(QNg) - Hầu hết doanh nghiệp tư nhân ở Quảng Ngãi không chịu thành lập tổ chức công đoàn. Theo đó quyền lợi hợp pháp và chính đáng của người lao động ở các doanh nghiệp này không được đảm bảo.
Người lao động chịu thiệt
Chúng tôi gặp một số công nhân ở Khu công nghiệp Quảng Phú (TP.Quảng Ngãi) sau giờ tan ca. Khi nghe chúng tôi đề cập đến chuyện quyền lợi của họ bị chủ doanh nghiệp tước đoạt, thì họ cũng muốn tâm sự về sự thiệt thòi của mình, song lại có vẻ e dè vì “sợ mất việc”. Mà cũng phải, việc làm ở doanh nghiệp là "cần câu cơm" nuôi sống họ và cả gia đình, nên sợ mất việc là lẽ đương nhiên nếu buông lời "nói xấu" ông chủ mà chẳng may ổng biết được… Chủ doanh nghiệp tư nhân "đùng" một cái đuổi việc công nhân là chuyện xảy ra thường xuyên ấy mà. Chưa hết, các ông chủ này còn cố tình "lách luật", để thu lợi trên mồ hôi và cả nước mắt của người lao động…
![]() |
Công nhân làm việc ở dây chuyền dệt thuộc C.ty CP Bao bì Việt Phú. |
Nhằm cố tình "né tránh" việc thực hiện các quy định của pháp luật về đảm bảo quyền lợi của người lao động như đóng BHXH, BHYT, chủ doanh nghiệp "sáng kiến" bằng cách ký hợp đồng lao động dưới 3 tháng. Hiện nay phần lớn người lao động ở doanh nghiệp tư nhân trong tỉnh không được đóng BHXH, BHYT… Riêng tại 2 khu công nghiệp Tịnh Phong và Quảng Phú có tới gần 70% người lao động không được đóng BHXH, BHYT (tổng số hơn 7.500 lao động). Đây quả thật là con số "biết nói", cho chúng ta thấy rõ thực trạng về quyền lợi của người lao động ở các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh ta hiện nay không được đảm bảo. Theo nhận thức của không ít công nhân thì, việc đóng BHXH, BHYT chỉ khiến bản thân thêm tốn kém. Về điều này thì công nhân chỉ nhìn thấy cái lợi nhỏ trước mắt, mà không thấy được khoản lợi to lớn về sau. Theo quy định của Nhà nước, công nhân chỉ đóng một phần kinh phí BHXH, BHYT, còn lại phần lớn bắt buộc chủ doanh nghiệp đóng cho công nhân. Điều này thì chủ doanh nghiệp thừa biết, song họ "giấu nhẹm" để được lợi cho bản thân. Suy cho cùng bên chịu thiệt vẫn là người lao động. Tuy vậy người lao động ở các doanh nghiệp tư nhân phần lớn là lao động nông thôn, không được đào tạo bài bản, nên có được việc làm, hàng tháng được nhận lương đã là may mắn, chứ họ nào dám đòi hỏi chuyện cần có tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp để đứng ra bảo vệ quyền lợi cho mình.
Cần có tiếng nói chung
"Mục sở thị" C.ty cổ phần Bao bì Việt Phú (KCN Quảng Phú), trò chuyện cùng với lãnh đạo và công nhân ở công ty, chúng tôi càng hiểu rõ một điều rằng: Khi chủ doanh nghiệp và người lao động "bắt tay nhau" thì cả người lao động và chủ sử dụng lao động cùng có lợi. Tổ chức công đoàn là cầu nối giữa chủ doanh nghiệp và người lao động, vừa bảo vệ quyền lợi chính đáng và hợp pháp của người lao động, đồng thời luôn song hành cùng doanh nghiệp thúc đẩy phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh. Hiện tại, C.ty CP Bao bì Việt Phú không còn vốn của Nhà nước, mà hoạt động theo hình thức cổ đông góp vốn.
Chủ sử dụng lao động đặc biệt quan tâm đến quyền lợi của người lao động. Do vậy người lao động xem Công ty là nhà, không ngừng lao động sáng tạo để nâng cao hiệu quả sản xuất. Công nhân viên-lao động ở Công ty tích cực có sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, làm lợi cả trăm triệu đồng cho doanh nghiệp. Lãnh đạo Công ty cũng đã kịp thời khen thưởng, biểu dương thành tích đóng góp vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Tổ chức công đoàn là cầu nối đắc lực giữa người lao động và chủ sử dụng lao động. Lợi ích đem lại cho doanh nghiệp phần lớn nhờ vào các phong trào thi đua lao động sản xuất do công đoàn phát động. Nhờ có tổ chức công đoàn, đời sống vật chất và tinh thần của người lao động được nâng cao.
Giá mà các doanh nghiệp tư nhân ở tỉnh ta đều ý thức tốt việc thành lập và nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức công đoàn cũng như bảo đảm quyền lợi cho người lao động như ở C.ty CP Bao bì Việt Phú. Nhưng thực tế đây chỉ là một trong số rất ít doanh nghiệp ngoài Nhà nước có tổ chức công đoàn hoạt động đạt hiệu quả. Hiện tại ở tỉnh ta có cả nghìn doanh nghiệp tư nhân, nhưng chỉ có 93 doanh nghiệp thành lập tổ chức công đoàn. Phần đông người lao động ở các doanh nghiệp tư nhân chịu thiệt và việc thành lập tổ chức công đoàn để bảo vệ quyền lợi hợp pháp và chính đáng cho người lao động ở những đơn vị này bị cố tình quên lãng. Hoặc giả có tổ chức công đoàn đi chăng nữa, thì chỉ mang tính "bù nhìn", vì chủ tịch công đoàn được "nuôi" bởi chủ doanh nghiệp, nên không dám làm trái "lệnh" của ông chủ. Nhiều chủ doanh nghiệp nhận thức sai lệch, dẫn đến không chịu thành lập công đoàn. Họ cứ nghĩ rằng tổ chức công đoàn đứng về phía người lao động, chống lại chủ doanh nghiệp. Có doanh nghiệp có hàng trăm công nhân, nhưng vẫn "chai lỳ" không chịu thành lập tổ chức công đoàn.
Ở hầu hết các doanh nghiệp tư nhân vẫn không có tiếng nói chung giữa chủ sử dụng lao động và người lao động, do không có tổ chức công đoàn hoạt động theo đúng quy định của Nhà nước và theo đúng vai trò của một tổ chức đứng ra bảo vệ quyền lợi hợp pháp và chính đáng của người lao động. Người lao động làm lợi cho doanh nghiệp, mặc cho sự thiệt thòi về phần mình, miễn là có được một việc làm. Tuy nhiên, việc làm này thường là không mang tính lâu dài. Làm sao có thể đảm bảo lâu dài khi chủ doanh nghiệp nhận thức ở tầm "trước mắt", có nghĩa là không chịu thành lập tổ chức công đoàn, thiếu sự quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần của người lao động. Và doanh nghiệp có được phần lợi nhuận từ việc cố tình "lách luật" để tước đoạt lợi ích của người lao động, không chịu thành lập tổ chức công đoàn thì quả thật doanh nghiệp đó hoạt động thiếu tính bền vững.
PHƯƠNG LÝ