1% tổng chi ngân sách cho sự nghiệp bảo vệ môi trường:Sử dụng như thế nào cho hiệu quả?

09:07, 14/07/2009
.
(QNg) - Từ năm 2006 đến nay, tỉnh đã bố trí 1% tổng chi ngân sách hàng năm cho sự nghiệp bảo vệ môi trường, điều này thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh đối với nhiệm vụ bảo vệ môi trường thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Tuy nhiên, sử dụng khoản kinh phí này sao cho hiệu quả mới là điều đáng bàn!

Từ khi HĐND tỉnh thông qua việc chi 1% tổng chi ngân sách hàng năm cho sự nghiệp bảo vệ môi trường thì trong 3 năm (2006-2008), tổng kinh phí của tỉnh đã chi trên 38,6 tỷ đồng, trong đó chi cho các sở, ngành cấp tỉnh trên 19,2 tỷ đồng và cấp huyện, thành phố gần 19,4 tỷ đồng. Tổng kinh phí đã thực hiện trong 3 năm là trên 31,1 tỷ đồng (đạt 80,65% kế hoạch được giao), trong đó cấp tỉnh thực hiện đạt 70,17% và cấp huyện, thành phố thực hiện đạt trên 91%.

Những chuyển biến đáng mừng!
Theo đánh giá của Sở TN&MT, hầu hết số kinh phí được giao các địa phương sử dụng vào việc mua sắm tài sản phục vụ công tác quản lý, bảo vệ môi trường và xây dựng các bãi xử lý rác. Cụ thể, ở cấp tỉnh đã hỗ trợ kinh phí xây dựng hệ thống nước thải tập trung tại KCN Quảng Phú; xử lý chất độc tồn đọng sau chiến tranh; hỗ trợ thu gom, xử lý rác thải cho Công ty TNHH MTV Môi trường&Đô thị và BQL các KCN; quy hoạch bãi xử lý rác… Ở cấp huyện, đã hỗ trợ kinh phí bảo vệ môi trường ven biển, xử lý chất thải rắn ở khu dân cư, nơi công cộng, hỗ trợ mua sắm thùng rác, xe vận chuyển, thu gom xử lý chất thải; hỗ trợ xử lý các điểm ô nhiễm môi trường (ONMT); hỗ trợ xây dựng khu xử lý tập trung…

Ông Võ Xuân Tân- Phó Giám đốc Sở TN&MT cho biết: đến nay tình hình thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải ở các địa phương đã có nhiều chuyển biến tích cực, các thiết bị, phương tiện thu gom vận chuyển được mua sắm đã đưa vào sử dụng có hiệu quả. Cụ thể, ở huyện Bình Sơn, sau một thời gian tổ chức đội thu gom chất thải nhưng không đạt hiệu quả, việc sử dụng trang thiết bị không đạt yêu cầu, UBND huyện đã phối hợp với Công ty CP Cơ, Điện và Môi trường Lilama thực hiện công tác thu gom chất thải rắn sinh hoạt cho thị trấn Châu Ổ. Các hộ đăng ký thu gom đạt 70%, hiệu quả thu gom đạt 100% (1.960 hộ). Hiện nay trang thiết bị đã đầu tư được sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả.

Ở TPQN, công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải do Công ty TNHH MTV Môi trường&Đô thị thực hiện, hiệu quả thu gom đạt 75-80% lượng chất thải, trang thiết bị sử dụng tốt. Còn ở huyện Sơn Tịnh, Công ty CP Điện và Môi trường được giao thực hiện thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải trên địa bàn thị trấn Sơn Tịnh và Tịnh Châu (hiệu quả thu gom đạt 100%). Huyện Mộ Đức thì giao cho Hạt quản lý và sửa chữa đường bộ thực hiện thu gom, với trên 4.000 hộ đăng ký… ngoài ra các địa phương khác đã thành lập đội vệ sinh và tổ chức thu gom, bước đầu đã hình thành thói quen thu gom và xử lý rác thải, vệ sinh môi trường cho cộng đồng…

 Còn lắm điều tồn tại…
Thùng rác bị "đắp chiếu"  tại nhà để xe của UBND xã Tịnh Ấn Tây.
Thùng rác bị "đắp chiếu" tại nhà để xe của UBND xã Tịnh Ấn Tây.
Đó là chuyện một số địa phương vẫn còn lúng túng, chưa ổn định được khâu tổ chức thu gom rác, nên những phương tiện sau khi được mua sắm đã không đưa vào sử dụng; nơi đã đưa vào sử dụng thì hiệu quả mang lại chưa cao. Đặc biệt có một số địa phương sau khi được trang bị thiết bị thu gom, vận chuyển rác đã cho "đắp chiếu" nằm một chỗ, như ở xã Bình Châu (Bình Sơn), trong khi rác thải khu vực chợ và cầu Tân Đức vô bờ bến, thì những thùng, xe đẩy rác lại bị "xếp xó" nằm một chỗ tại trụ sở UBND xã. Ở xã Nghĩa An (Tư Nghĩa) và một số xã ven biển khác cũng tương tự. Không những ở miền biển, mà ở khu vực đồng bằng, như xã Tịnh Ấn Tây (Sơn Tịnh), xe đẩy rác cũng cho "nằm vùi" trong nhà để xe của UBND xã, trong khi đó cách địa phương này chỉ chừng mấy trăm mét là thị trấn Sơn Tịnh lại rất cần những thiết bị này?

Bên cạnh những địa phương sử dụng đúng mục đích và phát huy tốt nguồn kinh phí cho sự nghiệp bảo vệ môi trường, tổ chức tốt việc thu gom rác thải, thì vẫn còn nhiều nơi chưa làm tốt. Nhiều địa phương thành lập được đội thu gom, nhưng hiệu quả chỉ đạt từ 20-40%. Đặc biệt như ở xã Tịnh Bắc (Sơn Tịnh), thay vì ký hợp đồng với Công ty CP Điện và Môi trường Sơn Tịnh thu gom, xử lý rác thải, thì BQL chợ Tịnh Bắc "tự giải quyết" nên xảy ra tình trạng rác thải được đốt giữa KDC, gây ô nhiễm môi trường và bức xúc trong nhân dân. Mặt khác, dù đã bỏ ra khá nhiều tiền cho công tác tuyên truyền, nhưng ý thức người dân trong vấn đề bảo vệ môi trường vẫn còn thấp. Tình trạng người dân vứt rác và xác gia súc, gia cầm chết bừa bãi không đúng nơi quy định gây ô nhiễm môi trường vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi. Các điểm tập kết, trung chuyển rác được quy hoạch chưa hợp lý nên việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn chưa phát huy hiệu quả.

Về góc độ quản lý Nhà nước, mặc dù quy định của Trung ương là ngành xây dựng phải có trách nhiệm quản lý về "… xử lý nước thải, chiếu sáng, công viên cây xanh, nghĩa trang, rác thải trong đô thị…". Nhưng lâu nay chẳng thấy ngành xây dựng của tỉnh thực hiện chức năng, nhiệm vụ này? Mới đây Bộ Xây dựng tiếp tục có Văn bản số 260/BXD-HTKT đôn đốc Sở Xây dựng các tỉnh thực hiện, nhưng không biết bao giờ ngành xây dựng Quảng Ngãi mới thực hiện? Tất cả những tồn tại nêu trên nếu được tháo gỡ, giải quyết thì khoản kinh phí 1% tổng chi ngân sách hàng năm cho sự nghiệp bảo vệ môi trường sẽ được phát huy.

Ông Nguyễn Quốc Tân- Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Quảng Ngãi:
Từ khi thực hiện việc chi 1% tổng chi ngân sách cho sự nghiệp môi trường đến nay, những điểm nóng, bức xúc về môi trường đã cơ bản được giải quyết. Đối với vấn đề thu gom rác thải, lúc đầu các địa phương lúng túng trong mô hình thu gom rác thải, sử dụng chưa hợp lý thiết bị thu gom… Nhưng đến nay "bài toán" xử lý môi trường bước đầu đã đi vào nền nếp.  Theo tôi, để làm tốt hơn nữa nhiệm vụ xử lý môi trường, cũng như sử dụng hiệu quả vốn sự nghiệp bảo vệ môi trường, các huyện phải xây dựng kế hoạch bảo vệ môi trường ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Trong đó phải có kế hoạch vốn cụ thể Trung ương cần hỗ trợ bao nhiêu, địa phương bỏ ra bao nhiêu và huy động các nguồn..., đồng thời phải đề ra lộ trình xử lý cụ thể. Có vậy mới giải quyết được bài toán môi trường, mới tạo đà phát triển bền vững. Một điều nữa là cần thống nhất nguyên tắc: "người gây ô nhiễm phải trả tiền", nên phải dùng nội lực là chính; kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường tỉnh phân bổ về cho các huyện chỉ là hỗ trợ. Phải xã hội hoá công tác thu gom rác thải, trong đó có thể lấy mô hình thu gom, xử lý rác thải của Công ty CP Cơ- Điện và Môi trường Lilama đang thực hiện ở Bình Sơn làm điểm.

Ông Lê Thanh Tùng- Trưởng Phòng TNMT huyện Mộ Đức:
Ở Mộ Đức từ năm 2006 trở về trước chỉ có 4 xã tổ chức thu gom, xử lý rác thải với 1.284 hộ đăng ký, khối lượng thu gom bình quân 2.200m3/năm. Đầu năm 2007, UBND huyện giao nhiệm vụ thu gom, xử lý rác thải cho Hạt quản lý và sửa chữa đường bộ (QL&SCĐB) huyện thực hiện (với phương tiện gồm có 1 xe ép rác và 1 xe tải, đồng thời huyện còn cấp 70 thùng rác đặt tại các cơ quan, đơn vị trường học)… Hiện nay Hạt QL&SCĐB huyện đã thu gom được 10/13 xã (trừ 3 xã: Đức Phú, Đức Hoà và Đức Hiệp). Khối lượng thu gom hàng năm đạt 8.400m3/năm, với số hộ đăng ký tăng lên 4.059 hộ. Tổng kinh phí sự nghiệp môi trường có mục tiêu được tỉnh cấp cho huyện từ năm 2006 đến nay là 2,535 tỷ đồng. Ngoài ra huyện còn trích ngân sách từ 240-270 triệu đồng/năm để hỗ trợ thu gom xử lý rác thải, bảo vệ môi trường ở huyện. Để xử lý tốt vấn đề môi trường, chúng tôi cần hỗ trợ đầu tư thêm xe chở rác, thùng rác; đồng thời nên phân công nhiệm vụ rõ ràng cho cán bộ cấp xã phụ trách lĩnh vực môi trường.

Ông Nguyễn Hà Thanh- Chủ tịch UBND xã Bình Hiệp:
Mỗi năm Bình Hiệp được phân bổ 7,2 triệu đồng chi cho sự nghiệp bảo vệ môi trường, trong đó phải tiết kiệm chi 10%, còn lại khoảng 6,6 triệu đồng. Số tiền này địa phương sử dụng để huy động và trả công thu gom, xử lý rác thải tại chỗ. Do kinh phí cấp có hạn, địa phương thì còn khó khăn nên hằng năm chúng tôi chỉ tập trung xử lý chất thải vào các ngày lễ còn ngày thường thì thôi. Chúng tôi cũng chưa được đầu tư thiết bị thu gom, xử lý rác thải nên việc xử lý môi trường gặp rất nhiều khó khăn. Hiện nay, Hội CCB xã đã đứng ra chịu trách nhiệm thu gom, vận chuyển và tập kết xử lý rác thải, nhưng chưa có phương tiện và kinh phí nên đành chịu. Cái khó nữa là chưa có bãi xử lý rác tập trung, chúng tôi dự kiến làm chỗ nào cũng bị dân nơi ấy phản ứng nên chưa quy hoạch được bãi xử lý rác. Ngoài ra nhận thức bảo vệ môi trường của một bộ phận nhân dân chưa cao cũng ảnh hưởng đến sự nghiệp bảo vệ môi trường địa phương. Những cái khó này rất cần sự quan tâm giúp đỡ của các ngành, các cấp.

Anh Bùi Ngọc Tài - cán bộ Công ty CP Điện và Môi trường Sơn Tịnh:
Công ty tiếp nhận việc xử lý môi trường từ đầu tháng 7/2008, được huyện cấp cho một xe ép rác chuyên dùng và một bãi xử lý rác thải tại Đồng Nà (giáp ranh giữa 3 xã Tịnh Phong, Tịnh Thiện và Tịnh Châu). Tuy nhiên, hiện nay chúng tôi chỉ mới thu gom, xử lý rác ở khu vực thị trấn Sơn Tịnh, với 1.285 hộ đăng ký (mỗi hộ đóng 6.000 đồng/tháng) và chợ Tịnh Châu. Việc thu gom, vận chuyển rác thải chúng tôi thực hiện rất bài bản. Nhưng cái khó là đơn vị hợp đồng (UBND thị trấn Sơn Tịnh) thanh toán cho công ty quá chậm! Đến thời điểm này UBND thị trấn Sơn Tịnh còn nợ chúng tôi 3 quý (9 tháng), với số tiền trên 100 triệu đồng, trong khi đó công ty lại không có vốn lưu động nên gặp rất nhiều khó khăn, không đủ tiền để trả cho công nhân, tiền xăng dầu… Mặt khác, tuy huyện đã chỉ đạo nhiều lần, nhưng một số địa phương không chịu hợp tác với công ty để xử lý rác thải, cụ thể như Tịnh Ấn Tây, Tịnh An, Tịnh Bắc… Một cái khó nữa là nhu cầu vận chuyển rác hiện nay ngày càng nhiều (ban đầu chỉ 12 xe/tuần, nay đã tăng lên 15-16 xe/tuần), nhưng chúng tôi hiện chỉ có 1 xe ép rác nên không đủ. đề nghị cơ quan chủ quản sớm thanh toán tiền nợ cho công ty, đồng thời trang bị thêm xe tải chở rác để đáp ứng nhu cầu thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải ở địa phương.

PHẠM DANH

.