Quản lý xây dựng: Thực trạng và giải pháp

01:11, 07/11/2010
.

(QNg)- 5 năm trở lại đây, tốc độ đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng ở các địa phương trong tỉnh diễn ra khá nhanh. Nhiều con đường, tuyến phố mới được mở mang, xây dựng, tạo điều kiện cho người dân ổn định nơi ở, phát triển kinh doanh và dịch vụ. Tuy nhiên, tình hình quản lý trật tự xây dựng cũng ngày càng trở nên khó khăn, phức tạp. Tình trạng xây dựng trái phép, không phép, cơi nới, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, hành lang giao thông... diễn ra khá phổ biến ở nhiều nơi.

Những khó khăn,  bất cập
Việc phát triển không gian đô thị luôn gắn với các yếu tố về kiến trúc, cảnh quan, môi trường và đòi hỏi sự đồng bộ. Thế nhưng thực tế ở Quảng Ngãi, việc phát triển đô thị bảo đảm các yếu tố trên là điều không dễ, chỉ nhìn vào việc xây dựng nhà ở cũng đủ thấy sự bất cập trong công tác quy hoạch và quản lý xây dựng. Hầu hết các địa phương, nhà ở chủ yếu là do nhân dân tự xây dựng, mang tính tự phát theo kiểu "mạnh ai nấy làm", nên chất lượng không đồng đều, kiến trúc không đồng nhất.
 
Ngay ở các tuyến phố, hầu hết nhà ở được xây dựng không cùng một cốt nền, có nhiều ngôi nhà "thụt, thò" trên cùng tuyến đường. Qua kiểm tra công tác xây dựng các địa phương, đội trật tự đô thị và ngành xây dựng đã phát hiện, xử lý hàng trăm vụ sai phạm trong xây dựng.
 
Nhiều ngôi nhà ở khu vực nông thôn được xây dựng khá hiện đại nhưng không có giấy phép xây dựng.
Nhiều ngôi nhà ở khu vực nông thôn được xây dựng khá hiện đại nhưng không có giấy phép xây dựng.

Lý giải cho tình trạng trên một số cơ quan chức năng cho rằng, nguyên nhân là do công tác quản lý xây dựng không được các địa phương chú trọng đúng mức; các chế tài mang tính pháp lý về quản lý xây dựng chưa đầy đủ, đã gây khó khăn cho công tác quản lý của các cơ quan chức năng trong quản lý xây dựng. Nhiều địa phương thấy lĩnh vực này phức tạp, nên làm ngơ cho người dân tự xây dựng nhà ở, miễn là xây dựng trên diện tích đất không có tranh chấp, khiếu kiện...

Kiểm tra xây sai phép: Quá tầm xã, thị trấn
Không chỉ TP. Quảng Ngãi, mà ở các huyện trong tỉnh cũng có hàng ngàn hộ dân xây dựng nhà ở đa phần là không phép. Đi sâu tìm hiểu chúng tôi còn được biết, tình trạng xây dựng trái phép, không theo quy hoạch có nhiều nguyên nhân, nhưng cơ bản là do công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về xây dựng chưa được các địa phương triển khai đến người dân,  thiếu thường xuyên.
 
Ý thức của một bộ phận dân cư về tôn trọng pháp luật trong lĩnh vực xây dựng còn nhiều hạn chế. Một số địa phương buông lỏng công tác quản lý quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng, nên khi người dân vi phạm không xử lý kịp thời, thiếu kiên quyết dẫn đến người dân "nhờn luật".

Một thực tế đang diễn ra ở tỉnh ta là, chưa có lãnh đạo xã nào dám ký quyết định cấp phép xây dựng nhà ở cho người dân. Nguyên nhân là do các xã chưa có kỹ sư xây dựng; cán bộ phụ trách xây dựng trình độ mới cấp III, nên không đọc được bản vẽ xây dựng. Lãnh đạo một số xã thì cho rằng: Dự luật Xây dựng và Luật Đất đai đều giao cho UBND cấp xã từ lập quy hoạch xây dựng, sử dụng đất, quản lý xây dựng trên địa bàn là quy định bất khả thi, bởi trình độ cán bộ cấp xã còn hạn chế.
 
Cán bộ địa chính, xây dựng xã không đủ sức lập quy hoạch xây dựng điểm dân cư, kế hoạch sử dụng đất, chứ chưa nói đến việc đọc bản vẽ xây dựng và giám sát xây dựng. Số giấy phép xây dựng được cấp chủ yếu từ tinh thần tự giác của số ít người dân và thông qua kiểm tra, đôn đốc của cán bộ chuyên trách cấp huyện.

Đâu là giải pháp?
Một lý do khác dẫn đến việc giấy phép xây dựng được cấp ít là do, phần lớn các hộ đơn lẻ khi tiến hành xây, sửa chữa, nâng cấp nhà ở đều né tránh việc xin cấp phép. Trong khi đó để rà soát, đôn đốc những trường hợp này khá khó khăn, bởi cán bộ có chuyên môn vừa thiếu, lại vừa yếu, cấp huyện hiện chỉ có một vài cán bộ (huyện Sơn Tịnh khá rộng, tốc độ phát triển đô thị nhanh, nhưng cả huyện chỉ có 2 người; huyện Bình Sơn có Khu Kinh tế Dung Quất có tốc độ đô thị hóa nhanh, nhưng cũng chỉ bố trí 1 người...).
 
Thiếu người, nên các địa phương không thể tham gia đầy đủ vào quá trình quản lý, nhất là công tác hậu kiểm sau cấp phép xây dựng. Mặt khác nhiều cán bộ được điều động từ các ngành khác, chuyên môn không đúng theo chức năng, nên việc kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trật tự xây dựng gặp nhiều khó khăn. Đã vậy nhiều địa phương, cán bộ địa chính xã, thị trấn kiêm nhiệm công tác quản lý xây dựng, công việc nhiều, nên việc quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng còn bất cập.
 
 Sau khi phát hiện người dân Phổ Phong (Đức Phổ) vi phạm trật tự xây dựng, huyện Đức Phổ ra quân tháo dỡ nhà.
Sau khi phát hiện người dân Phổ Phong (Đức Phổ) vi phạm trật tự xây dựng, huyện Đức Phổ ra quân tháo dỡ nhà.

Vi phạm trật tự xây dựng luôn là điểm nóng đối với các địa phương trong quá trình đô thị hóa. Do đó để hoạt động xây dựng đi vào nền nếp cần có nhiều giải pháp đồng bộ, mà trước hết là cần quan tâm đúng mức việc xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, đặc biệt là ở cấp xã, phường, thị trấn; đồng thời phải xử lý "mạnh tay" bằng cách buộc các đối tượng xây dựng không phép, trái với quy hoạch tháo dỡ, phục hồi nguyên trạng như ban đầu... Việc quản lý xây dựng nhà ở nếu được thực hiện tốt sẽ tạo điều kiện thuận lợi để quá trình phát triển đô thị ở Quảng Ngãi đi đúng "quỹ đạo", hạn chế được những bất cập trong lộ trình quy hoạch, xây dựng và phát triển nhà ở, chấm dứt tình trạng xây dựng tự phát.

 
* Ông Phạm Xuân Vinh - Trưởng Phòng Hạ tầng - kinh tế huyện Sơn Tịnh: Từ trước đến giờ trách nhiệm chính trong cấp phép xây dựng và quản lý xây dựng vẫn là cấp huyện, dù huyện đã sớm phân cấp cho xã thực hiện lĩnh vực này. Việc các xã triển khai thực hiện cấp phép xây dựng và quản lý xây dựng chậm là do bộ máy cán bộ ở xã quá thiếu và quá yếu. Trong khi đó huyện quản lý không hết (việc do địa bàn huyện rộng, số lượng cán bộ thì có hạn). Do đó theo tôi để quản lý chặt chẽ việc xây dựng, các cấp, các ngành ở tỉnh cần sớm mở các lớp đào tạo nghiệp vụ về quản lý đô thị, quản lý trật tự xây dựng cho cán bộ huyện và xã. Các xã cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc xây dựng, nhằm đảm bảo cho quá trình thực hiện đầu tư xây dựng nhà ở đúng theo quy hoạch xây dựng, thiết kế kiến trúc được duyệt.

* Ông Trương Thanh Thảo - Chủ tịch UBND xã Tịnh Khê: Luật xây dựng ra đời đã lâu, nhưng ở xã chưa thực hiện được việc cấp phép xây dựng, nên việc quản lý xây dựng vẫn còn nhiều khó khăn. Nguyên nhân là trình độ và đội ngũ cán bộ thực hiện việc này ở xã còn thiếu và yếu. Xã có 2 cán bộ, nhưng 1 người là kỹ sư nông học, 1 người học trung cấp địa chính, nên việc thực hiện quản lý xây dựng của người dân mới dừng ở khía cạnh là xem họ có vi phạm mốc lộ giới hay không, đất đai có hợp pháp không, còn việc người dân làm nhà như thế nào thì tùy họ, xã không quản lý được. Hơn nữa, họ làm nhà cũng không báo cáo, hay xin phép gì mình.

* Ông Bùi Lâm Sơn - Trưởng phòng quản lý đô thị TP. Quảng Ngãi: Tình trạng xây dựng không phép trên địa bàn thành phố vẫn còn diễn ra là do, người dân ngại đến cơ quan chứng giấy tờ; 1 số hộ sợ tốn tiền (vì phải thuê tư vấn thiết kế, phí xây dựng...) nên không xin phép xây dựng. Một số hộ khác thì lợi dụng sự sơ hở trong công tác quản lý của Nhà nước, tự phát xây dựng nhà cửa, không tuân theo bất cứ một quy hoạch nào, thậm chí có những nơi người dân còn tranh thủ cả ngày nghỉ cuối tuần, ban đêm, không ai kiểm tra, kiểm soát tập kết vật liệu, xây dựng nhà cấp 4 chỉ trong vòng vài ngày. Khi chính quyền địa phương và ngành chức năng phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính, thì sự việc cũng đã rồi!

* Ông Nguyễn Duy Lâm - Trưởng phòng Hạ tầng - kinh tế huyện Bình Sơn: Trước nay việc xem xét công trình xây dựng đúng phép hay sai phép đối với cấp xã thì chưa kham nổi. Trình độ cán bộ quản lý xây dựng của các xã hiện chỉ là trung cấp địa chính, chứ không phải trung cấp xây dựng hay đại học. Do đó đối với những công trình xây dựng, xã chỉ xác định được vị trí, giới cận, đất hợp pháp hay không thôi. Những công trình cấp bốn, nhà không kiên cố, thì anh em có thể xem bản vẽ được, còn những công trình cấp ba trở lên thì anh em đọc bản vẽ không được. Ngay cả huyện cũng mới chỉ bố trí được một người thực hiện tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra xây dựng (chủ yếu là ở thị trấn), còn ở cấp xã thì hầu như chưa thực hiện được, nên người dân ưng làm sao thì làm.

                
  B.S

.