Tăng cường cán bộ về cơ sở: Việc làm cần thiết

10:05, 08/05/2009
.

A 3.jpg

Theo số liệu thống kê của Bộ Nội vụ, cả nước hiện có 200.000 cán bộ xã, phường, thị trấn hưởng lương, trong đó trình độ tiểu học chiếm 2,93%; THCS 21,4%; cao đẳng, đại học 9,04%. Từ thực tế trên việc Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh xây dựng Dự án thí điểm đưa 1.000 thanh niên được đào tạo bài bản về tập sự làm cán bộ xã, phường, thị trấn, được rất nhiều người quan tâm. Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành chính sách luân chuyển, tăng cường cán bộ chủ chốt và chính sách ưu đãi, khuyến khích thu hút trí thức trẻ, cán bộ chuyên môn kỹ thuật về tham gia công tác tại các xã thuộc 61 huyện nghèo.

 

Theo đó, các CBCC ở cơ quan cấp tỉnh, huyện có tuổi đời không quá 40, đủ sức khỏe, phẩm chất đạo đức tốt, có kinh nghiệm về chuyên môn, nghiệp vụ sẽ đảm nhận các chức danh lãnh đạo chủ chốt để tổ chức triển khai thực hiện cơ chế, chính sách ở các xã thuộc 61 huyện nghèo. Thời hạn luân chuyển, tăng cường từ 3 - 5 năm. CBCC khi luân chuyển, tăng cường sẽ được giữ nguyên lương, phụ cấp chức vụ và biên chế ở cơ quan cử đi; trợ cấp thêm hàng tháng bằng 70% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung... Trong thời gian luân chuyển mà hoàn thành nhiệm vụ thì CBCC được xét dự thi nâng ngạch, nâng lương trước thời hạn 12 tháng và được ưu tiên xem xét bổ nhiệm vào chức danh lãnh đạo thích hợp khi cơ quan có nhu cầu.

 

Đây có thể coi là quyết tâm lớn của Chính phủ và các bộ ngành có liên quan, nhằm tạo ra bước đột phá cho công tác cán bộ ở cơ sở trong những năm đến. Hệ thống hành chính của chúng ta hiện được thiết kế bốn cấp: Trung ương, tỉnh, huyện và xã. Xã là cấp cơ sở, cấp gần dân nhất, hiểu dân nhất nên được phân cấp giải quyết những việc bức xúc hàng ngày đối với đời sống của dân. Vì thế cán bộ cơ sở được coi là một nhân tố quan trọng trong công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

 

Nếu ta chỉ quan tâm đến đội ngũ cán bộ, công chức ở trung ương, tỉnh, huyện mà không quan tâm đến việc đào tạo, bồi dưỡng, giáo dục đạo đức, phẩm chất, chăm lo chế độ, chính sách cho đội ngũ cán bộ cơ sở thì sẽ khó có một chính quyền trong sạch, vững mạnh. Chính quyền cấp trên dù có tài giỏi đến đâu cũng không thể làm thay và lấp chỗ trống hụt hẫng này.

Do vậy, chủ trương tăng cường cán bộ cho cấp cơ sở là vấn đề hết sức cần thiết. Nếu chủ trương này được quán triệt và thực hiện có hiệu quả sẽ có tác động cộng hưởng, để cùng với các đề án phát triển KT-XH khác, giúp cho nhiều địa phương, đặc biệt là các xã nghèo, đặc biệt khó khăn xóa bỏ dần được khoảng cách về nhận thức, kinh tế.

 

Và điều quan trọng nhất là từng bước tạo dựng được một bộ máy cán bộ quản lý hành chính đủ tầm ở cấp cơ sở, đủ sức đảm đương nhiệm vụ ngày càng nặng nề.
Hoàng Lư

.