Cách ăn chuối tốt nhất cho người bệnh đái tháo đường

12:11, 26/11/2022
.
Đối với hầu hết người bệnh đái tháo đường, trái cây là lựa chọn an toàn và lành mạnh. Tuy nhiên, chuối lại chứa khá nhiều đường và carbs. Vậy chuối có thực sự tốt cho người bệnh đái tháo đường không?
 
 
1. Trái cây là thực phẩm an toàn đối với người bệnh đái tháo đường
 
Trái cây là một phần quan trọng của chế độ ăn uống lành mạnh và là nguồn cung cấp nhiều chất dinh dưỡng quan trọng cho cơ thể. Trái cây rất giàu vitamin, khoáng chất cần thiết cho cơ thể như: vitamin A, C, D, E, K, kali, kẽm, magiê, sắt, folic…
 
Trái cây cũng chứa nhiều chất xơ và chất chống oxy hóa. Các chất chống oxy hóa và các hợp chất thực vật có nhiều trong các loại trái cây giàu vitamin A, C, E, beta-carotene, lycopene và selen giúp bảo vệ cơ thể khỏi các gốc tự do gây hại, có thể hỗ trợ ngăn ngừa nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, đột quỵ, đái tháo đường và ung thư.
 
Chuối giàu chất xơ tốt cho người bệnh đái tháo đường.
Chuối giàu chất xơ tốt cho người bệnh đái tháo đường.
Chất xơ trong trái cây giúp cải thiện khả năng tiêu hóa. Khi ăn chất xơ, cơ thể bạn mất nhiều thời gian hơn để phân hủy thức ăn. Điều này giúp bạn duy trì lượng đường trong máu ổn định hơn. Do đó chất xơ đặc biệt tốt đối với những người mắc bệnh đái tháo đường.
 
Chuối là loại trái cây giàu chất xơ lành mạnh (khoảng 3g chất xơ trong một quả chuối cỡ trung bình). Chuối cũng rất giàu kali, vitamin B6, vitamin C và chất chống oxy hóa.
 
Thành phần dinh dưỡng trong 100g chuối bao gồm: 89 calo, 75% nước, 1.1g protein, 22.8g carbohydrate, 12.2g đường, 2.6g chất xơ, 0.3g chất béo.
 
Chuối là nguồn carbohydrate phong phú. Nó chủ yếu xuất hiện dưới dạng tinh bột trong chuối chưa chín và đường trong chuối đã chín. Trong quá trình chuối chín thì các thành phần carbohydrate sẽ thay đổi mạnh.
 
Theo nghiên cứu, độ chín có ảnh hưởng đến lượng tinh bột có trong quả chuối. Chuối chưa chín chứa lượng tinh bột nhiều hơn 12 lần so với chuối chín.
 
Chuối xanh có chứa nhiều tinh bột kháng, là chất có cấu trúc giống tinh bột nhưng không thể tiêu hóa ở ruột non bởi men tuỵ. Nó sẽ đi xuống và được tiêu hóa ở ruột già nhờ hệ vi khuẩn ở đây và hoạt động giống như chất xơ không hòa tan, tốt cho sức khỏe đường ruột. Tinh bột kháng cũng giúp giảm lượng đường trong máu.
 
2. Người bệnh đái tháo đường nên ăn chuối như thế nào?
 
Theo ThS.BS Nguyễn Thu Yên, chuyên khoa Nội tiết, Bệnh viện đa khoa Đức Giang, đối với hầu hết những người mắc bệnh đái tháo đường, trái cây là lựa chọn an toàn và lành mạnh.
 
Chuối là một loại quả rất giàu dinh dưỡng, được khuyến cáo nên sử dụng trong các bữa ăn hàng ngày.
 
Nhưng chuối lại chứa khá nhiều đường và carbs. Tuy nhiên, nếu biết ăn đúng cách, đúng lượng, người bệnh đái tháo đường hoàn toàn có thể ăn chuối mà không lo tăng đường huyết.
 
Chỉ số đường huyết (GI) của chuối là từ 42 - 62, nằm ở mức thấp hoặc trung bình tùy theo độ chín của chuối. Chuối vàng hoặc chín chứa ít tinh bột kháng và nhiều đường, tinh bột hơn chuối xanh, đồng nghĩa với việc chỉ số GI cao hơn, khiến lượng đường trong máu tăng nhanh hơn.
 
Vì vậy chuối xanh rất tốt cho người bệnh đái tháo đường vì nó không những không làm tăng đường huyết mà còn có thể cải thiện được khả năng điều hòa lượng đường trong cơ thể người bệnh.
 
Nghiên cứu cho thấy, nguồn tinh bột kháng trong chuối xanh có thể giúp cải thiện độ nhạy insulin. Kháng insulin là một yếu tố nguy cơ chính đối với nhiều bệnh nghiêm trọng trong đó có đái tháo đường type 2.
Cách ăn chuối tốt nhất cho người bệnh đái tháo đường - Ảnh 4.
 
Chuối xanh có chứa nhiều tinh bột kháng có thể cải thiện đường trong máu.
 
3. Nên ăn chuối thế nào là tốt nhất?
 
Theo lời khuyên của BS. Nguyễn Thu Yên, người bệnh đái tháo đường nên chọn chuối xanh, chuối ương hoặc chuối gần chín, không nên ăn chuối chín quá. Mỗi lần chỉ nên ăn 1 quả nhỏ - trung bình hoặc ½ quả lớn, không nên ăn quá nhiều một lúc.
 
- Nên ăn chuối vào bữa ăn phụ, cách xa bữa chính khoảng 2 giờ. Không nên kết hợp chuối với bữa tối hay trong một bữa ăn giàu tinh bột (carbohydrate). Nếu muốn ăn chuối ngay sau bữa cơm bạn cần bớt đi lượng tinh bột khoảng 1/3 bát cơm.
 
- Ăn chuối với các thực phẩm khác: Thêm chuối vào món salad với các loại thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp khác là một cách khéo léo để bổ sung dinh dưỡng từ chuối mà không có nguy cơ làm tăng lượng đường trong máu.
 
Hoặc thưởng thức chuối với các loại hạt hoặc sữa chua, để giúp làm chậm quá trình tiêu hóa và hấp thu đường. Không ăn chuối cùng với các loại bánh kẹo hay nước ngọt.
 
Lưu ý: Người bệnh đái tháo đường nên theo dõi lượng đường trong máu thường xuyên. Trong trường hợp lượng đường cao hơn mức cho phép thì không nên ăn chuối.
 
Trường hợp người bệnh đái tháo đường đã có bệnh thận mạn tính, hoặc đang sử dụng các thuốc lợi tiểu giữ kali thì không nên ăn chuối vì chuối chứa nhiều kali và natri, có thể làm bệnh trở nên trầm trọng hơn.
 
Theo SKĐS
 
 

.