Con số gây giật mình

01:01, 21/01/2011
.

(QNg)- Lướt qua vài con số liên quan đến kết quả học tập của học sinh ở một số trường THPT bán công, chúng tôi không khỏi giật mình. Và chắc hẳn không riêng gì chúng tôi, mà tất cả những ai tâm huyết với sự nghiệp giáo dục đều không khỏi xót xa trước thực tế học lực quá yếu kém của học trò.

Chị Nguyễn Thị T. (có con học lớp 11 Trường THPT bán công Lương Thế Vinh, huyện Đức Phổ) sau khi họp phụ huynh cho con về nhà buồn như muốn khóc. Chị ngồi rũ rượi dưới nền nhà, bảo: "Cực khổ mấy cũng ráng nuôi con ăn học. Nuôi nó học cái chữ, để sau này nó bớt khổ. Tốn hổng biết bao nhiêu tiền bạc, đi học thêm học bớt, vậy mà thầy giáo bảo học lực yếu. Trời đất ơi hổng biết sang năm có đậu nổi tốt nghiệp cấp III không nữa…".

Người phụ nữ này tảo tần sớm hôm ngoài đồng ruộng. Chồng chị thì vất vả mưu sinh nơi xứ người. Hai vợ chồng quyết làm thuê kiếm tiền để nuôi thằng con ăn học. Dẫu biết rằng học trường bán công tốn tiền gấp 5-6 lần học công lập, nhưng họ vẫn cố gắng, miễn là thằng con tiếp cận được con chữ. Ấy thế mà trong kỳ họp phụ huynh mới đây, thầy giáo thông báo: "Cả lớp 55 học sinh, kết quả học kỳ 1 năm học 2010-2011 chỉ có 6 học sinh đạt loại trung bình, còn lại là học sinh yếu kém…". Trong số 49 học sinh yếu kém ấy có thằng nhỏ con chị T. Kỳ vọng ở con cái thật nhiều, vất vả thật nhiều và tốn tiền cũng thật nhiều, thế nên thử hỏi ai mà không tá hỏa khi nghe "tin dữ" nói trên. Chẳng biết công tác dạy và học thế nào mà tụi nhỏ "đồng loạt" học yếu, kém?
Làm thế nào để lấp lỗ hổng kiến thức của hàng nghìn học sinh đang theo học ở trường THPT bán công? (Ảnh minh họa).
Làm thế nào để lấp lỗ hổng kiến thức của hàng nghìn học sinh đang theo học ở trường THPT bán công? (Ảnh minh họa).

Lâu nay xã hội nghiễm nhiên thừa nhận một điều rằng trên bình diện chung học lực của học sinh trường THPT bán công không thể sánh với trường công lập. Vì lẽ học sinh một khi vào học bán công tức như thể  "hạt gạo lọt sàn". Các em thi vào trường công lập bị trượt mới vào học bán công. Thế nhưng không vì thế mà dửng dưng với thực tế trường bán công có quá nhiều học sinh học lực yếu, kém, trong khi tiêu tốn rất nhiều tiền của. Chúng tôi làm một khảo sát kết quả học kỳ 1 năm học 2010-2011 ở 2 trong số 6 trường THPT bán công trên địa bàn tỉnh và thấy những con số có được khiến giật mình. Năm học 2010-2011, Trường THPT bán công Lương Thế Vinh (Đức Phổ) có 1990 học sinh.

Kết quả học kỳ 1, toàn trường có 01 HS giỏi (0,1%); 51 HS khá (2,6%); 483 HS trung bình (24,3%); 1.244 HS yếu (62,5%); 211HS kém (10,6%). Trong đó khối lớp 10 có tỷ lệ học sinh yếu, kém nhiều nhất. Toàn khối lớp 10 có 650 HS, trong đó có 441 HS yếu (67,8%); 108 HS kém (16,6%). Kết quả học kỳ 1 năm học 2010-2011 của học sinh Trường THPT Nguyễn Công Trứ (Mộ Đức): Toàn trường có 1.643 HS, trong đó có 1.144 HS yếu (69,6%); 33 HS kém (2%). Khối lớp 12 có hơn 56% học sinh học lực yếu, kém. Khối lớp 10 có 593 HS, trong đó 472 HS yếu (79,6%); 21 HS kém (3,5%). Khối lớp 11 có 354 HS yếu (73,6%); 10 HS kém (2,4%).  Học sinh không chỉ yếu kém ở môn học tự nhiên, mà ngay cả các môn xã hội cũng yếu kém. Đơn cử như ở khối lớp 11 với gần 500 học sinh, song tính ở mức học lực trung bình trở lên thì chỉ có 20,4 % đối với môn Địa lý; môn lịch sử (23,3%); Giáo dục công dân (27,2%); Hóa học (17,7%); tiếng Anh (11,3%)…

Làm sao không xót xa khi mà phần lớn học sinh trường THPT bán công đều là con em gia đình thuần nông, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Những bậc làm cha mẹ phải gồng gánh làm thuê để trả học phí cho con-mức học phí cao gấp hơn 5 lần so với học công lập (bán công 140.000 đồng/tháng/học sinh; công lập 25.000đồng/tháng/học sinh). Đó là chưa kể họ phải "gồng mình" gánh các khoản chi tiêu khác, để phục vụ cho việc học của con em mình. Vậy mà kết quả học tập thì đáng buồn vậy đó.

Thế nên chúng ta không thể đổ hết lỗi cho các trường THPT bán công, mà đây là lỗi từ nhiều phía. Đơn cử như ở Trường THPT bán công Nguyễn Công Trứ, điểm tuyển sinh bình quân đầu vào lớp 10 năm học 2010-2011 là 13,1 điểm. Đây là điểm cộng của 6 môn, bao gồm cả điểm học nghề, thì thử hỏi lên cấp 3 học sinh không "vất vả" mới là chuyện lạ. Có rất nhiều học sinh bị "mất gốc" kiến thức. Một thầy giáo dạy văn ở Trường THPT bán công Nguyễn Công Trứ nói vui với tôi mà thật: "Một số em học sinh viết sai lỗi chính tả đến nỗi cho họ Võ là dấu hỏi, nên viết là Vỏ. Ngay cả họ của mình cũng viết sai thì hết biết…". Và ngay cả một bài toán, giáo viên chỉ thay con số và yêu cầu học sinh giải giống hệt cách giải của thầy giáo, vậy mà nhiều em vẫn tính không ra…

Ban giám hiệu Trường THPT bán công Nguyễn Công Trứ yêu cầu học sinh: "Nhà trường đề nghị mỗi học sinh hãy tự nhìn ngắm lại kết quả học tập của mình để có sự đột phá cần thiết ở học kỳ II. Nên lưu ý rằng đây là năm học rất quan trọng, là năm bản lề để chuyển sang trường công lập. Bất kỳ một trường công lập nào cũng không thể chấp nhận kết quả học tập như trên. Đề nghị các tổ chuyên môn đánh giá cụ thể và tìm kiếm giải pháp khả thi, để xốc chất lượng giáo dục của nhà trường lên một bước mới". Hiện tại, các trường THPT bán công trên địa bàn tỉnh đang chuẩn bị các bước cần thiết để tiến hành chuyển đổi loại hình trường. (Hội đồng nhân dân tỉnh vừa mới ban hành nghị quyết về chuyển đổi loại hình trường THPT bán công sang công lập). Công tác chuyển đổi sẽ được tiến hành trong năm 2011. Đây là tin vui đối với các trường THPT bán công trên địa bàn tỉnh. Thế nhưng làm thế nào để nâng cao chất lượng giáo dục, lấp lỗ hổng kiến thức cho hàng nghìn học sinh hiện đang theo học ở các trường THPT bán công, là vấn đề đặt ra trước mắt hiện nay. 


*Ông Thái Văn Đồng-Giám đốc Sở GD&ĐT: "Theo quy định của Luật Giáo dục thì cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân được tổ chức theo các loại hình: Công lập, dân lập và tư thục. Như vậy không còn loại hình trường bán công trong hệ thống giáo dục quốc dân. Ở tỉnh ta công tác chuyển đổi loại hình trường từ bán công sang công lập sẽ được tiến hành từ năm học 2011-2012. Từ tháng 1-3/2011, các trường THPT xây dựng đề án chuyển đổi loại hình trường. Từ tháng 4-6/2011, Sở GD&ĐT nhận đề án của các trường và tiến hành rà soát, kiểm tra, hướng dẫn các trường hoàn thiện đề án, trình UBND tỉnh phê duyệt. Đến ngày 01/9/2011, tất cả các trường bắt đầu hoạt động theo cơ chế loại hình trường THPT công lập. Khi chuyển sang loại hình trường công lập, mức học phí sẽ thấp hơn so với bán công, vì vậy sẽ giảm áp lực tài chính đối với người dân, nhất là ở khu vực nông thôn. Đồng thời các trường sẽ được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất khang trang hơn. Tin chắc rằng, khi chuyển sang loại hình trường công lập, chất lượng giáo dục sẽ được nâng tầm.

*Ông Võ Văn On-Hiệu trưởng Trường THPT bán công Lương Thế Vinh (Đức Phổ):  Nhà trường cảm thấy buồn trước học lực yếu kém của số đông học sinh. Có thể nói chưa có học kỳ nào kết quả học sinh học lực yếu kém lại nhiều như học kỳ này. Sở dĩ có kết quả này bởi học sinh bị loại qua 2 vòng tuyển sinh trong đợt tuyển sinh vào các trường THPT công lập (kỳ tuyển sinh vào lớp 10 công lập năm 2010, tỉnh ta cho phép học sinh đăng ký 2 nguyện vọng-PV) mới vào học trường bán công. Vấn đề quan trọng ở đây là làm sao để khơi dậy tinh thần say mê học tập của học sinh, bằng không thì giáo viên cố gắng mấy đi chăng nữa cũng chẳng khác gì “thợ rèn lấy búa đập vào sắt nguội”. Chúng tôi luôn xác định: Là công lập hay bán công, đã là trường học, thì phải chú trọng công tác giảng dạy. Chúng tôi đang cố gắng áp dụng nhiều biện pháp để nâng cao chất lượng dạy và học.

*Ông Nguyễn Văn Bốn-Phó hiệu trưởng Trường THPT bán công Nguyễn Công Trứ (Mộ Đức): Nhà trường không che giấu kết quả yếu, kém của học sinh, vì muốn đánh động để các em phấn đấu vươn lên trong học tập. Đây là kết quả thực, năng lực thực của các em. Ban giám hiệu nhà trường phân tích cụ thể học lực của học sinh ở từng môn học, từng khối lớp, so sánh ở cả học kỳ này với học kỳ của năm học trước, để học sinh nhận thấy sự yếu kém của mình, từ đó phấn đấu vươn lên. Đối với từng tổ bộ môn thì sẽ căn cứ vào kết quả học tập của học sinh, để xây dựng kế hoạch dạy học cụ thể nhằm từng bước nâng dần chất lượng học tập của học sinh. Chúng tôi quyết liệt đánh giá đúng thực chất và cũng quyết liệt triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục. Đây cũng là bước chuẩn bị để bước vào lộ trình mới-lộ trình chuyển sang loại hình trường công lập.

*Phụ huynh Nguyễn Thị Hoa (ở xã Đức Lân, huyện Mộ Đức): Nghe đâu tỉnh đã cho phép chuyển trường bán công sang công lập, tôi nghe mà mát cả lòng. Chuyển sang công lập cho đỡ gánh nặng học phí, chứ học phí trường bán công cao quá, lại còn tiền ăn, tiền ở, tiền học thêm… nhà nông lo không xuể. Làm được hạt lúa nào bán hạt nấy mà cũng không đủ lo cho con học. May ra chuyển sang công lập thằng nhỏ nhà tui còn có cơ hội theo học đến cuối cấp. Và cũng may đâu chuyển sang công lập, chất lượng học tập có được nâng cao lên không, chứ hiện tại đứa nào đứa nấy học yếu, kém hết trơn trọi. Suốt ngày cho đi học, học biết bao nhiêu năm trời, vậy mà bị mất gốc, bây giờ phải lo mà "bơi"...

PHƯƠNG LÝ

.