Tâm sự nghề báo

08:06, 21/06/2010
.

(QNg) - Nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6), chúng tôi xin giới thiệu tâm sự của một số nhà báo về về nghề báo.

* Nhà báo Hoàng Danh (Nguyên quyền Giám đốc Đài PT-TH tỉnh): "Tay ngang làm báo"
 
Nhớ lại những năm đầu 1960, số anh em trẻ thoát ly lên căn cứ học hành ít lắm, chẳng ai là "ông cử, cậu tú" cả. Sau này miền Bắc chi viện cán bộ vào miền Nam mới có đội ngũ trí thức hùng hậu. Hồi ấy trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam có bản tin đọc chậm. Các anh lãnh đạo giao cho tôi nghe đài, chép tin. Rồi dần dần bảo tôi soạn viết tin tức để in báo "Giải Phóng" của tỉnh. Một hôm anh Trần Anh Tế- Tỉnh ủy viên, Phó Ban  tuyên giáo Tỉnh ủy phụ trách Tuyên truyền báo chí bảo tôi: "Cậu tập viết báo đi, anh thấy viết được đó". Anh nói vui: "Mai mốt hòa bình thống nhất, viết bài báo được bốn hào-tô phở ngon lắm. Phải nói lúc đó trong mấy anh em thoát ly ở Ban tuyên huấn, tôi thuộc loại "có chữ" hơn chút ít. Hồi còn nhỏ tôi học văn cũng khá, bấy giờ rất thích xem sách báo miền Bắc gởi vào, lại được lãnh đạo khuyến khích, nên hì hục viết. Thôi thì đêm đêm dưới ánh sáng leo lắt của cây đèn chai (dầu của cây chai được bó lại trong lá dong, đốt làm đèn) hoặc bên đống lửa củi sưởi ấm, tôi đọc ngấu nghiến rồi viết cật lực.  Sau này tôi được cơ quan giao cho biên soạn, sắp xếp tin bài cho mỗi số báo (như bây giờ gọi là thư ký tòa soạn). Trường lớp nghiệp vụ báo chí đầu tiên của tôi là vậy. Rồi cứ thế tôi vừa học, vừa làm cho đến sau này.

Nếu có gì nói với các nhà báo trẻ thì tôi phải nói là các bạn may mắn quá, hạnh phúc quá khi được làm báo thời bây giờ. Và nhiều bạn làm báo giỏi lắm. Có chăng thì chỉ xin nhắc là hãy vượt qua mọi cám dỗ, giữ cái tâm trong sáng của một nhà báo..."thứ thiệt"! Còn chuyện nghề nghiệp thì xin không dám...múa rìu qua mắt thợ.

*Nhà báo Kiều Hoanh (Đài PT-TH Quảng Ngãi): "Nữ nhà báo có lòng tự trọng, có trách nhiệm với nghề sẽ không cho phép bản thân được nghỉ ngơi"
 
Ai cũng biết nghề báo là một nghề khá đặc biệt, không thể làm việc theo giờ hành chính mỗi ngày 8 tiếng đồng hồ, mà nhiều khi làm cả ngày lẫn đêm (kể cả ngày lễ, tết, hoặc thứ 7 và chủ nhật). Đối với báo nói và báo hình thì thông tin càng cần phải nhanh nhạy, chính xác. Đúng giờ phải có bài báo lên sóng, không thể chậm trễ! Cả một guồng máy làm việc cật lực, vì vậy các nữ nhà báo có lòng tự trọng, có trách nhiệm với nghề sẽ không cho phép bản thân được nghỉ ngơi.
 
Phụ nữ làm báo, nhất là những phụ nữ đã có gia đình sẽ gặp rất nhiều khó khăn để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, cũng như làm tốt vai trò người phụ nữ trong gia đình. Vì mải lo việc cơ quan, xao nhãng việc gia đình, nên không ít nữ nhà báo gặp phải chuyện "cơm không lành, canh không ngọt". Bỏ nghề để chăm lo cho gia đình ư? Tất nhiên là không thể! Bởi các nữ nhà báo đã trót lựa chọn và say mê với nghề báo rồi. Vậy là nhà báo nữ lại phải vượt qua những gian nan, vất vả đời thường để tiếp tục tìm tòi, sáng tạo, cho ra đời những tác phẩm báo chí được công luận đón nhận. Đã có một số nhà báo nữ ở Quảng Ngãi đạt được những giải thưởng cao trong các kì liên hoan, các cuộc thi báo chí ở Trung ương và địa phương. Đây chính là niềm vui, là động lực để nữ nhà báo tiếp tục giữ lửa đam mê trong  nghề báo.

* Nhà báo Phú Đức (Báo Quảng Ngãi): "Chịu khó + tỉnh táo + bản lĩnh = thành công"
 
Tuy đã chuẩn bị tâm lý, nhưng tôi cũng cảm thấy hẫng hụt khi cơ quan điều động làm phóng viên phòng bạn đọc. Bởi lẽ khi chuyển sang lĩnh vực này, người phóng viên đành phải nhường "sân chơi thời sự" vốn luôn hấp dẫn người làm báo. Nguồn thông tin cũng không còn dồi dào như trước, vì ít được dự những cuộc họp quan trọng hoặc tháp tùng các vị lãnh đạo đi cơ sở, vì thế ít nhiều cũng gặp khó khăn trong quá trình hoạt động nghiệp vụ. Vậy phóng viên bạn đọc tìm đề tài ở đâu? Đó là phải căng mắt đọc những đơn, thư mà bạn đọc, công dân gửi đến, hoặc chịu khó lắng nghe, sàng lọc thông tin từ dư luận, đồng nghiệp... Điều này thoạt nhìn tưởng dễ, nhưng không đơn giản, mà đòi hỏi người phóng viên phải chịu khó, nhạy bén trong chuyên môn, biết chắp nối sự kiện, am hiểu pháp luật và có một lượng kiến thức tổng quát nhất định.

Mỗi một lá thư gửi đến tòa soạn báo đều chứa đựng nỗi niềm oan ức, bất công hay những cảnh đời bất hạnh cần được sẻ chia. Đồng thời cũng có không ít đơn, thư gửi đến báo được chắp bút bởi những người am hiểu pháp luật; biết cách che đậy cái xấu, cái sai phạm, phô trương cái tốt, cái đúng để kêu oan. Cũng có trường hợp giả danh tố cáo nhằm hạ thấp uy tín lãnh đạo, đồng nghiệp hoặc để cạnh tranh trong làm ăn... Khi tiếp xúc với nguồn thông tin kiểu này nếu phóng viên không tỉnh táo, cẩn trọng thì vô tình tiếp tay cho kẻ xấu. Yếu tố bản lĩnh cũng là điều không thể thiếu đối với phóng viên phòng bạn đọc. Vì lĩnh vực đề tài này luôn có vấn đề, nhiều vụ việc phản ánh, đụng chạm đến nhiều người, nhiều cấp, thậm chí cả sức khoẻ, tính mạng của phóng viên cũng bị đe doạ. Chính sự phức tạp này nên trong quá trình tác nghiệp người phóng viên phải làm rõ 100% vấn đề cần phản ánh. Nhưng khi "dọn" lên "mặt báo" thì chỉ nên đưa từ 60- 70%, phần còn lại dành làm vốn lận lưng, phòng khi đối phương phản ứng. 

Bài, ảnh: Phương Lý

.