Mùa nắng nóng, cảnh giác với bệnh truyền nhiễm ở trẻ

06:06, 26/06/2022
.
(Baoquangngai.vn)- Thời tiết đang bước vào giai đoạn nắng nóng nhất trong năm. Đây cũng là thời điểm bùng phát các dịch bệnh truyền nhiễm ở trẻ như: Sốt xuất huyết, viêm não, tay chân miệng... Hiện nay, số trẻ mắc bệnh phải nhập viện ở Quảng Ngãi tăng cao gấp 3 lần so với ngày thường.
[links()]
Nhiều biến chứng khó lường
 
Chị Nguyễn Thị Thanh Diễm, ở xã Đức Nhuận (Mộ Đức) đưa con trai 7 tuổi nhập viện cách đây 5 ngày. Bé bị sốt cao liên tục, đau đầu, đau bụng và có dấu hiệu rối loạn tri giác. Đưa đi cấp cứu thì bé được bác sĩ chẩn đoán bị viêm não Nhật Bản. “Cháu được phát hiện sớm nên được điều trị kịp thời. Tôi chỉ mong cháu không bị di chứng gì nguy hiểm”, chị Diễm chia sẻ.
 
Thời tiết mùa hè là giai đoạn cao điểm dễ bùng phát bệnh viêm não, trong đó có viêm não Nhật Bản. Trong vòng 1 tháng qua, Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh đã tiếp nhận hơn 10 ca viêm não. Bác sĩ Đỗ Thành Duy – Khoa Bệnh nhiệt đới cho biết, viêm não là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính hệ thần kinh trung ương. Có nhiều nguyên nhân gây viêm não, chủ yếu là do vi rút.
Số bệnh nhi bị viêm não đang tăng cao.
Số bệnh nhi bị viêm não đang tăng cao.
Bệnh nhân viêm não Nhật Bản có tỷ lệ tử vong cao, tử vong thường xảy ra trong 7 ngày đầu khi bệnh nhân có hôn mê sâu, co giật và những triệu chứng tổn thương hành não. Những bệnh nhân qua khỏi có thể để lại những di chứng nặng nề mà hay gặp là rối loạn tâm thần, rối loạn vận động.
 
Ngoài viêm não, số bệnh nhi mắc một số bệnh truyền nhiễm nặng phải nhập viện cũng đang tăng cao. Bác sĩ Nguyễn Mậu Thạch – Phó trưởng Khoa Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh) chia sẻ, thời điểm này, số bệnh nhi mắc tay chân miệng phải điều trị nội trú chiếm tỷ lệ đông nhất. Một trong những bệnh có xu hướng tăng trong mùa nắng nóng là tay chân miệng. Bệnh tay chân miệng chưa có vắc xin phòng và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên một số trường hợp ở thể nặng có thể gây biến chứng nguy hiểm như: Viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp, dẫn đến tử vong.
 
“Khi bệnh nhẹ có thể chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên, khi bệnh nhân có biểu hiện khó thở, giật mình và sốt trên 38,5 độ C, không đáp ứng thuốc hạ sốt, sốt kéo dài hơn 48 giờ, cần được đưa đến bệnh viện ngay”, bác sĩ Thạch nói thêm.
Trẻ mắc tay chân miệng chiếm số lượng đông nhất tại Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh.
Trẻ mắc tay chân miệng chiếm số lượng đông nhất tại Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh.
Cùng với tay chân miệng, bệnh sốt xuất huyết cũng là bệnh có nguy cơ bùng phát mạnh vào dịp hè. Từ ngày thứ 4 kể từ khi bệnh khởi sốt là thời điểm nguy hiểm nhất của bệnh. Bệnh nhân sẽ không còn sốt cao nhưng các biến chứng nặng hơn có thể xuất hiện như: Chảy máu nội tạng, tràn dịch màng phổi hoặc màng bụng, xuất huyết tiêu hóa hoặc nghiêm trọng hơn là xuất huyết não.
 
Hiện Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh có gần 70 bệnh nhân nội trú, tăng gấp 3 lần so với ngày thường. Trong đó, có hơn 60% bệnh nhi mắc tay chân miệng và 30% mắc sốt xuất huyết. Số còn lại mắc một số bệnh mùa nóng khác như: Sởi, các bệnh về đường hô hấp, tiêu hóa. Khoa đang trong tình trạng quá tải, nhiều trường hợp phải nằm ghép 2-3 bé/giường hoặc kê thêm giường xếp, võng.
 
Không chủ quan với dịch bệnh mùa nắng nóng
 
Những ngày hè nắng nóng tạo điều kiện cho vi rút, vi khuẩn, nấm mốc gây bệnh phát triển. Để phòng bệnh, biện pháp tốt nhất là tăng cường sức khỏe cho trẻ. Với bệnh viêm não Nhật Bản, cần cho trẻ đi tiêm chủng. Việc tiêm được thực hiện 2 lần cách nhau 7 – 14 ngày, sau đó 1 năm nhắc lại mũi thứ 3, cứ mỗi 3-4 năm tiêm nhắc lại.
Bệnh viện đang trong tình trạng quá tải vì số trẻ mắc bệnh truyền nhiễm mùa nắng nóng tăng cao.
Bệnh viện đang trong tình trạng quá tải vì số trẻ mắc bệnh truyền nhiễm mùa nắng nóng tăng cao.
Với các dịch bệnh truyền nhiễm khác, người dân cần triển khai các biện pháp vệ sinh môi trường, chủ động phòng chống dịch bệnh, như diệt muỗi, bọ gậy, ngủ màn, khử khuẩn phòng bệnh tay chân miệng, đặc biệt lưu ý các nhà trẻ, mẫu giáo...
 
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hồ Minh Nên khuyến cáo, mỗi người cần tự trang bị cho mình kiến thức, hiểu rõ các bệnh lý thường xảy ra thời điểm này để chủ động việc phòng ngừa. Với những bệnh đã có vắc xin phòng bệnh thì người dân cần tuân thủ việc tiêm phòng đầy đủ. Bên cạnh đó, khi mắc bệnh phải bảo đảm việc cách ly để phòng lây cho người khác. Dùng các thuốc bác sĩ chỉ định để chữa triệu chứng. Một chế độ ăn đủ dinh dưỡng cũng giúp cơ thể tăng sức đề kháng, phòng chống bệnh.
 
Để phòng bệnh sốt xuất huyết gia tăng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã phối hợp với các địa phương tổ chức chiến dịch diệt bọ gậy, lăng quăng; tổ chức phun hóa chất diện rộng tại các xã, phường trọng điểm; tăng cường xử lý các ổ dịch; đẩy mạnh truyền thông dưới nhiều hình thức về nguyên nhân, triệu chứng cũng như cách phòng, chống bệnh đến người dân.
 
Khi trẻ mắc các bệnh truyền nhiễm, phụ huynh cần hết sức cảnh giác, theo dõi bệnh liên tục và đưa trẻ đi khám, điều trị kịp thời tại các cơ sở y tế khi bệnh chuyển nặng. Qua đó, có thể ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm gây ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ.
 
Bài, ảnh: THANH PHƯƠNG

 


.