Nông trường 25/3: Nỗi lo chưa dứt

05:06, 19/06/2011
.

(QNg)- Mặc dù Nông trường 25/3 (hay còn gọi là Nông Trường dứa) ở xã Tịnh Đông và Tịnh Giang (Sơn Tịnh) đã giải thể từ lâu. Thế nhưng đối với chính quyền địa phương và các hộ dân sinh sống ở khu vực nông trường đến nay vẫn chưa dứt nỗi lo vì nhiều sự việc vẫn chưa được cơ quan chức năng giải quyết dứt điểm. 

"Bao giờ hết  lãng quên?"

Chúng tôi thật lạ khi nghe các hộ dân sinh sống ở khu vực Nông trường 25/3 đặt câu hỏi: "Bao giờ người dân ở nông trường hết bị lãng quên?". Chẳng phải ngẫu nhiên người dân nói thế mà căn nguyên là thực tế tồn tại nhiều sự việc chưa được các cấp chính quyền ở tỉnh quan tâm giải quyết dứt điểm. Các hộ dân ở đây mong được cấp trên "chuẩn y" việc thành lập thôn mới, nhưng đợi mãi vẫn chưa thấy hồi âm.
 
  Người dân ở Nông trường 25/3 phát triển trồng trọt, nhưng lo lắng vì không có giấy chứng nhận QSDĐ.
Người dân ở Nông trường 25/3 phát triển trồng trọt, nhưng lo lắng vì không có giấy chứng nhận QSDĐ.

Trong chuyến đi tìm hiểu đời sống người dân ở khu vực nông trường, chúng tôi gặp một gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đó là trường hợp gia đình anh Trần Văn Hải. Trả lời tôi về địa chỉ nhà mình anh Hải ấp úng, gãi đầu bảo: "Cũng chẳng biết lấy địa chỉ gì, thì cô cứ nói đại là khu dân cư 25/3, xã Tịnh Đông". Hỏi ra mới hay, sau khi nông trường giải thể người dân nơi đây dùng tạm cái tên là KDC 25/3. Anh Hồng Văn Thi-Chủ tịch UBND xã Tịnh Đông cho biết: "Đó là KDC tạm thời, gọi thế để xã dễ bề quản lý. Nhưng xã chỉ quản lý về nhân khẩu, còn đất đai thì không có cơ sở pháp lý nên bó tay... ".

Đất đai có lẽ là vấn đề "nóng" nhất ở khu vực Nông trường 25/3. Ở Quảng Ngãi hiện nay hiếm có trường hợp người dân xây dựng nhà ở, phát triển trồng trọt trên diện rộng, nhưng vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN QSDĐ). Người dân ở khu vực Nông trường 25/3 đang trong hoàn cảnh "hiếm có" này, mặc dù bà con thiết tha được cấp GCNQSDĐ để an tâm lập nghiệp. Ông Ngô Đình Trang (56 tuổi, nguyên là tổ trưởng tổ sản xuất ở nông trường, hiện sống tại KDC 25/3) thở dài: "Làm sao sớm cấp sổ đỏ cho dân, chứ cứ để  thế này người dân chúng tôi lo lắng lắm. Vả lại muốn có điều kiện phát triển sản xuất và vay vốn các ngân hàng cũng khó bề thực hiện… ".

 Theo lời ông Trang và nhiều hộ dân sinh sống ở KDC 25/3 thì, vì cuộc sống nên họ buộc phải trồng trọt, biết rằng đất đai ở đây chưa được cấp phép sử dụng, còn giấy tờ giao -nhận khoán thì bà con vẫn giữ, nhưng nông trường giải thể, con dấu không còn hiệu lực pháp lý. Và thêm một điều khiến người dân phập phồng lo lắng, chẳng biết sự việc đến nay được giải quyết đến đâu là, cách đây 3 năm C.ty Cao su Quảng Ngãi đã về khảo sát và có phương án đền bù cho người dân với mục đích thực hiện dự án phát triển cây cao su trên đất nông trường. Người dân chẳng biết thực hư thế nào mà đến nay vẫn chưa thấy triển khai!?

Đất lâm nghiệp ở khu vực Nông trường 25/3 hiện đang xảy ra tình trạng lấn chiếm. Ngoài ra còn xuất hiện tình trạng tranh chấp ao hồ, kênh mương gây mất trật tự an ninh. Chưa có sự phân định mang tính pháp lý về diện tích đất sử dụng, nên người dân "dành phần" bằng cách tự phân chia ranh giới sản xuất cho mình. Ở đây xảy ra trường hợp hộ dân sau khi thu hoạch keo, trồng lại cây mì thì bị người khác nhổ bỏ vì tranh giành đất. Chuyện vui nhưng tình thật đó là để giữ đất, giữ lấy nguồn mưu sinh. Nhiều người không dám thu hoạch keo, vì sợ sau khi thu hoạch sẽ bị mất đất…

Dích Dắc của vấn đề

Tìm hiểu "ngọn ngành" của sự việc chúng tôi được biết, Nông trường quốc doanh 25/3 được thành lập từ năm 1977.  Nông trường có diện tích đất sản xuất rộng hơn 600ha. Năm 1994 theo chủ trương của các cấp chính quyền, nhiều người dân ở các địa phương xây dựng khu kinh tế mới ở vùng đất này. Những hộ dân này được hỗ trợ tiền, được giao đất xây dựng nhà ở, giao đất sản xuất và chịu sự quản lý của nông trường. Với chủ trương  này những hộ dân đi kinh tế mới và người dân vốn là công nhân "gốc" của nông trường hăng say lao động sản xuất.

Đến 2003 Nông trường 25/3 sáp nhập vào C.ty Chế biến thực phẩm xuất khẩu Quảng Ngãi. Sau đó không lâu thì c.ty này phá sản, Nông trường 25/3 cũng chịu chung số phận là giải thể. Và cũng từ đây, các hộ dân sống ở nông trường gặp nhiều khó khăn. C.ty Chế biến thực phẩm xuất khẩu đem tài sản nông trường thế chấp ngân hàng, do đó sau khi phá sản, tòa án niêm phong tài sản nông trường và tiến hành thu hồi số tiền mà người dân thiếu nợ. Do hoàn cảnh khó khăn, nên đến nay vẫn còn khoảng 50% hộ dân chưa trả xong nợ. Được biết trong số hơn 70 hộ dân sống ở nông trường thì hiện có đến 22 hộ nghèo.

Năm 2008 C.ty TNHH MTV Cao su Quảng Ngãi được UBND tỉnh cho phép triển khai dự án phát triển cây cao su ở diện tích đất thuộc Nông trường 25/3 cũ. "Cây cối thu hoạch xong, đợi bàn giao cho c.ty cao su, nhưng đợi mãi vẫn không thấy thực hiện, chẳng lẽ bỏ đất trống, thấy lãng phí, nên chúng tôi trồng lại cây keo. Khi nào thu hồi thì chúng tôi trả" - ông Ngô Đình Trang bộc bạch. Bà con ở KDC 25/3 luôn canh cánh nỗi lo  đến khi nào các cơ quan chức năng quan tâm giải quyết dứt điểm những vướng mắc nói trên ở khu vực Nông trường 25/3, để người dân có điều kiện phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống, đồng thời để không lãng phí diện tích đất rừng.
 

*Ông Bùi Bình-Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tịnh: Huyện đã lập phương án đối với diện tích đất mà người dân Tịnh Giang và Tịnh Đông đang sử dụng gồm, nhà ở và đất sản xuất nông nghiệp (với tổng diện tích 164,7 ha), và trình tỉnh xin thu hồi đất của nông trường 25/3 giao cho huyện, để cấp GCN QSDĐ cho dân từ năm 2008. Nhưng mãi đến nay vẫn chưa được giải quyết. Tỉnh yêu cầu phải bổ sung các thủ tục mà trước đây tỉnh giao đất cho nông trường, nhưng huyện lấy đâu ra? Còn lại diện tích đất 281 ha, cuối năm 2008 tỉnh có quyết định thu hồi đất của nông trường và cho Công ty Cao su Quảng Ngãi thuê, nhưng c.ty này không có khả năng bồi thường, nên c.ty đề nghị trả lại diện tích đất này. Huyện cũng đã đề nghị tỉnh giao lại cho huyện để cấp GCN QSDĐ cho dân, nhưng tỉnh vẫn chưa giao. Hiện nay diện tích đất này đang xảy ra tình trạng lấn chiếm, huyện đang chờ ý kiến chỉ đạo của tỉnh.

*Ông Nguyễn Hùng-Giám đốc Công ty TNHH MTV cao su Quảng Ngãi: Diện tích đất trồng cây cao su bị thu hẹp do phát triển Khu Kinh tế Dung Quất, nên công ty xin chủ trương mở rộng diện tích trồng cây cao su ở xã Tịnh Giang và Tịnh Đông (khu vực thuộc Nông trường 25/3 cũ-PV). C.ty đã hợp đồng với huyện Sơn Tịnh kiểm kê, áp giá đền bù theo Quyết định 24 của UBND tỉnh, công việc này tiến hành hơn 6 tháng. Theo đó giá đền bù cây cối hoa màu bình quân 20 triệu đồng/ha. Tuy nhiên sau đó UBND tỉnh có Quyết định 482 về thay đổi đơn giá đền bù. Mức giá mà công ty phải bồi thường theo quyết định mới tăng gấp 3 lần so với quyết định cũ, tức 60 triệu đồng/ha. Với mức giá đền bù mới này, C.ty không có khả năng thực hiện nên đã xin rút, không thực hiện dự án phát triển cây cao su ở Tịnh Giang và Tịnh Đông. Vào thời điểm đó chúng tôi đã nói rõ vấn đề này tại cuộc họp với sự có mặt của lãnh đạo Sở TN&MT, lãnh đạo huyện Sơn Tịnh và 2 xã nói trên. Chúng tôi cũng đã gởi văn bản trình bày cụ thể vấn đề này đến các đơn vị có liên quan.

*Ông Hồng Văn Thi-Chủ tịch UBND xã Tịnh Đông: Hàng chục hộ dân ở KDC 25/3 chưa có GCN QSDĐ. Về luật pháp mà nói các hộ dân đang phạm luật vì xây dựng nhà ở, trồng trọt trên diện tích đất chưa được công nhận quyền sử dụng.  Cấp trên có chủ trương giao đất, giao rừng cho dân, nhưng trường hợp ở nông trường 25/3 đến nay vẫn chưa thực hiện được. Tình trạng lấn chiếm đất lâm nghiệp ở đây ngày càng nghiêm trọng, gây mất trật tự, song địa phương khó bề giải quyết dứt điểm do không có cơ sở pháp lý. Nếu tỉnh không sớm giải quyết, thì tình trạng mất ổn định ở đây cứ kéo dài, ảnh hưởng đến đời sống người dân. Đề nghị tỉnh sớm có quyết định giao đất để cấp GCN QSDĐ cho dân.


PHƯƠNG LÝ

.