Người trồng mía sốc vì bị trừ nợ

02:02, 20/02/2011
.

(QNg)- Hiện nay, nông dân ở nhiều địa phương trong tỉnh bắt đầu thu hoạch mía bán cho Nhà máy Đường Phổ Phong. Tuy nhiên những ngày qua, nhiều hộ nông dân như ngồi trên đống lửa khi Nhà máy Đường Phổ Phong thực hiện việc thu nợ trực tiếp từ tiền bán mía. Điều này khiến người trồng mía băn khoăn.

BÁN MÍA LÀ BỊ TRỪ NỢ!

Chị Phạm Thị Thiện ở thôn Nhơn Phước, xã Phổ Nhơn (Đức Phổ) buồn bã nói với phóng viên: "Vừa rồi gia đình tui thu hoạch 5 sào mía, được 20 tấn, bán cho Nhà máy Đường Phổ Phong thì bị nhà máy trừ nợ hơn 7 triệu đồng. Nghe nói đó là tiền nhà máy cho mượn để mua hom giống mía và làm đất, theo Quyết định của UBND tỉnh.
 
Nông dân thu hoạch mía vụ này.
Nông dân thu hoạch mía vụ này.

Tôi có biết gì đâu! Hồi mới trồng mía theo phương pháp dồn điền, đổi thửa vào năm 2008, tụi tôi nghe tỉnh hỗ trợ tiền hom giống mía và làm đất, sao bây giờ lại đòi nợ? Trước khi bán mía,  chúng tôi cũng nghe mấy anh ở Nhà máy Đường Phổ Phong thông báo sẽ thu nợ, nhưng không bán chẳng lẽ để mía khô. Số tiền người trồng mía bị trừ nợ đâu phải ít, vất vả làm mía quanh năm thu nhập có đáng là bao...".
 
Hiện nay xã Phổ Nhơn có trên 50 hộ nông dân phải trả nợ cho Nhà máy như chị Thiện. Và số lượng người bị thu nợ tăng lên từng... ngày. Người ít thì bị trừ vài ba triệu đồng, người nhiều lên đến vài chục triệu đồng. Theo nông dân các huyện nếu có nợ thì trả, đó là đương nhiên. Nhưng ngặt nỗi họ được thông báo là ngân sách tỉnh sẽ hỗ trợ số tiền ấy, nên đến khi bị thu nợ nông dân bị... "sốc". Nhiều người buồn quá chẳng muốn đăng ký bán mía cho nhà máy nữa!

Đây chẳng phải là lần đầu tiên Nhà máy Đường Phổ Phong thực hiện việc khấu trừ trực tiếp tiền của nông dân xã Phổ Nhơn khi bán mía. Còn nhớ đầu năm 2010, nhà máy cũng tiến hành việc này, nhưng khi đó nhờ có sự can thiệp của UBND tỉnh, UBND huyện Đức Phổ, nên nhà máy đã dừng việc thu hồi nợ. Bà Võ Thị Ngọc- Chủ tịch UBND xã Phổ Nhơn, cho biết: Sau khi xảy ra vụ việc Nhà máy Đường Phổ Phong thu hồi nợ của nông dân, lãnh đạo UBND xã đã giải thích cho người nông dân hiểu là, mặc dù người dân gặp rất nhiều khó khăn, nhưng việc làm của nhà máy không sai. Có sự việc trên là do UBND tỉnh chưa phân bổ ngân sách để hỗ trợ người trồng mía tham gia Chương trình dồn điền, đổi thửa và chuyển đổi cây trồng theo Quyết định (QĐ) 38/2007/QĐ- UBND ngày 31/12/2007 của UBND tỉnh Quảng Ngãi.

VÌ ĐÂU NÊN NỖI?

Số tiền mà nhà máy đường Phổ Phong và Quảng Phú (cũ) đã cho người dân mượn được tính như sau: Từ năm 2007- 2010, số tiền làm đất 2 triệu đồng/ha; tiền hom giống mía năm 2007, năm 2008 có giá là 600.000 đồng/tấn mía giống, năm 2009 là 650.000 đồng/tấn mía giống và năm 2010 mía giống có giá 1 triệu đồng/tấn. Như vậy số tiền mà Nhà máy đường Phổ Phong thu hồi tùy theo diện tích mà người dân canh tác.
Vì sao Nhà máy Đường Phổ Phong lại thu hồi nợ của người trồng mía, vậy nợ ấy phát sinh như thế nào? Sự việc có thể tóm tắt như sau: Thực hiện QĐ 38/2007/QĐ- UBND, của UBND tỉnh, về việc ban hành quy định cơ chế hỗ trợ đầu tư phát triển vùng nguyên liệu mía trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2007- 2010, từ năm 2008- 2010, 2 Nhà máy Đường Phổ Phong và Quảng Phú (cũ) đã thực hiện dồn điền, đổi thửa và chuyển đổi cây trồng cho hơn 1.700 ha diện tích đất, với khoảng 6.000 hộ dân tham gia sản xuất, có tổng kinh phí hỗ trợ trên 13 tỷ đồng. Theo QĐ 38 thì số tiền hơn 13 tỷ đồng này là tiền ngân sách tỉnh hỗ trợ cho nông dân. Các Nhà máy Đường Phổ Phong và Quảng Phú chỉ cho nông dân "tạm ứng" trước, đến khi có ngân sách tỉnh phân bổ về cho nông dân, thì nhà máy sẽ tiến hành thu hồi nợ.

Tuy nhiên sau hơn 3 năm ban hành QĐ 38, UBND tỉnh vẫn chưa hỗ trợ tiền cho người trồng mía. Trước tình hình đó ngày 3/1/2011, Nhà máy Đường Phổ Phong có công văn số 02/CV/ĐPP- ĐTNL đề nghị các xã là chủ đầu tư, mà cụ thể là nông dân đã thực hiện Chương trình dồn điền, đổi thửa và chuyển đổi cây trồng theo QĐ 38, phải hoàn trả phần nợ mà nhà máy đã cho nông dân mượn từ năm 2008- 2010.

Theo đó vụ thu hoạch mía 2010 này, Nhà máy Đường Phổ Phong đã bắt đầu "đòi" nợ nông dân. Vì vậy trong những ngày qua, hàng trăm hộ dân đành "ngậm ngùi" trả nợ cho nhà máy. Ông Trần Văn Lợi - Giám đốc Nhà máy Đường Phổ Phong, cho biết: Việc thu hồi nợ của nông dân là cần thiết, để nhà máy có điều kiện tiếp tục hỗ trợ nông dân đầu tư cho vụ mía 2011. Người dân phải hiểu rằng, số tiền mình được hỗ trợ theo các Quyết định 38 là được trích từ ngân sách tỉnh. Còn số tiền mà nhà máy hỗ trợ cho nông dân chỉ là cho nông dân mượn. Được biết trong những năm qua, Nhà máy Đường Phổ Phong đã hỗ trợ cho người trồng mía trong tỉnh số tiền trên 54 tỷ đồng. Riêng niên vụ mía 2011, nhà máy có kế hoạch hỗ trợ cho người dân số tiền khoảng 38 tỷ đồng, để người dân mua hom giống mía, làm đất và phân bón.

Rõ ràng người trồng mía gặp khó khăn là do UBND tỉnh chậm thực hiện QĐ 38. Do đó người nông dân trong tỉnh rất mong UBND tỉnh và cơ quan chức năng nhanh chóng triển khai hỗ trợ tiền theo các quyết định trên, để họ yên tâm sản xuất các vụ mía tiếp theo.

Ông Trần Em- Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ:
Thời gian qua Nhà máy Đường Phổ Phong thu nợ người dân bằng cách khấu trừ trực tiếp tiền khi bán mía, đã gây bất bình trong nhân dân. Việc làm đó đã được lãnh đạo các xã là chủ đầu tư Chương trình dồn điền, đổi thửa và chuyển đổi cây trồng theo QĐ 38 của UBND tỉnh báo cáo cụ thể cho UBND huyện. Tuy nhiên, vì ngân sách tỉnh chưa chuyển về nên UBND huyện cũng chỉ biết trấn an người dân. Đồng thời, UBND huyện đã tích cực kiến nghị đến các cấp, ngành liên quan về việc thực hiện QĐ 38. Riêng tại xã Phổ Nhơn, UBND huyện đã có Quyết định số 1090/QĐ- UBND ngày 20/7/2010 về việc phê duyệt quyết toán chi phí làm đất và mua hom giống mía theo QĐ 38, tổng kinh phí được duyệt do ngân sách tỉnh hỗ trợ là trên 1 tỷ đồng. Mặc dù vậy, đến thời điểm này người dân xã Phổ Nhơn vẫn chưa được hưởng sự hỗ trợ này. Tôi mong rằng UBND tỉnh cần nhanh chóng thực hiện QĐ 38 để người trồng mía an tâm sản xuất.

Ông Nguyễn Tấn Công- Trưởng phòng NN&PTNT huyện Sơn Tịnh:

Thực hiện Nghị quyết Đảng bộ huyện Sơn Tịnh lần thứ 16, nhiệm kỳ 2005- 2010 về phát triển cây nguyên liệu trên địa bàn, huyện đã xác định vùng chuyên canh cây mía bao gồm 9 xã ở khu tây Sơn Tịnh. Dự kiến đến năm 2010, toàn huyện sẽ có khoảng 100ha diện tích đất trồng mía, nhưng đến nay chỉ triển khai được tại 3 xã (Tịnh Trà, Tịnh Hà, Tịnh Giang), với diện tích trên 40ha. Nguyên nhân dẫn đến việc không hoàn thành chỉ tiêu phát triển diện tích là do người nông dân thiếu vốn chuyển đổi cây trồng. QĐ 38 của UBND tỉnh khi mới ban hành đã hứa hẹn đem đến sức bật mới cho người trồng mía, nhưng đến nay người dân vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ.

Trong khi đó thời gian gần đây, cây mì "nổi lên" như một cây trồng mang lại thu nhập cao cho nông dân. Cần phải biết rằng từ khi có QĐ 38, UBND huyện cũng đã hỗ trợ người trồng mía từ ngân sách huyện là 500.000 đồng/ha theo chương trình dồn điền đổi thửa và chuyển đổi cây trồng. Ngoài ra, Công ty CP Đường Quảng Ngãi đã cho nông dân mượn tiền làm đất và mua hom giống mía. Nhưng những ngày qua Công ty CP Đường Quảng Ngãi bắt đầu thu nợ, khiến người trồng mía hoang mang. Điều này dễ dẫn đến hiện tượng cây mía không còn sức hút đối với người nông dân nữa, và chỉ tiêu phát triển vùng nguyên liệu mía lên 100ha của huyện khó mà đạt được.

Ông Nguyễn Hữu Lệ- Phó Chủ tịch UBND xã Hành Thuận (Nghĩa Hành)
Quyết định 38 của UBND tỉnh ra đời đã hơn 3 năm, thế nhưng đến nay QĐ này vẫn chưa được thực hiện, khiến người trồng mía gặp rất nhiều khó khăn. Với giá bán mía như hiện nay, Nhà máy đường khấu trừ trực tiếp tiền đầu tư ban đầu vào sản lượng mía nguời dân thu hoạch, khiến người trồng mía không có lãi. Nhiều người dân đã "quay lưng" lại với cây mía. Từ đó nông dân chuyển diện tích trồng mía sang trồng các loại cây hoa màu khác có hiệu quả kinh tế cao hơn. Nếu như trước kia diện tích trồng mía ở xã Hành Thuận luôn giữ ổn định 150 ha, thì đến năm 2010 giảm xuống chỉ còn 50 ha. Rất mong UBND tỉnh sớm hỗ trợ người dân theo QĐ 38, để người trồng mía yên tâm phát triển sản xuất; cũng như giúp ổn định và nâng cao chất lượng vùng nguyên liệu mía.

Ông Trương Quang Lợi- thôn Phúc Minh, xã Hành Thuận (Nghĩa Hành):
Vụ mía 2010 gia đình tôi canh tác trên diện tích 0,5 ha được hỗ trợ theo QĐ 38. Tuy nhiên vừa qua khi đăng ký bán mía cho Nhà máy Đường Phổ Phong, tôi được thông báo sẽ bị trừ gần 5 triệu đồng - đó là tiền nợ của 2 vụ mía vừa qua. Thú thật tôi rất buồn, nhưng cũng đành chấp nhận bị trừ nợ thôi. Chỉ có điều tôi muốn hỏi tại sao cho đến nay, đã hơn 3 năm từ ngày UBND tỉnh "hứa" hỗ trợ cho người trồng mía, theo QĐ 38, mà người dân chúng tôi vẫn chưa nhận được khoản hỗ trợ này? Nếu UBND tỉnh thật sự muốn hỗ trợ cho nhân dân, thì phải làm việc với Công ty Đường Quảng Ngãi cho rõ ràng. Còn không thì cũng nên thông báo cho chúng tôi biết.

N.Triều - N.Đức

.