Thực hiện chế độ tự chủ biên chế, tài chính: Lợi nhiều, nhưng cũng lắm bất cập!

04:06, 18/06/2010
.

(QNg) - Sau 4 năm triển khai thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với cơ quan hành chính nhà nước, hiệu quả của cơ chế này đã thể hiện rõ. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cũng bộc lộ không ít bất cập cần phải được tháo gỡ...

 Xóa bỏ cơ chế "xin - cho"
Chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính theo Nghị định 130/NĐ-CP được UBND tỉnh triển khai thực hiện từ năm 2007. Theo đó căn cứ vào biên chế hiện có, UBND tỉnh sẽ giao định mức kinh phí cho cơ quan hành chính (sở, ngành và huyện, thành phố) để các cơ quan này tự chủ chi tiêu hành chính trong năm. Sau 4 năm thực hiện, sự phù hợp và hiệu quả của cơ chế này đã được khẳng định rõ rệt. Đó là từng bước hạn chế tình trạng cơ quan chủ quản cấp trên can thiệp quá sâu vào công việc của cơ quan cấp dưới; tạo điều kiện để cơ quan hành chính chủ động điều hành kế hoạch chi tiêu; chấm dứt tình trạng "chạy" xin cấp kinh phí như thời gian trước đây...
 
 Nhiều năm nay, Ban Quản lý các KCN tỉnh hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ được giao nhờ thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế, kinh phí. Trong ảnh: Cán bộ Ban Quản lý tiếp nhận, giải quyết hồ sơ cho doanh nghiệp.
Nhiều năm nay, Ban Quản lý các KCN tỉnh hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ được giao nhờ thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế, kinh phí. Trong ảnh: Cán bộ Ban Quản lý tiếp nhận, giải quyết hồ sơ cho doanh nghiệp.

Ông Phạm Cao Trận - Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa cho biết: "Kể từ khi thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về biên chế, kinh phí quản lý hành chính thì huyện đã thực sự chủ động xây dựng quy chế chi tiêu, điều hành kịp thời các hoạt động của địa phương; đặc biệt không phải mất thời gian lập thủ tục "xin" kinh phí, nhất là đối với số kinh phí còn dư vào cuối năm". Điều quan trọng nhất là nhiều cán bộ, công chức cơ quan hành chính cho chúng tôi biết khi thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế, kinh phí là họ được tham gia bàn bạc, thảo luận, xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ; hằng tháng, quý được công khai về các khoản thu, chi tài chính trong cơ quan... Từ đó tạo sự đồng thuận, nâng cao ý thức trách nhiệm, thực hiện quyền giám sát trong thực thi công vụ và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong CBCC.

Anh Nguyễn Minh Tài - một công chức hành chính của tỉnh cho biết: "Khi chưa thực hiện chế độ tự chủ, chuyện tiếp khách, chi tiêu thường chỉ do một mình thủ trưởng quyết. Bây giờ thì chuyện này đã được quy định rõ trong quy chế chi tiêu và được công khai đến tập thể cán bộ, công chức biết, nên thủ trưởng không thể tự ý làm khác. Điều này cũng góp phần vào việc ngăn ngừa tham nhũng phát sinh".

Nói về sự phù hợp và hiệu quả của cơ chế này, nhiều cán bộ, công chức cũng cho biết: Trước đây việc cấp lương hàng tháng thường chậm trễ, do phải chờ đợi "xin" kinh phí. Còn nay việc trả lương đều đặn, đúng "lịch" hơn, vì cơ quan đã được giao kinh phí ngay từ đầu năm.

Tăng thu nhập cho CBCC
Hiện tại Quảng Ngãi có 100% cơ quan hành chính cấp tỉnh và huyện đã được giao thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế, kinh phí. Trong quá trình triển khai thực hiện, nhiều cơ quan, đơn vị đã sử dụng kinh phí được giao đúng mục đích, có hiệu quả, trong đó có thực hành tiết kiệm, tăng thu nhập cho cán bộ, công chức. Điển hình là các Sở: Giao thông Vận tải, Xây dựng, Tài chính, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh... Từ số tiền tiết kiệm chi hành chính, hằng năm các đơn vị này chi tăng thêm thu nhập cho mỗi cán bộ, công chức bình quân 5 đến 10 triệu đồng/năm.

Đối với cấp huyện, thành phố, thì huyện Sơn Tịnh đã thực hành tiết kiệm tương đối tốt, để tăng thêm thu nhập cho cán bộ mỗi quý 400.000 đồng đến 1.000.000 đồng. Cá biệt có những phòng, ban, nhờ tiết kiệm tốt cộng với số phí thu từ dịch vụ hành chính, đã tăng thêm thu nhập cho cán bộ mỗi tháng tương đương với tiền lương tháng. Có thêm thu nhập, nhiều cán bộ công chức đã nâng cao tinh thần trách nhiệm, phấn khởi trong thực thi công vụ, từ đó nâng chất lượng hoạt động của bộ máy hành chính. Ông Nguyễn Minh Tài - Chủ tịch UBND huyện Sơn Tịnh cho biết: "Tuy việc tăng thêm thu nhập hàng tháng cho cán bộ công chức chưa nhiều, nhưng đây cũng là nguồn động viên, cổ vũ để cán bộ hăng say công việc, đồng thời có thêm điều kiện để cải thiện, nâng cao đời sống”.

* Còn lắm bất cập
Phản ánh của hầu hết các sở, ngành, địa phương đối với Đoàn giám sát của Ban Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh trong đợt giám sát thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về biên chế, kinh phí quản lý hành chính là định mức khoán và biên chế được giao. Theo đó hiện tại định mức khoán kinh phí hành chính quá thấp (mức 31 triệu đồng/biên chế/năm); biên chế thì tùy theo chức năng, nhiệm vụ của sở, ngành, địa phương, tỉnh sẽ giao biên chế, nhưng hiện cũng thấp, chưa đáp ứng yêu cầu công việc. Do đó nhiều địa phương, sở, ngành đã phải hợp đồng thêm nhân viên và sử dụng kinh phí được giao để trả lương cho nhân viên này, đã ảnh hưởng đến kinh phí cơ quan, đơn vị. Chẳng hạn như huyện Minh Long ngoài số biên chế được giao là 55 còn hợp đồng thêm hơn 20 nhân viên khác, để có thể cáng đáng công việc được giao. Số nhân viên hợp đồng này sẽ được trả lương từ nguồn kinh phí được giao. Từ đó số kinh phí tiết kiệm được ở địa phương này hàng năm rất ít. Trong khi đó, giá cả văn phòng phẩm, điện... tăng cao so với trước đây, cũng làm phát sinh chi hành chính.

Ông Lý Đức - Chủ tịch UBND huyện Minh Long cho biết: Với định mức giao biên chế, kinh phí như hiện nay thì giỏi gói ghém lắm mới chỉ đủ chi, chưa thể tiết kiệm để tăng thu nhập cho cán bộ công chức được. Hơn nữa vì là huyện miền núi còn nhiều thiếu thốn về trang thiết bị, nên khi thực hành tiết kiệm được cũng phải đầu tư mua sắm máy vi tính, bàn ghế làm việc... Tóm lại, thực hiện Nghị định 130/NĐ-CP trên địa bàn huyện mới chỉ được "cởi trói" cơ chế "xin - cho", để tự chủ chi tiêu, còn việc tăng thu nhập thì chưa đáng là bao!
          ***
Khi triển khai thực hiện Nghị định 130/NĐ-CP quy định về chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong sử dụng biên chế, kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan hành chính nhà nước, UBND tỉnh đã kỳ vọng sẽ đem lại nhiều lợi ích: Xóa bỏ cơ chế "xin - cho", tăng thu nhập, tăng hiệu quả hoạt động bộ máy hành chính. Tuy nhiên do định mức khoán thấp, biên chế được giao chưa phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, đã ảnh hưởng đến kết quả thực thi Nghị định này. Vấn đế này đã được các cơ quan hành chính phản ánh đến HĐND, UBND tỉnh - hai cơ quan có thẩm quyền, chức năng xem xét giải quyết với kỳ vọng sẽ sớm được tháo gỡ.

 
*Bà Cù Thị Thanh Mai - Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh: "Tiết kiệm chi tiêu hành chính phải đi đôi với nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính"

Bản chất của Nghị định 130/NĐ-CP là xóa bỏ cơ chế “xin - cho” trong cấp phát kinh phí hành chính, tăng thu nhập, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. 3 yêu cầu này phải song hành trong quá trình thực hiện nghị định, mục đích là để cải cách tài chính công, nâng cao hiệu lực quản lý của bộ máy hành chính. Tuy nhiên khi triển khai thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế, kinh phí quản lý hành chính thì nảy sinh tình trạng vì mong muốn tiết kiệm chi càng nhiều càng tốt, để có thể chi tăng thêm thu nhập cho CBCCVC, nên thủ trưởng đơn vị không đầu tư mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động hành chính, cắt giảm triệt để chi tiêu nội bộ, dẫn đến ảnh hưởng đến hoạt động của bộ máy. Ở đây việc cắt giảm chi tiêu hành chính nhưng chỉ cắt giảm chi tiêu không cần thiết, chứ không phải là cắt tất cả. Lấy ví dụ nếu một em bé cần thiết phải cho mỗi ăn ngày từ 4 đến 5 bữa với lượng thức ăn, sữa, trái cây, nhưng nếu cắt giảm chỉ còn 2 đến 3 bữa, với lượng sữa, trái cây, thức ăn hạ xuống, thì sẽ ảnh hưởng trầm trọng đến sức khỏe của trẻ.

 
*Ông Nguyễn Tấn Tới - Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Long: "Nâng cao chất lượng lao động, để có thể cắt giảm biên chế, tăng thu nhập cho CBCC"

Hiện nay tình trạng quản lý sử dụng lao động tại một số cơ quan hành chính còn chưa hiệu quả; cán bộ làm việc chưa hết công suất. Hầu hết các cơ quan hành chính khi được giao biên chế đều sử dụng hết, chứ chưa thực hiện tiết kiệm biên chế. Chẳng hạn một cơ quan được giao 5 biên chế, nhưng nếu chỉ sử dụng 3 hoặc 4 biên chế thì tỉnh vẫn cấp kinh phí cho 5 biên chế. Toàn bộ số kinh phí, biên chế tiết kiệm được cơ quan, đơn vị được quyền chủ động chi tiêu theo quy chế chi tiêu nội bộ đã được tập thể CBCCVC bàn bạc, thống nhất. Tuy nhiên muốn thực hiện tiết kiệm biên chế, thì thủ trưởng cơ quan, đơn vị phải có kế hoạch sắp xếp bộ máy khoa học, nâng cao chất lượng làm việc của đội ngũ CBCCVC, để có thể làm thay công việc của biên chế đã tiết giảm.

 
* Ông Cao Huyên- Trưởng phòng Nội vụ huyện Minh Long: Tăng biên chế cho bộ máy hành chính cấp huyện

Nhiều năm nay việc cấp phát biên chế cho cấp huyện tăng không đáng kể. Trong khi đó chức năng, yêu cầu nhiệm vụ ngày càng nhiều. Với số lượng biên chế được giao này huyện không thể tiết kiệm được, mà ngược lại còn phải hợp đồng thêm nhân viên vào làm việc. Mặt khác mỗi năm số lượng học sinh, sinh viên tốt nghiệp đại học có mong muốn về địa phương công tác, nhưng do chỉ tiêu biên chế được giao không tăng nên không thu hút được số học sinh, sinh viên này. Tình hình này nếu không được cải thiện sớm, thì sẽ gây nhiều khó khăn cho hoạt động của bộ máy hành chính cấp huyện.

 
*Ông Phạm Văn Non - Chủ tịch UBND xã Ba Giang (Ba Tơ): Mở rộng chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về biên chế, kinh phí đến xã, phường, thị trấn


Trong Nghị định 130/NĐ-CP có đề cập đến việc giao quyền tự chủ về sử dụng biên chế, kinh phí quản lý hành chính đến xã, phường, thị trấn nếu địa phương xét thấy khả năng thực hiện được. Tỉnh ta đã giao quyền tự chủ cho 100% cơ quan hành chính cấp huyện và xác định là phù hợp với thực tiễn. Như vậy tỉnh cần phải khảo sát, lập đề án để tiến đến giao quyền tự chủ cho xã, phường, thị trấn, để tạo điều kiện cho chính quyền cơ sở chủ động chi tiêu, thực hành tiết kiệm, tăng thu nhập, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Hiện tại có nhiều tỉnh, thành phố trong nước đã triển khai giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về biên chế, kinh phí quản lý hành chính đến xã, phường, thị trấn và đạt được nhiều kết quả.

THANH NHỊ

.