Di dân tái định cư vùng nguy hiểm trước mùa mưa lũ: Còn nhiều nỗi lo

10:09, 11/09/2010
.

(QNg)- Những năm gần đây tình hình thời tiết ở tỉnh ta diễn biến ngày càng phức tạp. Mỗi mùa mưa lũ đến, hàng ngàn hộ dân sống tại các khu vực sạt lở ven sông, ven biển, sạt lở núi luôn phải đối diện với những rủi ro ảnh hưởng đến tài sản cũng như tính mạng của họ. Theo dự báo cường độ mưa bão năm nay sẽ mạnh và khó lường, thế nhưng đến thời điểm này công tác di dân ra khỏi vùng nguy hiểm gặp không ít khó khăn.
 
Thực hiện Quyết định  193/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (Chương trình 193) về việc bố trí dân cư các vùng thiên tai, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo từ năm 2006 đến nay, tỉnh ta đã nỗ lực thực hiện chương trình này và đạt được nhiều kết quả. Tuy nhiên hiện tại quá trình thực hiện bố trí dân cư (TĐC) và di dân vùng sạt lở còn nhiều nỗi lo.
 
ông tác giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ sở hạ tầng đang được khẩn trương thực hiện tại khu TĐC thôn Phổ Trung, xã Nghĩa An (Tư Nghĩa).
Công tác giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ sở hạ tầng đang được khẩn trương thực hiện tại khu TĐC thôn Phổ Trung, xã Nghĩa An (Tư Nghĩa).

"NGƯỜI ĐI, KẺ Ở"…
Những năm qua tại khu vực thuộc các thôn 2, thôn 3 (xã Đức Nhuận, huyện Mộ Đức) nằm ven sông Vệ thường xuyên xuất hiện nhiều vết lở gần bờ sông. Nguy cơ nước lũ "ăn" nhà dân trong mỗi mùa mưa là rất cao, sinh mạng hàng trăm con người sống trong 2 thôn này luôn bị đe dọa nghiêm trọng. Từ năm 2008 nhờ có Chương trình 193 của Chính phủ, xã Đức Nhuận được Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh (PTNT) đầu tư xây dựng một khu TĐC tại thôn 1 cho gần 40 hộ dân của hai thôn này.
 
Mặc dù khu TĐC có khoảng cách khá xa vị trí nhà ở cũ của người dân (hơn 3km) nhưng nằm ở vị trí "rất đẹp". Ông Nguyễn Châu (85 tuổi)- một người dân vừa chuyển đến sống tại khu TĐC, hồ hởi cho tôi biết: "Nơi ở mới thoáng mát lắm, có nước sạch đầy đủ, đường sá thì đi lại rất thuận tiện. Chúng tôi không còn nơm nớp lo sợ mỗi mùa lũ về".

Tuy nhiên không phải người dân nào cũng "nhiệt tình" đón nhận địa điểm "an cư" mới như ông Châu. Hiện xã Đức Nhuận vẫn còn hơn 10 hộ dân chưa chịu vào khu TĐC. Lãnh đạo xã Đức Nhuận đã cùng đại diện Chi cục PTNT nhiều lần tổ chức họp dân, để vận động họ di dời nhà ra khỏi vùng nguy hiểm, nhưng lần nào cũng đều nhận lấy những cái "lắc đầu" của họ.
 
Sở dĩ những hộ dân nơi đây không chịu đến nơi ở mới là vì họ cho rằng Nhà nước hỗ trợ với mức 10 triệu đồng/hộ (trước kia là 2 triệu đồng/hộ) là quá thấp, trong khi khả năng tài chính eo hẹp, nên không đủ kinh phí dựng lại nhà tại khu TĐC. Hơn nữa nơi họ đang sống, nhà cửa đã được xây dựng kiên cố, bề thế. Ngoài ra, nếu vào khu TĐC thì người dân khó khăn trong việc quản lí rau màu, cây trái (vì khoảng cách giữa nơi ở mới và ruộng, vườn khá xa).

Xã Nghĩa An (Tư Nghĩa) là xã rất "đặc biệt" của tỉnh ta. Nói là "đặc biệt" vì xã Nghĩa An vừa bị sạt lở bờ sông, vừa bị biển xâm thực nghiêm trọng. Mỗi mùa mưa bão về, nhiều ngôi nhà ở Nghĩa An như chực chờ "trôi" ra sông, ra biển.
 
Nhìn ngôi nhà của mình chỉ còn cách bờ biển vài sải tay, chị Trần Thị Phai (thôn Phổ Trường) lo lắng: "Nếu năm nay cũng xảy ra lũ dữ thì nhiều khả năng cái nhà này cũng không dễ gì tồn tại. Ở đây nhiều người đã bỏ làng đi rồi; còn tôi và mấy hộ dân vì nghèo quá nên chưa thể di dời được".
 
Hiện nay, xã Nghĩa An đang được Chi cục PTNT đầu tư xây dựng khu TĐC Phổ Trung với diện tích rộng hơn 14.000m2. Các hạng mục như kè chắn, san nền, hệ thống cấp thoát nước và đường dây điện 0,4KV với tổng mức đầu tư hơn 2 tỷ đồng, nhằm TĐC cho khoảng 40 hộ dân đang sinh sống tại khu vực thôn Phổ Trường, Tân Thạnh.
 
Chính quyền xã Nghĩa An đã phân công lực lượng tiến hành khảo sát địa điểm thích hợp, để giao mặt bằng cho Chi cục PTNT. Theo kế hoạch khu TĐC này sẽ hoàn thành trước mùa mưa bão năm 2010. Nhưng đến thời điểm này khu TĐC vẫn chưa được hoàn thiện, để triển khai bố trí chỗ ở mới cho những hộ dân của 2 thôn trên.
 
Theo quan sát của chúng tôi, mặt bằng xây dựng khu TĐC trên vẫn còn ngổn ngang, nhiều hạng mục vẫn chưa được hoàn thành, đến khi giao mặt bằng thì người dân liệu có kịp xây dựng nhà trước mùa mưa bão hay không? Có lẽ khi mưa bão đến điệp khúc "chạy" chắc chắn sẽ lặp lại với người dân nơi đây…

KHÓ KHĂN VÌ... ÍT VỐN (!?)
Thực hiện Chương trình 193, trong giai đoạn 2010-2015 tỉnh ta phải bố trí TĐC cho hơn 9.000 hộ dân, trong đó gần 2.300 hộ dân thuộc các vùng có nguy cơ do thiên tai, với tổng vốn đầu tư khoảng 420 tỷ đồng. Như vậy bình quân mỗi năm tỉnh ta phải di chuyển 1.500 hộ dân, với vốn đầu tư tương ứng khoảng 70 tỷ đồng.
 
Tuy nhiên trong những năm qua kinh phí đầu tư cho công tác này chưa đến 10 tỷ đồng/năm (từ nguồn vốn đầu tư của Chương trình 193), đồng thời tỉnh phải huy động thêm các nguồn vốn khác, nên giai đoạn 2006-2010 bình quân mỗi năm chỉ di đời được khoảng 600 hộ ở các vùng đặc biệt nguy hiểm do thiên tai.
 
Khu tái định cư thôn 1 xã Đức Nhuận (Mộ Đức) được bố trí nơi cao ráo, thuận lợi cho việc phát triển KT-XH.
Khu tái định cư thôn 1 xã Đức Nhuận (Mộ Đức) được bố trí nơi cao ráo, thuận lợi cho việc phát triển KT-XH.

Điển hình như trong năm 2010 Chi cục PTNT chỉ được giao 8 tỷ đồng cho công tác di cư các vùng thiên tai. Trong đó 4 tỷ đồng để hỗ trợ trực tiếp cho 384 hộ di chuyển (368 hộ được hỗ trợ 10 triệu đồng/hộ và 16 hộ được hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ ở xã Bình Thạnh (Bình Sơn) bị sập trôi nhà hoàn toàn trong bão số 9 năm 2009); 4 tỷ đồng cho đầu tư xây dựng cơ bản: Gồm xây dựng mới 2 khu TĐC là khu TĐC Trà Kem (xã Trà Xinh, huyện Trà Bồng: 15 hộ) và khu TĐC Thạch Bích (xã Trà Bình, huyện Trà Bồng: 30 hộ) cho 36 hộ dân bị sạt lở núi, sạt lở bờ sông (với nguồn vốn 1,31 tỷ đồng); đồng thời trả nợ khối lượng các công trình đã hoàn thành (440 triệu đồng); hoàn thiện hạ tầng các khu TĐC những năm trước (2,15 tỷ đồng) và dành 100 triệu đồng để khảo sát chuẩn bị đầu tư 5 khu TĐC mới.

Theo Quyết định số 636/QĐ-UBND, ngày 29/4/2010 của UBND tỉnh Quảng Ngãi về việc phê duyệt quy hoạch bố trí dân cư các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, hải đảo, di cư tự do trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2010-2015 thì: Hiện nay tỉnh ta vẫn còn 4.224 hộ dân thuộc đối tượng sống trong vùng có nguy cơ cao do thiên tai. Trong đó số hộ sống ở vùng sạt lở ven sông, ven suối 2.152 hộ; sạt lở ven biển 618 hộ; sạt lở núi, nứt núi 1.300 hộ; lũ ống, lũ quét 154 hộ.
Tuy còn nhiều khó khăn, nhưng với sự hỗ trợ đầu tư từ ngân sách Trung ương, tỉnh ta đã kết hợp có hiệu quả với việc huy động nguồn vốn từ ngân sách địa phương và lồng ghép các Chương trình, dự án khác như Chương trình 134, 135…
 
Từ đó đã hình thành các khu TĐC tập trung có cơ sở hạ tầng tương đối đồng bộ, đáp ứng các nhu cầu thiết yếu về đời sống cho nhân dân. Mặc dù vậy hiệu quả của chương trình ở một số địa phương còn hạn chế, vì người dân đôi khi nhầm lẫn giữa di dân ở vùng thiên tai, vùng khó khăn với di dân để giải phóng mặt bằng, lấy đất làm dự án.
 
Mục tiêu thực hiện Chương trình 193 là bảo vệ tài sản cho nhân dân, giúp người dân có cuộc sống ổn định, chứ không bồi thường như những dự án khác.


 
*Ông Đỗ Kỳ Ân- Chi cục trưởng Chi cục PTNT:
Mặc dù nhu cầu được di dời đến nơi ở mới an toàn hơn của nhân dân những vùng sạt lở là rất lớn, nhưng nguồn vốn cho chương trình mỗi năm được cấp rất hạn chế, nên Chi cục chỉ bố trí ưu tiên chứ không thể đáp ứng hết được. Những năm qua, với chương trình bố trí tái định cư theo QĐ 193 mang lại nhiều hiệu quả tích cực. Bên cạnh đó vẫn còn một số ít người dân gặp khó khăn sau khi di dời, chủ yếu là các huyện miền núi. Năm 2010 toàn tỉnh có kế hoạch di dời 384 hộ vào các khu tái định cư. Hiện tại một số điểm đã hoàn thành và đang tiến hành đưa dân đến ở. Theo dự kiến đến cuối tháng 9 này, công tác di dời dân trong năm sẽ được hoàn thành. Mùa mưa năm nay Chi cục tiếp tục kiểm tra, theo dõi các điểm sạt lở và có biện pháp cảnh báo cho người dân. Và báo cáo đưa vào để đầu tư xây dựng trong những năm tiếp theo.

 
*Ông Đỗ Ngọc Tây- Chủ tịch UBND xã Nghĩa An (Tư Nghĩa):
Nghĩa An là địa phương chịu nhiều ảnh hưởng thiên tai,  hầu hết các hộ dân vùng cửa sông và khu vực biển xâm thực đều có ý định di dời đến nơi an toàn. Thế nhưng quỹ đất bố trí tái định cư của địa phương rất hạn chế. Mặt khác những hộ muốn di dời, nhưng lại không có điều kiện để làm nhà ở mới. Vì thế địa phương cũng gặp nhiều khó khăn trong vấn đề này. Tuy nhiên cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, địa phương tạo mọi điều kiện về bố trí đất cho khu tái định cư. Đồng thời tuyên truyền vận động người dân khu vực sạt lở ở cửa Đại và Cổ Lũy di dời đến nơi an toàn. Hiện tại khu tái định cư phía bắc cầu An Phu (thôn Phổ Trung) đang khẩn trương hoàn thành việc san lấp mặt bằng, đến cuối tháng 9 sẽ đưa dân vào ở.

 
*Ông Nguyễn Văn Liêm- Bí thư Đảng ủy xã Đức Nhuận (Mộ Đức):
Trong năm nay địa phương có kế hoạch di dời khoảng 40 hộ dân ở vùng có nguy có sạt lở ven sông Vệ và vùng bị ngập lụt ở thôn 2 và thôn 3. Đến nay đã có 24 hộ di dời đến điểm tái định cư mới ở thôn 1 (cách đó 3 km) và có cuộc sống ổn định. Đối với những hộ còn lại không chịu di dời là vì, một số hộ có nhà ở kiên cố và một số hộ nghèo không có tiền để làm nhà mới. Điều này cũng gây khó khăn cho công tác di dời dân và bố trí lại dân cư. Với những trường hợp này chính quyền cũng không có nguồn kinh phí để hỗ trợ.

 
*Ông Lê Mười- Trưởng thôn Phổ Trường (Nghĩa An, Tư Nghĩa):
Hiện tại có gần 20 hộ dân của thôn đều có nguyện vọng di dời. Song hầu hết người dân nơi đây đều rất nghèo, nên không có tiền để xây dựng nhà mới ở nơi tái định cư. Trong khi đó khu vực này khi mùa mưa đến đều rất nguy hiểm. Từ cuối năm 2009 đến nay chỉ có một số ít hộ có điều kiện di dời. Trong thời gian đến rất mong các cấp hỗ trợ để  dân vùng bị biển xâm thực sớm được di dời đến nơi ở ổn định.

 
*Ông Nguyễn Đẹp, thôn 1 xã Đức Nhuận (Mộ Đức):
Được di dời đến nơi ở mới từ giữa năm 2009, gia đình chúng tôi rất yên tâm. Vào mùa mưa không phải nơm nớp lo sợ nhà bị trôi sông và ngập lụt. Mặc dù về đây ở có hơi xa vườn cũ, khó khăn cho việc canh tác, nhưng nơi ở mới cao ráo, giao thông đi lại thuận lợi nên chúng tôi rất phấn khởi. Mọi người được về đây ai cũng vui mừng...
 

X.THIÊN - N.TRIỀU

.