Ngày Tết, trẻ ăn nhiều bánh kẹo đối diện nguy cơ gì?

03:02, 03/02/2022
.
Bánh, mứt, kẹo là những thứ trẻ em không thể thiếu được trong mỗi gia đình vào dịp Tết, vì vậy, bố mẹ cần lưu ý những điểm sau để đảm bảo sức khỏe cho trẻ.
 
BS Nguyễn Thị Kim Anh, Chuyên khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Đa khoa Medlatec nhấn mạnh, bố mẹ lưu ý các loại bánh, mứt kẹo sử dụng phải rõ nguồn gốc, hạn sử dụng vì hiện tại có rất nhiều loại bánh kẹo trên thị trường sản xuất, chế biến không đảm bảo, thậm chí gây ngộ độc khi sử dụng.
 
Để đảm bảo cho sự phát triển của trẻ, dinh dưỡng hàng ngày cần đảm bảo cân đối đủ chất: glucid, lipid, protid, vitamin và chất khoáng.
 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Bánh, mứt, kẹo với thành phần chủ yếu là cacbohydrate, các đường đơn, đường tinh chế (đường hấp thu thẳng vào máu, tiêu thụ ngay), ngoài ra có các phụ gia, phẩm màu để kích thích sự thu hút của trẻ. Việc sử dụng nhiều bánh, mứt, kẹo dẫn đến mất cân đối chất trong ăn uống của trẻ; làm trẻ no và không ăn cơm/ăn cháo trong các bữa ăn; đầy bụng, khó tiêu và các rối loạn tiêu hóa khác.
 
Tiêu thụ quá nhiều đồ ngọt ở trẻ em làm gia tăng nguy cơ về thừa cân béo phì (do lượng đường hấp thu vào nhiều hơn nhu cầu sẽ chuyển thành chất béo dự trữ tại mô mỡ), sâu xa hơn là mắc các bệnh mãn tính không lây, nhất là ở những trẻ hiện đã thừa cân béo phì.
 
Đặc biệt, với trẻ còn nhỏ thì các loại bánh, mứt, kẹo dạng hạt cứng, dạng thạch không phù hợp cho trẻ sử dụng còn có thể là các mối nguy gây ra sặc, hóc, tắc đường thở.
 
Do đó, BS Nguyễn Thị Kim Anh khuyến nghị các bố mẹ cần đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ 3 bữa chính, đủ chất, ăn uống đúng giờ. Không nên cho trẻ ăn bánh, mứt, kẹo trước các bữa ăn, không ăn quá khuya trước khi đi ngủ. Vệ sinh răng miệng để phòng nguy cơ sâu răng cho trẻ cũng là điều bố mẹ cần lưu ý.
 
Ngoài ra, bố mẹ cũng cần biết lượng đường nạp vào cơ thể trẻ tăng trong ngày Tết không chỉ qua đường ăn các loại bánh mứt kẹo mà còn qua cả đường uống như các loại nước ngọt, đặc biệt là nước ngọt có ga.
 
Theo Thanh Hải/VTC.vn
 

.