Vì sao loại hình HTX khó vay vốn ưu đãi?

02:06, 17/06/2009
.
Việc triển khai Quyết định 14 và 60 của Chính phủ về bảo lãnh tín dụng cho DN và HTX vay vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh, giúp các thành phần kinh tế này vượt qua khó khăn do khủng hoảng kinh tế... Ở tỉnh ta đến nay chưa có HTX nào tiếp cận được nguồn vốn này.

 

 

Đông đảo khách hàng đến quan hệ vay vốn hỗ trợ lãi suất ở chi nhánh Ngân hàng Công thương tỉnh.
Đông đảo khách hàng đến quan hệ vay vốn hỗ trợ lãi suất ở chi nhánh Ngân hàng Công thương tỉnh.

Không có tài sản thế chấp thì... chịu!

Theo Liên minh HTX tỉnh thì phương châm hoạt động của HTX chủ yếu là giúp đỡ xã viên trong sản xuất và đời sống như: Hỗ trợ nhau làm đất, tưới nước, giống cây trồng, vật nuôi, tiếp thu và ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, nhằm xóa đói giảm nghèo, không ngừng nâng cao thu nhập cho người dân... Song thực tế hiện nay hầu hết các HTX đều thiếu vốn hoạt động và đa số HTX đều có nhu cầu vay vốn tín dụng để làm dịch vụ, sản xuất, kinh doanh.

 

Trong đó các HTX dịch vụ thương mại, sản xuất CN - TTCN, giao thông vận tải... có nhu cầu vay vốn cao nhất. Nhưng đến nay không có HTX nào vay được vốn tín dụng ngân hàng (NH), chứ chưa nói đến vay vốn hỗ trợ 4% lãi suất của Chính phủ. Nguyên nhân khiến HTX không vay được vốn NH là do các quy định, thủ tục còn phức tạp như: Yêu cầu phải có tài sản thế chấp đảm bảo trong khi HTX còn chưa được cấp sổ đỏ, vốn để triển khai dự án kinh doanh chưa đạt yêu cầu, quy mô sản xuất nhỏ lẻ... 

 

Bà Huỳnh Thanh Dung - Chủ nhiệm HTX Thêu ren nghệ thuật Trường Xuân bức xúc nói: Chúng tôi có nhu cầu vay 300 triệu đồng để mua máy thêu vi tính, nhằm tạo việc làm và thu nhập cho xã viên... Nhưng khi đơn vị đến NH nào họ cũng từ chối, với lý do HTX không có tài sản thế chấp đảm bảo, hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX quá nhỏ lẻ...

 

 

HTX thêu nghệ thuật Trường Xuân rất cần vốn vay ưu đãi để đầu tư máy móc.
HTX thêu nghệ thuật Trường Xuân rất cần vốn vay ưu đãi để đầu tư máy móc.

 

Còn nợ nên không được vay mới

Vì không có tài sản thế chấp đảm bảo đã gây khó khăn cho các HTX khi vay vốn, thậm chí có HTX phải vận động xã viên thế chấp chính tài sản của mình để lấy vốn cho HTX hoạt động. Bên cạnh đó nhiều chính sách do Chính phủ đề ra, nhưng do chưa được hướng dẫn thi hành, cũng làm hạn chế các tổ chức kinh tế tập thể tiếp cận nguồn vốn NH. 

 

Theo Liên minh HTX, hiện nay trên địa bàn tỉnh ta hầu hết các HTX chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, vốn góp của xã viên được phân bổ từ vốn, quỹ HTX cũ chuyển sang mang tính hình thức, tài sản trong HTX chưa rõ ràng về sở hữu, nên các NHTM rất khó thực hiện cơ chế bảo đảm tiền vay để tiến hành cho vay. Đã vậy HTX còn nhiều khoản nợ cũ như: Nợ thủy lợi phí và thủy nông nội đồng, hoặc nợ từ cơ chế HTX cũ chuyển sang nhưng chưa được xóa nợ...

 

Mặt khác, theo tiêu chí phân loại khách hàng để áp dụng cơ chế tín dụng của các NHTM Nhà nước thì, trình độ quản lý, trình độ văn hóa của người vay là một trong những tiêu chí quan trọng, để các NHTM cho vay... Và thực tế thì trình độ nhận thức của cả đội ngũ lãnh đạo HTX lẫn xã viên còn yếu kém cũng là một rào cản lớn trong mối quan hệ tín dụng nên NH rất khó cho vay.

 

Điều kiện vay quá chặt

Bà Nguyễn Thị Kiều Liên - Phó Chủ nhiệm HTX may mặc thương binh 27/7 cho biết: Khi nghe Chính phủ hỗ trợ 4% lãi suất, chúng tôi làm hồ sơ vay 20 triệu đồng ở NH Công thương, để mua máy móc về sản xuất. Nhưng ngân hàng yêu cầu phải có sổ đỏ, mình bổ sung sổ đỏ họ hẹn sẽ xuống khảo sát tình hình, rồi cho vay, nhưng chờ mãi chẳng thấy đâu. Nếu NH không cho vay theo hỗ trợ, thì cũng nên cho HTX vay theo hình thức tín dụng bình thường, để đầu tư sản xuất. Chứ để HTX mất nhiều thời gian đi lại làm hồ sơ cực nhọc, đến khi hồ sơ đầy đủ theo yêu cầu thì lơ đi thì quả là không công bằng.

 

Ở một số HTX vận tải có tài sản tín chấp là những chiếc xe vận tải, xe chở khách... vẫn còn giá trị cao, nhưng cũng không được NH cho vay. Ông Lê Sỹ Thạnh - Chủ nhiệm HTX vận tải Thống Nhất bức xúc: Xe của HTX đa số là đời 92, 93, nhưng khi đem đi tín chấp vay vốn, thì NH không cho vay, với lý do thời gian khấu hao còn ít. Và điều bất công là, cũng dòng xe này nếu cá nhân đem đi thế chấp, thì được NH cho vay, trong khi HTX thì không được vay.

 

Theo lãnh đạo một số NHTM thì, về nguyên tắc tổ chức tín dụng khi cho vay phải tính toán để thu hồi được vốn và phải có lãi, để trang trải chi phí hoạt động. Chính thể chế tín dụng theo phương pháp như vậy khiến cả hai phía (tổ chức tín dụng và HTX) đều khó thực hiện. Bản thân NH muốn cho vay, nhưng HTX không vay được. Ngược lại HTX lại không có tài sản thế chấp, nên cũng không vay được vốn. Đây là một bài toán khó, đòi hỏi Chính phủ và các bộ, ngành cần có cơ chế riêng để lĩnh vực kinh tế HTX tiếp cận nguồn vốn kích cầu của Chính phủ.

Bài, ảnh: Bá Sơn

 

*Ông Đỗ Tấn Tự - Chủ tịch Liên minh HTX Quảng Ngãi: Không chỉ bây giờ nguồn vốn từ gói kích cầu của Chính phủ không đến được với những HTX có nhu cầu vay vốn, mà trước kia các NH cũng không mặn mà với việc cho HTX vay vốn. Ngày trước nhiều HTX mất thời gian đi lại làm hồ sơ, nhưng không được vay vốn, trở nên chán nản. Nay Chính phủ có gói kích cầu, nhưng họ biết có làm hồ sơ thì cũng khó mà được vay. Nguyên nhân mà các NH đưa ra là các HTX không có tài sản thế chấp đảm bảo, không có phương án sản xuất, kinh doanh khả thi, quy mô hoạt động sản xuất nhỏ lẻ... Chính vì vậy, gói kích cầu hỗ trợ lãi suất của Chính phủ chưa thể đến được các HTX. Nói đúng hơn là các HTX vẫn đứng ngoài cuộc, bởi cơ chế cho vay của các NH là quá chặt đối với HTX.

 

  *Ông Bùi Tá Chánh - Giám đốc Ngân hàng NN & PTNT Sơn Tịnh: Với chúng tôi, các HTX luôn được tạo mọi điều kiện cho vay vốn. Nói cách khác là chúng tôi không từ chối bất kỳ thành phần kinh tế nào khi đến quan hệ vay vốn, nếu họ đáp ứng đủ các tiêu chí cho vay như: Có tài sản thế chấp đảm bảo, mua vật tư nông nghiệp phải có chứng từ hóa đơn mua hàng, có bảng kê... Riêng với HTX dịch vụ nông nghiệp Thọ Trung có nhu cầu vay 200 triệu đồng để sản xuất, kinh doanh và qua xem xét các điều kiện, chúng tôi thấy họ đáp ứng đủ. Duy chỉ có điều là chúng tôi cần HTX xác nhận là Ban chủ nhiệm cũ (từ trước năm 1994) có nợ chi nhánh 6 triệu đồng, để chúng tôi tiến hành các thủ tục xóa nợ. Tuy nhiên HTX không thực hiện, nên chúng tôi đành phải từ chối cho vay. Bởi vì theo nguyên tắc tài chính, HTX còn nợ cũ thì không được cho vay mới...

 

*Bà Trần Thị Mỹ Hạnh - Phó phòng khách hàng DN - Chi nhánh NH Công thương Quảng Ngãi: HTX là đối tượng được NH ưu tiên cho vay vốn để hoạt động sản xuất, kinh doanh, nếu đáp ứng các điều kiện của NH như có tài sản thế chấp đảm bảo, có phương án sản xuất, kinh doanh khả thi... Tuy nhiên, hầu hết các HTX trên địa bàn tỉnh không đáp ứng các yêu cầu này. Ngay như việc HTX vận tải Thống Nhất lấy những chiếc xe đời 92, 93 để thế chấp thì chúng tôi từ chối cho vay là do những chiếc xe này không đảm bảo với số tiền cho vay, xe quá cũ, thời gian khấu hao còn rất ít. Tuy nhiên nếu HTX đem thế chấp thêm tài sản đảm bảo khác đi kèm như sổ đỏ, sổ hồng hoặc những chiếc xe đời mới... thì chúng tôi sẽ giải ngân cho HTX vay ngay.

 

*Anh Trần Chí Hiếu - Chủ nhiệm HTX thương mại & Dịch vụ tổng hợp Hiệp Lực: Vay vốn NH là một bài toán khó, bởi các NH đưa ra những điều kiện quá ngặt (phải có tài sản đảm bảo là sổ đỏ, sổ hồng...) mà những tài sản này thì hầu như không có HTX nào được cấp. Ngay ở HTX chúng tôi xã viên tự bỏ tiền ra mua đất của tư nhân (người dân) hợp pháp để kinh doanh, nhưng cũng không được các cấp chính quyền cấp sổ đỏ thì làm gì có tài sản để thế chấp. Năm 2008 để có xe tải hoạt động, chúng tôi phải huy động xã viên đóng góp tiền mua xe. Nay chúng tôi có nhu cầu vay vốn hỗ trợ lãi suất, nhưng nghĩ đến chặng đường làm hồ sơ kèm theo những điều kiện về tài sản thế chấp đảm bảo, mà thấy... “ớn”, nên không đi vay nữa.

 

 


.