Nông dân "lướt web" làm giàu: Con đường còn xa...

03:07, 02/07/2010
.

Trong khi nhiều ngành nghề biết tận dụng internet để phát triển thì ngành nông nghiệp ở tỉnh ta dường như vẫn đứng bên lề. Và chuyện nông dân biết "lướt web" để làm giàu vẫn còn khá hiếm ở Quảng Ngãi. Trong xu thế hội nhập, toàn cầu hóa như hiện nay thì ngành nông nghiệp cần có những bước đột phá để đi lên...

 Muôn nỗi gian truân
Hiện nay ở các vùng nông thôn, không hiếm các quán internet và quán nào cũng đông khách nhưng chủ yếu là các khách hàng "nhí" và đến là để... chơi game. Hiếm thấy có "bác" nông dân quần ống thấp, ống cao nào vào quán để... đọc báo hay tìm thông tin trên mạng internet. Chưa có con số chính xác, nhưng theo Sở Thông tin và Truyền thông thì số nông dân có máy tính để truy cập internet hiện nay quá ít. Toàn tỉnh có khoảng 20/100 người dân có máy tính nối mạng nhưng chủ yếu là ở thành thị, còn ở vùng nông thôn thì khá hiếm.
 
 Nếu biết quảng bá hình ảnh trên mạng, nhiều làng nghề truyền thống trong tỉnh có điều kiện phát triển.  Trong ảnh: Làng nghề dệt thổ cẩm ở Ba Tơ Mô hình nuôi cá sấu của ông Nguyễn  Bá Dư
Nếu biết quảng bá hình ảnh trên mạng, nhiều làng nghề truyền thống trong tỉnh có điều kiện phát triển.

Nhà nào kinh tế khá thì chủ yếu mua máy tính cho con để học tập chứ ít người ý thức sử dụng công nghệ thông tin để phát triển sản xuất. Ở những vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc miền núi sinh sống thì lại càng ít có ai ý thức về tầm quan trọng của công nghệ thông tin. Nói đâu xa, ngay như điểm bưu điện văn hóa xã, bà con còn hiếm khi quá bộ "ghé thăm" để đọc tờ báo thì nói gì đến lên mạng. Thậm chí nhiều người còn không biết internet là cái gì hoặc chỉ mới nghe nói chứ chưa thấy. Bên cạnh đó, việc tiếp cận công nghệ thông tin cũng có nhiều khó khăn đối với người nông dân.

Anh Nguyễn Văn Hay (42 tuổi) ở xã Tịnh Long (Sơn Tịnh) thở dài: "Tiếp cận với công nghệ mới này đối với tôi còn gặp khó huống chi là với những người lớn tuổi. Hơn nữa, suốt ngày đầu tắt mặt tối ngoài đồng thì thời gian đâu mà lên mạng". Anh Hay còn cho biết, việc đầu tư 1 dàn máy vi tính và trả thuê bao cước hàng tháng đối với người nông dân hiện nay thì không nhiều hộ có thể thực hiện được. Mặt khác, với nhiều nhu cầu thiết thân trước mắt như ăn, ở, học hành của con cái... thì ít người dám bỏ ra tiền triệu khi họ chưa thấy được lợi ích của nó.

Nếu đã không thể tự trang bị máy tính để "lướt web" thì với người nông dân, tìm kiếm nhu cầu này ở các điểm bưu điện văn hóa xã là hợp lý nhất. Tuy nhiên hiện toàn tỉnh có 160 điểm bưu điện văn hóa xã thì số điểm có trang bị máy tính nối mạng chỉ đếm trên đầu ngón tay mà chủ yếu là "tự chi tự thu". Nếu không có sự hỗ trợ thì không biết đến khi nào các điểm bưu điện văn hóa xã mới có máy tính khi các điểm này hiện đang trong tình trạng cầm cự. Hơn nữa, không phải những người công tác ở bưu điện văn hóa xã nào cũng đều có kiến thức về internet và có khả năng truy cập mạng. Như vậy, con đường để nông dân tiếp cận với Intenet là cực kỳ khó khăn.

Lợi đơn lợi kép
Khá nhiều nông dân đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi mà chúng tôi gặp đều có một điểm chung: Luôn chịu khó tìm tòi, học hỏi thông tin trên mạng internet cũng như sách báo, tivi. Nhờ vậy, từ chỗ nghèo khó với 2 bàn tay trắng, họ đã học hỏi những mô hình làm kinh tế hiệu quả của nông dân trong tỉnh cũng như ở tỉnh bạn để có thể mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Chẳng hạn như ông Nguyễn Bá Dư (50 tuổi, ở xã Đức Lân, Mộ Đức).

Trước đây, ông nuôi gà, heo nhưng đều không có hiệu quả. Sau đó, nhờ tham khảo trên mạng internet cùng với sự giúp đỡ của người bà con, ông Dư đã mạnh dạn theo nghề còn khá mới mẻ ở Quảng Ngãi: Nghề nuôi cá sát thủ (cá sấu) với gần 30 con cá sấu trong chuồng, dự tính xuất bán thu về hàng trăm triệu đồng. Ông Dư cũng cho biết, mạng Internet còn là kho tư liệu về khoa học kỹ thuật khá phong phú để bà con nông dân có thể tham khảo.

Nông dân có thể nắm bắt các tin tức thời sự, các kiến thức khoa học, kỹ thuật, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, theo dõi tình hình nông nghiệp, nông thôn, giá cả các mặt hàng phân bón, thuốc BVTV, tình hình dịch bệnh, cơ cấu mùa vụ... Có được những kiến thức trên, người nông dân sẽ chủ động hơn trong các hoạt động sản xuất, chăn nuôi, phòng bệnh cho gia súc, gia cầm.

Một điều trăn trở lâu nay của người nông dân chính là tìm đầu ra cho sản phẩm. Nói đâu xa, ngay như mô hình trồng rau an toàn ở xã Nghĩa Dũng (TP.Quảng Ngãi). Khi hợp tác xã "buông tay" thì người nông dân gần như bế tắc trong  khâu tiêu thụ, dẫn đến lúng túng trong cả khâu sản xuất, chịu sự thao túng của thị trường, bị tư thương ép giá. Như vậy, thay vì ngồi chờ đợi "kế sách" của các ngành liên quan, nông dân sản xuất rau ở xã có thể "lướt web" để quảng bá và bán sản phẩm của mình như khá nhiều nơi ở tỉnh bạn đã làm và làm được.
 
Mô hình nuôi cá sấu của ông Nguyễn Bá Dư ở Đức Lân (Mộ Đức)
Mô hình nuôi cá sấu của ông Nguyễn Bá Dư ở Đức Lân (Mộ Đức)

 Có những làng trồng rau ở phía Bắc, nông dân chỉ cần ngồi nghe điện thoại và check mail trên mạng cũng bán được rau, không phải chạy đôn chạy đáo. Nhờ vậy, việc tiêu thụ sản phẩm không còn bị tư thương ép giá vì giá các mặt hàng đã được nông dân tra cứu trên mạng, việc "thuận mua vừa bán" cũng đã được thực hiện... trên mạng, nhờ vậy, có thể tiết kiệm được thời gian. Mặt khác qua mạng, người dân có thể tìm hiểu được các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Điều này sẽ giúp nâng cao dân trí, góp phần thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn.

Tuy nhiên để có bước đột phá là sử dụng công nghệ thông tin vào hoạt động sản xuất nông nghiệp vẫn là một chặng đường dài với nhiều gian khó. Trước hết, để nông dân nhận thức được vai trò của internet trong đời sống, sản xuất, cần có sự tuyên truyền và hỗ trợ từ phía chính quyền, các cấp Hội nông dân. Bên cạnh đó, thông qua những cán bộ phụ trách bưu điện văn hóa xã, người nông dân sẽ được hướng dẫn cách tra cứu thông tin. Các lớp tập huấn về công nghệ thông tin cũng thật sự cần thiết để giúp nông dân có thêm kỹ năng “lướt web”. Nên chăng, nếu có được sự vào cuộc của các doanh nghiệp như các chương trình khuyến mãi, bán máy vi tính trả góp... để trên 200 nghìn hộ nông dân trong tỉnh sẽ có nhiều cơ hội có máy vi tính.                                                       
 
*Ông Võ Việt Chính - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh:
Hội sẽ đẩy mạnh dịch vụ tư vấn hỗ trợ để nông dân sử dụng internet tại các điểm bưu điện văn hóa xã nhằm phát triển sản xuất, giải quyết công ăn việc làm, đáp ứng nhu cầu thông tin của nông dân. Trước mắt, Hội vừa trang bị cho 4 huyện, mỗi huyện 1 máy vi tính có cài đặt cơ sở dữ liệu để phục vụ cho nông dân. Đặc biệt, hội sẽ tuyên truyền, khuyến khích họ vay vốn thông qua chương trình kích cầu để mua máy vi tính. Năm qua, tỉnh Hội đã ký kết với Sở Thông tin và Truyền thông về chương trình hoạt động giữa 2 ngành để giúp nông dân tiếp cận với công nghệ thông tin. Kinh phí để trang bị máy móc đối với người nông dân thực sự khó khăn, Hội phấn đấu trước hết trang bị máy cho các câu lạc bộ nông dân, chi hội nông dân ở thôn, xã. Nhiều người cùng sử dụng máy tính vừa tiết kiệm chi phí, lại vừa có điều kiện trao đổi thông tin cho nhau nhiều hơn.

*Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông:
Theo khảo sát gần đây, toàn tỉnh có khoảng 23.000 điểm kết nối internet, mật độ khoảng 20/100 người có điều kiện truy cập internet, chủ yếu là ở vùng đồng bằng, ở miền núi thì rất thưa thớt. Từ năm 2007, đơn vị đã tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện dự án đưa điện thoại, internet về nông thôn nhưng do còn vướng nên chưa triển khai được. Mục tiêu của đề án là tập huấn hướng dẫn kỹ năng sử dụng internet cho nông dân; xây dựng trang thông tin điện tử để cung cấp kiến thức khoa học công nghệ cho họ. Phấn đấu 160 điểm bưu điện văn hóa xã hiện nay đều được trang bị máy tính để người dân nông thôn có điều kiện truy cập tìm thông tin. Tuy nhiên để miền núi tiến kịp miền xuôi, thông tin liên lạc có thể phủ sóng khắp nơi thì cần phải có sự đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng. 

*Ông Trần Độ (xã Đức Hòa, huyện Mộ Đức):
Đạt danh hiệu nông dân sản xuất giỏi đã nhiều năm, hiện nhà tôi có khoảng 50 con heo cái sinh sản, 11 heo đực giống và hơn 100 heo con cùng nhiều hecta trồng chanh, chuối và trồng rừng. Một trong những yếu tố thành công của tôi là biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi và trồng trọt. Nhờ có máy tính nối mạng tại nhà, tôi cùng con trai thường xuyên tìm hiểu những thông tin về bệnh mà heo thường mắc, cách cho ăn sao cho ít tốn chi phí mà lại nạc hóa đàn heo. Bên cạnh đó, tôi cũng tìm hiểu cách vệ sinh chuồng trại sao cho khoa học và hợp lý, tham khảo thêm 1 vài mô hình sản xuất hiệu quả của một số nông dân tỉnh bạn để mở rộng thêm sản xuất. Dự định của tôi là sẽ lập trang web để giới thiệu sản phẩm và bán hàng trên mạng.

*Bà Nguyễn Thị Mai (xã Tịnh Long, huyện Sơn Tịnh):
Nhà tôi có 3 ha trồng lúa và gần 100 con gà, ngoài ra còn nuôi thêm vài con heo, con bò. Lâu nay trồng trọt hay chăn nuôi cũng từ kinh nghiệm truyền thống, được nhờ, rủi chịu chứ ít có điều kiện để phòng ngừa. Vì vậy dù chăm chỉ trồng rau, nuôi gà, trồng lúa nhưng chỉ đủ ăn. Nếu gặp dịch bệnh thì coi như mất trắng. Tôi cũng có nghe nói lên mạng có rất nhiều thông tin bổ ích, cần thiết nhưng chưa có dịp lên xem. Nếu có điểm truy cập ở thôn thì nông dân chúng tôi sẽ hưởng ứng rất nhiệt tình. Nếu có thu phí, chúng tôi cũng sẽ chấp nhận.

P.T

.