(QNg)- Những năm gần đây, phong trào Đoàn của tỉnh ta không ngừng được đẩy mạnh. Song thực tế hoạt động của tổ chức Đoàn ở cơ sở vẫn còn bộc lộ nhiều bất cập. Làm thế nào để tháo gỡ những khó khăn, bất cập nhằm nâng cao hiệu quả công tác Đoàn ở cơ sở trong tình hiện nay đang là vấn đề được các cấp bộ Đoàn quan tâm.
Theo thống kê của Tỉnh đoàn, toàn tỉnh hiện có 184 Đoàn xã, phường, thị trấn, 510 Đoàn cơ sở và trên 3.200 Chi đoàn, trong đó khối nông thôn, địa bàn dân cư có 1.391 chi đoàn. Hầu hết các cơ sở đoàn ở địa bàn dân cư được kiện toàn củng cố, các địa phương thôn xóm đều có tổ chức Đoàn- Hội. Sinh hoạt của Ban chấp hành đoàn cơ sở, chi đoàn cơ bản được duy trì thường xuyên. Các cấp bộ Đoàn được chú trọng đầu tư nâng cao chất lượng cơ sở đoàn. Tỷ lệ tổ chức cơ sở đoàn yếu kém dần được thu hẹp.
![]() |
Thanh niên tham gia gặt lúa giúp nông dân. |
Thế nhưng có một thực tế hiện nay là, tỷ lệ tập hợp ĐVTN ở nông thôn đạt thấp; số thanh niên đi làm ăn xa có nơi chiếm đến trên 70% tổng thanh niên trong độ tuổi Đoàn. Chất lượng hoạt động của Đoàn cấp cơ sở nhiều nơi chưa đáp ứng được yêu cầu. Chúng tôi về xã Đức Lợi, một xã ven biển huyện Mộ Đức. Anh Phạm Ngọc Tiến- Bí thư Đoàn xã cho biết: Khó lắm em ơi! Hiện toàn xã có trên 1.700 đoàn viên thanh niên, nhưng số lượng đoàn viên, thanh niên đi làm ăn xa chiếm đến hơn 70%.
Tuy là đơn vị Đoàn vững mạnh, thế nhưng xã Ba Cung (Ba Tơ) cũng không ngoại lệ. Hầu như việc duy trì sinh hoạt chi đoàn hằng tháng không thể thực hiện. Nói là một tháng sinh hoạt đoàn một lần, nhưng hầu hết các chi Đoàn sinh hoạt không đều, có nhiều chi đoàn 3 - 4 tháng mới sinh hoạt một lần. Mỗi khi có việc cần bàn bí thư chi đoàn phải đi từ mấy hôm trước để thông báo tập hợp đoàn viên nhưng số lượng đoàn viên tham gia cũng chẳng được bao nhiêu. Thực trạng trên đang phổ biến ở nhiều chi đoàn thôn, xóm, địa bàn khu dân cư trong tỉnh.
Đâu là nguyên nhân?
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, anh Trần Quang Tòa- Phó Bí thư Tỉnh đoàn cho biết: Nhìn từ thực tiễn có thể thấy, hoạt động phong trào Đoàn ngày nay không chỉ đòi hỏi một trình độ nhận thức nhất định, mà nó còn đặt ra cho những người làm công tác Đoàn nhiều yếu tố khác - Đó là sự nhanh nhạy, nắm bắt cập nhật thông tin kịp thời về những điều mà thanh niên hiện nay cần là gì? Để qua đó có thể tổ chức nhiều hoạt động, với các hình thức phong phú, nhằm thu hút đoàn kết tập hợp thanh niên tham gia vào tổ chức.
![]() |
ĐVTN ở huyện Trà Bồng tham gia dọn vệ sinh môi trường. |
Mặc dù trong thời gian qua các cấp bộ Đoàn đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, cũng như đào tạo ngắn hạn, dài hạn dành cho lực lượng cán bộ Đoàn cơ sở, nhưng công tác quy hoạch, chuẩn bị lực lượng kế cận chưa được các cấp ủy Đảng quan tâm đúng mức, dẫn đến "hỏng" cán bộ Đoàn có khả năng thay thế khi cán bộ Đoàn luân chuyển. Chính sách trong đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Đoàn và chính sách quan tâm tạo đầu ra cho cán bộ Đoàn, chế độ tiền lương, phụ cấp cho cán bộ Đoàn chưa được quan tâm đúng mức. Chính những nguyên này đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác Đoàn tại địa phương.
Trước thực tế đó, hiện nay Tỉnh đoàn đã ban hành Đề án " Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2010- 2020", nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của Đoàn và phát huy vai trò chủ động, sáng tạo, đảm nhận và hoàn thành nhiệm vụ trong giai đoạn mới...
Có một thực tế cần phải nhìn nhận là, nếu muốn tập hợp ĐVTN ở nông thôn thì phải cho họ thấy lợi ích trước mắt. Nhu cầu của ĐVTN là việc làm, vốn phát triển kinh tế gia đình, các tụ điểm vui chơi, sinh hoạt giải trí... nhưng chỉ đáp ứng một phần nhỏ. Tính đến 31/10/2010, thông qua các kênh vay vốn khác nhau, toàn tỉnh mới giải ngân được khoảng 100 tỷ đồng cho hơn 8.600 ĐVTN vay (tổng số hơn 73.000 đoàn viên trong toàn tỉnh).
Bạn Nguyễn Văn Thắng (ở xã Phổ Châu, Đức Phổ) cho rằng: Thực sự hoạt động Đoàn hiện nay phần nhiều mang tính hình thức, đôi lúc còn xa rời những tâm tư, nguyện vọng thực sự của giới trẻ. Nội dung, hình thức sinh hoạt và hoạt động còn đơn điệu, ít sáng tạo chưa theo kịp với nhu cầu nguyện vọng của ĐVTN và sự chuyển dịch nhanh của nền kinh tế, khiến nhiều bạn trẻ không có hứng thú với sinh hoạt Đoàn. Bên cạnh đó cũng phải nhìn nhận khách quan rằng, nhiều bạn trẻ còn khá thờ ơ với phong trào Đoàn tại địa phương.
Có thể nói, muốn nâng cao chất lượng hoạt động của Đoàn cơ sở thì phải phụ thuộc rất nhiều vào đội ngũ cán bộ Đoàn ở cơ sở. Một đội ngũ cán bộ Đoàn năng động, tâm huyết cùng với những chương trình, dự án thiết thực, đem đến lợi ích cho ĐVTN sẽ phát huy hiệu quả hoạt động của Đoàn. Chính vì vậy cần phải sớm khắc phục những khó khăn, tồn tại để góp phần phát huy tích cực vai trò của Đoàn trong thời kỳ mới.
*Chị Trần Thị Thanh Thúy - Phó Bí thư Huyện đoàn Ba Tơ: *Anh Phạm Xuân Cường- Phó Bí thư Huyện đoàn Đức Phổ: |