Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung: "Phân vai" để phát triển!

07:05, 15/05/2010
.

(QNg) - Hội tụ nhiều tiềm năng, thế mạnh nhưng Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (VKTTĐMT) phát triển chưa ngang tầm với lợi thế địa lý và vai trò của khu vực. Một trong những nguyên nhân là sự hợp tác, liên kết giữa các tỉnh, thành khu vực vẫn còn hạn chế. Do đó tăng cường hợp tác liên kết, "phân vai" một cách hợp lý được xem là chìa khóa để VKTTĐMT cất cánh.

TRIỂN VỌNG CỦA VKTTĐMT:
VKTTĐMT có vị trí chiến lược hết sức quan trọng về địa lý, kinh tế, chính trị, văn hóa và an ninh quốc phòng. Khu vực này được xem là mặt tiền của cả nước, tiểu vùng sông Mêkông và Châu Á-Thái Bình Dương. Chính vì thế, ngày 12/8/2008 Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định 1085/QĐ-TTg phê duyệt VKTTĐMT gồm 5 tỉnh, thành: Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định, trở thành trung tâm trung chuyển, giao thương, chế biến kinh tế biển, dịch vụ du lịch quốc tế.

 Liên kết đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật cao đang là vấn đề đặt ra đối với VKTTĐMT.
Liên kết đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật cao đang là vấn đề đặt ra đối với VKTTĐMT.
Trong gần 20 năm qua (kể từ khi được khảo sát xây dựng các cảng biển nước sâu), sự phát triển của các tỉnh, thành trong VKTTĐMT đã có những bước đột phá lớn chưa từng có. Từ chỗ vốn đầu tư chỉ vài chục triệu USD, đến nay nguồn vốn đầu tư vào cả vùng đã lên đến vài chục tỷ USD. Khu vực này đã nhanh chóng hình thành một trục kinh tế biển hùng mạnh của đất nước. Theo các chuyên gia kinh tế, triển vọng phát triển của VKTTĐMT trong vòng 10 năm tới là rất lớn. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2010-2020 ít nhất gấp khoảng 1,2-1,25 lần tốc độ tăng trưởng bình quân cả nước. Tăng tỷ lệ đóng góp của cả vùng trong GDP của cả nước từ khoảng 5,5% hiện nay lên khoảng 6,5% vào năm 2020. Giá trị xuất khẩu bình quân đầu người/năm tăng từ 350USD năm 2010 lên 2.500-2.600USD năm 2020. Mức đóng góp trong thu ngân sách của cả nước từ 6% năm 2010 tăng lên 7-8% năm 2020. Tốc độ đô thị của cả vùng sẽ diễn ra mạnh mẽ, đến năm 2020 tỷ lệ đô thị hóa vùng KTTĐMT đạt trên 45%.

Tuy nhiên so với 2 VKTTĐ miền Bắc và miền Nam, VKTTĐMT gặp những khó khăn về nguồn nhân lực, hạ tầng kỹ thuật, cơ cấu kinh tế không đồng bộ, thị trường của vùng hẹp lại trải dài, khả năng thu hút đầu tư vốn hạn chế. Do vậy, để thực hiện chiến lược phát triển, VKTTĐMT phải tập trung được các nguồn nhân lực, vốn, công nghệ, khả năng hội nhập kinh tế với thế giới vẫn còn chưa phát triển.

"PHÂN VAI" PHÁT TRIỂN:
Bài toán nan giải nhất trong phát triển VKTTĐMT hiện nay là phải bằng cách nào khai thông mọi khả năng để mở rộng giao thương, kết nối các lợi thế, hợp tác giữa các đô thị trung tâm với các vùng phụ cận nhằm hình thành những chuỗi sản phẩm hàng hóa, dịch vụ có giá trị cao, nhằm tận dụng ưu thế năng lực của mỗi tỉnh, thành, qua đó mở rộng không gian kinh tế về những lĩnh vực, ngành nghề có lợi thế để cùng phát triển nhanh và bền vững hơn.

Khai thác hiệu quả các cảng biển nước sâu sẽ tạo bước đột phá cho VKTTĐMT.
Khai thác hiệu quả các cảng biển nước sâu sẽ tạo bước đột phá cho VKTTĐMT.
Có một thực tế là, các tỉnh, thành trong VKTTĐMT có những tiềm năng, lợi thế na ná nhau. Tỉnh nào cũng có cảng biển nước sâu, quỹ tài nguyên đất-rừng-biển tương đối phong phú, nguồn lao động phổ thông dồi dào... nên việc phát triển tương hỗ giữa các tỉnh, thành đang là vấn đề mà các tỉnh, thành VKTTĐMT cần đặt ra.

Với ưu thế sẵn có, Thừa Thiên-Huế và Đà Nẵng giữ vai trò liên kết đào tạo nguồn nhân lực gồm đội ngũ chuyên gia khoa học kỹ thuật cao cấp và công nhân có tay nghề cao nhằm cung cấp cho toàn VKTTĐMT. Thêm vào đó, sự phối hợp giữa cảng Đà Nẵng và cảng Chân Mây (TT-Huế) sẽ hình thành một trung tâm thương mại mang tầm quốc tế, gắn với các nước tiểu vùng sông Mê Kông và khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Ngoài ra, Đà Nẵng và Huế có nhiều tiềm lực để xây dựng và phát triển nền công nghiệp phụ trợ và hạ tầng của nó cho miền Trung cũng như cả nước.

Trên "con đường di sản", TT-Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam nếu gắn kết chặêt chẽ sẽ hình thành một khu du lịch và dịch vụ lớn của miền Trung và cả nước. Quá trình liên kết phát triển sẽ đưa TT-Huế và Đà Nẵng trở thành trung tâm văn hóa-khoa học công nghệ cho toàn miền Trung và Tây Nguyên.

Trong khi đó, sự liên kết hợp tác sẽ mang lại sức sống và là chỗ dựa cơ bản cho các KKT tổng hợp, đa ngành như Dung Quất, Chân Mây, Chu Lai và Nhơn Hội. Chính các KKT này sẽ đóng vai trò nòng cốt trong việc phát triển một nền đại công nghiệp của VKTTĐMT. Sự liên kết giữa Chu Lai, Dung Quất, Nhơn Hội được hình thành trên cơ sở liên kết cụm ngành: Sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí chế tạo máy, các ngành đóng tàu, vận tải biển, sản xuất thép, chế bến nông-lâm-thủy sản... Với sự thành công và đi trước một bước, Dung Quất - nơi đã và đang hình thành cụm công nghiệp lọc hóa dầu đầu tiên của cả nước, có thể tạo ra mối liên kết về lọc hóa dầu. Sự liên kết về cụm, ngành sẽ giúp các doanh nghiệp nhiều thông tin về sản xuất, kỹ thuật, thị trường dẫn đến việc thúc đẩy tăng năng suất và phát huy được nhiều sáng kiến, sáng chế của nhau, nhờ đó rút ngắn thời gian phát triển.

 
*Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Huế:
Qua Diễn đàn hợp tác VKTTĐMT được tổ chức tại Quảng Ngãi đã nêu bật thực trạng phát triển chung của cả vùng. Tuy đã có khởi sắc trong thời gian gần đây nhưng chưa ngang tầm với lợi thế địa lý và vai trò của khu vực. Diễn đàn lần này đã xác định được thế mạnh của từng tỉnh, thành, đồng thời thấy được sự cần thiết phải hợp tác liên kết giữa các tỉnh, thành trong khu vực để xây dựng cộng đồng kinh tế hùng mạnh. Thành công bước đầu là chúng ta đã tạo lập một diễn đàn để các nhà quản lý, các nhà khoa học trao đổi những kinh nghiệm quản lý, chia sẻ những thành công trong quá trình xây dựng và phát triển.

 
*Ông Phùng Tấn Viết-Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng:
Trong những năm tới, tăng cường và mở rộng liên kết kinh tế không chỉ là yêu cầu, là xu hướng khách quan của quá trình phát triển mà còn thể hiện tầm nhìn chiến lược trong hoạch định chính sách phát triển của vùng. Các doanh nghiệp ở các tỉnh trong khu vực cần thực hiện quá trình chuyên môn hóa với tốc độ cao hơn, đảm đương một hoặc một số công đoạn trong chuỗi giá trị của sản phẩm, cũng như nâng cao liên kết trong công nghiệp xuất khẩu (giữa vùng chuyên môn hóa nguyên liệu và vùng chuyên môn hóa chế biến sản phẩm). Bên cạnh đó cần nâng cao mức độ liên kết giữa các tỉnh trong đầu tư nhằm cải thiện chất lượng hạ tầng liên tỉnh, mở rộng khả năng tiếp cận thị trường và đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ.

 
*Tiến sĩ Lê Đăng Doanh-chuyên gia kinh tế cao cấp:
Liên kết bền vững chỉ có thể hình thành và phát triển trên cơ sở tự nguyện, tín nhiệm và hợp tác, còn mệnh lệnh hành chính, phong trào chỉ có giới hạn nhất định. Thời gian qua, khu vực KTTĐMT còn thiếu cơ chế liên kết, phối hợp giữa các tỉnh, thành, cũng như thiếu thể chế thích hợp để liên kết doanh nghiệp. Do vậy, các tỉnh, thành VKTTĐMT cần có sáng kiến và hành động bằng những bước đi thích hợp. Trước mắt, các doanh nghiệp lớn trong khu vực có thể chủ động làm hạt nhân thúc đẩy liên kết không phân biệt thành phần kinh tế, lựa chọn một số mặt hàng có lợi thế, có khả năng đạt kết quả cao.

 
*Tiến sĩ Trương Đình Hiển-Nghiên cứu viên cao cấp:
VKTTĐMT được hình thành từ lĩnh vực kinh tế biển và đang từng bước trở thành một trục kinh tế biển hùng mạnh của miền Trung-Tây Nguyên và cả nước. Để có điều kiện phát triển và phát huy vai trò động lực của mình điều cần thiết là nghiên cứu các giải pháp và khả năng liên kết giữa các tỉnh trong VKTTĐMT cũng như sự liên kết giữa các KKT trong khu vực này. Từ vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, hệ thống hạ tầng phát triển và hiện đại đòi hỏi giữa các địa phương trong vùng cần có sự liên kết chặt chẽ và phát huy tác dụng của nó.

 
*Ông Nguyễn Tín Dân-Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Cảng Quy Nhơn:
Các tỉnh trong VKTTĐMT có nhiều lợi thế phát triển hướng ra biển vì có cảng biển nước sâu. Tuy nhiên, không nên làm vồ vập mà việc quy hoạch cũng như đầu tư cơ sở hạ tầng cảng biển cần tập trung có trọng điểm để có thể tiếp nhận các tàu có trọng tải lớn. Trong đó cần ưu tiên liên kết cùng sử dụng và khai thác hết năng lực hạ tầng cảng biển sẵn có giữa các tỉnh lân cận. Đây cũng là điều kiện để các cảng biển có kế hoạch chủ động đầu tư hiện đại hóa, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

H.T

.