Thị trường tín dụng ở Quảng Ngãi: Tiếng nói người trong cuộc

04:04, 25/04/2010
.

(QNg) - Kể từ ngày xuất hiện KKT Dung Quất, trong đó có NMLD số 1 thì Quảng Ngãi trở thành tâm điểm đến của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Cũng từ đây, các ngân hàng thương mại cổ phần đua nhau mỡ chi nhánh với mong muốn đáp ứng nhu cầu vốn cho các nhà đầu tư, đồng thời coi đây là thị trường màu mỡ, đầy tiềm năng. Tuy nhiên, thực hư của vấn đề này vẫn đang là bài toán khó đối với các ngân hàng hiện nay.

Chưa phải là gam màu sáng
Năm 2009 là năm đầu tiên Quảng Ngãi  có tổng thu trên 4.000 tỷ đồng, bằng 190,8% dự toán năm. Năm 2010 dự kiến sẽ thu trên 14.000 tỷ đồng. Theo nhận định của các ngân hàng và một số nhà đầu tư thì, sự đột biến này là nhờ có NMLD Dung Quất. Bởi lẽ khi chưa có NMLD thu ngân sách của tỉnh chưa vượt qua con số 1.500 tỷ đồng. Chính sự đột biến này cho thấy chất lượng nền kinh tế của Quảng Ngãi chưa vững chắc, vì phát triển thiếu đồng bộ, GDP bình quân đầu người  cũng chỉ hơn 1.000 USD/người/năm. Vì vậy, thị trường tín dụng ở đây cũng chưa phải là gam màu sáng như một vài nhà đầu tư đã nhận định.

Thường xuyên đổi mới phong cách phục vụ sẽ thu hút sự quan tâm của khách hàng. (Trong ảnh: Quày giao dịch của Vietcombank Quảng Ngãi).
Thường xuyên đổi mới phong cách phục vụ sẽ thu hút sự quan tâm của khách hàng. (Trong ảnh: Quày giao dịch của Vietcombank Quảng Ngãi).
Nhìn trên bình diện chung thì  phần lớn các ngân hàng đều kinh doanh ổn định, có tăng trưởng và lãi, nhưng chưa như kỳ vọng. Tốc độ tăng trưởng về huy động vốn bình quân tăng từ 30 - 40% trong 3 năm trở lại đây. Năm 2009 huy động đạt 10.611 tỷ đồng (chủ yếu là VND), tăng 32% so với năm 2008. Lượng ngoại tệ huy động được cũng tăng lên đáng kể nhờ có KKT Dung Quất. Hoạt động tín dụng tăng trung bình 25% trong những năm gần đây. Tổng dư nợ trên địa bàn trong năm 2009 là 11.508 tỷ đồng, tăng 38,85% so với năm 2008.

Trong đó ngân hàng thương mại (NHTM) Nhà nước  9.854 tỷ đồng (85,62%), còn lại NHTM cổ phần 1.654 tỷ đồng (chiếm 14,38%). Dịch vụ thanh toán quốc tế cũng chưa cao, mức độ thanh toán qua các ngân hàng còn thấp. Hoạt động xuất nhập khẩu của tỉnh cũng chuyển biến tích cực và tăng trưởng cao so với năm 2008. Năm 2009 kim ngạch thanh toán xuất khẩu là 182 triệu USD (tăng 205,9%) và thanh toán hàng nhập khẩu 1.472 triệu USD (tăng 292,5%). Tuy vậy, tổng kim ngạch thanh toán xuất nhập khẩu qua ngân hàng tăng trưởng chưa cao.

Bên cạnh đó chất lượng tín dụng trong những năm gần đây đã có những diễn biến khó lường. Đến cuối năm 2009 nợ xấu (nợ quá hạn, nợ khoanh, nợ chờ xử lý) là 174 tỷ đồng (1,52%/tổng dư nợ), tăng 54 tỷ đồng so với năm 2008. Nợ xấu chủ yếu ở khối ngân hàng quốc doanh do phải chuyển nợ quá hạn theo QĐ 1627. Riêng các NHTM cổ phần mới thành lập nhưng nợ xấu cũng có những diễn biến thiếu tích cực.

Giai đoạn cạnh tranh khốc liệt
Trong những năm gần đây, số lượng doanh nghiệp thành lập mới trên địa bàn tỉnh nhiều, nhưng đa số là doanh nghiệp tư nhân, C.ty TNHH với quy mô vừa và nhỏ. Số doanh nghiệp giữ vai trò chủ đạo điều phối chất lượng nền kinh tế chưa nhiều. Ở KKT Dung Quất được coi là thị trường tiềm năng, nhưng đây cũng chỉ là bước khởi đầu; số doanh nghiệp đăng ký hoạt động kinh doanh nhiều, nhưng thực tế chỉ có một số ít hoạt động. Trong đó doanh nghiệp hoạt động thực sự có hiệu quả  không nhiều. Vốn nhàn rỗi trong dân cư có hạn, nếu có tích luỹ được thì cũng chủ yếu ở xa chuyển về. Điều này đồng nghĩa với việc nhu cầu vốn vay thực tế cao hơn số tiền mà các tổ chức, cá nhân cần gửi. Trong khi đó mạng lưới ngân hàng tại Quảng Ngãi đang được rộng mở với nhiều chi nhánh, phòng giao dịch được khai trương trong khoảng thời gian ngắn.

Ngoài hệ thống NHTM quốc doanh, hiện trên địa bàn Quảng Ngãi còn có 11 NHTM cổ phần, gồm: VIB Bank, Sacombank, Exim Bank, VietA Bank, Donga Bank, LienViet Bank, Ocean Bank, Techcom Bank, MB Bank và hai NHTM cổ phần Nhà nước: Vietcombank, Viettinbank. Để có thể tồn tại phát triển và hoạt động có lãi các ngân hàng đang trong giai đoạn cạnh tranh khốc liệt để giành giật thị trường. Sức cạnh tranh này còn chịu sự chi phối bởi các ngân hàng ngành. Hiện tại, các ngân hàng đều "đua" nâng lãi suất huy động và lãi suất cho vay thoả thuận; kết hợp các chương trình khuyến mãi hấp dẫn nhằm đánh vào tâm lý, nhu cầu của khách hàng. Ngoài ra, các ngân hàng còn đưa ra chiến lược giành giật khách hàng của nhau bằng các chương trình hậu mãi...

Cuộc chạy đua này dường như các NHTM cổ phần đang dần chiếm ưu thế, lợi nhuận năm sau cao hơn năm trước, còn NHTM Nhà nước và ngân hàng Quốc doanh thì ngược lại. Cụ thể  như: Lợi nhuận của ngân hàng Đại dương năm 2008: (0), năm 2009 (9.994 triệu đồng); Eximbank năm 2008 (âm), năm 2009 (886 triệu đồng); MB bank năm 2008 (âm), năm 2009 (696 triệu đồng); VietA Bank năm 2008 (389 triệu đồng), năm 2009 (7.856 triệu đồng)... Còn NHNo và PTNT năm 2008 (64.595 triệu đồng), năm 2009 (54.346 triệu đồng); Vietcombank (64.489/26.194 triệu đồng); Vietcom bank Dung Quất (9.169/561 triệu đồng); BIDV (16.683/14.220 triệu đồng)... Việc huy động vốn và tái đầu tư lại cho nền kinh tế Quảng Ngãi cũng xảy ra nhiều tình trạng bất cập giữa NHTM Nhà nước với NHTM cổ phần, như: Năm 2009, NHNo và PTNT huy động 2.487.539 triệu đồng nhưng dư nợ cho vay 2.853.232 triệu đồng, Vietcombank Quảng Ngãi:  1.739.622/3.235.314 triệu đồng, BIDV: 1.415.704/1.478.361 triệu đồng...

Trong khi khối ngân hàng cổ phần thì ngược lại: Năm 2009 ngân hàng Đại Dương huy động được 1.372.609 triệu động nhưng dư nợ cho vay 39.172 triệu đồng, VietA Bank: 641.921/362.163 triệu đồng, NHCP Kỹ Thương: 411.506/142.995 triệu đồng, Sacombank: 370.287/148.382 triệu đồng...

 
Ông Nguyễn Văn Đông - Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư (BIDV) Quảng Ngãi : "BIDV vẫn phải giữ vai trò chủ đạo trong nguồn vốn phục vụ phát triển kinh tế- xã hội tại địa phương"
Là NHTM Nhà nước nên hoạt động kinh doanh của đơn vị mang yếu tố phục vụ là chính. Thời gian qua, BIDV cùng các NHTM Nhà nước khác đã thể hiện vai trò chủ đạo trong nguồn vốn phục vụ phát triển kinh tế- xã hội địa phương. Chính vì lẽ đó, thị phần dư nợ của BIDV nói riêng, hệ thống NHTM Nhà nước nói chung đều cao so với NHTM cổ phần. Điều này thể hiện ở chỗ, BIDV luôn đề cao ý thức trách nhiệm trong việc tham gia cấp tín dụng cho hầu hết các dự án lớn và các thành phần kinh tế của tỉnh, thực sự là bà đỡ cho nền kinh tế. Nói đúng hơn là BIDV không có quyền chọn lựa khách hàng. Vì lẽ đó, tỷ lệ vốn huy động vốn trong các thành phần kinh tế, dân cư đều đạt thấp so với dư nợ. Điều này không phải BIDV không theo kịp xu thế phát triển của thị trường tín dụng mà do đặc thù của cơ chế chính sách, mọi hoạt động huy động vốn và cho vay đều phải tuân thủ chính sách tiền tệ và sự điều phối trong hoạt động của Nhà nước. Đối với NHTM cổ phần, ngoài việc tuân thủ Luật Ngân hàng thì trong quá trình hoạt động họ còn được quyền hiệu chỉnh theo Nghị quyết Hội đồng Quản trị nên kịp thời thích ứng được cơ chế thị trường hiện nay. Theo BIDV Quảng Ngãi, để tạo điều kiện cho các NHTM Nhà nước giữ được vai trò chủ đạo trong thị trường tài chính tiền tệ hiện nay rất cần sự chia sẻ những khó khăn trên từ các cấp uỷ đảng, chính quyền và Ngân hàng Nhà nước- Chi nhánh Quảng Ngãi.

Bà Phạm Thị Thuý Kiều- Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank) Quảng Ngãi: "Dòng tiền đang bị xé lẻ..."
 
Sự ra đời ngày càng nhiều Chi nhánh NHTM cổ phần là yếu tố khách quan, đồng thời là tín hiệu lạc quan đối với nền kinh tế Quảng Ngãi và khách hàng vì có nhiều cơ hội được lựa chọn sản phẩm cần mua hoặc gửi. Chính điều này đã đặt ra cho các ngân hàng "một bài toán khó" trong quá trình điều hành hoạt động kinh doanh. Vietcombank Quảng Ngãi cũng không thể tránh khỏi vòng xoáy khắc nghiệt đó. Bởi lẽ, thực tế thị trường tín dụng ở Quảng Ngãi "chưa có đủ gam màu sáng thực thụ" như một số nhà đầu tư nhìn nhận, mà chỉ đang trong giai đoạn hình thành nhưng bị cạnh tranh khốc liệt. Dòng tiền tín dụng đang bị xé lẻ giữa các ngân hàng. Do đó, tuy thị phần tín dụng đang từng bước được mở rộng, nhưng chất lượng tăng trưởng tín dụng thì không đi đôi với tỉ lệ tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Để thích ứng với cơ chế cạnh tranh này, Vietcombank Quảng Ngãi tiếp tục đẩy mạnh huy động vốn, thực hiện tăng trưởng tín dụng bền vững, nâng cao chất lượng tín dụng, phát huy thế mạnh trong dịch vụ thanh toán xuất khẩu, dịch vụ ngân hàng bán lẻ, mở rộng mạng lưới, giữ vững thị phần thẻ, xây dựng đội ngũ cán bộ, quy trình làm việc đạt chuẩn và hiện đại, đáp ứng mọi yêu cầu của khách hàng...

Ông Đinh Anh Tuấn- Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Cổ phần Quân đội (MB Bank) Quảng Ngãi: "Phương thức phục vụ sẽ là yếu tố quyết định cho sự phát triển"
 
Phải nói rằng, hiện nay các ngân hàng đang trong giai đoạn cạnh tranh khốc liệt để giành giật thị trường. Đa số các ngân hàng đều cung cấp những sản phẩm dịch vụ tiền tệ tương đồng nhau nên yếu tố cạnh tranh ở đây phụ thuộc ở phương thức phục vụ khách hàng của mỗi đơn vị. Với MB Bank Quảng Ngãi, tuy mới tham gia thị trường Quảng Ngãi nhưng cũng có những thành công nhất định là nhờ thực hiện tốt phương châm "vững vàng tin cậy" đồng hành cùng khách hàng. MB Bank coi lợi ích của khách hàng là cơ sở để MB Bank hoạt động hiệu quả. Đối với khách hàng cũ, MB Bank luôn quan tâm, chia sẻ và thăm hỏi để nắm bắt nhu cầu của khách hàng, tư vấn những sản phẩm phù hợp, cùng khách hàng vượt khó trên tinh thần tương trợ. Còn khách hàng mới sẽ được tiếp cận tận nơi tư vấn về các sản phẩm, dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng một cách tốt nhất. Với phong cách phục vụ "tận tâm, chuyên nghiệp" chúng tôi sẽ mang đến cho khách hàng những giải pháp tài chính ngân hàng với chi phí tối ưu và sự hài lòng. 

Bà Huỳnh Thị Ngọc Diệp- Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Đông Á  (Donga Bank) Quảng Ngãi: "Cạnh tranh là cần thiết nhưng...":
 
Thị trường tín dụng ở Quảng Ngãi được ví như một "chiếc đĩa bánh nhỏ" mà có quá nhiều nhà đầu tư muốn xí phần. Bởi lẽ, kinh tế Quảng Ngãi tuy có phát triển nhưng chưa đồng bộ, thiếu vững chắc. Ngoài NMLD Dung Quất, Doosan... số doanh nghiệp còn lại đóng vai trò điều phối sự phát triển nền kinh tế tỉnh là rất ít. Trong khi đó doanh nghiệp thành lập mới ngày càng nhiều nên nhu cầu được vay vốn đầu tư là rất lớn; nguồn vốn tích luỹ trong dân cư thấp, dẫn đến tình trạng huy động vốn của các ngân hàng trong thời gian qua và những năm đến rất căng thẳng. Thực tế, sự cạnh tranh là yếu tố cần thiết, nhưng nếu Ngân hàng Nhà nước- Chi nhánh Quảng Ngãi không có tầm nhìn chiến lược thì một khi cái bánh trên đĩa vơi dần thì nguy cơ chiếc đĩa bị vỡ là rất cao. Như vậy, câu hỏi thị trường tín dụng ở Quảng Ngãi hiện nay và đến năm 2015 sẽ như thế nào, cần bao nhiêu ngân hàng mới ra đời là đủ vẫn là một bài toán khó. Một vấn đề không kém phần quan trọng nữa là, cần có sự bình đẳng trong hoạt đồng kinh doanh giữa NHTM cổ phần và NHTM Nhà nước.

P.Đức

.