Cảm hóa giáo dục người vi phạm pháp luật: Cần chung sức của cả cộng đồng

02:10, 02/10/2010
.

(QNg)- Người "lầm đường lạc lối" luôn mặc cảm trước mọi người. Do vậy khi từ trại giam, các trường giáo dưỡng hay bị chính quyền quản lý trở về thì bản thân những con người ấy tái hòa nhập cộng đồng không phải một sớm một chiều. Vì vậy để giúp họ sớm trở lại cuộc sống đời thường,  cần sự chung tay góp sức của cả cộng đồng dân cư.

Từ những mô hình thiết thực
Khoảng năm 2007 trên địa bàn phường Nghĩa Chánh (TP Quảng Ngãi) nổi lên tình trạng trẻ em tụ tập lại với nhau, rồi bỏ nhà đi "bụi". Cuộc sống của các thiếu niên này chủ yếu ngoài đường, trong các tiệm Internet, trộm cắp, nhậu nhẹt, đánh nhau gây rối trật tự công cộng... Trong số ấy có Phạm Trường Vỹ (1990) ở tổ 1, phường Nghĩa Chánh. Vì quen sống kiểu "tập thể" nên chẳng mấy khi Vỹ về nhà. Mỗi lần cha mẹ khuyên răn, với Vỹ chỉ là "nước đổ lá khoai". Bà mẹ Vỹ đành nhìn con ngày càng lún sâu vào cuộc sống lầm lỗi...

Trước tình hình này phường Nghĩa Chánh đã đưa mô hình quản lý giáo dục trẻ em vào thực hiện. Từ đó lãnh đạo phường Nghĩa Chánh đã phân công  từng ban, ngành, hội đoàn thể có nhiệm vụ theo dõi, quản lý từng em một.

Trung tá Hoàng Văn Trực - Phó trưởng Công an phường Nghĩa Chánh cho biết: Toàn phường có 11 em chậm tiến. Cứ hằng tháng ngoài những lần thăm hỏi đột xuất, thì những cán bộ được phân công theo dõi các em chậm tiến đã phối hợp với cảnh sát khu vực đến tận nhà 2 lần, để động viên gia đình, gặp gỡ các em giáo dục, khuyên răn. Ban đầu các em tránh né, không muốn tiếp xúc, nhưng về sau thì chúng cũng thấm lời khuyên bảo.

Nhờ vậy trong số 11 em  thì có đến 9 em tiến bộ, tìm được việc làm giúp đỡ gia đình. Đặc biệt Phạm Trường Vỹ đã bỏ hẳn những đêm lang thang đầu đường, tụ tập đánh nhau, càn quấy, quay về sửa xe hon da. Đến nay em về phụ ba mình đi làm tại các công trình thi công ống dẫn nước sinh hoạt.

Ngoài Vỹ, các em khác như Đoàn Viết Thi (1991) hay Đoàn Viết Biên (1990) ở phường Nghĩa Chánh cũng đã thật sự tiến bộ và làm việc tại một công ty may ở TP Quảng Ngãi, có thu nhập hằng tháng ổn định. Hay như em Nguyễn Hữu Trí (1990) đã thi đỗ và đang học tại Trường trung cấp kế toán Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh...

Theo chân các cán bộ phường Nghĩa Chánh, chúng tôi đã đi thăm một số nơi có người vi phạm pháp luật về tái hòa nhập cộng đồng. Bà Nguyễn Thị Lan (ở tổ 9), tiếp xúc với chúng tôi cho biết, khi từ trại cải tạo về nhà cuộc sống gia đình rất khó khăn. Bởi gia đình có đến 6 người, nhưng không ai có việc làm. Sau đó, phường đã giúp cho 2 cháu nhỏ mỗi tháng 20 kg gạo. Còn bà Lan thì được địa phương tạo điều kiện ra dọn vệ sinh ở chợ, chồng thì giữ xe đạp, xe máy ở chợ này. Cuộc sống cả nhà tuy chưa no đủ, nhưng có việc làm, có thu nhập hằng ngày nên đã dần ổn định.
 
Cán bộ phường Nghĩa Chánh thăm người vi phạm pháp luật vừa được trở về địa phương hòa nhập cộng đồng.
Cán bộ phường Nghĩa Chánh thăm người vi phạm pháp luật vừa được trở về địa phương hòa nhập cộng đồng.

Tiếp xúc với họ, chúng tôi còn thấy rằng, để tái hòa nhập cộng đồng với họ không phải là chuyện dễ, nhất là vượt qua mặc cảm, và ánh mắt kỳ thị của không ít người ngoài xã hội. Thực tế hầu như những ai mau tái hòa nhập cộng đồng đều có sự giúp đỡ của các cấp ủy, chính quyền địa phương và khu dân cư nơi họ sinh sống. Theo thống kê của Công an Quảng Ngãi, từ năm 1998 đến nay công an đã phối hợp với chính quyền, hội, đoàn thể các cấp đã cảm hóa được 6.970 lượt đối tượng vi phạm pháp luật tại cộng đồng, trong đó có 76% đối tượng tiến bộ.

Còn đó những nỗi lo
Những năm qua các ban, ngành, hội đoàn thể trong tỉnh đã tạo điều kiện để đưa người vi phạm pháp luật tái hòa nhập cộng đồng. Tuy nhiên hiện nay vẫn còn không ít nỗi lo. Đó là trẻ em chưa thành niên làm trái pháp luật trên địa bàn có chiều hướng gia tăng. Hầu hết các em đều bị cuốn hút bởi những trò chơi vô bổ, rồi bỏ học, sống đua đòi, thường xuyên tụ tập ở các quán Internet, cà phê đêm, tổ chức đi trộm cắp tài sản. Điều đáng nói là từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra hàng loạt vụ giết người, phần lớn kẻ thủ ác chính là những người từng ở tù và trường giáo dưỡng được tha về.

Còn nhớ vụ đại náo ở Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi vào đêm 30/7/2010. Kẻ ra tay đâm 3 cha con ông Nguyễn Thuận (56 tuổi), Nguyễn Tâm (21 tuổi) và Nguyễn An (23 tuổi) làm cho anh An chết tại phòng cấp cứu bệnh viện chính là Võ Minh Tâm (Tâm xếch) mới được tha tù cách đó 3 tháng. Dư luận đặt câu hỏi là, chỉ vì một va quẹt xe mà tên Tâm này lạnh lùng cầm dao hạ thủ cả 3 cha con nạn nhân rồi nhảy tường bệnh viện thoát ra ngoài. Đến ngày hôm sau kẻ thủ ác mới trình diện trước Công an phường Nghĩa Lộ. Và kẻ tiếp tay cho hắn là một côn đồ nhưng làm bảo vệ trong bệnh viện. 

Trước đó Tâm đã từng tham gia vào vụ dùng hung khí đột nhập vào nhà người dân cướp tiền ở xã Tịnh Khê (Sơn Tịnh). Ngoài trường hợp nêu trên còn nhiều vụ giết người khác đều từ trường giáo dưỡng, trại tù được tha về như: Vụ giết người ở xã Ba Vì ngày 31/7 (kẻ gây án là Phạm Văn Sang); vụ giết nguời ở xã Bình Minh vào chiều ngày 7/9 (thủ ác là Thái Việt Trường và Võ Hoàng Thiên) cũng là các đối tượng ở trại giam và cải tạo tại trường giáo dưỡng mới ra...

Qua các vụ án trên có thể thấy, có một số đối tượng sau khi ra tù đã trở nên hung hãn hơn. Theo phản ánh của nhân dân địa phương này thì khi ra tù, các đối tượng thường không có việc làm hoặc xuất phát từ nhận thức kém, đã lười lao động, chỉ đàn đúm rượu chè. Một khi hết tiền ăn nhậu sẽ sa vào con đường trộm cắp, cướp giật... Và đó cũng là nỗi lo cho cả xã hội trong quá trình quản lý, giáo dục người vi phạm pháp luật hiện nay.

*Ông Trần Đình Hoàng - Bí thư Đảng ủy phường Nghĩa Chánh, TP Quảng Ngãi: Chúng tôi thấy rằng nơi nào mà cấp ủy, chính quyền quan tâm, thì nơi đó việc giáo dục, cảm hóa người vi phạm pháp luật mau tiến bộ và đạt hiệu quả hơn. Ở phường Nghĩa Chánh, địa bàn rộng và phức tạp về an ninh trật tự, trên địa bàn có nhiều đối tượng được tha tù, đang hưởng án treo... từng là tội phạm về buôn bán ma túy, đánh người gây thương tích. Vì vậy, để giúp các đối tượng này hòa nhập cộng đồng, chúng tôi đã phân công nhau đến tận nhà động viên, giúp đỡ. Hằng tháng, trong các cuộc họp giao ban, chúng tôi luôn trình bày mức tiến bộ của các đối tượng, để từ đó có biện pháp giáo dục tiếp theo mang tính hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó chúng tôi còn làm việc với các doanh nghiệp đóng trên địa bàn, để tạo điều kiện cho các đối tượng lầm lỗi tìm việc làm, giúp đỡ các trường hợp khó khăn (kể cả gạo, tiền và làm nhà tình thương). Mặt khác các hội đoàn thể còn tạo điều kiện để các trường hợp này vay vốn giải quyết việc làm,  mong người vi phạm pháp luật không tái phạm và từ đó, trên địa bàn phường cũng sẽ giảm đi các đối tượng phạm pháp, giảm đi các tệ nạn mà xã hội đang quan tâm.
 
*Trung tá Phạm Biên - Phó trưởng Công an phường Nghĩa Chánh: Mô hình quản lý được xác lập, chính quyền địa phương đã triển khai và giao nhiệm vụ cho từng đơn vị chức năng, từng cán bộ, trong đó Công an làm nòng cốt tiến hành các biện pháp điều tra cơ bản, nắm chắc tình hình, lập danh sách người có nguy cơ và làm trái pháp luật, để từ đó tiếp cận, giáo dục. Đặc biệt thông qua những buổi họp dân, thì thay việc kiểm điểm các em học sinh và các đối tượng chậm tiến, chúng tôi góp ý, động viên và định hướng cho các em thực hiện tốt nếp sống trong sáng, lành mạnh. Đồng thời chính quyền cũng chứng minh cho các em thấy những việc làm sai trái của trẻ em vi phạm pháp luật và hậu quả của những hành vi ấy trong cuộc sống.

*Bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh - Chủ tịch Hội phụ nữ xã Tịnh Ấn Tây (Sơn Tịnh): Nếu cảm hóa, giáo dục đối tượng bằng cả tấm lòng, chắc chắn sẽ thành công. Bản thân tôi đã cùng của hội đoàn thể ở đây cảm hóa nhiều đối tượng tưởng như không thể tiến bộ. Có điều mình chân thành khuyên bảo, tỉ tê sẽ có nhiều em đã tiến bộ hơn, ngoan hiền với người thân, gia đình, không tái phạm nữa. Tuy nhiên trong cảm hóa đối tượng, chúng tôi rất chú ý đến các đối tượng vốn chơi bời, bè cánh với đối tượng mình cảm hóa, để từ đó tìm cách tách ra, không cho họ gặp để các em không bị lôi kéo vào con đường vi phạm.

*Huỳnh Nguyễn Thịnh (1990) ở phường Trần Hưng Đạo (TP Quảng Ngãi): Nói thật là khi các chú công an dẫn vào đây làm nghề cắt kính, em cảm thấy chán lắm, vì không quen lao động, rất mệt. Tuy nhiên nhờ các chú thường xuyên đến động viên, rồi dần dần em cũng thích nghi được cuộc sống ở đây. Cuối tháng em được trả lương gần 2 triệu đồng, chưa bao giờ em được sở hữu số tiền lớn như thế do bàn tay mình làm ra. Em nghĩ lại cuộc sống lang thang, nay đây mai đó, không có tiền lại phải đi trộn cắp, có lúc bị đánh đập... giờ nghĩ lại thấy rất xấu hổ. Bây giờ được như thế này em rất cảm ơn mấy chú. Nếu cứ đà này, em sẽ mở cơ sở làm ăn riêng để cuộc sống khá hơn.

PHẠM ANH

.