Nông dân liên kết trong sản xuất: Tại sao không?

11:08, 07/08/2009
.
(QNg)- Thời gian gần đây, nhiều nông dân trong tỉnh  nhận ra rằng: Làm ăn riêng lẻ mang lại hiệu quả cao không cao và nhiều rủi ro hơn so với  liên kết lại với nhau. Thế nhưng nên chọn hình thức liên kết như thế nào, với ai, bao nhiêu người là phù hợp và đạt hiệu quả thì không ít người lại lúng túng...
Làm ăn riêng lẻ, người nông dân luôn chịu thiệt thòi
Làm ăn riêng lẻ, người nông dân luôn chịu thiệt thòi

"MỘT CÂY LÀM CHẲNG NÊN NON"...
Những năm qua nhờ thực hiện chủ trương chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, cây trồng, vật nuôi ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nông dân trong tỉnh đã tạo ra các sản phẩm đa dạng, mang tính hàng hóa đáp ứng nhu cầu thị trường. Nhiều mô hình sản xuất đạt hiệu quả, mang lại thu nhập từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng cho không ít hộ nông dân, như: Mô hình nuôi ếch ở xã Đức Thạnh (Mộ Đức), mô hình nuôi tôm trên cát ở các xã ven biển, mô hình trồng cây ăn quả: Chôm chôm, sầu riêng, bưởi ở nhiều địa phương... Dù sản phẩm làm ra nhiều, chất lượng ngày càng cao, nhưng nông dân luôn bị động trong khâu tiêu thụ.

Cũng như nhiều nông dân khác trong tỉnh, anh Đinh Văn Nở (46 tuổi) ở xã Bình Hiệp (Bình Sơn)-là một chủ trang trại, với khoảng 400-500 con gà, 6-7 con bò, mấy chục sào đất trồng mì, lúa, ngô... vẫn "độc lập tác chiến" theo kiểu: Tự vay vốn sản xuất rồi tự bán. Tính ra anh Nở thu về cũng hàng chục triệu đồng, nhưng ngẫm đi nghĩ lại trừ chi phí, rồi công bỏ ra, chưa kể giá cả lên xuống thất thường lại còn bị tư thương ép giá, cho nên chịu không ít thiệt thòi. Cũng như anh Đinh Văn Nở, anh Nguyễn Ánh (55 tuổi), nông dân ở thôn Trường Định, xã Tịnh Khê (Sơn Tịnh), cũng luôn phải lo lắng chuyện đầu ra cho sản phẩm. "Tôi gắn bó với nghề trồng hành lá đã hơn chục năm rồi.
 
Trên diện tích 4 sào đất của gia đình, mỗi năm trồng 3-4 vụ hành, thu về khoảng chục tấn hành. Nếu giá cả ổn định trung bình khoảng 5.000 đồng/kg thì lãi được vài chục triệu đồng. Vậy nhưng, cũng như hàng trăm hộ dân trồng hành ở đây, cứ đến lúc thu hoạch là lại chạy "mướt mồ hôi" để tìm người thu mua, tìm được rồi thì lại bị chê ỏng, chê eo hạ giá xuống có khi chỉ còn 3.000-4.000 đồng/kg hành" -anh Ánh cho biết. Mặc khác nhiều lúc anh muốn san sẻ, học hỏi thêm những kinh nghiệm về cây trồng này nhưng cũng chẳng biết tìm ai.

NHIỀU  HÌNH THỨC LIÊN KẾT CHƯA PHÁT HUY HIỆU QUẢ
Hợp tác xã chính là một hình thức liên kết trong sản xuất kinh doanh quen thuộc và tồn tại trong suốt mấy chục năm qua. Ở tỉnh ta hiện có khoảng trên 260 hợp tác xã hoạt động trong các lĩnh vực nông nghiệp, giao thông vận tải, công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ điện, nước... Thế nhưng điều đáng buồn là, số hợp tác xã hoạt động có hiệu quả lại chỉ đếm trên đầu ngón tay; nhiều hợp tác xã đang hoạt động "thoi thóp", có hợp tác xã chỉ còn cái tên. Thực tế thì hoạt động của hợp tác xã chủ yếu là cung cấp các dịch vụ điện, nước, khuyến nông và chưa đảm bảo quyền lợi cho xã viên, nên chưa thu hút được họ tham gia.
 Nhờ liên kết mà các thành viên trong nhóm khuyến nông Tịnh Giang phát triển sản xuất, thu hiệu quả cao.
Nhờ liên kết mà các thành viên trong nhóm khuyến nông Tịnh Giang phát triển sản xuất, thu hiệu quả cao.

Một hình thức liên kết khác là mô hình câu lạc bộ khuyến nông cũng chưa phát huy được hiệu quả tại nhiều địa phương trong tỉnh. Hiện toàn tỉnh có khoảng 10 câu lạc bộ (CLB) khuyến nông: CLB khuyến nông ở Phổ Văn, Đức Nhuận, Nghĩa Thọ, Tịnh Ấn Tây, Tịnh Sơn, Tịnh Hà, Bình Long, Hành Thiện, Đức Phú, Nghĩa Kỳ. Những câu lạc bộ này được Trung tâm khuyến nông tỉnh hỗ trợ kinh phí sinh hoạt 3 lần/năm. Nội dung sinh hoạt gắn với sản xuất nông lâm nghiệp (thông tin về mô hình mới, tập huấn kỹ thuật, trao đổi kinh nghiệm...). Hầu hết lãnh đạo CLB khuyến nông do dân lập, đồng thời là cán bộ xã kiêm nhiệm, chứ không được những người trong CLB bầu ra, thậm chí chỉ quản lý về hình thức mà thiếu nhiệt tình. Điều đáng nói nữa là phần nhiều các câu lạc bộ này đều hoạt động với nội dung đa ngành, nên các buổi sinh hoạt với quá nhiều nội dung, nên chưa thu hút được sự quan tâm của tất cả thành viên, thành ra rời rạc, chắp vá...

MỘT HÌNH THỨC MỚI NHIỀU HỨA HẸN...
Bên cạnh những mô hình trên, hiện đang xuất hiện những nhóm nông hộ gồm khoảng vài chục người tự nguyện tham gia và cùng chung sở thích. Họ bầu ra một nhóm trưởng có khả năng, bản lĩnh và đặc biệt là có niềm đam mê, yêu thích về một lĩnh vực nào đó. Nhóm khuyến nông ở xã Tịnh Giang (Sơn Tịnh) là một ví dụ. Với 25 thành viên, nhóm là sự liên kết giữa những người chăn nuôi heo và sinh hoạt bất kể khi nào có vấn đề cần giải quyết như dịch bệnh hay thị trường biến động. Họ hoạt động không phải từ bất cứ nguồn kinh phí hỗ trợ nào, mà chỉ bằng lòng đam mê nghề nghiệp và trao đổi với nhau về kinh nghiệm, kỹ thuật, giá cả... Hiện mỗi thành viên của nhóm đều nuôi từ vài chục đến gần trăm con lợn. Anh Huỳnh Văn Tâm - một thành viên của nhóm-cho biết: "Nhóm đều mua thức ăn cho heo rẻ hơn, bởi mua tập trung ở cùng một đại lý, cùng lúc nên tiết kiệm được tiền chuyên chở. Khi thành viên trong nhóm gặp khó khăn về kỹ thuật, vốn... đều được các thành viên khác giúp đỡ". Bởi thấy được quyền lợi của mình, nên những hộ đã tham gia đều gắn bó với nhóm ngay cả trong những lúc khó khăn nhất. Tất cả những hoạt động của nhóm đều được bàn bạc một cách dân chủ, công khai.

Như vậy, thực chất đây cũng là một hình thức với một chút khác biệt của CLB khuyến nông hiện nay, nhằm liên kết giữa một số cá nhân trong vùng để chia sẻ, hỗ trợ nhau trong quá trình sản xuất. Ra đời chưa lâu, thế nhưng bước đầu cho thấy hình thức này khá phù hợp, nhất là với hình thức sản xuất nhỏ lẻ, vốn tồn tại phổ biến từ lâu nay ở địa phương./.
 
 
Ông Đinh Văn Sung - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh:

Lâu nay do nhiều nguyên nhân, nên hình thức liên kết giữa các hộ để hỗ trợ, chia sẻ nhau trong quá trình sản xuất chưa phổ biến và chưa được nhiều người tham gia hưởng ứng. Vì thế một thời gian dài nông dân trong tỉnh cũng như  nhiều tỉnh thành khác vẫn tồn tại cách làm theo kiểu: Ai muốn  trồng và nuôi cây, con gì thì tự tìm hiểu nên gặp không ít khó khăn. Vì thế việc liên kết lại với nhau, nhất là trong tình hình hiện nay là điều tất yếu. Bởi thực tế cho thấy: Khi liên kết với nhau thì ngoài việc trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ nhau... các hộ giảm, hạn chế được nhiều rủi ro trong quá trình sản xuất. Cụ thể là nếu người trồng rau hợp tác với người chăn nuôi, thì người trồng rau khỏi phải tìm đầu ra, còn người chăn nuôi cũng không phải lo nhiều về việc tìm thức ăn... Về phía mình, hiện nay hội hiện đã có kế hoạch để chỉ đạo cho các đơn vị trực thuộc khuyến khích người nông dân trong vùng hoặc giữa nơi này với nơi khác... tìm hiểu nhằm liên kết, hợp tác với nhau. Đồng thời Tỉnh hội đang hoàn tất các thủ tục thành lập CLB nông dân sản xuất giỏi của tỉnh, để làm "hạt nhân" cho việc phát triển mô hình liên kết sau này. Tuy nhiên để thành công thì Hội cũng mong muốn sự hỗ trợ rất nhiều từ phía các cấp, ngành của tỉnh.

 
Ông Trần Phước Hoà - Chủ tịch UBND xã Tịnh Giang (Sơn Tịnh):
Việc các hộ nông dân liên kết  lại với nhau để có thể hỗ trợ, giúp nhau trong quá trình hoạt động sản xuất là điều nên làm, đáng hoan nghênh và cần khuyến khích, nhất là trong thời điểm mà tình hình kinh tế gặp nhiều khó khăn như hiện nay. Tuy nhiên, theo tôi thì dù sao hình thức này đối với nhiều người vẫn còn khá lạ, vì thế nên chăng trước mắt thực hiện giữa các hộ trong vùng lại với nhau, rồi sau đó tiến tới mở rộng phạm vi và đối tượng, thành phần liên kết hơn. Về phía chính quyền địa phương, chúng tôi hoàn toàn ủng hộ đề xuất trên. Trong khả năng, quyền hạn của mình, UBND xã Tịnh Giang sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất khi mô hình được triển khai ở đây. Riêng đối với CLB Khuyến nông tự nguyện ở thôn Đông Hoà, với những kết quả đã đạt được là một trong những minh chứng sinh động nhất về sự liên kết. Và đây cũng là điều thuận lợi cho chính quyền triển khai nhân rộng hình thức liên kết trong tương lai.

 
Ông Trần Đình Xuân-Phó chủ nhiệm CLB khuyến nông tự nguyện thôn Đông Hòa:
Từ khi vào nhóm liên kết sản xuất này, các thành viên được tiếp cận với khoa học kỹ thuật và mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất gấp nhiều lần trước đó. Hiệu quả thấy rõ, tuy nhiên chúng tôi chưa có tư cách pháp nhân nên gặp nhiều khó khăn trong việc vay vốn cũng như giao dịch. Chúng tôi cần sự giúp đỡ, tạo điều kiện hơn nữa của các cấp, ngành để hoạt động hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, nhóm cũng mong nhận được sự hướng dẫn, hỗ trợ về kỹ thuật và định hướng cho nhóm trong quá trình hoạt động sản xuất từ các cơ quan chuyên môn.

 
Bà Lâm Thị Kim Anh - thành viên CLB khuyến nông tự nguyện thôn Đông Hoà, xã Tịnh Giang (Sơn Tịnh):
Nói thật ban đầu cũng không mấy "mặn mà" lắm với chuyện gia nhập vào CLB. Bởi phần vì ngại, phần không biết có ích lợi gì không, hay chỉ tốn thời gian. Nhưng  nghĩ lại, bao năm rồi  tôi cũng chăn nuôi heo, trồng lúa, cây màu... nhưng thấy cũng chẳng dư giả gì mấy. Thôi thì cứ vào, nếu không thích thì rút. Thế nhưng qua một thời gian tham gia, gặp gỡ và được các thành viên khác chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn về cách chọn giống nuôi, chăm sóc, điều trị bệnh... tôi thấy so với cách nuôi trồng "một mình một cõi" lâu nay quả thật là nông dân chịu nhiều thiệt thòi và hiệu quả kinh tế kém hơn nhiều so với liên kết lại với nhau.

Bài, ảnh: P.T
 

.