Bạo hành gia đình: Không còn là… "chuyện vặt"

08:01, 04/01/2011
.

(QNg)- Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh ta liên tiếp xảy ra nhiều vụ bạo hành gia đình, có nhiều vụ gây tổn thương nghiêm trọng đến thể chất và tinh thần, thậm chí cả tính mạng của nạn nhân, gây bức xúc lớn trong dư luận xã hội; điều đó một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động cho vấn nạn này… 
 
Khi chồng nói chuyện… bằng chân tay
Chị Trần Thị Thủy, ở Trà Bình (Trà Bồng) đến nay vẫn chưa hết bàng hoàng sau trận đánh "thừa sống thiếu chết" của chồng và hậu quả là chị phải nhập viện trong tình trạng hôn mê, gãy tay, tổn thương nặng vùng mặt và vô số những vết thương khắp người. Chị Thủy đau đớn kể: "Trước đây chồng tôi rất tốt, có trách nhiệm với gia đình và chí thú làm ăn. Nhưng kể từ khi tôi sinh con gái thì anh ấy đổi tính đổi nết, không lo làm ăn mà suốt ngày chỉ rượu chè cờ bạc.
 
Cán bộ Hội phụ nữ xã Trà Bình (Trà Bồng) đang trao đổi, giải đáp những thắc mắc về cách thức tổ chức và sắp xếp cuộc sống gia đình với chị Võ Thị Duyên, thôn Bình Trung.
Cán bộ Hội phụ nữ xã Trà Bình (Trà Bồng) đang trao đổi, giải đáp những thắc mắc về cách thức tổ chức và sắp xếp cuộc sống gia đình với chị Võ Thị Duyên, thôn Bình Trung.

Lúc đầu chỉ lời qua tiếng lại, cãi vã trong nhà, sau dần là đập phá đồ đạc. Mình khuyên nhủ thì ổng cho rằng mình không biết "đẻ", mà còn "dạy đời", thế là viện cớ những lúc mình làm gì phật ý hay không có tiền để ổng "đốt" vào sòng đỏ đen, thì ổng chửi bới, đánh đập mình". Vừa nói chị Thủy vừa cho tôi xem những vết thương chằng chịt trên người, vết cũ chưa lành thì đã xuất hiện những vết bầm mới.

 "Tại sao chị không nhờ chính quyền giúp đỡ"? - tôi hỏi. Chị bảo rằng, cũng vì con, nếu "gõ" cửa chính quyền thì chị sợ điều tiếng, lại còn liên lụy đến gia đình hai bên. Nhưng quan trọng là chị mong rằng, sự chịu đựng của mình, sẽ khiến chồng suy nghĩ mà hướng thiện, chí thú làm ăn để nuôi con. Nhưng điều mong ước ấy ngày càng xa vời, khi tần suất những trận đòn ngày càng dày hơn, nặng hơn, và kết quả là chị phải nhập viện điều trị tại Bệnh viện đa khoa huyện Trà Bồng, sau phải chuyển đến BVĐK Quảng Ngãi vì quá nặng.

Một trường hợp khác là chị Trần Thị Đậu, ở thôn Xuân Đình, xã Hành Thịnh (Nghĩa Hành). Dù đã có 3 mặt con, nhưng chồng chị không chịu khó làm ăn mà chỉ thích ngồi không hưởng thụ. Được vợ cung phụng, anh càng được nước, ngày càng thể hiện tính vũ phu và gia trưởng của mình. Cứ thấy vợ làm gì "chướng tai gai mắt" là anh lại đánh đập vợ tàn nhẫn. Nhiều hôm đêm khuya, hàng xóm thức giấc bởi tiếng la ó, chửi bới, kết quả là 4 mẹ con chị Đậu phải chạy trốn khỏi nhà và tá túc ngoài hiên Nhà văn hóa thôn trong cái lạnh buốt. "Nhiều lúc thấy thương mẹ con chị Đậu nhưng không ai dám đến can ngăn và cho chị ở nhờ. Vì ổng dọa sẽ giết chết những ai dám "chứa chấp" vợ con ổng" - một hàng xóm của chị  Đậu cho biết.

Nhưng có lẽ gây "chấn động" nhất về hậu quả của nạn bạo hành là vụ án xảy ra vào ngày 3/4/2010 tại xã Hành Tín Tây (Nghĩa Hành), mà thủ phạm chính là người bố trẻ Phạm Thanh Phương (21 tuổi). Chỉ vì bất đồng với vợ và gia đình vợ, mà anh nhẫn tâm ném chết đứa con gái vừa tròn một tháng tuổi của mình. Mặc dù Phương đã bị pháp luật trừng trị, nhưng vụ án đã để lại nỗi đau quá lớn cho bản thân, gia đình của cả nạn nhân và thủ phạm, cũng như sự phẫn nộ, bức xúc trong dư luận xã hội.

Chống bạo hành gia đình - bắt đầu từ nam giới
Có vô vàn các nguyên nhân để các ông chồng có thể hành hạ vợ như: rượu và mượn rượu, vất vả trong cuộc sống mưu sinh, căng thẳng trong mối quan hệ vợ chồng, hay do ghen tuông, cờ bạc, thiếu hiểu biết về pháp luật… Trong đó có rất nhiều ông chồng vũ phu vẫn còn "tôn sùng" quan niệm "trọng nam khinh nữ". Rằng, đàn ông là trụ cột trong gia đình, nên phải thể hiện cái uy của mình bằng cách "dạy" vợ là lẽ thường tình. Điều đó đã vô tình đẩy nạn bạo hành gia đình ngày càng gia tăng theo chiều hướng xấu hơn.

Tuy nhiên vấn đề hiện nay là, các nạn nhân bị bạo hành thường là phụ nữ (gần 97%), nên với tâm lý vì con, sợ "vạch áo cho người xem lưng" và cũng chưa ý thức được tác hại của nạn bạo hành, nên hầu hết chị em thường cam chịu, không nhờ đến sự trợ giúp của các ngành chức năng; còn người gây ra bạo hành thì cho rằng đó là chuyện riêng của gia đình, không vi phạm pháp luật, nên cứ "vô tư" vi phạm.
 
Chống bạo hành gia đình  cũng góp phần hình thành nhân cách tốt đẹp cho trẻ em.
Chống bạo hành gia đình cũng góp phần hình thành nhân cách tốt đẹp cho trẻ em.

Một vấn đề nữa là, nạn bạo hành gia đình ít nhiều vẫn còn bị nhiều người xem là… “chuyện vặt”, chuyện riêng của mỗi gia đình, và với tâm lý "đèn nhà ai nấy rạng" nên hiếm khi các vụ việc được phát hiện sớm, mà phải đến khi xảy ra nghiêm trọng thì hàng xóm, chính quyền địa phương mới can thiệp, nhưng cũng chỉ dừng lại ở mức hòa giải.

Bạo hành gia đình không chỉ gây tổn thương về thể chất và tinh thần, mà còn vi phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự, thậm chí cả tính mạng của con người. Bên cạnh đó tính vũ phu, thô bạo của người cha trong gia đình sẽ dễ dàng "lây" bệnh cho con, là tấm "gương mờ" cho nhận thức và hành động của các con sau này. Do đó để ngăn chặn và hạn chế nạn bạo hành gia đình, thì trước hết phải "đánh" vào ý thức của nam giới.

Bởi lẽ lâu nay chúng ta chỉ thường ưu tiên tổ chức những buổi sinh hoạt, nói chuyện chuyên đề hay những CLB với chị em, mà quên rằng cánh đàn ông cũng muốn có cơ hội đối thoại, để được chia sẻ và học hỏi. Đó cũng là cơ hội để nam giới được tiếp cận và nâng cao kiến thức hiểu biết chung về bạo hành gia đình, cũng như những quy định của luật pháp trong Luật Phòng chống bạo lực gia đình hiện nay.

*Đinh Văn Châu - Chủ tịch UBND xã Sơn Tinh (Sơn Tây): "Trước đây, có nhiều cặp vợ chồng suốt ngày cãi vã, gây gổ với nhau chỉ vì… rượu. Bởi lẽ khi đàn ông uống rượu vào là người mệt mỏi, không thể làm việc được, lại bị vợ trách móc nên "sĩ", cho là vợ… láo, phải dạy vợ, thế là chiến trận lại xảy ra. Tuy nhiên, hầu hết đàn ông cho rằng: Việc chửi bới, đánh đập vợ con là "quyền" của họ, không vi phạm pháp luật vì chính bản thân họ cũng không biết đó là hành vi của bạo hành gia đình. Những năm gần đây nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền (lồng ghép với các chương trình truyền thông dân số) nên ý thức của người dân cũng đã được nâng cao, nạn bạo hành ở địa phương đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, chị em ở các địa phương miền núi chưa được trang bị những kiến thức cơ bản, để tự bảo vệ mình, và cũng chưa có những "địa chỉ đỏ" để kịp thời trợ giúp cho nạn nhân bị bạo hành".

*Võ Thị Thanh Hà - Trưởng phòng Xây dựng nếp sống Văn hóa và Gia đình - Sở VHTT&DL: "Nếu như trước kia xã hội đã "đau đầu" với nạn bạo hành thuận (đàn ông là thủ phạm) thì giờ đây, nạn bạo hành ngược (phụ nữ là thủ phạm) đang ở mức báo động, với những tổn thương về thể chất và tinh thần, thậm chí còn nặng nề hơn nạn nhân là nữ giới. Để hạn chế và ngăn chặn tình trạng này, phải cần có cuộc "tổng tấn công" nữ giới thông qua các buổi nói chuyện chuyên đề về bình đẳng giới, các mô hình hoạt động CLB… nhằm nâng cao kiến thức và kỹ năng chăm sóc, tổ chức sắp xếp cuộc sống gia đình của phụ nữ… Một điều nữa là hiện nay Luật Phòng chống bạo lực gia đình đã có hiệu lực, nhưng hầu hết mọi người vẫn còn cho rằng bạo hành gia đình là chuyện vặt, chuyện riêng của mỗi gia đình, chẳng ảnh hưởng gì đến cuộc sống của mọi người xung quanh nên không được xã hội quan tâm. Do đó, cần thiết phải có những chiến dịch tuyên truyền dài hơi, làm sao để mỗi người dân biết rằng, bạo hành gia đình là hành vi vi phạm pháp luật, bị xã hội lên án và sẽ nghiêm trị thích đáng".

*Đinh Thị Lan - Tuyên truyền viên dân số xã Long Mai (Minh Long): "Hầu hết những trường hợp bạo hành gia đình đều rơi vào những gia đình đông con, điều kiện kinh tế khó khăn. Với áp lực của cuộc mưu sinh, cộng với những lời trách móc không đúng lúc của người vợ, đã vô tình tiếp "thêm dầu vào lửa" của người chồng. Thiết nghĩ, để phòng chống nạn bạo hành thì trước hết, mỗi người vợ cần phải biết cách vun vén gia đình, chăm sóc chồng con; đặc biệt là không nên lúc nào cũng trách móc, chỉ trích chồng, vì hầu hết đàn ông đều mắc bệnh "sĩ". Khi đã xảy ra bạo hành, cần phải chủ động phòng tránh bằng cách nhờ sự trợ giúp của các cấp chính quyền, để có biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ, không nên vì sĩ diện gia đình, vì con cái mà âm thầm chịu đựng, tạo cơ hội "nuôi" bệnh bạo hành của chồng ngày càng nặng và nguy hiểm hơn".

*Nguyễn Thị Minh Tuyết - Chủ tịch Hội LHPN xã Hành Thịnh (Nghĩa Hành): "Xã hội thường lên án mạnh mẽ việc bạo hành về tình dục hay thể chất với vợ, bằng những trận đòn nhừ tử do những đức ông chồng gây ra. Tuy nhiên cần phải nhìn nhận rằng, chỉ trừ những vụ việc bạo hành là do bản chất vũ phu, thô bạo của người chồng, thì còn lại cần phải xem xét vì sao các ông lại thay tính đổi nết như vậy? Phải chăng một phần là do người vợ, nếu người vợ biết vun vén, thu xếp gia đình, biết thông cảm và sẻ chia cùng chồng thì các ông khó mà có cơ hội nói chuyện bằng… chân tay. Thực tế cho thấy, đàn ông thường phải chịu nhiều áp lực vì trách nhiệm với gia đình, khó kiềm chế được hành động của mình. Vì vậy nếu người vợ không khéo léo trong cư xử, thì "chiến sự" rất dễ xảy ra, để lại những tổn thương không đáng có cho bản thân và gia đình".

MỸ HOA

.