Cả chính quyền cùng nông dân chủ động chống hạn vụ hè thu 2011

09:06, 03/06/2011
.

(QNg)- Vụ sản xuất hè thu 2011 đã bắt đầu, thời tiết mùa này thường nắng nóng, khô hạn, ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất, sản lượng cây trồng. Để giảm bớt thiệt hại, cả chính quyền và nhà nông cùng chủ động chống hạn.

Nhà nông chủ động tích cực chống hạn

Vừa kết thúc vụ sản xuất đông xuân, nông dân ở thôn Năng Tây 1, xã Nghĩa Phương (Tư Nghĩa) lại ra đồng dọn vệ sinh đồng ruộng, chuẩn bị cho vụ sản xuất hè thu. Điều mà nông dân quan tâm nhất vẫn là khai thông hệ thống kênh nội đồng dẫn nước vào đồng ruộng. Bởi vụ này dường như năm nào những cánh đồng ở đây cũng thiếu nước tưới.
 
 Nông dân Nghĩa Phương (Tư Nghĩa) đóng góp ngày công, tiền để bê tông hóa kênh  mương nội đồng.
Nông dân Nghĩa Phương (Tư Nghĩa) đóng góp ngày công, tiền để bê tông hóa kênh mương nội đồng.
Để cứu lúa, hoa màu, nông dân thôn Năng Tây 1 đã liên kết thực hiện nhiều giải pháp chống hạn hiệu quả như: Tập hợp nhau cùng ra đồng nạo vét, gia cố kênh mương; hùn tiền đóng giếng, mua mô - tơ công suất lớn; đóng góp kéo đường dây điện đảm bảo an toàn ra tận đồng ruộng, để bơm nước... Nhờ vậy mà sản lượng, năng suất lúa, hoa màu nơi đây vẫn luôn giữ vững sự ổn định, ngay cả khi nắng hạn kéo dài, khốc liệt. Ông Nguyễn Văn Tùng - lão nông nói: "Chống hạn đòi hỏi phải tốn nhiều công sức, tiền bạc, nên mọi người cùng đóng góp thì mới làm nổi. Chủ động cùng nhau hợp tác chống hạn, chứ cứ đợi Nhà nước lo có khi lại chậm trễ".

Chúng tôi đã về các xã khu Tây của huyện Nghĩa Hành, khi nông dân nơi đây bắt đầu gieo sạ lúa hè thu 2011. Không khí lao động trên các cánh đồng khẩn trương, nhộn nhịp. Hiện tại nguồn nước phục vụ gieo sạ vẫn đảm bảo, nhưng chủ nhân của những cánh đồng ở đây cũng đã bàn bạc giải pháp chống hạn cho tháng 6, tháng 7 tới. Ông Nguyễn Tỵ (thôn Vạn Xuân 1, xã Hành Thiện) cho biết: "Tạm thời chưa xảy ra hạn, nhưng vào độ lúa trổ đòng thường thiếu nước tưới. Do đó khi lúa xanh đồng, thôn sẽ tổ chức nạo vét, gia cố các tuyến mương dẫn nước; đồng thời lúc hạn đến thỏa thuận điều tiết nước tưới luân phiên. Hiện nay trên toàn tỉnh việc tự nguyện đóng góp ngày công, tiền để nâng cấp, bê tông hoá các tuyến kênh mương nội đồng đã trở thành "nếp" tại nhiều địa phương.

Trong tổng số 2.948 khu dân cư trong toàn tỉnh thì có tới gần 1.000 khu dân cư người dân tự nguyện thực hiện "nếp" nghĩa vụ (cũng là quyền lợi) cùng nhau hợp lực chống hạn, bảo vệ mùa màng. Theo thống kê sơ bộ của UBMTTQVN tỉnh, trong 10 năm trở lại đây, nhất là kể từ khi Nhà nước thực hiện chủ trương miễn giảm thuỷ lợi phí cho nông dân, toàn tỉnh đã vận động đóng góp được hàng chục tỷ đồng, để bê tông hoá, nâng cấp hơn 8.000 km kênh mương nội đồng. Nhiều nơi thực hiện tốt phong trào này như xã Hành Nhân, Hành Tín Tây, Hành Thiện (Nghĩa Hành); xã Đức Phong, Đức Phú (Mộ Đức); xã Phổ Minh (Đức Phổ); xã Nghĩa Phương, Nghĩa Thương (Tư Nghĩa).

Chính quyền sẵn sàngđối phó

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn tỉnh, năm 2011 tình hình nắng hạn trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục diễn ra, nhưng không gay gắt như năm 2010. Tháng 6 sẽ có mưa nhiều, mưa lớn. Thế nhưng UBND tỉnh vẫn chủ động triển khai nhiều giải pháp phòng, chống hạn ngay từ đầu vụ hè thu 2011. Đó là khẩn trương sửa chữa, khắc phục các công trình thủy lợi bị hư hỏng do mưa lũ, có giải pháp điều tiết nguồn nước và tưới hợp lý cho từng vùng, từng cánh đồng. UBND tỉnh cũng yêu cầu các đơn vị chức năng và các địa phương xây dựng phương án phòng, chống hạn chi tiết, sát với tình hình thực tế của từng đơn vị, tránh tình trạng thiếu nước tưới cục bộ, trên diện rộng vào cuối vụ.

Tính đến đầu năm 2011 toàn tỉnh đã xây dựng 574 công trình thuỷ lợi, trong đó có  112 hồ chứa nước, để cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và sinh hoạt, góp phần quan trọng vào phát triển sản xuất nông nghiệp và các ngành kinh tế khác của tỉnh. Tuy nhiên do nhiều hồ chứa nước được xây dựng vào những năm 1980, đầu tư không đồng bộ và thi công bằng thủ công, nên hiện nay có khoảng 60 hồ chứa nước quy mô nhỏ bị xuống cấp. Đầu năm nay Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản đã ký thoả thuận viện trợ không hoàn lại cho tỉnh Quảng Ngãi, để đầu tư xây dựng Dự án khôi phục các hồ chứa nước quy mô nhỏ, bao gồm: Sửa chữa, nâng cấp 7 hồ chứa nước, với tổng mức đầu tư 818,7 triệu Yên Nhật. Trong đó vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản 698 triệu Yên Nhật (tương đương 8,4 triệu đô la Mỹ); vốn ngân sách tỉnh 120,7 triệu Yên Nhật. Thời  gian thực hiện dự án năm 2011- 2012; mục đích nhằm đảm bảo an toàn hồ chứa, giảm thiểu nguy cơ vỡ đập, cung cấp nước tưới ổn định cho gần 859 ha đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Bình Sơn, Đức Phổ, Mộ Đức.

Về phía 14 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh, hiện tại UBND các địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch, giải pháp cụ thể đối với công tác chống hạn vụ hè thu 2011, bao gồm giải pháp "công trình" (như nạo vét kênh mương, đập bổi) và giải pháp "phi công trình” (gồm chỉ đạo tăng cường khoanh vùng diện tích có khả năng bị hạn, xác định nguồn nước để chống hạn; điều tiết phân phối nước...). Riêng đối với vùng không có nguồn nước đảm bảo chống hạn thì khuyến cáo nông dân chuyển đổi trồng lúa sang trồng các loại cây "né" hạn.

Vụ hè thu năm nay kế hoạch gieo sạ của toàn tỉnh là 31.000 ha lúa. Trong đó chỉ có 19.000 ha được Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thuỷ lợi tỉnh đảm bảo nước tưới từ nguồn công trình thuỷ lợi Thạch Nham. Diện tích còn lại nguồn nước tưới là từ các hồ chứa nước, đập bổi và nước ngầm tại giếng đóng của nông dân. Ông Nguyễn Nhung - Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thuỷ lợi tỉnh cho biết: "Công ty đang khẩn trương khắc phục các tuyến kênh bị hư hỏng, đảm bảo nước phục vụ sản xuất; đồng thời lập kế hoạch chống hạn cụ thể cho từng vùng, điều tiết nước tưới hợp lý trên từng xứ đồng khi xảy ra hạn hán".

*Ông Trương Ngọc Nhi - Phó Chủ tịch UBND tỉnh: "Thực hiện giải pháp chống hạn ngay từ bây giờ"
Tháng 6, 7, 8 thường xuất hiện nắng nóng, khô hạn, nếu tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến thiếu nước sản xuất, sinh hoạt cho người và gia súc. Do đó yêu cầu các cấp, các ngành và nông dân trong tỉnh cần chủ động tập trung triển khai thực hiện các biện pháp chống hạn ngay từ bây giờ. Những vùng thường xảy ra hạn ở mức độ gay gắt, người dân phải chủ động dự trữ nước sinh hoạt. Riêng đối với nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, ở những nơi chưa được hưởng lợi từ hệ thống thuỷ lợi Thạch Nham phải xác định nguồn nước tưới phòng khi có hạn ngay từ đầu vụ. Việc điều tiết nước tưới từ Thạch Nham cũng phải tính toán khoa học, hợp lý, đảm bảo không để nơi thiếu - chỗ thừa. Trong suốt vụ sản xuất hè thu, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải chủ động phối hợp với địa phương nắm bắt kịp thời diễn biến tình hình khô hạn, nhằm thực hiện hiệu quả các giải pháp chống hạn theo kế hoạch đã đề ra.

*Ông Võ Việt Chính - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh: "Nông dân bám đồng ruộng, chủ động cứu lúa, rau màu"
Sự chủ động của nông dân trong chống hạn cứu lúa, rau màu thể hiện ở hai việc: Thứ nhất là chủ động gia cố kênh mương đảm bảo yêu cầu dẫn nước về đồng ruộng; sử dụng giải pháp tưới khoa học tiết kiệm nước trong quá trình tưới cho cây; áp dụng biện pháp canh tác hạn chế sự bốc hơi nước như dùng màng phủ nilông cho cây trồng... Thứ hai là chủ động chuyển đổi cây lúa sang trồng loại cây rau, màu ít tiêu hao nước tưới. Đối với vụ hè thu, nông dân cần phải tăng cường thăm đồng, khi xảy ra hạn hán thì phản ánh kịp thời đến chính quyền cơ sở, để có biện pháp đối phó.

*Ông Nhâm Xuân Sỹ - Phó Giám đốc Phụ trách Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn tỉnh: "Hạn hán năm nay không gay gắt như năm 2010"
Có nhiều cơ sở để khẳng định năm 2011 trên địa bàn tỉnh sẽ không xảy ra khô hạn gắt gao, khốc liệt như năm 2010. Thường thì tháng 5 là thời điểm bắt đầu xảy ra nắng nóng, khô hạn, nhưng tháng 5 năm nay đã đi qua nhưng lại không xuất hiện tình trạng này. Tháng 6, không khí mát vẫn duy trì ở mức độ bình thường, sẽ kiềm chế sự khốc liệt của nắng nóng, trong khi đó tại một số nơi đã có mưa vừa, mưa to bổ sung nước cho các hồ đập, đồng ruộng. Do đó tháng 6 này khả năng hạn là rất hiếm. Tuy nhiên, bà con nông dân cũng cần chủ động thực hiện các biện pháp chống hạn, bởi trong tháng 7 cũng có thể xảy ra hạn cục bộ ở một số nơi.

*Ông Trần Thiên Thanh - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Tư Nghĩa: "Cứu hạn cũng cần được xem như cứu hỏa"
Xác định như vậy để chuẩn bị tốt mọi mặt cho công tác chống hạn, từ phương tiện, con người đến kinh phí. Trong đó đặc biệt là kinh phí, nếu không kịp thời, đầy đủ thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả công tác chống hạn. Vụ đông xuân vừa qua năng suất, sản lượng lúa toàn tỉnh sụt giảm hơn so với cùng kỳ năm ngoái, nên nông dân đặt nhiều kỳ vọng sẽ gỡ lại trong vụ sản xuất hè thu. Do đó UBND tỉnh cần có biện pháp hỗ trợ kinh phí kịp thời giúp nông dân cùng chống hạn khi hạn hán xảy ra (vì hiện nay nguồn thuỷ lợi phí đã không còn, mà phụ thuộc hoàn toàn vào kinh phí cấp bù của Nhà nước).

*Ông Hồ Văn Giao - thôn Thế Bình, xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa): "Nông dân không thể chống hạn bằng cách tự "bơi" một mình !"
Hiện nay giá cả tăng cao, đặc biệt là giá điện, giá xăng, giá nhân công, kéo theo chi phí tưới cho 1 ha đất sản xuất nông nghiệp cũng tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm 2010. Nếu vụ hè thu này xảy ra hạn "nặng" như năm ngoái thì nông dân không thể có lợi nhuận từ sản xuất nông nghiệp, vì mức đầu tư tăng cao. Đề nghị chính quyền và ngành chức năng nên tính toán hỗ trợ kinh phí để nông dân chống hạn. Thủ tục giải ngân nguồn tiền này cũng cần quy định đơn giản, không nên quá rườm rà, khó khăn như năm ngoái, dẫn đến có hỗ trợ mà nông dân lại chẳng được hưởng. 


THANH NHỊ

.