Bảo hiểm xã hội Quảng Ngãi: Tổ chức thực hiện tốt Luật BHYT

09:07, 03/07/2011
.

(QNg)- Luật BHYT được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/7/2009. Song trên thực tế Luật BHYT chỉ được thực hiện đầy đủ, toàn diện từ ngày 1/1/2010. Sau hơn một năm triển khai thực hiện, công tác BHYT đã có những chuyển biến tích cực cả về nhận thức cũng như kết quả đạt được, đã tạo một diện mạo mới trong công tác khám chữa bệnh (KCB), khai thác mở rộng đối tượng tham gia.

Kết quả đầu tiên phải nói đến đó là số người tham gia BHYT tăng vọt chiếm đến 60% dân số toàn tỉnh (trên 725.000 người). Ngoài người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi được Nhà nước hỗ trợ 100% mệnh giá thẻ; đối tượng cận nghèo, học sinh sinh viên được Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí mua thẻ BHYT thì việc gia tăng diện bao phủ BHYT như hiện nay là một sự cố gắng rất lớn của ngành BHXH Quảng Ngãi trong công tác khai thác mở rộng đối tượng tham gia.
 
 Khám mắt cho bệnh nhân nghèo.
Khám mắt cho bệnh nhân nghèo.

Hiện nay theo quy định của Luật BHYT, mặc dù mệnh giá thẻ cho các đối tượng tham gia được điều chỉnh tăng cao hơn so với trước đây, nhưng tỷ lệ người tham gia BHYT năm sau luôn cao hơn năm trước.

Nguyên nhân chính là do đối tượng tham gia hiểu được quyền lợi thiết thực khi họ không may bị ốm đau, bệnh tật, mặt khác một số đối tượng được Nhà nước hỗ trợ một nguồn kinh phí khi tham gia mua thẻ BHYT, cùng với đó mạng lưới đại lý thu BHYT do ngành BHXH đào tạo được phủ kín đến tận xã, phường, trường học…

Do vậy họ được gần gũi với đối tượng tham gia, chuyển tải các chế độ chính sách mới đầy đủ, kịp thời cho đối tượng. Hơn nữa trong công tác KCB quyền lợi của đối tượng tham gia cũng được mở rộng hơn so với trước đây, cơ sở KCB không ngừng được đầu tư, nâng cấp đáp ứng tốt nhu cầu KCB cho người tham gia BHYT. Bên cạnh đó, việc đưa dịch vụ khám chữa bệnh BHYT về tuyến xã, phường của ngành y tế cũng góp phần tích cực cho công tác khai thác mở rộng nguồn thu mới.

Theo số liệu thống kê năm 2010 có 61.108 người tham gia BHXH, 710.763 người tham gia bảo hiểm y tế với tổng nguồn thu 689,9 tỷ đồng. Dự tính trong năm 2011 có khoảng 65 nghìn người tham gia BHXH  và 715 nghìn người tham gia BHYT, với số thu ước tính 720 tỷ đồng. Đối tượng tham gia không chỉ dừng ở đối tượng bắt buộc mà còn mở rộng đến mọi người dân tạo nên sự bình đẳng cho các đối tượng ở mọi thành phần kinh tế tham gia, đây là cơ sở  làm tiền đề trong quá trình thực hiện lộ trình tiến tới thực hiện BHYT toàn dân vào năm 2014.

Có được những kết quả trên là nhờ sự chỉ đạo kịp thời của UBND tỉnh, sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành, các cấp ở địa phương sau khi Chính phủ, các bộ ngành có Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành luật. Công tác thông tin tuyên truyền cũng được phối hợp triển khai rộng rãi trên các phương tiện truyền thông nhất là mạng lưới truyền thông cấp xã, phường.

Mặt khác, BHXH tỉnh cùng với Sở Y tế đã phối hợp giải quyết kịp thời những vướng mắc trong công tác khám chữa bệnh, đảm bảo quyền lợi cơ bản của người tham gia BHYT. Công tác quản lý sử dụng quỹ khám chữa bệnh BHYT trong những năm gần đây mà cụ thể từ khi thực hiện Luật BHYT luôn đáp ứng kịp thời đảm bảo đủ để cân đối nguồn khi phí không vượt mức dự toán ngành cấp trên giao.

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số vướng mắc cần được tháo gỡ trong thời gian tới. Hằng năm việc lập danh sách đối tượng người nghèo do các cấp chính quyền địa phương lập trình UBND tỉnh phê duyệt để mua thẻ BHYT còn quá chậm, chưa sát đúng với đối tượng, cần được chấn chỉnh kịp thời. Đối với đối tượng cận nghèo mặc dù Nhà nước hỗ trợ 50% mệnh giá thẻ nhưng mức đóng còn khá cao, đối tượng tập trung ở vùng nông thôn khó có khả năng tài chính để mua thẻ. Vì vậy đề nghị tỉnh hỗ trợ thêm nguồn kinh phí để họ có khả năng tham gia được.

Đối với đối tượng tự nguyện: Mặc dù số người tham gia ở khu vực này tăng bình quân hàng năm vào khoảng 20% nhưng so với số dân toàn tỉnh thì tỷ lệ này rất thấp. Đối tượng này chỉ tham gia khi có bệnh tật, ốm đau cần thẻ để KCB. Đây là đối tượng Nhà nước cần có lộ trình, bước đi thích hợp mới có khả năng giải quyết tốt chính sách an sinh xã hội.

Với công tác quản lý chỉ đạo thực hiện KCB, Sở Y tế phải thường xuyên theo dõi chỉ đạo và hướng dẫn các cơ sở KCB thực hiện nghiêm Luật BHYT. Đồng thời phối hợp với BHXH tỉnh chỉ đạo áp dụng phương thức thanh toán theo định suất phù hợp với lộ trình. Tổ chức thanh tra, kiểm tra nhằm ngăn chặn tình trạng lạm dụng quỹ BHYT bằng nhiều hình thức nhằm bảo đảm quyền lợi cho người tham gia BHYT.
 
*Ông Đỗ Ngọc Thạch-Giám đốc BHXH tỉnh: Là cơ quan trực tiếp tổ chức triển khai chính sách BHYT, trong thời gian qua, nhất là từ sau khi Luật BHYT ra đời và có hiệu lực, BHXH tỉnh đã tổ chức triển khai, tập huấn, hướng dẫn Luật, các văn bản liên quan đến các cơ sở KCB và CB,CC,VC trong toàn hệ thống; đồng thời tuyên truyền bằng nhiều hình thức đến các tầng lớp dân cư để người dân hiểu rõ hơn về quyền lợi và trách nhiệm của mình khi tham gia BHYT; thường xuyên phối hợp với Sở Y tế giải quyết những vướng mắc, tồn tại trong công tác KCB để tổ chức triển khai và thực hiện tốt công tác KCB BHYT cho nhân dân. Chính vì vậy càng ngày người dân càng hiểu biết và tin tưởng vào những hiệu quả thiết thực mà chính sách BHYT mang lại. Do đó số lượng người tham gia BHYT hàng năm không ngừng tăng lên. Có thể nói rằng Luật BHYT ra đời về cơ bản đã tạo được mặt tích cực cho xã hội, đặc biệt tạo cơ hội cho người bệnh tiếp cận với dịch vụ y tế kỹ thuật cao, giảm bớt gánh nặng về chi phí cho người bệnh…
 
Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số khó khăn tồn tại nhất định, đơn cử như việc cấp phát thẻ BHYT cho đối tượng người nghèo, cận nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi còn nhiều sai sót từ khâu lập danh sách; tại một số cơ sở y tế người  bệnh KCB còn phải chờ đợi lâu, hiện tượng lạm dụng thuốc, các dịch vụ kỹ thuật vẫn còn xảy ra… Những tồn tại này đòi hỏi cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa Sở Y tế, Sở LĐ-TBXH và Bảo hiểm xã hội… để chính sách BHYT ngày càng đi vào cuộc sống, nâng cao chất lượng KCB cho người dân và hoàn thành lộ trình BHYT toàn dân vào năm 2014.

*Ông Trần Công Lượng-Trưởng phòng Công tác chính trị và học sinh-sinh viên (Trường ĐH Phạm Văn Đồng): Tham gia BHYT là quyền lợi và cũng là trách nhiệm của mỗi HS-SV. Trường ĐH Phạm Văn Đồng xem đây là một trong những tiêu chí để đánh giá kết quả thi đua của các lớp, đồng thời đánh giá kết quả rèn luyện của mỗi học sinh, bởi lẽ tham gia BHYT là bắt buộc theo quy định của Luật BHYT, nếu không tham gia đồng nghĩa với việc không thực hiện đúng luật. Để HS-SV nắm bắt cụ thể về chủ trương tham gia BHYT, từ đầu năm học nhà trường thông báo bằng văn bản đến các lớp và phổ biến đến từng sinh viên ngay trong tuần sinh hoạt công dân-học sinh, sinh viên đầu năm. Từ đó HS-SV của trường có ý thức cao trong việc tham gia BHYT. Năm học 2010-2011, toàn trường có 3.258 HS-SV tham gia BHYT (đạt 85%), số HS-SV còn lại thuộc diện con em gia đình chính sách và dân tộc thiểu số được chính quyền địa phương hỗ trợ cấp thẻ BHYT.

*Bác sĩ Nguyễn Hữu Lộc-Trưởng phòng Kế hoạch-Tổng hợp (Bệnh viên Đa khoa tỉnh): Bệnh nhân có thẻ BHYT đến khám và điều trị bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh ngày càng đông. Từ năm 2010 trở về trước, số bệnh nhân khám-điều trị bệnh có thẻ BHYT chiếm khoảng 40-50% trong tổng số bệnh nhân khám-điều trị bệnh tại bệnh viện. Kể từ khi thực hiện Luật BHYT, số lượng bệnh nhân khám-điều trị bệnh có thẻ BHYT chiếm khoảng 80% trong tổng số bệnh nhân của bệnh viện. Tổng kinh phí thanh toán KCB của bệnh nhân thuộc diện BHYT cũng ngày càng cao. Năm 2010 kinh phí thanh toán là 45 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm 2011 là 26 tỷ đồng. Bệnh viện quán triệt đến từng cán bộ-y bác sĩ trong việc nâng cao tinh thần phục vụ đối với bệnh nhân, cải cách thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho người bệnh; đồng thời chống lạm dụng thuốc, xét nghiệm, lạm dụng các kỹ thuật cao đối với bệnh nhân có thẻ BHYT. Nhìn chung, người dân ngày càng có ý thức cao trong việc tham gia BHYT. Đây là bước thuận lợi để tiến đến năm 2014 thực hiện BHYT toàn dân.

*Ông Trần Phương Định-Trưởng Trạm y tế xã Bình Trung (Bình Sơn): Chủ trương đưa công tác KCB về tuyến y tế cơ sở đã thực sự đem lại những hiệu quả thiết thực. Đây cũng là giải pháp nhằm tạo điều kiện cho mạng lưới y tế cơ sở đi vào hoạt động, từng bước nâng cao chất lượng phục vụ, đáp ứng nhu cầu KCB của nhân dân trong phạm vi xã và giúp ngành y tế địa phương giảm bớt áp lực KCB của các cơ sở tuyến trên. Tại Trạm y tế xã Bình Trung, trong thời gian qua nhất là từ khi Luật BHYT ra đời và có hiệu lực, số lượt người có thẻ BHYT KCB tại Trạm tăng lên đáng kể. Trung bình 1 tháng có từ 200-250 lượt người KCB, chủ yếu là người già, trẻ em và đối tượng chính sách. Tuy phương tiện KCB còn hạn chế, số lượng y bác sĩ ít nhưng chúng tôi đã rất cố gắng, phục vụ tận tình, chu đáo, nguồn thuốc BHYT cũng cấp phát kịp thời. Chính vì vậy người dân rất tin tưởng khi đi KCB BHYT tại tuyến xã.

*Ông Hồ Phụng-xã Bình Thới (Bình Sơn): Tôi bị bệnh nặng và đã điều trị 7 năm (2 năm ở BV Chợ Rẫy và 5 năm ở BV Trung ương Huế). Thời gian đầu điều trị từ 25-30 triệu đồng/đợt và cho đến tận hôm nay cứ 1-2 tháng tôi tái khám 1 lần, trung bình khoảng 5 triệu/lần… Tôi không biết mình đã tiêu tốn bao nhiêu tiền của Nhà nước. Vì vậy hơn ai hết tôi nhận thấy được những gì mà chính sách BHYT mang lại là rất lớn. Nếu như không có BHYT tôi không biết liệu gia đình mình có xoay sở nổi khoản tiền lớn như vậy hay không? Theo tôi, những gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn thì càng nên tham gia BHYT, để phòng khi có điều không may xảy đến như ốm đau, bệnh tật chúng ta sẽ được chia sẻ bớt những khó khăn.

           Q.Hùng - P.Lý - H.Thủy

.