Trung tâm học tập cộng đồng ở Quảng Ngãi: Nhiều nơi bị "tê liệt"

01:09, 17/09/2010
.

(QNg)- Đề án xây dựng xã hội học tập thông qua trung tâm học tập cộng đồng ở tỉnh ta đang gặp trở ngại. Nhiều trung tâm học tập cộng đồng gần như bị "tê liệt", chỉ thành lập cho có rồi để "ngó" chứ không hoạt động. 

 "Tắc nghẽn" chủ trương
Nhắc đến hệ thống trung tâm học tập cộng đồng ở Quảng Ngãi thì buồn nhiều hơn vui. Hiện toàn tỉnh có 90 trung tâm học tập cộng đồng. Phải thừa nhận rằng kết quả này thể hiện sự cố gắng của một số địa phương trong tỉnh nhằm hướng đến xây dựng xã hội học tập. Tuy nhiên  so với kế hoạch thì thật đáng buồn.
 
 
“Vốn liếng” của Trung tâm học tập cộng đồng ở Hành Thuận là bảng hiệu này và danh sách các cán bộ công tác kiêm nhiệm.
“Vốn liếng” của Trung tâm học tập cộng đồng ở Hành Thuận là bảng hiệu này và danh sách các cán bộ công tác kiêm nhiệm.
Chỉ tiêu đến năm học 2010-2011, ở khu vực đồng bằng 100% xã, phường, thị trấn có trung tâm học tập cộng đồng; đối với khu vực miền núi thì phải đạt 90%, song hiện tỷ lệ xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh có trung tâm học tập cộng đồng chưa tới 50%. Chỉ tiêu đề ra trong năm 2010 toàn tỉnh phải thành lập hàng chục trung tâm để tiến đến mục tiêu "phủ khắp", nhưng từ đầu năm đến nay chỉ thành lập mới được 5 trung tâm. Riêng huyện Tây Trà hiện tại "trắng" trung tâm học tập cộng đồng. Nhiều địa phương có rất ít trung tâm học tập cộng đồng so với tổng số đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn. Cụ thể như: Bình Sơn hiện có 15/25 đơn vị thành lập trung tâm; Mộ Đức (6/13); Đức Phổ (6/15); Sơn Hà (1/14); Sơn Tây (1/9); Ba Tơ (3/20)…

Hiện tại trong tỉnh vẫn còn rất nhiều địa phương chưa thành lập trung tâm học tập cộng đồng. Điều này đồng nghĩa với việc người dân chưa được tạo cơ hội để học tập những kiến thức bổ ích cần thiết trong cuộc sống cũng như phong trào xây dựng xã hội học tập chưa được coi trọng. Điều đáng buồn hơn là nhiều trung tâm thành lập cho có chứng, chứ không hoạt động; trong khi đó nhu cầu học tập của người dân thì rất nhiều.
 
Ở xã Hành Thuận (Nghĩa Hành) bảng hiệu "Trung tâm học tập cộng đồng" đặt ở phía trước trụ sở UBND xã trông rất hoành tráng, thế nhưng "trong ruột" thì chẳng có gì ngoài quyết định của cơ quan chức năng về phân công con người đảm nhiệm các chức danh. Cán bộ xã Hành Thuận cho biết: "Để bảng hiệu cho có chứ trung tâm chẳng có gì để hoạt động. Tuy nhiên cái khó về trụ sở có thể giải quyết được (đó là mượn tạm hội trường của UBND xã), nhưng cái khó lớn nhất là kinh phí. Có kinh phí thì mới có thể mở lớp dạy nghề cho bà con. Huyện yêu cầu làm kế hoạch dự trù kinh phí hoạt động của trung tâm để được hỗ trợ, nhưng gửi hơn một năm nay vẫn chưa thấy có động tĩnh gì". Khó khăn  của trung tâm học tập cộng đồng ở xã Hành Thuận cũng là cái khó chung của hầu hết trung tâm học tập cộng đồng trên địa bàn tỉnh ta hiện nay.

Đội ngũ cán bộ của trung tâm học tập cộng đồng bao gồm giám đốc, phó giám đốc, kế toán, thủ quỹ (cán bộ ở địa phương làm công tác kiêm nhiệm)… rất hiếm khi làm việc với vai trò là người của trung tâm. Cơ sở vật chất của các trung tâm phần lớn là mượn tạm hội trường của UBND xã và hợp tác xã. Nhiều nơi phòng học, bàn ghế đã xuống cấp… Các trung tâm học tập cộng đồng tự "bơi", để tìm kiếm kinh phí hoạt động.
 
Nơi nào may mắn được chính quyền địa phương quan tâm hoặc tranh thủ được nguồn tài trợ  của các nhà hảo tâm, thì nơi đó trung tâm học tập cộng đồng hoạt động, tuy nhiên cũng mang tính "cầm chừng" và bị động vì "nghèo" nguồn vốn. Được biết, từ năm 2008, Bộ Tài chính đã có thông tư hướng dẫn về việc hỗ trợ kinh phí cho các trung tâm học tập cộng đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước. Thế nhưng ở tỉnh ta chẳng biết bị "tắc nghẽn" thế nào, dẫn đến chưa triển khai thực hiện, khiến cho nhiều trung tâm học tập cộng đồng gần như bị "tê liệt"?     

Cơ hội "học tập suốt đời" 
Việc thành lập trung tâm học tập cộng đồng mở ra cơ hội để người dân được "học tập suốt đời". Đây cũng chính là chủ trương mang tính chiến lược của Đảng và Nhà nước ta nhằm góp phần xây dựng xã hội học tập. Thông qua trung tâm học tập cộng đồng, người dân cần gì học nấy, từ nông-lâm-ngư nghiệp cho đến kỹ thuật công nghiệp, tin học, ngoại ngữ, kiến thức nuôi con khỏe-dạy con ngoan… Kiến thức từ trường học mang tính cộng đồng này góp phần giúp người dân nâng cao hiểu biết, xây dựng cuộc sống gia đình ngày một ấm no, thúc đẩy sự nghiệp phát triển của quê hương, đất nước.

Ở xã Đức Lân (Mộ Đức), trung tâm học tập cộng đồng đã mở lớp dạy tin học cho cán bộ và nhân dân địa phương. Nhờ có trung tâm học tập cộng đồng mà đội ngũ cán bộ ở Đức Lân từ xã cho đến thôn được phổ cập tin học, góp phần đáng kể trong việc nâng cao hiệu quả công tác. Ngoài ra, Trung tâm học tập cộng đồng ở xã Đức Lân còn mở nhiều lớp khuyến nông, khuyến ngư để người dân cùng học tập, áp dụng vào thực tiễn sản xuất chăn nuôi đạt hiệu quả.
 
 
Trung tâm học tập cộng đồng ở phường Nghĩa Lộ (TP.Quảng Ngãi) mượn nhà kho của UBND phường làm trụ sở.
Trung tâm học tập cộng đồng ở phường Nghĩa Lộ (TP.Quảng Ngãi) mượn nhà kho của UBND phường làm trụ sở.
Ở xã Bình Chánh (Bình Sơn) thì do đặc thù vùng biển nên trung tâm học tập cộng đồng ở đây đã mở nhiều lớp bồi dưỡng kiến thức đánh bắt và nuôi trồng thủy sản… Tựu chung cơ hội học tập theo phương châm "cần gì học nấy" của các tầng lớp nhân dân được đáp ứng, khi trung tâm học tập cộng đồng hoạt động theo đúng chức năng, nhiệm vụ. Nhưng đáng buồn là số trung tâm hoạt động có hiệu quả như ở xã Đức Lân, Bình Chánh… chỉ đếm được trên đầu ngón tay, còn lại phần đông là thành lập cho "có lệ" rồi "bỏ mặc" chứ không hoạt động, không thực hiện được vai trò là trường học để người dân tham gia "học tập suốt đời".

 
*Ông Vũ Đức Tế-Phó GĐ Sở GD&ĐT:

Mặc dù Thủ tướng Chính phủ có quyết định giao cho ngành giáo dục quản lý các trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) nhưng Sở GD&ĐT chưa nhận được văn bản hướng dẫn chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ cụ thể về mặt Nhà nước. Do đó Sở GD&ĐT gặp rất nhiều khó khăn, cụ thể như: Không có biên chế cho cán bộ phụ trách TTHTCĐ; cán bộ phụ trách phải kiêm nhiệm và do UBND xã, phường, thị trấn ra quyết định phân công nhiệm vụ. Ngoài ra địa điểm để xây dựng trung tâm cũng như việc đầu tư cơ sở vật chất gặp khó khăn do thiếu vốn.

Để tháo gỡ phần nào khó khăn cho các TTHTCĐ, Sở GD&ĐT đã kiến nghị UBND tỉnh hỗ trợ mỗi TTHTCĐ 5 triệu đồng/năm, để các trung tâm trang trải chi phí hoạt động ban đầu. UBND tỉnh đã đồng ý với hướng tháo gỡ này. Thế nhưng hiện nay các trung tâm vẫn chưa nhận được khoản kinh phí trên. Đề nghị Sở Tài chính sớm trích nguồn kinh phí hỗ trợ cho các TTHTCĐ. Mặt khác, muốn TTHTCĐ hoạt động có hiệu quả, nền nếp, thì bản thân các trung tâm cũng như UBND các xã, phường, thị trấn phải xây dựng kế hoạch hoạt động rõ ràng, mang tính bền vững.

 
*Ông Từ Tân Vũ-Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh:

Trước đây Trung tâm học tập cộng đồng do Hội Khuyến học tỉnh tổ chức quản lý. Kinh phí hoạt động do các cấp hội vận động quyên góp. Cuối năm 2005, trung tâm học tập cộng đồng giao về cho ngành giáo dục quản lý theo Quyết định 112 của Thủ tướng Chính phủ. Trách nhiệm của Hội Khuyến học là vận động xây dựng thành lập trung tâm và vận động người dạy-người học. Từ năm 2006 đến nay, việc thành lập mới Trung tâm học tập cộng đồng cũng như hoạt động của các trung tâm bị hạn chế, do không có kinh phí, nhiều trung tâm thành lập mang tính hình thức. Quảng Ngãi là một trong những tỉnh thành lập ít trung tâm học tập cộng đồng. Hiện cả nước có đến 92% xã, phường, thị trấn có trung tâm học tập cộng đồng (ở tỉnh ta tỷ lệ này đạt chưa tới 50%). Về kinh phí hoạt động, mặc dù Trung ương đã có quy định về hỗ trợ kinh phí cho các trung tâm học tập cộng đồng  từ năm 2008, thế nhưng đến nay tỉnh ta vẫn chưa thực hiện. Trung tâm học tập cộng đồng là mô hình giáo dục mới, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần xây dựng xã hội học tập. Do đó,cần sự quan tâm đầu tư của cả hệ thống chính trị.

 
*Ông Trần Duyệt-Phó giám đốc Trung tâm học tập cộng đồng phường Nghĩa Lộ (TP.Quảng Ngãi):

Để phát huy ý nghĩa thiết thực của trung tâm học tập cộng đồng, chúng tôi đã thành lập thư viện. Điều này đã góp phần phát triển văn hóa đọc trong các tầng lớp nhân dân trên địa bàn phường. Bạn đọc của thư viện nhiều nhất là cán bộ hưu trí và các cháu học sinh. Đọc sách, báo sẽ góp phần giúp người dân nâng cao dân trí. 2 năm nay UBND Tp.Quảng Ngãi hỗ trợ cho trung tâm 5 triệu đồng/năm, nên trung tâm cũng đỡ phần nào khó khăn về kinh phí. Chủ yếu là chúng tôi "tự biên, tự diễn" chứ chưa nhận được văn bản hướng dẫn hoạt động cụ thể… Ở cấp trung ương thì có sự phân công công việc cụ thể cho từng thành viên, từng đơn vị, thế nhưng về ở sở thì vấn đề này còn bị bỏ ngỏ.

 
*Ông Thượng Huệ-Phó giám đốc Trung tâm học tập cộng đồng xã Hành Thuận (Nghĩa Hành):

Trung tâm học tập cộng đồng xã Hành Thuận thành lập hơn 1 năm nay, nhưng chẳng có nguồn kinh phí để hoạt động. Nếu có kinh phí thì trung tâm sẽ chủ động mở các lớp dạy nghề, tập huấn kiến thức cho nông dân. Do không có kinh phí nên đành chịu. Hiện tại trung tâm chỉ quy tập được con người, ngoài ra không có gì cả. Tôi đọc trên mạng Internet thấy mô hình trung tâm học tập cộng đồng hay quá, nhiều nơi hoạt động đạt hiệu quả đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân.  Mong sao cấp trên quan tâm hỗ trợ kinh phí để trung tâm học tập cộng đồng xã Hành Thuận hoạt động đạt hiệu quả, đáp ứng nhu cầu "cần gì học nấy" của nhân dân, góp phần xây dựng xã hội học tập, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.

PHƯƠNG LÝ

.