Đạo đức, lối sống của học sinh: "Căn bệnh" thời đại

10:11, 12/11/2010
.

(QNg)- Nhiều người chép miệng bảo rằng học sinh thời nay khác xưa nhiều quá. Tất nhiên là phải khác ngày xưa rồi, nhất là  phương pháp tiếp cận kiến thức, môi trường học tập và điều kiện sống…  Song, khác biệt lớn nhất khiến cho những người tâm huyết với sự nghiệp giáo dục không khỏi trăn trở đó là, đạo đức-lối sống của một bộ phận không nhỏ học sinh đang xuống cấp.

* Nỗi đau của bậc làm thầy

Gần đây, ở Quảng Ngãi xảy ra nhiều vụ giáo viên bị đánh trọng thương, khiến dư luận xã hội không khỏi xót xa. Điều đáng bận tâm hơn cả là giáo viên bị đánh bởi chính học trò mà một thời mình giảng dạy. Đây là nỗi đau lớn nhất đối với bậc làm thầy. Thầy giáo Võ Như Nhâm (Tổng phụ trách đội, Trường THCS Đức Lân, Mộ Đức) buồn rầu, bảo: "Vết thương thể xác một, nhưng vết thương tinh thần mười. Bảo là sẽ bồi thường tiền bạc, nhưng để làm chi đâu, làm sao xóa được vết thương lòng?". Thầy Nhâm gần như suy sụp về mặt tinh thần khi bị học trò cũ đánh trọng thương. Câu chuyện bắt nguồn từ xích mích nhỏ giữa học sinh với nhau. Chúng đánh nhau trong lớp học chỉ vì lý do rất đơn giản: "Sao mày lại cười tao?". Cậu học trò cũ của thầy ngày nào có đứa cháu bị đánh bởi cái tội cười bạn ấy, biết được chuyện và xông thẳng vào trường, để bênh vực cho đứa cháu. Thầy Nhâm đứng ra dàn xếp, thì bị học trò cũ vốn dĩ có máu "trương phi" lao vào xé rách áo và đấm đá túi bụi, phải đi cấp cứu tại bệnh viện.
 Học sinh Trường tiểu học Trần Phú (TP.Quảng Ngãi) trong giờ học.       (Ảnh minh họa)
Học sinh Trường tiểu học Trần Phú (TP.Quảng Ngãi) trong giờ học. (Ảnh minh họa)

Thầy Võ Như Nhâm sức khỏe đã hoàn toàn bình phục và tiếp tục sự nghiệp trồng người. Song, vết thương trong tim thầy thì vẫn cứ âm ỉ. Thầy giáo Nhâm cười gượng: "Thầy làm cái nghề gõ đầu trẻ đã hơn 25 năm. Vui, buồn đều có cả, nhưng đây có lẽ là nỗi đau lớn nhất trong cuộc đời làm nghề giáo của thầy. Ngẫm về đạo đức, lối sống của học trò, thầy buồn nhiều lắm, có sự lệch lạc trong một bộ phận không nhỏ học sinh".

Các thầy giáo Nguyễn Đức (Trường THCS Đức Thạnh), Nguyễn Văn Đạo (Trường THPT Trần Quang Diệu, huyện Mộ Đức)… cũng trải qua nỗi đau như nỗi đau của thầy Nhâm. Đối với các thầy, vết thương thể xác chẳng là gì so với vết thương tinh thần. Họ đau nhói lòng bởi lẽ mình làm công tác giáo dục, nhưng lại phải chứng kiến cảnh học sinh làm trái với luân thường đạo lý, trái với chuẩn mực của xã hội. Mà có lẽ đây không chỉ là nỗi đau của riêng các thầy giáo nói trên, mà là của tất cả các bậc làm thầy. Làm sao không đau, không buồn lòng khi mà học trò của mình lầm đường lạc lối trong suy nghĩ, cũng như hành động. Trao đổi với chúng tôi về nỗi đau của những người thầy khi bị học trò cũ xúc phạm, một thầy giáo tâm huyết với nghề thở dài: "Những trường hợp giáo viên bị học sinh xúc phạm, hành hung mà báo chí đã đăng chỉ là một phần nổi của tảng băng chìm. Thực tế xảy ra không ít trường nhưng nhà trường, phụ huynh và thậm chí cả chính quyền địa phương không muốn làm lớn chuyện, nên đã giải quyết kín. Nhiều trường hợp giải quyết mang tính qua loa. Cũng chính vì không giải quyết triệt để, nên thiếu tính răn đe…".  

* "Học sinh thời bây giờ…"

Nhiều người thường dùng cụm từ "học sinh thời bây giờ" để tỏ ý chê bai. Nhưng đâu phải tất cả học sinh thời bây giờ là không tốt. Trong môi trường sống và học tập với đầy đủ điều kiện cũng như phương tiện, cộng với ý chí vươn lên, nhiều học sinh đã làm rạng danh gia đình, nhà trường và cho cả dân tộc. Có không ít học sinh dẫu cuộc sống đầy gian khó, nhưng luôn luôn đạt thành tích cao trong học tập. Và trong sâu thẳm tâm hồn của các thế hệ học sinh, người thầy vẫn là người được kính trọng như đấng sinh thành. Câu nói "Nhất tự vi sư, bán tự vi sư" luôn được số đông học sinh khắc ghi trong tâm khảm.

Thầy giáo Nguyễn Đức (Trường THCS Đức Thạnh) bộc bạch: "Đã xác định cho mình con đường dạy học thì đồng nghĩa với việc xem học trò như chính những đứa con của mình". Vâng, bởi lẽ xem học trò như chính đứa con mình sinh ra nên những thầy giáo, cô giáo thật sự tâm huyết với sự nghiệp “trồng người” đã rất đau lòng khi nhìn thấy một bộ phận không nhỏ học sinh thời bây giờ lệch lạc trong nhận thức cũng như hành động. Các em nói năng bất nhã và hành xử như trong phim hành động. Nhiều em trốn học để chơi game. Không có tiền chơi game, dẫn đến không ít học sinh lâm vào con đường trộm cắp. Thật xót xa khi phải chứng kiến cảnh những cậu học trò gương mặt còn non choẹt lại bập phà điếu thuốc tỏ vẻ ta đây "sành đời". Và rồi nhiều người không lạ gì cái cảnh học sinh chở ba, chở năm trên xe mô-tô, la ó khắp đường phố. Chao ôi, chẳng thể chấp nhận những đứa trẻ lẽ ra phải ngoan hiền, chăm chỉ học tập nhưng thực tế lại không vâng lời người lớn tuổi, không nghe theo lời dạy bảo của bố mẹ, thầy cô, ăn chơi lêu lổng.

Gần đây dư luận xã hội "lên tiếng" khi nhìn thấy cảnh tượng học sinh đánh nhau theo kiểu "xã hội đen", nhất là học sinh nữ. Chẳng cần biết bạn bè cùng trường, cùng lớp, chẳng cần biết đó là nam hay nữ, chúng đánh đá túi bụi, đánh cho "hả" máu "anh hùng". Chúng đánh nhau theo kiểu nhiều người đánh một người hoặc cả băng nhóm đánh nhau. Ở TP.Quảng Ngãi cũng đã xuất hiện tình trạng nữ sinh đánh nhau giữa thanh thiên bạch nhật. Chúng hẹn giờ giấc, địa điểm rồi gặp nhau để đánh…
 
Học sinh Trường THPT Trần Quang Diệu (Mộ Đức) chơi thể thao sau giờ học.
Học sinh Trường THPT Trần Quang Diệu (Mộ Đức) chơi thể thao sau giờ học.

Thật không thể chấp nhận khi các nữ sinh thướt tha trong bộ áo dài màu trắng-màu sắc được cho là tinh khôi nhất, lại "ra đòn" như trong phim kiếm hiệp. Qủa thật một bộ phận không nhỏ học sinh hiện nay lệch lạc về đạo đức, lối sống. Đây là một trong những lỗ hổng đáng lo ngại trong ngành giáo dục hiện nay. Phải chăng đây chính là "căn bệnh" của thời đại?

 
*Ông Từ Tân Vũ (nguyên là giáo viên Trường học sinh miền Nam số 1 Đông Triều, Quảng Ninh):

"Tuy mỗi thời mỗi khác, nhưng truyền thống "Tôn sư trọng đạo" vẫn được các thế hệ học sinh-sinh viên gìn giữ. Đây là điều rất đáng mừng. Nhưng cũng thật đáng tiếc và đáng buồn vì một bộ phận học sinh ăn chơi, đua đòi, chạy theo những thị hiếu tầm thường. Nhiều học sinh hư hỏng ngay trên nhung lụa, bởi các bậc cha mẹ không gương mẫu hoặc lơ là trong việc giáo dục con cái. Tình trạng bạo lực học đường xảy ra ngày càng nhiều và đáng báo động. Không chỉ bạo lực giữa học sinh với nhau, mà học sinh lại bạo lực với cả thầy-cô giáo của mình. Đây là điều trái với đạo lý cần phải chấn chỉnh. Xã hội ngày càng phát triển, bên cạnh mặt tích cực thì mặt trái của nó là du nhập phong cách, lối sống không tốt, ảnh hưởng đến các cháu thanh-thiếu niên. Để chấn chỉnh thực trạng đáng buồn như đã nói là trách nhiệm không phải của riêng ngành giáo dục, mà là trách nhiệm của cả 3 môi trường: Gia đình, nhà trường và xã hội.

 
*Thầy giáo Nguyễn Mậu Ẩm (Hiệu trưởng Trường THPT Trần Quang Diệu, Mộ Đức): "

Phải thừa nhận rằng do ảnh hưởng của xã hội nên một bộ phận học sinh có kỹ năng sống chưa tốt, nhiều em ham chơi, lêu lổng, ứng xử với người lớn tuổi chưa đúng mực, thậm chí có em dẫu đã học cấp 3 nhưng chưa biết nói lời cảm ơn. Thiết nghĩ, đề ra biện pháp, chương trình giáo dục kỹ năng sống là cần thiết nhằm giáo dục đạo đức, lối sống cho các em. Nhà trường đang đẩy mạnh tổ chức các hoạt động ngoài giờ như văn nghệ, thể dục-thể thao… để giúp học sinh giải trí sau giờ học, tránh được các trò chơi mang tính cám dỗ của xã hội như game online, rượu chè, cờ bạc… Tôi mong sao trong nhà trường tiếng hát, tiếng hò reo của học sinh trong những trận túc cầu, tiếng cười đùa và cái sự chăm chú dạy và học của thầy- trò sẽ " át" đi tiếng cãi vã, tiếng đánh nhau…".

 
*Thầy giáo Phan Văn Dũng (Tổng phụ trách đội, Trường THCS Đức Thạnh, Mộ Đức):

Lứa tuổi học sinh là lứa tuổi bắt chước, lứa tuổi học theo cách ăn, cách nói, cách ứng xử ở đời. Trong khi đó đi kèm với sự phát triển của xã hội là đầy rẫy những cám dỗ. Đối với học sinh thì bị cám dỗ nhiều nhất bởi các trò chơi bạo lực trên mạng Internet. Học sinh ngày nay rất ít em chơi trò chơi dân gian, mà thay vào đó là cầm cây, gậy rượt đuổi, đánh nhau trong sân trường. Nói chuyện thì các em sử dụng những từ ngữ chẳng hay ho. Thầy-cô giáo mỗi ngày chỉ quản lý học sinh trong mấy giờ đồng hồ, còn lại là các em học tập trong môi trường gia đình và xã hội. Bởi thế nên trách nhiệm giáo dục học sinh chẳng thể giao phó hết cho nhà trường. Và điều mà nhiều nhà giáo trăn trở hiện nay là, giáo viên chỉ chú tâm làm thế nào để nâng cao chất lượng giảng dạy theo chương trình chuẩn kiến thức. Còn đối với biện pháp răn đe thì nhiều giáo viên e ngại hoặc cố tình né tránh, vì nếu la mắng hay đánh nhẹ học trò đi chăng nữa, phụ huynh học sinh hiểu thì không nói gì, còn không thì giáo viên gánh thêm phiền phức… Do đó ảnh hưởng phần nào đến công tác giáo dục toàn diện cho học sinh, trong đó có giáo dục đạo đức, lối sống.

Phương Lý

.