Liên kết trong phát triển du lịch: Tiếng nói từ doanh nghiệp

10:02, 01/02/2011
.

(QNg)- Từ tháng 2/2011, tỉnh ta bắt đầu triển khai nhiều hoạt động hưởng ứng Năm Du lịch Quốc gia Duyên hải Nam Trung Bộ. Đây là cơ hội để Quảng Ngãi quảng bá tiềm năng - thế mạnh về du lịch biển đảo. Năm du lịch Quốc gia 2011 được tổ chức tại Phú Yên cũng được xem là điển hình của sự liên kết trong phát triển du lịch. Tuy nhiên với những khó khăn về cơ sở hạ tầng, sản phẩm du lịch như hiện nay thì Quảng Ngãi làm thế nào để liên kết?

Mạnh ai nấy làm

Với bãi biển trải dài từ Đà Nẵng đến Bình Thuận, vùng biển Nam Trung bộ được đánh giá đẹp nhất Việt Nam. Mặc dù vậy nguồn tài nguyên này vẫn chưa được khai thác tương xứng để phát triển du lịch. Bên cạnh đó do thiếu sự liên kết vùng, liên kết khu vực, nên dẫn đến sự phát triển du lịch chưa đồng đều giữa các tỉnh vùng duyên hải Nam Trung bộ. Với lợi thế khai thác từ sớm, hạ tầng thuận tiện, các điểm du lịch tại Đà Nẵng, Hội An - Mỹ Sơn (Quảng Nam), Nha Trang (Khánh Hòa), Bình Thuận đã thành thương hiệu du lịch, hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước.
 
Trong năm 2011 Quảng Ngãi sẽ liên kết với các tỉnh Bình Định, Kom Tum để khai thác khách du lịch qua cửa khẩu Bờ Y. Trong ảnh: Mộ nhà thơ Hàn Mặc Tử ở Bình Định
Trong năm 2011 Quảng Ngãi sẽ liên kết với các tỉnh Bình Định, Kom Tum để khai thác khách du lịch qua cửa khẩu Bờ Y. Trong ảnh: Mộ nhà thơ Hàn Mặc Tử ở Bình Định

Trong khi đó dù có tiềm năng lớn nhưng khai thác du lịch tại Phú Yên, Bình Định, Ninh Thuận và nhất là Quảng Ngãi vẫn còn hạn chế. Có nhiều nguyên nhân của thực trạng trên nhưng có thể thấy hạ tầng du lịch chưa phát triển cũng đang là một rào cản lớn. Lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi cho rằng nguyên nhân chính làm cho du lịch Quảng Ngãi "dậmchân tại chỗ" là do trong thời gian dài tỉnh ta tập trung mọi nguồn lực cho các chương trình mục tiêu, xóa đói giảm nghèo, xây dựng hạ tầng cơ sở cho vùng sâu, vùng xa…và chưa đầu tư thỏa đáng đối với cơ sở hạ tầng du lịch.

Trên thực tế du lịch Quảng Ngãi ít được quan tâm, đầu tư và nếu có, thì cũng manh mún, mạnh ai nấy làm, chưa có hướng đột phá theo quy hoạch để tạo nên các sản phẩm du lịch chất lượng cao. Vì vậy du khách thường ít ở lại qua đêm và không chi tiêu gì hoặc chi tiêu rất ít theo kiểu vãng lai. Nói cách khác Quảng Ngãi là điểm "quá cảnh" để đi du lịch đến chỗ khác. Theo thống kê của một số khách sạn lớn trên địa bàn thành phố Quảng Ngãi thì lượng khách đến chủ yếu là khách công vụ (hội họp kết hợp với du lịch) chiếm trên 80%, khách vãng lai chiếm trên 10%, khách du lịch chiếm chưa đến 10%.

Tỉnh ta có gần 30 dự án đăng ký đầu tư lĩnh vực du lịch, nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có dự án nào hoàn chỉnh công trình, mà thực chất đều là "vừa hoạt động, vừa thi công" như Khu du lịch L Sa Huỳnh (Đức Phổ), KDL Mỹ Khê (Sơn Tịnh), KDL Thiên Đàng (Bình Sơn). Bên cạnh đó chất lượng dịch vụ yếu, lối kinh doanh theo kiểu "ăn xổi ở thì", các điểm du lịch ở Quảng Ngãi chưa có sản phẩm du lịch đặc trưng nên chưa thu hút khách tham quan, du lịch.

Lực hút từ liên kết
Năm Du lịch quốc gia Duyên hải Nam Trung bộ 2011 là sự kiện lớn đối với du lịch Việt Nam trong bối cảnh ngành có sự cạnh tranh khá gay gắt. Tuy nhiên đây không những là cơ hội để các tỉnh kết nối với nhau, cùng nhau làm du lịch, mà còn là dịp quảng bá mạnh mẽ du lịch biển đảo của tỉnh, của vùng nhằm xây dựng thương hiệu du lịch biển - đảo gắn với môi trường sạch đẹp; thu hút các nhà đầu tư đến với những vùng biển nhiều tiềm năng tạo ra những dịch vụ, sản phẩm du lịch mới thu hút khách.
 
Năm du lịch đầu tiên được tổ chức tại các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ với 30 hoạt động được tổ chức tại 8 tỉnh, thành phố. Riêng tại Quảng Ngãi sẽ tổ chức các hoạt động lớn gồm Hội thi người đẹp du lịch Quảng Ngãi, Ngày hội văn hóa biển - đảo, Hội thảo Khoa học quốc gia về "khai thác tiềm năm biển đảo vì sự phát phát triển bền vững của Quảng Ngãi và miền Trung" và nhiều hoạt động thể thao, văn hóa như đua thuyền, bóng đá bãi biển, triển lãm ảnh...
 
Đua thuyền là một trong những hoạt động hưởng ứng năm du lịch Quảng Ngãi 2011.
Đua thuyền là một trong những hoạt động hưởng ứng năm du lịch Quảng Ngãi 2011.

Ông Tạ Quy - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch cho biết: Tận dụng cơ hội này ngành du lịch sẽ tiến hành nhiều chương trình, nhất là chương trình ký liên kết các tỉnh để tạo ra những sản phẩm du lịch phong phú và đa dạng hơn. Cùng với liên kết với các tỉnh Nam Trung Bộ, trước mắt chúng tôi sẽ tham mưu cho UBND tỉnh ký kết với một số tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên (Kon Tum, Bình Định) nhằm thu hút khách từ hạ Lào (qua cửa khẩu Bờ Y) với sản phẩm du lịch khá độc đáo là dịch vụ nghỉ dưỡng núi; thưởng thức văn hóa cồng chiêng ở Kon Tum; xem võ Tây Sơn ở Bình Định và cuối cùng là du lịch biển ở Quảng Ngãi. Việc hình thành tam giác này là tiền đề để chúng tôi tiếp tục liên kết với các tỉnh Quảng Bình, Huế, Quảng Nam theo con đường di sản miền Trung… Tôi tin rằng năm du lịch quốc gia duyên hải Nam Trung bộ  sẽ là cú huých cho du lịch của tỉnh tăng trưởng vào các năm tiếp theo.

Liên kết để tạo lực hút là hướng đi không mới nhưng mang lại hiệu quả thiết thực nhất. Điều này làm cho các doanh nghiệp, địa phương chủ động, tích cực và làm mới, mình thông qua các sản phẩm du lịch. Tuy nhiên để du lịch thật sự là ngành kinh tế mũi nhọn, có đóng góp đáng kể cho nền kinh tế của tỉnh nhà thì ngành du lịch Quảng Ngãi cần đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá phát triển du lịch.
 
Tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ và đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Kết hợp chặt chẽ giữa du lịch biển với du lịch núi và du lịch di tích, danh thắng. Xây dựng, tôn tạo các điểm du lịch tham quan trong đất liền và trên các đảo trong khu vực. Nhất là quan tâm đầu tư xây dựng và tu bổ, khai thác các danh lam thắng cảnh mang nét độc đáo của từng địa phương.

Năm Du lịch Quốc gia là sự kiện mở màn cho định hướng chiến lược lấy du lịch biển làm trọng tâm phát triển du lịch trong 10 năm tới. Cùng với chiến lược phát triển của mỗi địa phương trong những năm gần đây, diện mạo miền ven biển Nam Trung Bộ đã, đang được đầu tư mạnh mẽ, nổi bật là những Khu Kinh tế Dung Quất, Chu Lai, Nhơn Hội…Bên cạnh những công trình xây dựng công nghiệp, đầu tư hạ tầng thì du lịch đang lĩnh trọng trách mũi nhọn hấp dẫn đầu tư và góp phần thay đổi nhanh chóng những vùng cát trắng, biển xanh  hiện tại trong tương lai.
                                
*Ông Nguyễn Hữu Thạnh - Giám đốc Cty CP Đầu tư xây dựng và Du lịch IDICO: Liên kết cũng đang là hướng đi của các công ty lữ hành của Quảng Ngãi. Với sự phát triển của KKT Dung Quất và sự hình thành một bộ phận dân cư có thu nhập cao, Quảng Ngãi được đánh giá là thị trường đầy tiềm năng. Trong điều kiện, các doanh nghiệp du lịch lữ hành quốc tế của địa phương cũng như các tỉnh khu vực miền Trung, Tây Nguyên chưa đủ mạnh, kinh nghiệm hoạt động, trình độ tổ chức cũng như chất lượng dịch vụ còn nhiều hạn chế thì việc liên doanh, liên kết với nhau để nâng cao chất lượng tour cũng được các doanh nghiệp lữ hành tập trung khai thác.
 
Đối với các khách sạn, các cơ sở lưu trú, chiến lược tiếp cận với các công ty du lịch, trung tâm lữ hành trong cả nước để tăng cường thu hút khách cũng được ưu tiên hàng đầu. Khách sạn Mỹ Trà đã tiến hành liên kết với các trung tâm lữ hành ở tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước. Chúng tôi liên kết để đưa khách du lịch MICE (du lịch công vụ),  những khách về thăm và làm việc tại Quảng Ngãi. Khách đến tham quan tìm hiểu về Nhà máy lọc dầu.

*Ông Nguyễn Xuân Hùng - Giám đốc Cty TNHH MTV TMDVDK miền Trung: Sở dĩ du lịch Quảng Ngãi chưa phát triển tương xứng với lợi thế, vì các địa phương thả nổi thị trường. Tình trạng phát triển manh mún theo kiểu "đèn nhà ai nấy rạng" hiện rõ trong từng địa phương, doanh nghiệp, khiến chưa tạo được sức mạnh tổng thể để cùng nhau đầu tư, khai thác thế mạnh tiềm năng. Để liên kết được trước mắt Quảng Ngãi cần phải cải thiện môi trường làm việc. Tôi cho rằng chính môi trường du lịch không phát triển, hấp dẫn, nên đã không thu hút được lực lượng lao động có chất lượng cao. Vì ngoài mức lương sống được, lao động có chuyên môn trong ngành, họ muốn còn phải được cọ xát với nghề để phát triển.

*Ông Nguyễn Thái Hưng - Phó Giám đốc Cty CP Du lịch Quảng Ngãi: Muốn thu hút khách đến với khu vực, các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ trước hết cần cùng nhau tiến hành quảng bá, xúc tiến điểm đến cả khu vực. Đây mới là hình thức liên kết hợp tác có tính thực tế và mang hiệu quả giữa các tỉnh trong khu vực duyên hải Nam Trung bộ. Riêng đơn vị chúng tôi thì năm 2011 cùng với việc duy trì các tour trong nước và quốc tế, Công ty đã tiến hành khảo sát một số tour mới để đón tiếp khách quốc tế cũng như các đoàn trong cả nước về Quảng Ngãi, đặc biệt sẽ đưa chương trình tham quan "Lý Sơn đảo ngọc" vào khai thác hưởng ứng chủ đề Năm Du lịch Quốc gia 2011

*Ông Vũ Xuân Thịnh - Chủ tịch HĐQT Cty CP 19/8 Mỹ Khê: Trừ Nha Trang (Khánh Hòa) có điểm du lịch Vinperland có điểm vui chơi giải trí, còn các tỉnh khác, dịch vụ vui chơi giải trí còn thiếu, yếu nên mới chỉ khai thác ở mức độ khách đến tham quan. Các dịch vụ gia tăng trong du lịch hầu như không có, nên khách chi tiêu thấp, lưu trú ngắn. Nếu chỉ phát triển du lịch nghỉ dưỡng thuần túy, thì sẽ rất khó liên kết sản phẩm du lịch giữa các tỉnh bởi na ná nhau. Do vậy cần thúc đẩy việc liên kết tạo ra sản phẩm mang tính liên vùng để hỗ trợ nhau phát triển. Còn với từng sản phẩm du lịch cụ thể, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tại các điểm du lịch sẽ chủ động liên kết với các doanh nghiệp lữ hành trong và ngoài nước để tạo sản phẩm cụ thể để lôi kéo khách.

THANH THUẬN

.