Vốn huy động "chảy" về đâu?

06:09, 26/09/2010
.

(QNg)- Hiện nay nhu cầu đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi rất lớn. Trong năm 2010, tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội ước gần 17 nghìn tỷ đồng. Ngoài nguồn vốn tự có, để đầu tư phát triển thì phần lớn các doanh nghiệp cũng như cá nhân đều trông cậy vào "ngân hàng". Thị trường nào được đánh giá là tiềm năng, nhiều triển vọng thì ngân hàng sẽ sớm có mặt. Thế nhưng sự xuất hiện ngày càng nhiều ngân hàng trên địa bàn tỉnh chưa hẳn là điều tốt.

VỐN HUY ĐỘNG TĂNG, NHƯNG THỊ PHẦN CHIA NHỎ:
Cùng với sự phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt kể từ khi KKT Dung Quất hoạt động sôi động thì những năm qua, hệ thống các ngân hàng đã xuất hiện ngày càng nhiều tại Quảng Ngãi. Ngoài những ngân hàng "cũ" thì những ngân hàng mới (thậm chí rất mới) như Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Đại dương (Oceanbank), Ngân hàng Xuất nhập khẩu (Eximbank) hay Liên Việt (LienVietbank)... cũng lần lượt có mặt tại Quảng Ngãi (đến nay đã có ngót nghét hai mươi ngân hàng). Có thể nói, cơ sở vật chất ngành ngân hàng được tăng cường theo hướng hiện đại, hình thức huy động vốn đa dạng, phong phú, nên đã thu hút được nguồn vốn nhàn rỗi của người dân và nhiều tổ chức.
 
  Nhiều doanh nghiệp ở Quảng Ngãi đang cần vốn cho đầu tư, phát triển
Nhiều doanh nghiệp ở Quảng Ngãi đang cần vốn cho đầu tư, phát triển

Nếu như trong giai đoạn 2001-2005, tốc độ huy động vốn chỉ tăng bình quân 17-18%, thì trong 5 năm qua, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh tăng rất mạnh. Năm 2006 tổng vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tăng 54% so với năm 2005 (4.000 tỷ đồng). Đến năm 2009 con số vốn huy động  đạt 9.000 tỷ đồng, tăng 71,16% so với cùng kỳ năm 2008. Và 6 tháng đầu năm 2010, tổng nguồn vốn huy động đạt 12.500 tỷ đồng, tăng 25,6% so với cuối năm 2009.
 
Theo các nhà quản lý ngân hàng thì tốc độ tăng nguồn vốn huy động khá cao đã khiến người dân từ bỏ thói quen "cất tiền trong nhà". Thêm vào đó, lãi suất huy động của các ngân hàng tăng lên, nên thu hút người dân gửi tiền. Song có một thực tế là lượng tiền huy động tăng cao, nhưng thị phần ngày càng chia nhỏ bởi sự cạnh tranh của các ngân hàng.

Thuộc nhóm ngân hàng có mặt đầu tiên trên địa bàn tỉnh, Agribank Quảng Ngãi hiện có mặt ở cả 14 huyện, thành phố. Đây có thể xem là đơn vị có lượng khách hàng lâu năm và lớn nhất trong tỉnh. Tuy nhiên những năm qua với sự  cạnh tranh của các ngân hàng thương mại cổ phần, Agribank Quảng Ngãi đã gặp không ít khó khăn trong việc huy động vốn. Hay như chi nhánh Ngân hàng Ngoại thương Dung Quất (Vietcombank Dung Quất) dù đứng chân trên địa bàn Khu kinh tế Dung Quất có nhiều thuận lợi trong việc cho doanh nghiệp vay vốn đầu tư.
 
Song đơn vị cũng gặp nhiều khó khăn trong hoạt động thu hút khách hàng gửi tiền. Năm 2009 tỷ lệ huy động vốn của Vietcombank Dung Quất chỉ đạt 83% kế hoạch giao. Còn Vietinbank Quảng Ngãi để thu hút tiền gửi trong dân, họ buộc phải mở rộng mạng lưới hoạt động kinh doanh dịch vụ, tăng cường thu hút khách hàng với nhiều gói lãi suất phù hợp.

VỐN HUY ĐỘNG CHẢY VỀ ĐÂU?
Hoạt động của các ngân hàng là "đi vay để cho vay". Các ngân hàng thương mại cổ phần khi có mặt tại Quảng Ngãi đều "xác định" mục tiêu "đáp ứng và cung cấp các sản phẩm dịch vụ nhanh chóng và hiệu quả đến các đơn vị trong và ngoài ngành dầu khí tại tỉnh Quảng Ngãi hay như "để cung cấp tất cả các sản phẩm, dịch vụ tài chính hiện đại tới đông đảo khách hàng là các cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh"...
 
Thế nhưng thực tế không hẳn vậy. Không ít ngân hàng dù rất mới tại thị trường Quảng Ngãi, huy động vốn khá tốt, nhưng vốn huy động được lại "chuyển ngược" về hội sở ở tận... Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh.
 
 
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Nông nghiệp&Phát triển nông thôn-chi nhánh Quảng Ngãi.
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Nông nghiệp&Phát triển nông thôn-chi nhánh Quảng Ngãi.
 
Trong năm 2009 Ngân hàng Liên Việt và Ngân hàng Đại Dương (Oceanbank) huy động trên dưới 1.000 tỷ đồng, nhưng dư nợ của hai ngân hàng này tại địa bàn Quảng Ngãi chỉ vài chục tỷ đồng (chưa bằng 10% vốn huy động). Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Quảng Ngãi thì trong 6 tháng đầu năm tổng dư nợ trên địa bàn tỉnh tăng không đáng kể so với cuối năm 2009 (ước đạt 12.300 tỷ đồng, tăng 6,88%).
 
Trong số này thì số dư nợ chủ yếu của các ngân hàng "cũ" như Agribank, DIVB, Vietcombank, Vietinbank... Còn các ngân hàng "mới" thì hoạt động chủ yếu  là thu hút lượng tiền gởi, để gởi về hội sở. Theo giải thích của nhiều người thì tùy vào chiến lược của mỗi ngân hàng mà họ cân đối hai hoạt động "huy động và cho vay".

Sự xuất hiện của nhiều ngân hàng mang lại nhiều dịch vụ tiện ích cho khách hàng. Nhưng với chiến lược của một số ngân hàng "mới" đang thực hiện ở Quảng Ngãi thì người bị thiệt chính là cá nhân, các doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn tỉnh, những người đang thật sự cần vốn cho đầu tư phát triển.
 

*Ông Phạm Duy Hùng-Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Quảng Ngãi: Agribank có một thuận lợi lớn là có hệ thống rộng khắp từ thành thị, đồng bằng, miền núi. Tuy nhiên hoạt động huy động vốn trong thời gian qua vô cùng khó khăn, do sự xuất hiện của nhiều ngân hàng trên địa bàn tỉnh. Dù vậy với một ngân hàng lâu năm trên địa bàn, Agribank vẫn đảm bảo nhu cầu vay vốn của khách hàng, nhất là nhu cầu vay vốn phát triển nông nghiệp, nông thôn. Những năm qua ngoài việc huy động tại chỗ để cho vay, khi nhu cầu vốn vay tăng thì ngân hàng Trung ương sẵn sàng bổ sung nguồn vốn, để chi nhánh cho khách hàng vay đầu tư phát triển.

*Giám đốc Ngân hàng Quân đội (MB)-chi nhánh Quảng Ngãi Đinh Anh Tuấn: Phải thừa nhận là việc huy động vốn tại Quảng Ngãi cực kỳ khó khăn, bởi kinh tế của tỉnh phát triển chưa cao so với một số tỉnh, thành trong khu vực. Hơn nữa các tổ chức kinh tế ở Quảng Ngãi không nhiều, quy mô lại nhỏ, nên lượng tiền nhàn rỗi không nhiều. Thêm vào đó là thị phần chia nhỏ bởi mật độ "dày đặc" các ngân hàng. Song với chiến lược của MB Quảng Ngãi là vừa huy động, vừa cho vay, nên chúng tôi sẵn sàng đáp ứng nhu cầu vay của khách hàng, dù việc huy động gặp nhiều khó khăn.

*Ông Trần Vũ Ban -Phó Giám đốc Ngân hàng Việt Á: Do ảnh hưởng của tình hình lạm phát, cũng như suy giảm kinh tế đã phần nào tác động đến hoạt động huy động vốn của các ngân hàng trong thời gian qua. Hiện nay phần lớn người dân gửi tiền theo các "gói" ngắn hạn, chủ yếu là gửi tiền 1 tháng, 3 tháng và 6 tháng, nên các ngân hàng phải thực hiện nhiều chính sách khuyến mãi để thu hút khách hàng. Để thu hút khách hàng đã xuất hiện tình trạng "cạnh tranh ngầm" giữa các ngân hàng (ngoài việc huy động theo lãi suất mà Ngân hàng Nhà nước quy định, một số ngân hàng còn chi thêm 1 khoản tiền hỗ trợ cho khách hàng-PV), điều này gây nhiều khó khăn trong huy động vốn.

*Anh Nguyễn Thanh Hùng, ở thôn 2, xã Đức Nhuận (Mộ Đức): Hiện nay nhu cầu vay vốn để phát triển trong nhân dân là rất lớn. Nhưng không phải dân muốn vay của ngân hàng nào cũng được. Các ngân hàng cũng "chọn mặt gửi vàng" ghê lắm. Tôi cũng đã có năm bảy bận đi vay để phát triển kinh tế gia đình, nên hiểu được khó khăn trong quá trình đi vay vốn. Giá như các ngân hàng cho đối tượng vay rộng rãi hơn, thì người dân có điều kiện để phát triển kinh tế gia đình.
 
HOÀNG TRIỀU

.