Chăm sóc trẻ em mắc Covid-19

10:03, 16/03/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Trong số các ca mắc Covid-19 điều trị tại nhà hiện nay, có khá nhiều trẻ em. Việc trẻ chưa được tiêm vắc xin phòng Covid-19 và khó nhận biết trẻ nhiễm bệnh là những bất lợi khi điều trị cho trẻ. Vì vậy, ngành y tế đang tăng cường hướng dẫn người dân cách nhận biết và điều trị F0 là bệnh nhân nhi tại nhà.
[links()]
 
Gần đây, số lượng bệnh nhân nhi bị ho, sốt, lên cơn co giật đến Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh để được thăm khám, điều trị khá nhiều. Bình quân mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận từ 15 - 20 ca. Anh Đinh Tấn Hiền, ở phường Nghĩa Lộ (TP.Quảng Ngãi) cho biết, 2 ngày qua, con tôi bị ho, sốt hơn 38oC, kèm co giật, nên tôi đã đưa con đến bệnh viện để được bác sĩ tư vấn, điều trị.
 
Bác sĩ Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh khám bệnh cho trẻ có dấu hiệu mắc Covid-19.  Ảnh: TR.AN
Bác sĩ Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh khám bệnh cho trẻ có dấu hiệu mắc Covid-19. Ảnh: TR.AN
Là người tiếp nhận bệnh nhân nhi tại Khoa Khám bệnh, bác sĩ Nguyễn Lê Minh Thạnh - Khoa Nhi nội tổng hợp (Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh) đã khai thác tiền sử của các trẻ qua người thân rất kỹ. Bác sĩ Thạnh chia sẻ, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khi có bệnh nhân nhi đến khám, nhiệm vụ đầu tiên của bác sĩ là quan sát để nhận biết các dấu hiệu của bệnh Covid-19 ở trẻ. Nếu trẻ có biểu hiện ho, sốt, chảy nước mũi, mắt lừ đừ... là phải tìm hiểu trẻ có tiếp xúc với F0, có ai trong nhà bị F0 hay không, rồi tiến hành test nhanh kháng nguyên. Thông qua kết quả khám sàng lọc, test nhanh, nếu phát hiện trẻ dương tính với vi rút SARS-CoV-2, thì tùy theo mức độ nặng, nhẹ, bác sĩ sẽ tư vấn cho người thân nên đưa trẻ đến Bệnh viện Điều trị bệnh nhân Covid-19 tỉnh (cơ sở 2) hay điều trị tại nhà.
 
Trưởng Trạm Y tế lưu động (Trung tâm Y tế TP.Quảng Ngãi) Lê Chí Toàn cho hay, từ khi trẻ trở lại trường học, trung bình mỗi ngày có 40 -  50 cuộc điện thoại nhờ tư vấn cách điều trị Covid-19 tại nhà. Trên thực tế, nhiều trẻ từ 11 tuổi trở xuống chưa được tiêm vắc xin phòng Covid-19, nhưng miễn dịch tốt, nên trẻ mắc Covid-19 chỉ sốt, tiêu chảy và một số dấu hiệu đi kèm, ít có biến chứng nặng và tử vong. Tuy nhiên, nếu người chăm trẻ không theo dõi rất khó nhận biết trẻ mắc Covid-19, khiến trẻ bị sốt cao, co giật, gây những biến chứng khác và lây cho người thân trong gia đình.
 
Theo Phó Giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Trà Thị Thanh Vân, trong quá trình điều trị trẻ mắc Covid-19 tại nhà, đối với trẻ dưới 5 tuổi, người thân phải theo dõi các dấu hiệu như tinh thần, cách bú sữa mẹ hay ăn, đếm nhịp thở, mạch, đo SpO2 (nếu có máy đo), đo thân nhiệt ít nhất 2 lần/ngày, màu sắc da, niêm mạc, rối loạn tiêu hóa. Với trẻ từ 5 tuổi trở lên cần theo dõi thêm các dấu hiệu ăn uống, đau ngực, đau bụng, rối loạn tiêu hóa, mất khứu giác, thính giác. Nếu có những triệu chứng bất thường cần báo nhân viên y tế hoặc đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để khám, chữa bệnh.
 
Sở Y tế đã có văn bản hướng dẫn điều trị F0 tại nhà, trong đó có hướng dẫn chăm sóc tại nhà đối với trẻ em mắc Covid-19. Theo đó, thuốc điều trị tại nhà đối với trẻ em F0, gia đình cần chuẩn bị đầy đủ và tuân thủ tuyệt đối cách sử dụng theo hướng dẫn của bác sĩ. Trong đó, phải có thuốc hạ sốt paracetamol (gói bột hoặc cốm pha hỗn dịch uống hoặc viên hàm lượng 80mg, 100mg, 150mg hoặc 250mg); thuốc cân bằng điện giải Oresol, gói bù nước, chất điện giải khác. Cùng với đó là sử dụng thuốc giảm ho (ưu tiên các thuốc từ thảo mộc); dung dịch nhỏ mũi (loai natriclorua 0,9%), Những loại thuốc này đủ dùng từ 5 - 7 ngày. 
 
Khi cần thiết có thể dùng các thuốc điều trị triệu chứng cho ho (ưu tiên các thuốc từ thảo mộc), ngạt mũi, sổ mũi (bằng dung dịch natriclorua 0,9%), tiêu chảy (dùng men vi sinh, men tiêu hóa). Ngoài ra, các gia đình cần tăng cường dinh dưỡng, ăn uống đủ chất, tăng cường trái cây tươi, rau xanh cho trẻ.
 
TRƯỜNG AN
 
 
 

.