệng trong thời điểm tựu trường; đặc biệt cần triển khai ngay công tác phòng chống bệnh sốt xuất huyết, tránh nguy cơ dịch bệnh "kép" xảy ra trong cộng đồng. Nếu địa phương nào để xảy ra trường hợp tử vong, thì phải chịu trách nhiệm trước Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Bên cạnh đó, các cơ quan báo - đài cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân cách phòng bệnh tại gia đình, cộng đồng. Mùa mưa bão đang đến gần, nếu chúng ta không quyết liệt thì rất khó dập tắt dịch bệnh, nhất là địa phương miền núi, đi lại khó khăn.

*Ông Thái Văn Đồng - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo: Trong thời gian trước khai giảng, các công việc tổng vệ sinh, khử khuẩn đã có kế hoạch để đón các cháu vào năm học mới. Tuy nhiên, một kế hoạch tổng thể về phòng chống dịch bệnh của năm học thì phải chờ đến cuộc họp liên tịch giữa hai ngành y tế và giáo dục. Chúng tôi rất mong sự hỗ trợ của ngành y tế vì trường học là môi trường lây lan nhanh, rất khó kiểm soát

*Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Trưởng ban VH-XH (HĐND tỉnh): Biện pháp tốt nhất trong thời điểm này là tăng cường truyền thông, đặc biệt là truyền thông trực tiếp, không những cho cha mẹ mà cả ông bà đều biết thông tin về chống bệnh tay chân miệng, vì nhóm đối tượng có nguy cơ cao là trẻ em dưới 5 tuổi. Cùng với đó là phải huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc, bởi vì đây không còn là trách nhiệm của ngành y tế mà các cấp, các ngành, cộng đồng xã hội cùng tham gia.

*Ông Hồ Minh Nên - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh: Để giải quyết "bài toán" dịch bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết tấn công cùng lúc, chúng tôi đã tiến hành chống dịch song song. Cụ thể trên các tờ rơi phát cho người dân, chúng tôi tuyên truyền phòng chống cùng lúc cả hai bệnh. Khi xuống địa bàn làm việc, cán bộ y tế tỉnh, huyện cũng tiến hành kiểm tra cùng lúc công tác phòng chống dịch bệnh tay chân miệng và SXH. Hơn nữa từ giữa tháng 8, các đội phun thuốc của trung tâm đã tiến hành diệt muỗi, lăng quăng những nơi có khả năng bùng phát SXH, trước mắt chúng tôi sẽ tiến hành ở 9 xã trọng điểm có nguy cơ cao.

*Bà Nguyễn Thị Mỹ Trang - Hiệu trưởng trường Mầm non tư thục Sơn Ca: Nhà trường luôn theo sát kế hoạch phòng dịch của y tế phường. Đặc biệt trong kỳ hè vừa qua, việc vệ sinh sát khuẩn đã tăng cường một cách đáng kể. Chẳng hạn chúng tôi thực hiện lau rửa phòng học ba lần/tuần bằng dung dịch chloramin B (do y tế phường cấp), đồ chơi cũng sát khuẩn hai lần/ tuần. Các cô giáo được chỉ đạo rửa tay cho trẻ bằng xà phòng trước và sau khi ăn trong suốt năm học; hạn chế cho trẻ dùng tay cầm các vật dụng bẩn như giày dép… Khi phát hiện trẻ mắc các triệu chứng bệnh, phải lập tức cho nghỉ và báo cho cơ quan y tế. Năm học tới y tế địa phương và nhà trường sẽ tiếp tục xây dựng một lịch kiểm tra định kỳ về công tác vệ sinh.
Thanh Thuận

.