Hỗ trợ thiệt hại cơn bão số 9 - năm 2009: Nhiều khoản tiền chưa tới tay người dân!

02:08, 06/08/2010
.

(QNg) - Ngay khi nghe tin bão số 9 - năm 2009 gây thiệt hại nặng nề ở Quảng Ngãi, triệu triệu tấm lòng khắp mọi miền Tổ quốc đã ủng hộ chia sẻ khốn khó, giúp người dân sớm "đứng dậy" sau bão. Thế mà dù đã 10 tháng kể từ khi cơn bão lịch sử này quét qua, nhiều người dân bị thiệt hại nặng nề vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ. Mỗi trường hợp chậm trễ đều được cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đưa ra lý do khác nhau, tất cả họ đang phải chịu một thiệt thòi giống nhau: Lao đao sau bão!
 
Hỗ trợ thiệt hại tàu thuyền: Nhiêu khê!

10 tháng - đó là quãng thời gian mà gia đình ngư dân Nguyễn Tấn Sơn ở làng chài Mỹ Tân, xã Bình Chánh (Bình Sơn) trăn trở cùng con tàu trị giá hơn 1 tỉ đồng của gia đình sau đêm bị bão đánh trôi dạt. Hiện con tàu mang số hiệu QNg 95861 TS vẫn đang nằm "trơ gan cùng tuế nguyệt" tại một ốc đảo nhỏ thuộc xã Bình Dương,  cách nơi neo đậu trước khi bão ập đến khoảng 5 km.
 
àu QNg 95861 TS của ngư dân Nguyễn Tấn Sơn, ở thôn Mỹ Tân, xã Bình Chánh sau 10 tháng bị bão số 9 đánh trôi dạt vẫn “nằm trên ruộng lúa” tại xã Bình Dương.
Tàu QNg 95861 TS của ngư dân Nguyễn Tấn Sơn, ở thôn Mỹ Tân, xã Bình Chánh sau 10 tháng bị bão số 9 đánh trôi dạt vẫn “nằm trên ruộng lúa” tại xã Bình Dương.

Ban đầu khi phát hiện tàu vẫn còn, không bị hư hỏng mà chỉ bị trôi dạt, chủ con tàu Nguyễn Tấn Sơn rất vui mừng. Tuy nhiên niềm vui chưa "được tày gang" đã khiến anh Sơn lo lắng mất ngủ khi được biết số tiền bỏ ra đưa tàu hạ thủy lên đến 180 triệu đồng. Trong khi đó cơ quan bảo hiểm chỉ chi trả 40 triệu đồng (trường hợp tàu bị nạn này, vì thực tế tàu không hư hỏng, không mất tích và mức tham gia bảo hiểm trước đó không cao). UBND huyện Bình Sơn đã thành lập Hội đồng xét chi trả hỗ trợ cho con tàu này đầu năm 2010, nhưng số phận con tàu này lại bị "đánh dạt" ra khỏi danh sách hỗ trợ, vì thiếu các hồ sơ thủ tục theo quy định (giấy phép khai thác thủy sản hết hạn nhưng chưa gia hạn).

Tháng 5/2010, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trương Ngọc Nhi kiêm Trưởng ban Phòng, chống bão lụt và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã đi kiểm tra tình hình chi trả hỗ trợ thiệt hại bão số 9 tại huyện Bình Sơn. Vụ việc con tàu mắc cạn của ngư dân Nguyễn Tấn Sơn đã được huyện kiến nghị xin UBND tỉnh cơ chế giải quyết. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trương Ngọc Nhi đã yêu cầu gia đình phối hợp với xã Bình Chánh và huyện lập thủ tục trình cơ quan chức năng xem xét gửi UBND tỉnh quyết định. Ngày 2/6/2010, UBND huyện Bình Sơn đã có Tờ trình xin hỗ trợ tàu QNg 95861 TS bị trôi dạt do bão số 9 gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh.

Thế nhưng, mãi đến nay, anh Sơn đã đến xã, huyện, đến tỉnh hỏi thăm tình hình giải quyết hỗ trợ cho con tàu này, mà vẫn chưa nhận được câu trả lời cụ thể. Anh Nguyễn Tấn Sơn cho biết: "Con tàu vẫn nằm đấy gia đình đã đi không biết bao nhiêu lần, nhưng xã thì bảo không có thẩm quyền giải quyết; huyện nói là đã gửi tờ trình nên hết trách nhiệm. Còn Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì cho biết có nhận được tờ trình, nhưng quyền quyết định là do lãnh đạo UBND tỉnh".

  Trao đổi về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trương Ngọc Nhi cho biết: "Đây là trường hợp thiệt hại chính đáng, UBND tỉnh đã yêu cầu lập đầy đủ thủ tục để cho cơ chế hỗ trợ. Tuy nhiên đến nay chưa thấy cơ quan tham mưu trình hồ sơ để xem xét". Hiện nay gia đình ngư dân Nguyễn Tấn Sơn vẫn chờ đợi sự hỗ trợ thiệt hại để có thể sớm đưa con tàu vươn khơi, tạo việc làm, thu nhập cho hàng chục ngư dân ở làng chài Mỹ Tân - Bình Chánh. Sự chờ đợi này nhanh hay chậm là phụ thuộc vào sự quan tâm đến nỗi cùng cực của ngư dân từ phía cơ quan có liên quan.

Hỡ trợ giống thủy sản: Dân vẫn chưa "chạm" được tiền hỗ trợ!
 
Tại kỳ họp Hội đồng Nhân dân huyện Tư Nghĩa vừa qua, nhiều đại biểu đã chất vấn Phòng Nông nghiệp huyện về việc thực hiện trách nhiệm trong giải quyết chi trả hỗ trợ giống thủy sản cho hộ nuôi tôm trên địa bàn bị thiệt hại do bão số 9. Đại diện lãnh đạo Phòng Nông nghiệp huyện giải trình: Trên địa bàn huyện có 150 ha/165 ha tôm nuôi (5 xã) bị thiệt hại trong bão số 9. Phòng đã hướng dẫn UBND xã phối hợp với người nuôi tôm lập hồ sơ, thủ tục theo quy định để trình cơ quan có thẩm quyền quyết địnhï. Tuy nhiên đến nay mới chỉ có 3/5 xã lập hồ sơ, trong số hồ sơ đã lập còn thiếu nhiều loại giấy tờ. Phòng đã yêu cầu các xã chưa lập hồ sơ, hồ sơ lập nhưng còn thiếu sớm bổ sung để hoàn tất gửi 1 lần cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định trình UBND tỉnh quyết định, nhưng UBND xã chưa thực hiện yêu cầu này.
 
Đại diện lãnh đạo Ủy ban Trung ương MTTQVN và Mặt trận tỉnh tặng quà gia đình bị thiệt hại trong cơn bão số 9 (2009) tại xã Bình Minh, huyện Bình Sơn.
Đại diện lãnh đạo Ủy ban Trung ương MTTQVN và Mặt trận tỉnh tặng quà gia đình bị thiệt hại trong cơn bão số 9 (2009) tại xã Bình Minh, huyện Bình Sơn.

UBND huyện Tư Nghĩa cũng cho biết, UBND tỉnh đã chỉ đạo căn cứ quy định, huyện ứng chi trả hỗ trợ thiệt hại giống thủy sản trước để kịp thời giúp các hộ nuôi tôm có điều kiện khôi phục sản xuất. Hiện tại huyện Tư Nghĩa đã bố trí nguồn kinh phí để chi hỗ trợ, nhưng việc cấp phát tiền hỗ trợ vẫn chưa thực hiện được. Ông Lê Trung Thành- Phó Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa, cho biết: "Nguồn kinh phí đã có, nhưng do tỉnh không ban hành mức hỗ trợ thiệt hại cụ thể là bao nhiêu tiền đối với mỗi hecta tôm nuôi nên không có căn cứ để cấp phát tiền hỗ trợ cho dân. Huyện đã báo cáo vướng mắc này về tỉnh và đang chờ tỉnh hướng dẫn".

Ngăn chặn "bệnh" chậm trễ: Từ đâu? Ngoài việc cấp phát tiền hỗ trợ chậm trễ, thời gian qua một số địa phương của huyện Bình Sơn còn xảy ra việc cấp phát tiền hỗ trợ sai đối tượng, gây bức xúc trong nhân dân. Lãnh đạo UBND các xã này đã nhận khuyết điểm, nỗ lực khắc phục bằng cách thu hồi số tiền cấp sai nộp về ngân sách, nhưng đến nay vẫn chưa thu hồi dứt điểm. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm phát sinh khiếu nại, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, đặc biệt là niềm tin của người dân đối với chính quyền địa phương.

Khi thực hiện chủ trương vận động cứu trợ, hỗ trợ bão số 9, thì ngoài ngân sách Trung ương phân bổ, người dân vùng lũ Quảng Ngãi còn nhận được tiền và hàng hóa cứu trợ từ các cá nhân, tổ chức, đơn vị trong và ngoài nước (trị giá hơn 44 tỷ đồng).  Các cấp chính quyền, cơ quan mặt trận đã trao đến tay người dân bị thiệt hại số tiền, hàng cứu trợ. Tuy nhiên thực tế vẫn phát sinh một số khiếu nại, thắc mắc, vì cho rằng chưa đúng đối tượng, chậm trễ, chưa công bằng... 

Quảng Ngãi lâu nay là địa phương thường phải hứng chịu nhiều thiệt hại do thiên tai, bão lũ. Mỗi khi bão quét qua nhiều gia đình lại rơi vào cảnh màn trời chiếu đất, kinh tế kiệt quệ. Vì vậy việc chuyển những khoản tiền hỗ trợ "nhanh chóng, đúng đối tượng, đủ số lượng, đảm bảo chất lượng" là phương châm phải thường trực sẵn trong mỗi tổ chức, đơn vị, cá nhân làm công tác cứu trợ; giải quyết chế độ hỗ trợ. Khi gặp vướng mắc phải báo cáo ngay với cơ quan có thẩm quyền để có biện pháp tháo gỡ. Làm được như thế mới có thể ngăn chặn được "căn bệnh" chậm trễ, sai sót trong cấp phát tiền, hàng cứu trợ; hỗ trợ cho gia đình bị thiệt hại sau bão.
 
 
*Ông Nguyễn Minh Tuấn - Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh: Nhân dân tăng cường giám sát việc hỗ trợ bão lũ.
Khi xảy ra bão lũ, việc cứu trợ, hỗ trợ giúp người dân ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất là việc làm thể hiện truyền thống của dân tộc, nét nhân đạo, từ thiện. Do đó đòi hỏi mỗi cán bộ, tổ chức, cơ quan, đơn vị làm công tác cứu trợ phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, hết mình với trọng trách được giao. Tuy nhiên trong quá trình thực thi nhiệm vụ cũng có phát sinh những bất cập, sai sót, gây ảnh hưởng đến kết quả cứu trợ, hỗ trợ. Theo tôi, người dân phải cần phải giám sát chặt chẽ hơn việc thực hiện chính sách này, để đảm bảo quyền lợi, mục tiêu là chính sách đề ra. Khi phát hiện vi phạm, cần báo cáo ngay với cơ quan mặt trận các cấp, để có hướng xử lý. Tiền, hàng cứu trợ, hỗ trợ dù ít hay nhiều, đều phải đến tận tay dân kịp thời.

 
*Ông Trương Ngọc Nhi - Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Xử lý nghiêm cán bộ vi phạm trong cấp phát tiền hỗ trợ bão lụt. Việc thực hiện chính sách hỗ trợ sau bão số 9 nhìn chung đảm bảo yêu cầu, đạt được mục đích. Tuy nhiên tại một vài nơi, người dân còn phát hiện cán bộ thực thi chưa làm hết trách nhiệm, như để chậm trễ; bình xét chọn đối tượng chưa chính xác... UBND tỉnh đã thành lập nhiều đoàn kiểm tra tình hình hỗ trợ sau bão số 9 và đã chấn chỉnh kịp thời ở một vài địa phương để xảy ra sai sót, chậm trễ. Một số huyện đã ban hành quyết định kỷ luật cán bộ vì cố tình làm sai chính sách hỗ trợ. Đối với địa phương để xảy ra chậm trễ trong hoàn tất thủ tục cấp phát tiền hỗ trợ, gây ảnh hưởng đến việc khắc phục sau bão lũ thì người đứng đầu địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh. UBND tỉnh sẽ kiên quyết xử lý những trường hợp cán bộ vi phạm, tuyệt đối không bao che. 

 
*Ông Phạm Văn Mùa - Chủ tịch UBND xã Ba Bích (Ba Tơ): Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ bão lũ cần rõ ràng, đầy đủ, minh bạch. Thời gian qua, việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ sau bão còn nhiều điểm vướng mắc. Một số cơ chế hỗ trợ chưa rõ ràng, nên địa phương khó thực hiện. UBND tỉnh cần nghiên cứu kỹ thực tế, từ đó ban hành chính sách hỗ trợ sát thực, có tính khả thi cao. Đặc biệt tỉnh cần điều chỉnh đưa vào danh mục hỗ trợ bão lụt thêm một số loại thiệt hại, đặc biệt là đối với những loại cây trồng, vật nuôi hiện đang là mũi nhọn trong phát triển kinh tế ở các huyện miền núi. Bởi vì thực tế có nhiều thiệt hại rất lớn, nhưng do không có tên trong danh mục, nên người dân không được nhận tiền hỗ trợ. Để tránh thiệt thòi cho người dân, UBND tỉnh cần phải xây dựng, bổ sung, sửa đổi cơ chế, chính sách hỗ trợ bão lũ đầy đủ, rõ ràng, minh bạch hơn.

 
*Ông Đinh Văn Viết, ở xã Sơn Tinh (Sơn Tây): Thực hiện công bằng trong cấp phát tiền, hàng cứu trợ; kinh phí hỗ trợ bão lụt. Việc chọn đối tượng cấp phát tiền, hàng cứu trợ; kinh phí hỗ trợ lâu nay thường dựa vào sự bình xét của chính quyền địa phương: Huyện dựa vào xã, xã dựa vào thôn. Chính vì vậy cán bộ thôn phải tìm hiểu thật kỹ từng hoàn cảnh cụ thể bị thiệt hại do bão lũ. Khi chọn đối tượng phải tổ chức họp bình xét, người thiệt hại nhiều thì được hỗ trợ nhiều; thiệt hại ít thì nhận hỗ trợ ít. Người dân cũng phải nêu cao tính  tự nguyện chia sẻ trong hoạn nạn. Quá trình bình xét không đảm bảo nguyên tắc dân chủ, thì việc cấp phát hàng cứu trợ, kinh phí hỗ trợ sẽ không công bằng.

 


Thanh Nhị  

.