Ứng dụng y học cổ truyền vào phòng và chữa bệnh Covid-19

06:07, 21/07/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Từ các cuộc hội thảo xung quanh việc ứng dụng y học cổ truyền trong phòng ngừa, điều trị bệnh Covid-19, hậu Covid-19 mang lại hiệu quả, Bộ Y tế khuyến nghị các bệnh viện, cơ sở y tế ứng dụng kết hợp Đông và Tây y để điều trị và phòng bệnh Covid-19. 
 
[links()]
 
Năm 2021, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 4539 về việc hướng dẫn tạm thời sử dụng y dược cổ truyền để phòng, chống Covid-19, áp dụng cho tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Tại Quảng Ngãi, mặc dù phương pháp này chưa được triển khai ở các cơ sở y tế, nhưng thực tế từ khi thực hiện chủ trương “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, số bệnh nhân mắc Covid-19 điều trị tại nhà tăng cao. Ngoài chữa bệnh bằng thuốc Tây theo phác đồ của Bộ Y tế, người dân đã sử dụng các loại thuốc Đông y, mang lại hiệu quả rõ rệt.
 
Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh sử dụng thuốc Đông y kết hợp Tây y để điều trị hậu Covid-19 cho bệnh nhân.
Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh sử dụng thuốc Đông y kết hợp Tây y để điều trị hậu Covid-19 cho bệnh nhân.
Bà Nguyễn Thị Xanh, ở tổ 1, phường Nghĩa Chánh (TP.Quảng Ngãi) cho hay, khi mắc Covid-19, ngoài uống thuốc tây, tôi đã sử dụng nước muối, tỏi, cam, sả... uống, xông hằng ngày, nhờ đó tôi nhanh chóng phục hồi sức khỏe, đỡ mệt mỏi hơn. Sau 5 ngày nhiễm bệnh, tôi xét nghiệm lại và âm tính với vi rút SARS-CoV-2.
 
Còn bà Huỳnh Thị Kiều ở thôn Trường An, xã Ba Động (Ba Tơ) chia sẻ, trong đợt dịch Covid-19 bùng phát, xung quanh nhà tôi đều có người mắc Covid-19. Vì thế, mỗi ngày, tôi đều thực hiện nghiêm các biện pháp phòng ngừa và ăn uống đầy đủ chất, uống nước chanh, tỏi, quế, xông sả... nên chưa bị mắc Covid-19.
 
Theo “Hướng dẫn tạm thời sử dụng y dược cổ truyền để phòng, chống dịch Covid-19” của Bộ Y tế, ngoài dùng thuốc, bệnh nhân nên tập thở, tự xoa bóp, xông phòng ở, nơi làm việc với các loại thuốc, tinh dầu có tác dụng phương hương hóa thấp. Nguyên liệu có thể là sả, chanh, bạc hà, húng quế, gừng, tỏi, lá bưởi, kinh giới, tía tô, tràm gió... Bộ Y tế lưu ý không được xông trực tiếp vào người; không xông tinh dầu trong phòng ngủ có trẻ em dưới 30 tháng tuổi, trẻ em có tiền sử co giật do sốt cao, động kinh, người có dị ứng với tinh dầu. Riêng phụ nữ mang thai, trong quá trình điều trị, bác sĩ cần chú ý tới những thay đổi sinh lý khi mang thai. Ngoài ra, người dân cũng có thể lựa chọn sử dụng một số dược liệu, thuốc cổ truyền nhằm bồi bổ chính khí, nâng cao thể trạng như hoài sơn, trần bì, hoàng kỳ, bạch linh, bạch biển đậu, đảng sâm, thái tử sâm, ý dĩ nhân, cam thảo...
 
Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Bùi Tấn Sinh cho biết, mặc dù việc ứng dụng y học cổ truyền trong phòng và điều trị bệnh Covid-19 mang lại hiệu quả, nhưng hiện nay, bệnh viện chưa đủ nhân lực, thiết bị, cơ sở vật chất để hoạt động. Từ khi dịch Covid-19 xảy ra, bệnh viện đã nỗ lực lồng ghép các phương pháp điều trị kết hợp thuốc Đông dược với các phương pháp xoa ấn huyệt, châm cứu, cấy chỉ... Đồng thời, hướng dẫn chế độ ăn uống (thực dưỡng) cùng các phương pháp tập luyện để hỗ trợ điều trị phục hồi cho các bệnh nhân sau khi mắc Covid-19. Tuy nhiên, về lâu dài, nhất là trong bối cảnh biến chủng mới của vi rút SARS-CoV-2 đã lây lan, ngành y tế cần cho chủ trương thành lập khoa, phòng, cơ số thuốc, con người để triển khai ứng dụng y học cổ truyền trong phòng dịch Covid-19.
 
“Hiện nay, bệnh viện đã cử y, bác sĩ vào các bệnh viện, cơ sở y tế ở TP. Hồ Chí Minh tham quan, học hỏi phương pháp ứng dụng y học cổ truyền trong phòng và điều trị bệnh nhân hậu Covid-19. Trên cơ sở này, bệnh viện sẽ báo cáo kết quả, nghiên cứu để trình Sở Y tế cho chủ trương triển khai thực hiện trong thời gian đến”, ông Sinh nói.
 
Bài, ảnh: TRƯỜNG AN
 

.