Hỗ trợ nông dân mua máy móc, vật tư nông nghiệp: Chính sách: Có, thực hiện: Gần như không

03:07, 25/07/2010
.

(QNg) - Quyết định 497/QĐ-TTg ngày 17/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ lãi suất (HTLS) mua sắm máy móc, vật tư nông nghiệp và vật liệu xây dựng làm nhà ở nông thôn (gọi tắt QĐ 497) là một trong những giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội ở địa phương. Chính sách này được gia hạn kéo dài đến tháng 12/2012. Tuy nhiên thực tế ở Quảng Ngãi nguồn vốn hỗ trợ vẫn chưa đến tay nông dân một cách rộng rãi. 

NHỮNG CON SỐ 0:
Có thể nói, Quảng Ngãi đã triển khai thực hiện chính sách này khá sớm. Ngay sau khi có QĐ 497 và các văn bản hướng dẫn từ Trung ương, Ngân hàng Nhà nước Quảng Ngãi đã chỉ đạo các ngân hàng (NH) thương mại trên địa bàn thực hiện chính sách này.
 
Thế nhưng đến 30/6/2010, nghĩa là hơn 1 năm cho vay HTLS, mới có khoảng 120 cá nhân, hộ gia đình và doanh nghiệp vay trên 8,5 tỷ đồng, số tiền HTLS ước chừng 357 triệu đồng. Con số này chỉ hơn 1% so với tổng vốn vay trong cả nước.
 
Anh Nguyễn Thanh Hùng (Mộ Đức) mua máy gặt đập liên hiệp nhưng không được HTLS.
Anh Nguyễn Thanh Hùng (Mộ Đức) mua máy gặt đập liên hiệp nhưng không được HTLS.

Trong báo cáo mà NHNN tỉnh đã tổng hợp đến 30/6 thì hầu hết các NH đều báo một con số 0 tròn trĩnh. Quảng Ngãi hiện có 18 NH có mặt trên địa bàn nhưng đến nay chỉ có 3 NH cho vay theo quyết định 497, chủ yếu là NH NN&PTNT với tổng mức cho vay là 8,452 tỷ đồng (98,8% tổng vốn cho vay). Hai NH còn lại là NH Xuất nhập khẩu (cho vay 66 triệu đồng) và NH Ngoại thương (cho vay 27 triệu đồng). Theo lãnh đạo NHNN chi nhánh Quảng Ngãi thì họ chỉ ra văn bản, còn việc thực hiện hay không là... quyền của NH thương mại.

Trong khi đó, mặc dù dẫn đầu các NH về việc thực hiện QĐ 497 nhưng trong hệ thống NH nông nghiệp trên địa bàn tỉnh có 4 chi nhánh là Lý Sơn, Dung Quất, Trà Bồng và thành phố Quảng Ngãi chưa giải ngân bất cứ đồng nào theo QĐ 497. Lý giải về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Giao-Trưởng phòng tín dụng (NHNN&PTNT Quảng Ngãi) cho biết: Bốn chi nhánh này đều báo về hội sở không có nông dân nào có nhu cầu vay!

Với nguồn vốn hỗ trợ, các hộ nông dân đã mua sắm xe tải nhẹ trọng tải dưới 5 tấn; các loại máy cày, máy xới, máy làm đất; máy gặt đập liên hợp phục vụ sản xuất, chế biến nông nghiệp (gần7 tỷ đồng). Ngoài ra, nông dân mua các loại vật liệu xây dựng để làm nhà ở. Như vậy trên thực tế, nhu cầu vay vốn kích cầu của nông dân là có thực và ngày càng lớn. Thế nhưng vẫn còn rất nhiều NH thương mại trên địa bàn Quảng Ngãi "nói không" với nông dân.

“MUỐN VAY VỐN PHẢI Ở... MẶT ĐƯỜNG":
Trong vô vàn những lý do mà NH "làm khó" nông dân, chuyện NH yêu cầu nông dân phải ở... mặt đường khiến không ít người đành bó tay trước chính sách hỗ trợ này. Anh Nguyễn Thanh Hùng, ở thôn 2, xã Đức Nhuận (Mộ Đức) vẫn chưa hết bức xúc kể: Khi nghe có chủ trương cho nông dân vay vốn HTLS mua máy móc, vật tư nông nghiệp, tôi khấp khởi mừng cùng mấy anh em trong gia đình cầm cả 3 sổ đỏ đến NH để thế chấp vay mua máy gặt đập liên hợp (giá trị khoảng 200 triệu đồng) nhưng NH nông nghiệp huyện không cho vay, họ bảo "chủ máy muốn vay vốn phải ở mặt đường mới cho vay". Nông dân mà không ở gần ruộng thì ở đâu, bị "bắt bí" tôi đành rẽ sang NH chính sách vay tiền và phải chịu lãi suất như bình thường.

Ngoài chuyện "bắt bí" nông dân như ở Mộ Đức, còn có nhiều nguyên nhân làm cho chính sách HTLS của Chính phủ vẫn chưa đến được tay nông dân, dù thời gian được hưởng chính sách đã cạn dần.

Phần lớn nông dân hiện vẫn chưa nắm được thủ tục, cách thức làm hồ sơ vay vốn. Theo Quyết định 497, máy móc, thiết bị muốn được HTLS phải là hàng sản xuất trong nước. Nhưng điều này không dễ đáp ứng bởi hầu hết sản phẩm nằm trong danh mục được HTLS có loại không thấy trên thị trường, có loại không đáp ứng được nhu cầu sử dụng của nông dân. Hay như thời gian vay mua vật liệu xây dựng làm nhà ngắn, nhiều nơi cung ứng vật liệu xây dựng không có hóa đơn chứng từ nên nông dân đành chịu.
 
Bên cạnh đó,  nhu cầu vay vốn mua sắm vật tư nông nghiệp nhiều, nhưng lại chỉ được hỗ trợ 4% lãi suất (mua máy móc được hỗ trợ 100%), những khoản vay loại này hoàn vốn cho ngân hàng chỉ sau một vụ thu hoạch. Đây là lý do mà cho đến thời điểm này chưa có nông dân Quảng Ngãi nào vay vốn mua sắm vật tư nông nghiệp.
***
Việc HTLS cho vay được coi là cú huých để từng bước thực hiện CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn, bởi nó góp phần đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp, nông thôn, khơi thông sức mua trên thị trường nông thôn. Không những thế, mỗi chủ máy gặt đập liên hợp không chỉ giải quyết việc làm cho 3 lao động mà việc đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng còn giải quyết bài toán khan hiếm lao động ở nông thôn hiện nay.
 
Vì thế để QĐ 497 thật sự mang lại lợi ích cho nông dân, thì các NH thương mại cần quan tâm hơn nữa đến người lao động ở nông thôn, tiếp tục cải thiện quy trình, thủ tục thẩm định dự án vay vốn, giải ngân vốn vay nhanh chóng, kịp thời theo nhu cầu người vay.

 
* Ông Nguyễn Văn Chậm-Trưởng phòng Tổng hợp NHNN-chi nhánh Quảng Ngãi:
Để giám sát thực hiện QĐ 497, hằng tháng NHNN đều yêu cầu các NH thương mại báo cáo kết quả cho vay. Nhưng thực tế có rất ít NH thực hiện chính sách hỗ trợ theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Chỉ có NH NN&PTNT thực hiện tương đối tốt chính sách này vì họ có hệ thống chi nhánh rộng khắp ở các địa bàn nông thôn. Với các NH khác, họ không thực hiện hoặc thực hiện rất ít Ngân hàng Nhà nước cũng đành chịu, vì đó là quyền tự chủ của các Ngân hàng thương mại.

* Ông Trần Ngọc Vinh-Trưởng Ban Kinh tế (Hội Nông dân tỉnh): Trên thực tế có nhiều nguyên nhân làm cho nông dân tiếp cận với nguồn vốn  HTLS này còn thấp. Đa số nông dân có nhu cầu vay nhưng còn nợ NH nên không thể làm thủ tục vay hỗ trợ lãi suất. Một số nông dân có nhu cầu vay mua máy móc thiết bị làm đất có công suất lớn nhưng sản xuất trong nước, không đáp ứng được nhu cầu nên nông dân không làm thủ tục vay. Bên cạnh đó, vẫn còn không ít nông dân chưa tiếp cận thông tin cho vay hỗ trợ lãi suất theo Quyết định 497 một cách rõ ràng, khi đi làm thủ tục thì ngại khó.

 
* Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Mộ Đức Lê Minh Tưởng:
Khi có chính sách này Hội đã chủ động phối hợp với ngân hàng nông nghiệp, tuyên truyền đến các xã để nông dân trong huyện được tiếp cận với nguồn vốn vay được thuận lợi. Thế nhưng cho đến nay, nông dân mới vay vốn mua được 3 phương tiện là máy gặt đập liên hợp. Thực tế, việc nông dân phải thế chấp tài sản trong khi phần lớn họ có quá ít tài sản, rồi việc nông dân phải có hóa đơn chứng từ cho đủ thủ tục cũng rất khó nên nguồn vốn vay hỗ trợ vẫn còn hạn chế.

 
* Ông Phạm Hải, thôn 3, xã Đức Nhuận (Mộ Đức):
Hiện nay nhiều nông dân có nhu cầu vay vốn để mua máy móc phục vụ sản xuất, chế biến nông nghiệp nhưng vẫn khó tiếp cận với nguồn vốn của ngân hàng. Gia đình tôi đã vay được vốn để mua một máy gặt đập liên hợp nhưng họ chỉ cho vay 20 tháng trong khi quy định tối đa đến 24 tháng. Nhưng chưa hết, mới sang tháng thứ 13 (hợp đồng cho vay từ 22/6/2009-22/6/2011), ngân hàng đã phát thông báo là chúng tôi nợ quá hạn làm cho chúng tôi rất khó khăn. Thiết nghĩ, ngân hàng cần làm đúng chủ trương, chính sách của Chính phủ để nông dân chúng tôi được hưởng lợi.

H.T

.