Không thể chối bỏ trách nhiệm

12:08, 10/08/2009
.
 
Vào ngày này cách đây 48 năm, 10-8-1961, lần đầu tiên quân đội Mỹ dùng máy bay thực hiện đợt rải chất độc hóa học xuống miền Nam Việt Nam, khởi đầu một trong những tội ác ghê rợn nhất trong lịch sử cuộc chiến tranh mà phía Mỹ gọi là “cuộc chiến tranh Việt Nam”.
 
Hành động này của Mỹ kéo dài trong nhiều năm, đã biến hàng triệu người dân Việt Nam thành những nạn nhân của chất độc da cam chứa chất kịch độc đi-ô-xin do một số công ty hóa chất của Mỹ sản xuất, được quân đội Mỹ rải xuống nhiều vùng trên lãnh thổ Việt Nam.
 
Các nạn nhân này đang và sẽ không được hưởng một cuộc sống bình thường mà lẽ ra họ phải được hưởng cho dù Đảng, Nhà nước ta, nhân dân ta và nhiều cá nhân, tổ chức hảo tâm nước ngoài đã và đang làm tất cả những gì có thể để giúp đỡ họ.
 
 
Hội chữ thập Đỏ TP.HCM phối hợp cùng Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin tổ chức cuộc đi bộ đồng hành vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam và vận động hiến máu nhân đạo. Trong ảnh: Đại diện các nhà tài trợ chương trình tặng quà cho các em nhỏ nạn nhân chất độc da cam tại cuộc đi bộ. (Ảnh: TTXVN)
Hội chữ thập Đỏ TP.HCM phối hợp cùng Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin tổ chức cuộc đi bộ đồng hành vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam và vận động hiến máu nhân đạo. Trong ảnh: Đại diện các nhà tài trợ chương trình tặng quà cho các em nhỏ nạn nhân chất độc da cam tại cuộc đi bộ. (Ảnh: TTXVN)
Hơn 30 năm trôi qua, kể từ khi chiến tranh khép lại, Mỹ vẫn không thừa nhận hậu quả mà quân đội Mỹ gây ra khiến 3 triệu người Việt Nam là nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin.
 
Ngày 10-8-2009, lần đầu tiên, “Ngày da cam - Orange day”, Ngày Vì nạn nhân chất độc da cam được tổ chức tại Việt Nam.
 
Thực tế không được thừa nhận
 
Hạ nghị sĩ Ê-ni Pha-lê-ô-ma-vê-ga, Chủ tịch Tiểu ban châu Á-Thái Bình Dương và môi trường toàn cầu thuộc Hạ viện Mỹ, người chủ trì hai phiên điều trần về nạn nhân chất độc da cam tại Hạ viện Mỹ đã từng nói: “Chính sách của Mỹ hiện nay là bình thường hóa quan hệ với Việt Nam và bình thường hóa quan hệ cũng đồng nghĩa với việc phải đối mặt với quá khứ chúng ta gây ra”.
 
Quá khứ này xuất phát từ việc quân đội Mỹ rải hơn 20 triệu ga-lông chất diệt cỏ chứa chất độc da cam/đi-ô-xin trên diện rộng tại miền Nam Việt Nam. Hệ quả là hơn 3 triệu người Việt Nam bị nhiễm chất độc da cam ở những mức độ khác nhau với các di chứng như ung thư, dị dạng bẩm sinh có thể kéo theo nhiều thế hệ nữa. Những tác động về môi trường cũng hết sức nặng nề, đặc biệt tại những khu vực bị rải độc nhiều lần và các kho chứa chất độc tại các căn cứ quân sự cũ.
 
c
Máy bay của "Không lực Hoa kỳ" giải hoá chất xuống nhiều cánh rừng Việt Nam.
 
Nhưng lâu nay, những tuyên bố của lãnh đạo cấp cao Mỹ thường né tránh sự thừa nhận khái niệm “những nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin”, có chăng chỉ là thừa nhận sự tác động đến môi trường, trái ngược với đông đảo dư luận Mỹ rằng “những nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin” là một thực tế không thể phủ nhận.
 
Tại phiên điều trần về da cam/đi-ô-xin lần thứ hai diễn ra tại Hạ viện Mỹ, Phó trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, X.Mác-xen, thay mặt Chính phủ Mỹ, tiếp tục phủ nhận bất cứ trách nhiệm pháp lý nào liên quan đến chất độc da cam mà cho rằng, các trao đổi về vấn đề này cần dựa trên những nghiên cứu khoa học đáng tin cậy.
 
Gần đây nhất, Đại sứ Mỹ M.Mi-ha-lắc khi trả lời phỏng vấn bên lề Hội nghị tổng kết dự án rà phá bom mìn diễn ra hồi đầu tháng 8 ở Hà Nội cũng nói rằng, tác động của chất độc da cam/đi-ô-xin đối với con người Việt Nam vẫn còn đang được xem xét.
 
Cách thừa nhận không biện chứng, không lô-gích đó dẫn đến sự lãng quên số phận khắc nghiệt, vô tội của hàng triệu nạn nhân da cam/đi-ô-xin Việt Nam sau chiến tranh.
 
Thực tế, đã có không ít công trình nghiên cứu về vấn đề này của các nhà khoa học uy tín hàng đầu của Mỹ và thế giới đưa ra trong nhiều năm qua. Viện Hàn lâm Y học Mỹ từng công bố nhiều loại bệnh có trong cơ thể của các cựu chiến binh Mỹ do chất độc da cam/đi-ô-xin gây ra.
 
Nhiều nhà khoa học nước ngoài đã khẳng định nạn nhân chịu đau khổ từ chiến dịch làm trụi lá cây của Mỹ phần lớn là những người dân Việt Nam và các thế hệ con cháu họ, với hàng triệu trẻ em chịu tật nguyền do ảnh hưởng của chất độc da cam/đi-ô-xin.
 
Bà Tôn Nữ Thị Ninh, thành viên nhóm Đối thoại Việt - Mỹ về chất độc da cam/đi-ô-xin đã bình luận rằng, phía Mỹ luôn tránh từ “nạn nhân” khi nói về các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Bởi lẽ, nếu chấp thuận dùng từ “nạn nhân” sẽ hàm ý họ phải có trách nhiệm với những gì đã gây ra trong chiến tranh ở Việt Nam.
 
Không thừa nhận khái niệm “nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin”, tức không thừa nhận tác hại trực tiếp của chất độc đối với con người, cũng là cái cớ để các công ty hóa chất Mỹ chối bỏ việc bồi thường cho các nạn nhân da cam/đi-ô-xin Việt Nam trong một vụ kiện đang diễn ra.
 
Vậy mà, thật tréo ngoe khi các cựu binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam bị nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin được Chính phủ Mỹ thừa nhận và bồi thường thiệt hại, còn các nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam lại bị chối bỏ, chối bỏ ngay từ khái niệm thừa nhận họ chính là nạn nhân ảnh hưởng loại chất độc nhất trong số những chất độc mà con người đã tổng hợp được từ trước đến nay.
 
Khi nỗi đau thể xác vẫn hằng ngày giày vò thân thể những nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin và sự mất mát về sinh mạng của họ vẫn chưa dừng lại, khi công lý vẫn bị thách thức trước hai khái niệm “hỗ trợ nhân đạo” và “trách nhiệm pháp lý”, thì sự cố tình im lặng hoặc cố tình đánh tráo khái niệm càng cho thấy sự thất bại về lương tâm và trách nhiệm của bên gây ra thảm họa chất độc da cam/đi-ô-xin tại Việt Nam.
 
“Những người đau khổ nhất trong những người đau khổ”
 
Ngày nay, trong các cuộc phỏng vấn, các quan chức Mỹ vẫn luôn nhấn mạnh rằng, Mỹ mong muốn phát triển hơn nữa quan hệ với Việt Nam. Nhưng với một gánh nặng quá khứ và tầm mức ảnh hưởng to lớn của vấn đề da cam như vậy, điều đó khó có thể trọn vẹn nếu như vấn đề chất độc da cam không được xử lý một cách thỏa đáng.
 
Dù những năm qua, Chính phủ Mỹ đã có những gói tài trợ nhằm khắc phục một phần hậu quả chất độc da cam/đi-ô-xin tại Việt Nam, song động thái này cũng chỉ nằm trong khuôn khổ chương trình hỗ trợ nhân đạo.
 
Tổng thư ký Hội Hữu nghị Anh-Việt, Len An-dít khi đến thăm các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam đã đau đớn thốt lên rằng: “Nạn nhân da cam là người đau khổ nhất trong những người đau khổ. Khát vọng tưởng như đơn giản là được làm cha, làm mẹ của những đứa con lành lặn không bao giờ thành hiện thực”.
 
Đó là thực tế hiển hiện ở Việt Nam.
 
Ông Trần Xuân Thu, Phó chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Nạn nhân da cam/đi-ô-xin Việt Nam (VAVA) nói: “Việt Nam chưa nói đủ và chưa nói hết sự nghiêm trọng của những hóa chất Mỹ sử dụng trong chiến tranh. Chưa thể nói hết hậu quả của nó, ảnh hưởng của chất độc hóa học này đến đời con cháu sẽ là đời thứ bao nhiêu?”.
 
Việt Nam ghi nhận số tiền 3 triệu USD mà Tổng thống Ô-ba-ma vừa ký thành luật dành để giải quyết vấn đề da cam/đi-ô-xin ở Việt Nam. Tuy nhiên, đây chỉ là con số nhỏ nhoi so với những gì cần thiết để khắc phục hậu quả chất độc ở Việt Nam.
 
Ông Thu đã từng hài hước làm phép tính, chia khoản 3 triệu USD này ra, thì tính trung bình mỗi nạn nhân da cam/đi-ô-xin Việt Nam chỉ được hưởng 1USD, một mức quá khiêm tốn. Sự hài hước của ông Thu để thấy lương tâm và trách nhiệm, hành động không thể nửa vời, không thể tượng trưng.
 
“Một luật sư Mỹ mà tôi chưa tiện nêu tên nói với tôi, Mỹ cần phải đền bù cho Việt Nam 1.000 tỉ USD”, ông Thu nói./.
 
Nghị sĩ Pha-lê-ô-ma-vê-ga đã nói: "Da cam là vấn đề nhân đạo". Trong tầng nấc ý nghĩa đó, có thể hiểu, thừa nhận sự tồn tại đau đớn của hàng triệu nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin trong cuộc sống này chính là sự nhân đạo. Nhân đạo có nghĩa không thể bỏ quên sự tồn tại đau đớn của họ, bằng cả lương tâm và trách nhiệm, hành động nghiêm túc. Tại sao Mỹ không thể làm nhiều hơn cho người dân Việt Nam?
Mỹ vẫn tự hào là một quốc gia được xây dựng trên nền tảng dân chủ và sự thật, thì không có lý do gì ngăn cản Mỹ nhận trách nhiệm về sai lầm và những hệ quả nghiêm trọng của chất độc da cam mà Mỹ sử dụng ở Việt Nam.
 
Theo: QĐND

.